Bệnh Áp Xe Thành Sau Họng
Áp xe thành sau họng (RPA) là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể gây tử vong. Trong đó áp xe hình thành trong những mô ở phía sau cổ họng và thành sau họng. Điều này gây đau nhức và nhiều triệu chứng khó chịu khác. Áp xe cần được xử lý kịp thời để ngăn biến chứng.
Tổng quan
Áp xe thành sau họng (RPA) là một túi mủ nằm sâu trong cổ họng do nhiễm trùng. Trong đó nhiễm trùng kéo dài khiến áp xe hình thành trong những mô ở phía sau cổ họng và thành sau họng (khoảng sau hầu). Điều này gây đau và khó nuốt.
RPA thường là kết quả của nhiễm trùng do vi khuẩn không được điều trị làm ảnh hưởng đến những hạch bạch huyết ở cổ họng. Những hạch bạch huyết là một phần của hệ thống miễn dịch, có chức năng chống nhiễm trùng. Tuy nhiên chúng có thể trở nên sưng tấy và khó chịu khi có nhiễm trùng xảy ra.
Áp xe thành sau họng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ từ 2 - 4 tuổi. Tuy nhiên người lớn bị nhiễm trùng họng cũng có thể mắc bệnh. Những người mắc bệnh lý này cần được chăm sóc y tế kịp thời để tránh đe dọa đến tính mạng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh áp xe thành sau họng chủ yếu xảy ra do nhiễm trùng vi khuẩn. Bệnh bắt đầu từ những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên (URI). Cụ thể:
- Viêm họng
- Viêm amidan
- Viêm VA
- Viêm hạch vùng cổ
- Viêm xoang
- Nhiễm trùng răng và nướu
- Viêm tai giữa
Những loại vi khuẩn gây áp xe thành sau họng gồm:
- Streptococcus pyogenes
- Staphylococcus aureus
- Fusobacteria
- Porphyromonas
- Prevotella
- Veillonella
- Liên cầu khuẩn
- Haemophilus influenzae
Ở người lớn, áp xe thành sau họng thường xảy ra do chấn thương phía sau cổ họng. Điều này có thể bao gồm nhiễm trùng vết thương xuyên thấu hoặc có dị vật (xương cá, xương gà).
Nhiễm trùng do chấn thương cũng có thể là một biến chứng của thủ thuật. Điều này thường gặp ở những người đặt nội khí quản, nội soi khí quản hoặc làm răng.
Ở trẻ nhỏ, túi mủ có thể hình thành trong họng khi không đánh răng đúng cách hoặc không chăm sóc răng miệng đầy đủ.
Bệnh áp xe thành sau họng phổ biến hơn ở những đối tượng sau:
- Trẻ có độ tuổi từ 2 - 4 tuổi: Bởi những trẻ ở độ tuổi này có hạch bạch huyết trong cổ họng lớn hơn, dễ bị nhiễm trùng hơn. Khi già đi, những hạch bạch huyết co lại, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và áp xe.
- Trẻ em nam: Những bé trai thường dễ mắc bênh hơn so với những em bé gái.
- Suy giảm hệ miễn dịch: Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những người có hệ miễn dịch yếu hoặc suy giảm do một số bệnh lý. Chẳng hạn như HIV, người đang điều trị ung thư.
- Bệnh tiểu đường: Kết quả thống kê cho thấy, áp xe thường xảy ra hơn ở những người bị nhiễm trùng.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh áp xe thành sau họng gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng và khó chịu, bao gồm:
- Đau họng dữ đội
- Khó thở
- Sưng hạch bạch huyết
- Tiếng thở ồn ào
- Nhức đầu dữ dội
- Ho
- Sốt
- Cổ cứng
- Đau ngực
- Khó nuốt hoặc đau khi nuốt
Những triệu chứng khác ở trẻ:
- Trẻ gặp khó khăn khi nuốt dẫn đến chảy nước dãi
- Vẹo cổ. Tư thế đầu kỳ lạ do gặp khó khăn trong việc hít thở
- Cáu gắt, thường xuyên quấy khóc
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và đánh giá các triệu chứng. Trong đó, người bệnh được đặt một số câu hỏi về triệu chừng, tiền sử bệnh; tiến hành khám miệng và họng.
Ngoài ra những xét nghiệm dưới đây có thể được thực hiện để đánh giá rõ hơn về tình trạng:
- Xét nghiệm hình ảnh: Bệnh nhân có thể được chụp CT hoặc X-quang. Hình ảnh thu được giúp phát hiện và đánh giá áp xe. Siêu âm có thể được thực hiện trong khi chọc hút áp xe.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể bao gồm xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn và xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC). Trong CBC, mức độ cao của những tế bào bạch cầu có thể giúp phát hiện nhiễm trùng. Xét nghiệm nuôi cấy giúp nhận biết loại vi khuẩn nào đang hoạt động và gây nhiễm trùng.
- Kiểm tra mủ: Bệnh nhân có thể được cấy mủ làm kháng sinh đồ.
Biến chứng và tiên lượng
Áp xe thành sau họng là bệnh nhiễm khuẩn vùng cổ sâu, có mức độ nghiêm trọng cao và gây tử vong nếu không được điều trị. Trong đó có 15% trẻ em dưới 2 tuổi tử vong do bệnh lý này.
Ngoài ra bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm dưới đây:
- Tắc nghẽn đường thở. Biến chứng này có thể gây nghẹt thở và tử vong
- Xói mòn phế quản, thường ảnh hưởng đến đường dẫn khí trong phổi hoặc phế quản
- Nhiễm trùng huyết
- Xói mòn vào tĩnh mạch cảnh hoặc động mạch cảnh
- Liệt dây thần kinh sọ
- Viêm màng não
- Thủng thực quản
- Viêm trung thất
Người bệnh có thể tránh các biến chứng khi được điều trị kịp thời. Thông thường áp xe thành sau họng có thể khỏi nhanh khi được điều trị nhiễm trùng bằng thuốc và dẫn lưu mủ. Tuy nhiên khoảng 1% - 5% trường hợp có áp xe quay trở lại.
Điều trị
Nếu áp xe ngăn chặn cổ họng và cắt đứt nguồn cung cấp oxy, người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức. Những trường hợp khác cũng cần được điều trị kịp thời để ngăn biến chứng và tử vong.
Nguyên tắc điều trị áp xe thành sau họng:
- Dùng kháng sinh tĩnh mạch
- Đảm bảo đường thở
- Rạch dẫn lưu ngay sau khi có chẩn đoán.
Những phương pháp điều trị được chỉ định:
1. Thuốc
Bệnh nhân bị áp xe thành sau họng cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh phổ rộng liều cao, dùng đường tĩnh mạch. Thuốc giúp điều trị nhiễm trùng toàn thân bằng cách loại bỏ và ức chế hoạt động của nhiều loại vi khuẩn.
Trước khi có kháng sinh đồ, người bệnh có thể được dùng Cepalosporin thế hệ III + Metronidazole. Cụ thể:
- Ceftriaxone: Dùng liều 50 - 75mg/ kg trọng lượng/ ngày
- Cefotaxim: Dùng liều 100 - 200mg/ kg trọng lượng/ ngày
- Ceftazidim: Dùng liều 50 - 100mg/ kg trọng lượng/ ngày
- Metronidazole: Dùng liều 30mg/ kg trọng lượng/ ngày, chia thuốc thành 3 lần dùng mỗi ngày.
Khi có kết quả kháng sinh đồ, người bệnh sẽ được sử dụng một loại thuốc kháng sinh phù hợp để điều trị một chủng vi khuẩn cụ thể (vi khuẩn gây nhiễm trùng).
2. Rạch dẫn lưu mủ
Thông thường người bệnh sẽ được rạch dẫn lưu ngay sau khi có chẩn đoán hoặc dẫn lưu càng sớm càng tốt. Trong quá trình này, bác sĩ có thể rạch cạnh cổ, để hở da hoặc rạch trong họng. Sau đó dùng một ống thông để dẫn lưu mủ qua đường rạch.
Rạch dẫn lưu mủ giúp loại bỏ ổ nhiễm trùng, tăng tốc độ lành thương ở những vùng bị ảnh hưởng. Trong suốt quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ chèn một ống thở để giúp người bệnh có thể thở bình thường.
Sau khi dẫn lưu mủ, người bệnh có thể được truyền dịch qua đường tĩnh mạch nếu gặp khó khăn khi nuốt. Điều này giúp phòng ngừa mất nước. Bệnh nhân cũng có thể được thở oxy trong bệnh viện tùy thuộc vào mức độ áp xe chặn đường thở.
Sau khi về nhà, bệnh nhân tiếp tục uống thuốc kháng sinh theo chỉ định. Thuốc giúp đảm bảo nhiễm trùng biến mất hoàn toàn và không tái phát.
Phòng ngừa
Những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ áp xe thành sau họng:
- Thường xuyên tập thể dục, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tăng cường bổ sung vitamin để nâng cao sức khỏe và hệ miễn dịch.
- Những người có nguy cơ cao như bệnh nhân bị tiểu đường cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu và điều trị tốt những tình trạng liên quan.
- Tránh trì hoãn việc điều trị khi con bạn hoặc bạn bị ốm. Đặc biệt là khi có nhiễm trùng đường hô hấp trên. Hãy dùng kháng sinh hoặc một loại thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày bằng cách đánh răng 2 lần/ ngày, súc miệng và họng sau khi ăn xong.
- Nên dùng nước muối sinh lý để súc miệng và họng. Biện pháp này giúp loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng, giảm viêm, ngăn sự tăng tiết độc tố của vi khuẩn khiến áp xe hình thành.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng của tôi hoặc con tôi?
2. Phương pháp điều trị được đề nghị là gì?
3. Rủi ro khi dùng kháng sinh và rạch dẫn lưu áp xe ở trẻ nhỏ?
4. Điều gì xảy ra nếu quá trình điều trị bị trì hoãn?
5. Những cách chăm sóc giúp giảm nhẹ triệu chứng là gì?
6. Tôi nên làm gì để ngăn áp xe thành sau họng tái diễn?
7. Cách chăm sóc sau rạch dẫn lưu áp xe là gì?
Áp xe thành sau họng là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, có khả năng gây tử vong. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Ngược lại, những trường hợp điều trị sớm đều có tiên lượng tốt, khắc phục được tình trạng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!