Bệnh Bạch Biến
Bệnh bạch biến là một rối loạn khiến da bị mất màu. Những vùng da mất sắc tố loang lổ nhợt nhạt thường tập trung ở các chi. Nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ. Tuy nhiên rối loạn này có thể liên quan đến những thay đổi trong hệ thống miễn dịch.
Tổng quan
Bệnh bạch biến là một tình trạng gây mất màu da từng mảng. Những vùng da mất sắc tố có xu hướng loang lổ nhợt nhạt ở các chi. Tuy nhiên triệu chứng cũng có thể xuất hiện ở những vị trí khác, bao gồm cả tóc và bên trong miệng. Khu vực bị đổi màu thường thường tăng kích thước theo thời gian.
Sắc tố melanin là yếu tố quyết định màu da và tóc. Những người bị bạch biến sẽ có những tế bào sản xuất melanin ngừng hoạt động hoặc chết. Điều này làm mất sắc tố ở nhiều vùng da trên cơ thể.
Bệnh bạch biến không phải là tình trạng nguy hiểm, không truyền nhiễm và ít gây biến chứng về sức khỏe. Tuy nhiên bệnh làm ảnh hưởng đến tinh thần, gây căng thẳng hoặc trầm cảm do mất thẩm mỹ.
Phân loại
Bệnh bạch biến được phân loại dựa trên mức độ ảnh hưởng của bênh trên cơ thể. Cụ thể:
- Toàn thân: Đây là phân loại phổ biến nhất của bệnh bạch biến. Loại này xảy ra khi những mảng trắng / sáng xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể. Những vùng mất sắc tố có kích thước rộng và phân bố ngẫu nhiên.
- Cục bộ (từng vùng): Bệnh bạch biến từng vùng có những mảng trắng xuất hiện ở một vùng hoặc một bên của cơ thể, chẳng hạn như tay, chân hoặc mặt. Loại này xảy ra phổ biến nhất ở trẻ em.
- Niêm mạc: Bệnh xảy ra khi những mảng trắng được tìm thấy trong niêm mạc miệng hoặc/ và bộ phận sinh dục.
- Acrofacial: Bạch biến Acrofacial có những triệu chứng xảy ra ở ngón tay và những vùng quanh răng.
- Khu trú: Đây là loại bạch biến hiếm gặp nhất. Trong đó mảng trắng chỉ khu trú ở một khu vực nhỏ, không có dấu hiệu lan rộng trong vòng một đến hai năm.
- Phổ biến: Loại này có những mảng trắng chiếm hơn 80% da. Bệnh bạch biến phổ biến hiếm gặp ở so với những loại khác.
- Trichome: Trichome xảy ra khi một số vùng có vết thâm với phần trung tâm không màu hoặc màu trắng. Sau đó là một vùng có màu da tự nhiên và vùng khác có sắc tố nhạt hơn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Melanin là sắc tố tạo nên màu da, tóc và mắt. Chúng được tạo ra bởi những tế bào da gọi là melanocytes. Khi những tế bào melanocytes bị hỏng (ngừng sản xuất melanin) hoặc chết, bệnh bạch biến sẽ xảy ra.
Sắc tố melanin không được sản xuất đầy đủ khiến những mảng da liên quan sẽ trở nên trắng hoặc sáng hơn so với vùng da khác.
Không rõ nguyên nhân chính xác khiến melanocytes bị chết hoặc hỏng. Tuy nhiên tình trạng này liên quan đến những thay đổi trong hệ thống miễn dịch và một số yếu tố khác, cụ thể:
- Thay đổi gen
Bệnh bạch biến liên quan đến những biến thể trong gen - một phần của tế bào hắc tố hoặc một phần của hệ thống miễn dịch. Nghiên cứu cho thấy, đột biến gen hoặc thay đổi DNA làm ảnh hưởng đến chức năng của những tế bào hắc tố. Trong đó có hơn 30 gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Đặc biệt gen TYR mã hóa protein tyrosinase là một loại enzyme của tế bào hắc tố. Gen này có khả năng xúc tác và thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp melanin. Những vấn đề của gen TYR có thể gây ra bệnh bạch biến.
- Rối loạn hệ thống miễn dịch
Thay đổi trong hệ thống miễn dịch có thể khiến các kháng thể tấn công và làm hỏng những tế bào hắc tố của da. Tình trạng này thường gặp ở những người có vấn đề về tuyến sinh dục, tuyến thượng thận, tuyến giáp và gan tụy.
- Di truyền
Tiền sử gia đình bị bạch biến hoặc có gen liên quan sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở những trẻ được sinh ra.
- Những yếu tố kích thích
Bệnh bạch biến có thể xảy ra khi co sự kích thích của những yếu tố dưới đây:
-
- Căng thẳng về tâm lý và cảm xúc
- Chấn thương da hoặc cháy nắng nghiêm trọng
- Tiếp xúc với hóa chất như Phenol, Thiol... có thể khiến những tế bào hắc sắc tố bị hỏng và gây bệnh
- Sử dụng một số loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như pembrolizumab, nivolumab...
- Nhiễm trùng
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Tuổi tác: Những mảng trắng hoặc sáng thường xảy ra trước 30 tuổi. Mặc dù vậy tình trạng này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.
- Một số tình trạng tự miễn dịch: Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những người mắc một số bệnh lý miễn dịch, cụ thể như:
- Bệnh vảy nến
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh tuyến giáp
- Bệnh tiểu đường loại 1
- Bệnh Addison
- Thiếu máu
- Bệnh lupus ban đỏ
Triệu chứng và chẩn đoán
+ Triệu chứng
Bệnh bạch biến dễ dàng được nhận biết thông qua những dấu hiệu và triệu chứng dưới đây:
- Mất màu da loang lổ
- Xuất hiện những mảng da có màu trắng hoặc hơi hồng, nhạt màu hơn hoặc được giới hạn rõ so với những vùng da xung quanh
- Không có biểu hiện khác trên vùng da bị bạch biến (không đau, không có vảy, không rát bỏng hay ngứa ngáy)
- Trên những vùng da mất màu, lông và tóc cũng có thể bị bạc màu
- Những mảng da trắng hoặc nhạt màu rất nhạy cảm và dễ bị cháy nắng bởi tia cực tím trong ánh sáng mặt trời. Một số trường hợp bỏng nắng làm khởi phát bệnh
- Mất màu da thường xuất hiện lần đầu ở mặt, tay, bộ phận sinh dục và những vùng xung quanh các lỗ.
- Tóc bạc sớm. Đôi khi râu, lông mi hoặc lông mài cũng chuyển sang màu trắng
- Mất màu ở màng nhày (những mô lót bên trong miệng và mũi).
Tùy thuộc vào phân loại, những triệu chứng của bệnh bạch biến có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận trên cơ thể, gần như tất cả các bề mặt da, chỉ một bên, một phần hoặc một số vùng trên cơ thể, mặt và tay.
Hầu hết bệnh nhân mất sắc tố lan rộng. Việc không điều trị có thể lan rộng đến hầu hết các da. Trong một số trường hợp khác, mất sắc tố da ngừng hình thành mà không cần chữa trị hoặc da có màu trở lại.
+ Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh bạch biến và phân loại, bác sĩ tiến hành kiểm tra những vị trí bị ảnh hưởng và tiền sử gia đình. Kiểm tra có thể nhận thấy những mảng, dát nhạt màu không có vảy, được giới han rõ, có biểu hiện bình thường như những vùng da khác.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân được thực hiện xét nghiệm nhằm chẩn đoán xác định. Trong đó đèn Wood (đèn cực tím) được sử dụng phổ biến để xem xét làn da một cách chi tiết hơn.
Dưới ánh sáng tia cực tím, những mảng bạch biến sẽ được nhìn thấy rõ ràng và chi tiết hơn. Điều này giúp phân biệt bệnh bạch biến với một số tình trạng tương tự. Chẳng hạn như bệnh lang ben (đặc trưng bởi những vết / mảng da bị mất sắc tố do nhiễm nấm).
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh bạch biến thường không ảnh hưởng đến sức khỏe. Đôi khi bệnh lý này có thể làm tăng nguy cơ phát triển những vấn đề sau:
- Căng thẳng hoặc trầm cảm
- Da nhạy cảm
- Những vấn đề về mắt
- Biến đổi màu sắc trong mống mắt
- Bất thường ở võng mạc (những tế bào nhạy cảm với ánh sáng tập trung bên trong mắt)
- Viêm võng mạc hoặc mống mắt (ít gặp)
- Mất thính lực
- Cháy nắng
- Dễ mắc các tình trạng tự miễn dịch gồm suy giáp, bệnh tiểu đường và thiếu máu.
Điều trị
Điều trị cho trường hợp nặng, những mảng bạch biến có dấu hiệu lan rộng. Thông thường phương pháp cụ thể sẽ được chỉ định dựa vào độ tuổi, mức độ và vị trí tổn thương, tốc độ tiến triển của bệnh và những ảnh hưởng đến cuộc sống.
1. Điều trị bằng thuốc
Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh bạch biến. Tuy nhiên một số loại thuốc có thể giúp phục hồi da bị mất sắc tố. Cụ thể:
- Corticoid toàn thân: Corticoid toàn thân được chỉ định trong điều trị bạch biến không ổn định. Loại thuốc này giúp ngăn sự tiến triển của bệnh, cải thiện sắc tố của da. Sử dụng Dexamethason 5mg hoặc Betamethason đường uống trong 2 ngày liên tiếp / tuần, điều trị trong 4 - 6 tháng. Corticoid thường được dùng kết hợp với liệu pháp ánh sáng.
- Corticoid tại chỗ: Kem Corticoid loại mạnh được chỉ định trong điều trị bạch biến ổn định (ngừng tiến triển trong 1 năm) hoặc chưa ổn định. Thuốc có tác dụng phục hồi một số sắc tố, giúp vùng da ảnh hưởng trở lại màu. Corticoid tại chỗ được sử dụng trong vài tháng để nhận thấy sự thay đổi trên da. Thuốc mang đến hiệu quả cao nhất khi bạch biến còn trong giai đoạn đầu. Trong khi sử dụng, một số tác dụng phụ có thể xảy ra như da mỏng, rạn da.
- Thuốc ức chế calcineurin: Một số loại thuốc mỡ ức chế calcineurin như pimecrolimus (Elidel) hoặc tacrolimus (Protopic) có thể được dùng trong điều trị bạch biến. Thuốc phù hợp với những vùng da bị mất sắc tố nhỏ, chẳng hạn như cổ và mặt. Cách dùng: Bôi 2 lần/ ngày trong 6 tháng.
2. Trị liệu
Nếu không đáp ứng tốt với thuốc hoặc mất sắc tố lan rộng, một số phương pháp có thể được áp dụng để cải thiện tình trạng mất sắc tố trên da.
- Liệu pháp ánh sáng: Sử dụng tia cực tím dải hẹp B (UVB) tác động lên những vùng da bị mất sắc tố. Liệu pháp này giúp làm chậm hoặc ngăn sự tiến triển của bệnh bạch biến. Liệu pháp ánh sáng thường được thực hiện từ 2 - 3 lần/ tuần, điều trị kéo dài 1 - 3 tháng. Chất ức chế calcineurin hoặc corticosteroid có thể được sử dụng đồng thời để tăng hiệu quả trị liệu.
- Psoralen + liệu pháp ánh sáng: Sự kết hợp giữa psoralen và liệu pháp ánh sáng có thể trả lại màu sắc cho những vùng da bị bạch biến. Trong quá trình điều trị, psoralen được uống hoặc bôi lên vùng da bị ảnh hưởng, sau đó tiếp xúc với tia cực tím A (UVA) hoặc UVB dải hẹp. Psoralen + liệu pháp ánh sáng thường mang đến hiệu quả nhanh chóng.
- Xóa sắc tố: Xóa sắc tố có thể là một lựa chọn cho những bệnh nhân có bạch biến lan rộng, điều trị không hiệu quả với những phương pháp khác. Khi thực hiện, một chất khử sắc tố sẽ được sử dụng để bôi lên những vùng da không bị ảnh hưởng. Điều này giúp da sáng lên để phù hợp hơn với những mảng mất sắc tố. Xóa sắc tố thường được thực hiện từ 1 - 2 lần/ ngày, kéo dài trong 9 tháng hoặc lâu hơn. Một số tác dụng phụ có thể gặp gồm đỏ, sưng, ngứa và khô da.
3. Biện pháp khắc phục tại nhà
Cần chăm sóc da đúng cách khi bị bạch biến. Điều này có thể giúp cải thiện làn da của bạn.
- Bảo vệ da: Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời giúp phòng ngừa cháy nắng và giảm thiểu tình trạng sạm da. Biện pháp cụ thể:
- Bôi kem chống nắng phổ rộng, chỉ số SPF > 30 và chống thấm nước. Kem chống năng nên được thoa đều lên da với lượng thích hợp, bôi lại mỗi 2 giờ, khoảng cách ngắn hơn khi bị đổ nhiều mồ hôi hoặc bơi.
- Mặc quần dài và áo dài tay giúp che chắn da khỏi ánh nắng mặt trời.
- Đứng dưới bóng râm hoặc tránh ra ngoài đường khi trời nắng gắt.
- Tránh xăm hình: Xăm hình làm tổn thương da và khiến mảng bạch biến mới xuất hiện. Vì thế cần tránh xăm hình ở những người có nguy cơ hoặc đang mắc bệnh.
- Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng làm tăng mức độ ảnh hưởng và tiến triển của bệnh. Đối phó với căng thẳng nếu có cảm xúc tiêu cực, chán nản hoặc lo lắng. Trong đó ngồi thiền, nghỉ ngơi, thực hiện những hoạt động ưa thích và tập yoga có thể mang đến những lợi ích.
- Tránh nhuộm da: Tránh thực hiện những phương pháp nhuộm da bằng đèn mặt trời hoặc giường tắm nắng. Điều này có thể khiến vùng da bạch biến bị cháy.
- Dùng sản phẩm trang điểm an toàn: Để che những mảng bạch biến và làm đều màu da, người bệnh có thể sử dụng màu trang điểm hoặc kem che khuyết. Lưu ý lựa chọn sản phẩm lành tính, không gây kích ứng da.
- Duy trì lối sống lành mạnh: Ngủ đủ giấc, suy nghĩ tích cực, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục. Điều này có thể giúp hỗ trợ ngăn sự tiến triển của bệnh bạch biến.
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cuối cùng được áp dụng trong điều trị bạch biến. Can thiệp phẫu thuật chỉ được thực hiện cho trường hợp năng, dùng thuốc và liệu pháp ánh sáng không hiệu quả.
Những kỹ thuật giúp phục hồi màu sắc và làm đều màu da gồm:
- Ghép da: Những phần rất nhỏ của da khỏe mạnh được chuyển đến những vùng da bị mất sắc tố. Kỹ thuật này có thể giúp làm đều màu da hiệu quả. Một số rủi ro có thể xảy ra gồm sẹo, nhiễm trùng, xuất hiện đốm màu hoặc da không thể đổi màu.
- Ghép vỉ: Trên vùng da nhiễm sắc tố, bác sĩ tạo ra những vết phồng rộp bằng cách hút. Sau đó phần đỉnh của vết phồng rộp được cấy vào vùng da đổi màu. Từ đó cải thiện sắc tố của da. Một số rủi ro có thể gặp gồm sẹo, tổn thương da gây ra một mảng bạch biến khác.
- Nuôi cấy tế bào: Một số mô trên vùng da nhiễm sắc tố được đặt trong dung dịch. Sau đó các tế bào được cấy vào vùng da ảnh hưởng để tái tạo sắc tố. Phương pháp này thường được thực hiện trong vòng 4 tuần. Một số rủi ro có thể gặp gồm nhiễm trùng, sẹo và da không đều màu.
Phòng ngừa
Bệnh bạch biến không được ngăn ngừa hoàn toàn. Những biện pháp chỉ có thể giúp hạn chế sự bùng phát và ngăn bệnh tiến triển. Cụ thể:
- Tránh căng thẳng về tâm lý và cảm xúc. Luôn giữ suy nghĩ tích cực, thường xuyên ngồi thiền, yoga và nghỉ ngơi để đối phó với căng thẳng.
- Tránh những chấn thương da để không kích hoạt bệnh lý.
- Kiểm soát tốt những tình trạng nhiễm trùng và bệnh tự miễn để giảm nguy cơ mắc bệnh bạch biến.
- Bảo vệ da bằng kem chống nắng phổ rộng và có SPF > 30. Ngoài ra nên che chắn kỹ lưỡng, hạn chế ra ngoài khi nắng gắt. Điều này giúp phòng ngừa cháy nắng và triệu chứng của bệnh bạch biến.
- Tránh tiếp xúc với hóa chất, chẳng hạn như Phenol, Thiol... Nên sử dụng bao tay và đồ bảo hộ để tránh hóa chấn làm hỏng những tế bào hắc sắc tố.
- Thận trọng khi dùng một số loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như pembrolizumab, nivolumab... Thuốc chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân gây ra những triệu chứng của tôi là gì?
2. Phương pháp nào được đề nghị trong điều trị bạch biến?
3. Rủi ro và lợi ích đạt được từ các phương pháp là gì?
4. Có điều gì cần tránh để ngăn bệnh tiến triển?
5. Cách chăm sóc da được đề nghị?
6. Cần điều trị trong bao lâu?
7. Khi nào cần phẫu thuật điều trị?
Bệnh bạch biến được đặc trưng bởi những mảng da bị mất sắc tố, lan rộng hoặc loang lổ. Bệnh thường liên quan đến gen và những thay đổi trong hệ thống miễn dịch. Bệnh nhân cần chăm sóc da đúng cách kết hợp điều trị để ngăn bệnh tiến triển.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!