Đau Cơ
Đau cơ xảy ra do nhiều nguyên nhân, có thể liên quan đến chấn thương, bệnh lý hoặc khởi phát muộn sau khi tập thể dục. Cơn đau có thể nhẹ hoặc dữ dội, ngắn hạn hoặc mãn tính.
Tổng quan
Đau cơ là một dấu hiệu của chấn thương, bệnh lý hoặc một tình trạng sức khỏe khác. Cơn đau cũng có thể xảy ra sau khi tập thể dục, được gọi là đau nhức cơ khởi phát muộn (DOMS).
Hầu như tất cả mọi người đều bị đau nhức cơ bắp ít nhất 1 lần trong năm. Cơn đau có thể chỉ ảnh hưởng đến một vùng nhỏ hoặc toàn bộ cơ thể. Đau cơ có thể xảy ra đột ngột hoặc bắt đầu từ từ và trầm trọng hơn theo thời gian; đau từ nhẹ đến nặng, làm hạn chế phạm vi chuyển động.
Đau cơ thường tồi tệ hơn vào một số thời điểm trong ngày hoặc sau khi hoạt động. Tùy thuộc vào nguyên nhân, đau nhức cơ bắp có thể tự biến mất trong thời gian ngắn (cấp tính) hoặc kéo dài hàng tháng (mãn tính). Đau cũng có thể kèm theo cứng khớp, chuột rút, nóng rát và nhiều biểu hiện khác.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có nhiều nguyên nhân gây đau cơ. Những nguyên nhân phổ biến nhất gồm:
- Căng thẳng, chấn thương nhẹ và hoạt động quá mức
Đây là nguyên nhân gây đau cơ phổ biến nhất. Những người bị căng thẳng, chấn thương nhẹ và hoạt động quá mức có cơn đau thường ảnh hưởng đến một phần nhỏ của cơ thể hoặc chỉ giới hạn ở một vài cơ, chẳng hạn như cơ bắp chân, cơ bắp tay...
- Nhiễm trùng
Nhiễm trùng (chẳng hạn như cúm) có thể gây đau cơ lan khắp cơ thể. Cơn đau đi kèm với tăng thân nhiệt (sốt), mệt mỏi, chán ăn... Tuy nhiên dùng thuốc sẽ giúp các triệu chứng giảm nhanh.
- Hội chứng khoang gắng sức mãn tính
Hội chứng khoang gắng sức mãn tính là một tình trạng tổn thương cơ và dây thần kinh do tập thể dục gắng sức. Tình trạng này gây đau, sưng, tăng nguy cơ tàn tật cơ ở chân hoặc tay.
Bệnh chủ yếu xảy ra ở những vận động viên, đặc biệt là vận động viên trẻ chơi các môn thể thao cần lặp đi lặp lại các động tác. Hội chứng khoang gắng sức mãn tính có thể được điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.
- Viêm não tủy/ hội chứng mệt mỏi mãn tính (ME/CFS)
Đây là một rối loạn phức tạp khiến người bệnh mệt mỏi cực độ kéo dài ít nhất sáu tháng. Các triệu chứng gồm:
-
- Đau cơ hoặc khớp
- Kiệt sức cực độ sau khi tập thể dục
- Chóng mặt trầm trọng hơn khi đứng từ tư thế nằm hoặc ngồi
- Giấc ngủ không sảng khoái
- Đau cơ xơ hóa
Đau cơ xơ hóa được đặc trưng bởi tình trạng đau cơ xương lan rộng kèm theo mệt mỏi, mất ngủ, rối loạn tâm trạng và trí nhớ. Những triệu chứng thường xảy ra sau khi được kích hoạt bởi một chấn thương thể chất, căng thẳng, nhiễm trùng hoặc phẫu thuật.
Đau cơ trong bệnh đau cơ xơ hóa là những cơn đau âm ỉ liên tục kéo dài tối thiểu 3 tháng, đau lan rộng ở cả hai bên cơ cơ thể, phía dưới và phía trên thắt lưng.
Cơn đau kèm theo mệt mỏi (đặc biệt là khi thức dậy vào buổi sáng), giấc ngủ bị gián đoạn, giảm khả năng tập trung và chú ý.
- Loạn trương lực cơ
Rối loạn trương lực cơ là tình trạng cơ co thắt không chủ ý, gây ra những chuyển động xoắn hoặc lặp đi lặp lại. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến một bộ phận của cơ thể (khu trú) hoặc trên 2 bộ phận liền kề (từng đoạn) hoặc tất cả các bộ phận.
Chứng loạn trương lực cơ có thể gây co thắt từ nhẹ đến nặng kèm theo đau đớn và cản trở hoạt động thường ngày. Không có cách điều trị cho bệnh lý này. Tuy nhiên việc dùng thuốc và trị liệu có thể giúp cải thiện nhanh những triệu chứng.
- Đau cách hồi (Claudication)
Đau cách hồi là một tình trạng đau nhức hoặc mỏi cơ do máu lưu thông đến cơ quá ít trong khi tập thể dục. Cơn đau xảy ra ở chân sau khi một người đi bộ với thời gian và tốc độ nhất định.
Trong bệnh đau cách hồi, cơn đau thường không liên tục, đau khi tập thể dục và biến mất khi nghỉ ngơi. Khi bệnh tiến triển, cơn đau có thể xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Bệnh tuyến giáp
Đau cơ có thể là dấu hiệu nhận biết bệnh suy giáp. Bệnh xảy ra khi tuyến giáp hoạt động kém, không sản xuất đủ hormone tuyến giáp. Ít phổ biến hơn, cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) có thể dẫn đến chuột rút cơ bắp.
Nồng độ hormone tuyến giáp quá thấp hoặc quá cao cản trở quá trình dẫn truyền tín hiệu thần kinh điều chỉnh cơ. Từ đó gây ra tình trạng đau cơ.
Suy giáp thường không có triệu chứng trong thời gian đầu. Khi tiến triển, bệnh có thể gây ra những triệu chứng dưới đây:
-
- Đau cơ
- Đau và cứng khớp
- Yếu cơ
- Mệt mỏi
- Da khô
- Tăng cân
- Nhạy cảm với lạnh
- Táo bón
- Mặt sưng húp
- Giọng khàn
- Tóc mỏng
- Trầm cảm, vấn đề về trí nhớ
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc nặng hơn bình thường
- Chuột rút cơ bắp
Chuột rút cơ bắp là tình trạng một hoặc nhiều cơ thắt chặt đột ngột, có thể gây đau đớn dữ dội. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở chân, đặc biệt là bắp chân. Cơn đau thường kéo dài từ vài giây đến vài phút, có thể nhanh chóng biến mất khi được xoa bóp.
Sau khi cơn đau chuột rút thuyên giảm, vùng ảnh hưởng có thể tiếp tục bị đau âm ỉ trong vài giờ hoặc nhiều ngày. Hầu hết các trường hợp đều vô hại.
Chuột rút cơ bắp thường xảy ra sau khi căng cơ hoặc cơ bắp hoạt động quá sức, giữ một tư thế trong thời gian dài hoặc mất nước qua mồ hôi.
- Căng cơ
Căng cơ là tình trạng cơ hoặc gân (dải mô gắn cơ với xương) bị căng quá mức, rách một phần hoặc toàn bộ. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến cơ ở phía sau đùi (gân kheo) và lưng dưới.
Những người bị căng cơ sẽ có triệu chứng đau hoặc nhức cơ bắp, sưng tấy, đỏ hoặc bầm tím, chuyển động hạn chế và co thắt cơ bắp. Căng cơ cấp tính thường do tư thế sai khi nâng vật nặng. Căng cơ mãn tính liên quan đến chấn thương do lặp đi lặp lại một chuyển động.
- Hội chứng đau cân cơ
Hội chứng đau cân cơ là một trong những nguyên nhân gây đau cơ thường gặp. Đây là một rối loạn đau mãn tính. Trong đó đau cơ xảy ra khi có áp lực lên những điểm kích hoạt (điểm nhạy cảm) trong cơ.
Đau gân cơ thường do cơ co thắt nhiều lần khi lặp đi lặp lại các chuyển động hoặc căng cơ liên quan đến căng thẳng. Đau cơ do hội chứng này được mô tả là những cơn đau sâu, kéo dài hoặc trầm trọng hơn, đau có thể gây khó ngủ, sờ thấy một nút thắt mềm trong cơ bắp.
- Thuốc
Một số thuốc có thể gây đau cơ, chẳng hạn như:
-
- Thuốc stain (thuốc điều trị cholesterol)
- Thuốc điều trị huyết áp cao, cụ thể như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)
- Phương pháp điều trị ung thư gồm xạ trị và hóa trị
- Rối loạn thần kinh cơ
Các rối loạn thần kinh cơ làm tổn thương cơ và những dây thần kinh điều khiển chúng. Điều này gây đau và yếu cơ. Một số rối loạn có thể gây đau cơ gồm:
-
- Chứng loạn dưỡng cơ
- Teo cơ cột sống (SMA)
- Bệnh nhược cơ nặng
- Bệnh xơ cứng teo cơ một bên
- Nguyên nhân khác
Đau cơ cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:
-
- Các bệnh viêm cơ, chẳng hạn như viêm da cơ, viêm đa cơ, viêm cơ thể vùi
- Thiếu vitamin, chẳng hạn như vitamin D
- Bệnh Lupus
- Bệnh Lyme
- Bệnh đa xơ cứng
- Viêm đa khớp dạng thấp
- Bong gân
- Quá ít hoặc quá nhiều chất điện giải, chẳng hạn như kali và canxi
- Suy thượng thận nguyên phát
- Nhuyễn xương
- Trầm cảm
- Tiêu cơ vân
- Ung thư, chẳng hạn như ung thư mô mềm hoặc ung thư máu
Triệu chứng và chẩn đoán
Tùy thuộc vào nguyên nhân, cơn đau có thể có những đặc điểm sau:
- Đau cơ ở một vùng nhỏ hoặc đau khắp cơ thể
- Đau nhẹ hoặc rất nghiêm trọng
- Cảm giác co thắt đột ngột
- Đau nhiều hơn sau khi hoạt động hoặc tăng dần theo thời gian
- Cơn đau có thể tự biến mất hoặc kéo dài
Đau cơ có thể đi kèm với những triệu chứng sau:
- Co thắt cơ bắp
- Chuột rút cơ bắp
- Đau khớp
- Cứng khớp
- Hạn chế chuyển động
- Sốt
Để chẩn đoán nguyên nhân gây đau cơ, bác sĩ kiểm tra kỹ lưỡng bệnh sử và khám thực thể. Bệnh nhân sẽ được hỏi về tình trạng sức khỏe và những chấn thương trước đó, loại thuốc đang dùng, gần đây có hoạt động vất vả không, vị trí đau và những triệu chứng đi kèm.
Trong khi khám thực thể, bác sĩ có thể ấn nhẹ để xem cơ có đau hoặc nhức hay không, xem xét quanh vùng ảnh hưởng để kiểm tra những triệu chứng khác.
Sau khi khám lâm sàng, những xét nghiêm sẽ được thực hiện để nắm rõ tình trạng, bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra protein phản ứng C (CRP) và tốc độ máu lắng (ESR) có thể xác định một số nguyên nhân gây đau cơ gồm viêm và nhiễm trùng. Nếu có nghi ngờ mắc bệnh tự miễn, bệnh nhân được xét nghiệm máu kiểm tra tự kháng thể. Trong đó xét nghiệm kháng thể protein kháng citrullin hóa (anti-CCP) được dùng để xác định viêm khớp dạng thấp.
- Phân tích nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện tình trạng tiêu cơ vân dựa trên hàm lượng chất thải và chất độc trong nước tiểu.
- Siêu âm: Sóng âm thanh được dùng để tạo những hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong cơ thể. Điều này có thể phát hiện những vết rách trên cơ hoặc dải mô nối cơ với xương (được gọi là gân).
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Kỹ thuật này tạo ra lát cắt ba chiều của vùng ảnh hưởng. Từ đó xác định tổn thương cơ xương, cơ hoặc mô khác.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI tạo hình ảnh chi tiết của mô mềm, giúp phát hiện nhanh các tổn thương.
- Điện cơ: Kỹ thuật này giúp kiểm tra hoạt động điện trong dây thần kinh và cơ bắp.
- Sinh cơ: Một số trường hợp nặng được sinh thiết cơ để xác định bệnh lý thần kinh cơ. Trong đó bác sĩ lấy một ít mô cơ và kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Điều này có thể phát hiện những thay đổi ở mô cơ.
Biến chứng và tiên lượng
Hầu hết các trường hợp đau cơ có mức độ từ nhẹ đến vừa, xảy ra do những nguyên nhân đơn giản. Cơn đau thường được khắc phục nhanh bằng những biện pháp chăm sóc tại nhà và thuốc. Những trường hợp khác có cơn đau tự khỏi mà không cần điều trị.
Tuy nhiên đau cơ có thể là dấu hiệu của chấn thương hoặc những bệnh lý nghiêm trọng. Khi không được điều trị y tế, bệnh nhân có thể đối mặt với những vấn đề sau:
- Yếu chi
- Hạn chế phạm vi chuyển động
- Đau cơ mãn tính
- Tê liệt
Điều trị
Các phương pháp được sử dụng để kiểm soát cơn đau cơ và điều trị các triệu chứng. Dựa vào tình trạng, bệnh nhân có thể tự chăm sóc hoặc điều trị y tế với những phương pháp sau:
1. Phương pháp RICE
Những trường hợp đau cơ do chấn thương nhẹ, cơ bị kéo hoặc căng do hoạt động quá mức có thể áp dụng phương pháp RICE để điều trị.
- Nghỉ ngơi: Khi bị đau cơ, hãy tạm dừng những hoạt động. Bắt đầu nghỉ ngơi đầy đủ để xoa dịu cơn đau, hỗ trợ cơ bắp lành lại. Sau đó hãy bắt đầu giãn cơ và sử dụng cơ bắp nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Chườm đá: Dùng túi đậu Hà Lan đông lạnh hoặc túi nước đá bọc trong khăn để đặt lên cơ bắp bị đau, giữ khoảng 20 phút, mỗi ngày 3 lần. Biện pháp này sẽ giúp giảm sưng và đau cơ.
- Nén: Dùng băng thun quấn đều để nén nhẹ chi ảnh hưởng. Biện pháp này giúp hỗ trợ và giảm sưng hiệu quả.
- Nâng cao: Nâng vùng bị thương cao hơn tim khi ngủ hoặc nghỉ ngơi, đặc biệt là vào ban đêm. Điều này sẽ giúp giảm tình trạng sưng tấy.
2. Ngâm nước ấm với muối Epsom
Tắm nước ấm hoặc ngâm mình trong bồn nước ấm chứa muối Epsom. Biện pháp này giúp giảm đau, thư giãn các cơ và giảm tình trạng co thắt khó chịu.
3. Thuốc
Đau cơ thường được khắc phục nhanh khi dùng một số thuốc, gồm:
- Acetaminophen: Acetaminophen thường đủ để điều trị những cơn đau nhẹ đến vừa. Thuốc này còn có tác dụng hạ sốt, đặc biệt phù hợp với những người bị đau cơ toàn thân do sốt cao.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Aspirin, Ibuprofen và Naproxen là các loại NSAID không kê đơn thường được sử dụng. Nhóm thuốc này có tác dụng điều trị viêm, hạ sốt, giảm đau và sưng.
- Thuốc giãn cơ: Thuốc giãn cơ được dùng cho những trường hợp đau nghiêm trọng và co thắt cơ. Thuốc có tác dụng giảm đau, điều trị co thắt và co cứng.
4. Xoa bóp
Xoa bóp có tác dụng giảm đau, giảm co thắt do chuột rút cơ bắp. Biện pháp này còn giúp tăng lưu thông máu tại chỗ, cải thiện khả năng chữa lành cơ bị thương. Đồng thời giúp thư giãn và giảm mệt mỏi.
5. Phẫu thuật
Nếu có chấn thương nặng, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để sửa chữa gân và cơ. Tuy nhiên phương pháp này ít khi cần thiết.
Phòng ngừav
Không thể ngăn tất cả nguyên nhân gây đau cơ. Tuy nhiên nguy cơ sẽ giảm đáng kể khi thực hiện những lời khuyên dưới đây:
- Tránh lặp đi lặp lại một chuyển động có thể gây căng thẳng cho cơ.
- Chạy trên những bề mặt mềm (chẳng hạn như đường mòn hoặc cỏ) thay vì bề mặt cứng (chẳng hạn như bê tông).
- Mang giày phù hợp, có khả năng hỗ trợ tối đa hoặc miếng lót giày có đệm.
- Luôn khởi động trước khi tập thể dục và thư giãn đúng cách sau khi tập xong.
- Thực hành tư thế tốt khi nâng vật, ngồi làm việc hoặc thực hiện những hoạt động khác.
- Không vận động gắng sức. Cần có thời gian nghỉ ngơi thường xuyên.
- Nên tập xen kẽ với những bài tập cường độ thấp hoặc chuyển sang những môn thể thao ít tác động, chẳng hạn như yoga, đạp xe và bơi lội.
- Ăn trong vòng 30 phút sau khi luyện tập cường độ cao. Điều này giúp cung cấp những chất dinh dưỡng cần thiết để sửa chữa và phục hồi cơ bắp. Đồng thời giúp cơ phát triển mạnh mẽ hơn.
- Bổ sung nước trong và sau khi tập luyện để giữ nước và phục hồi cơ bắp.
- Nếu có một buổi luyện tập vất vả, hãy tập thể dục nhẹ nhàng vào ngày hôm sau, chẳng hạn như đi bộ, bơi lội, thực hiện các bài tập yoga phục hồi...
- Ngủ đủ giấc. Giấc ngủ rất quan trọng trong việc phục hồi sau khi luyện tập.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị đau cơ thường xuyên?
2. Khi nào nên lo lắng về tình trạng đau cơ?
3. Tôi nên làm gì để chăm sóc và giảm nhẹ tại nhà?
4. Những phương pháp nào thích hợp và được dùng để điều trị?
5. Mất bao lâu để điều trị?
6. Tôi có nên thay đổi thói quen luyện tập không?
7. Có thể kéo căng cơ bị đau không?
Đau cơ thường là triệu chứng của chấn thương, lạm dụng cơ bắp, nhiễm trùng và một số tình trạng y tế khác. Cơn đau có thể tự khỏi mà không cần can thiệp y tế. Nhưng nếu đau nặng do nguyên nhân phức tạp, người bệnh cần thăm khám để được bác sĩ hướng dẫn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!