Bệnh Bạch Hầu
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, chủ yếu ảnh hưởng đến màng nhầy của cổ họng và mũi. Bệnh có khả năng lây lan nhanh. Tuy nhiên việc tiêm chủng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.
Tổng quan
Bệnh bạch hầu là thuật ngữ chỉ một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng xảy ra ở màng nhầy của cổ họng và mũi, do một loại vi khuẩn có tên Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh gây ra những vấn đề về nuốt và thở.
Nhiều trường hợp mắc bệnh bạch hầu ngoài da, thường xảy ra khi khí hậu ấm hơn và sống trong điều kiện không lành mạnh. Bệnh làm phát triển những vết loét không lành trên da, thường được bao phủ bởi những mô màu xám.
Phân loại
Bệnh bạch hầu được phân thành hai loại, bao gồm:
- Bạch hầu hô hấp thông thường: Đây là loại phổ biến nhất, còn được gọi là bạch hầu họng. Bệnh làm ảnh hưởng đến mũi, cổ họng, thanh quản (hộp giọng nói) và amidan.
- Bệnh bạch hầu ngoài da: Loại này hiếm khi xảy ra, ảnh hưởng đến da ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Những người mắc bệnh bạch hầu ngoài da sẽ có phát ban kèm theo những vết loét hoặc mụn nước. Bệnh thường gặp ở những người sống ở nơi có điều kiện không lành mạnh, đông đúc và nơi có khí hậu nhiệt đới.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh bạch hầu xảy ra khi có sự lây nhiễm của vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Loại vi khuẩn này thường lây lan thông qua tiếp xúc với giọt bắn của người bệnh hắt hơi, nói chuyện, xì mũi hoặc ho.
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae cũng có khả năng lây lan khi chạm vào vết thương bị nhiễm trùng, tiếp xúc với những đồ vật có vi khuẩn (như vật dụng ăn uống, khăn tắm, khăn giấy đã qua sử dụng).
Quá trình lây nhiễm có thể xảy ra ngay cả khi người bệnh chưa có bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu nào, khả năng lây lan kéo dài trong tối đa 6 tuần kể từ lần nhiễm trùng đầu tiên.
Sau khi lây nhiễm vào mũi và họng, vi khuẩn nhanh chóng giải phóng độc tố. Chất này lan truyền qua dòng máu, sau đó tạo một lớp phủ dày màu xám ở vùng họng, mũi, lưỡi và đường không khí. Nhiều trường hợp có độc tố vi khuẩn làm ảnh hưởng đến tim, não và thận.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Chưa tiêm chủng
- Sống trong điều kiện đông đúc hoặc mất vệ sinh
- Sinh sống hoặc du lịch ở những nơi nhiễm bệnh bạch hầu phổ biến
- Hệ miễn dịch suy yếu
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng thường bắt đầu sau 2 - 5 ngày sau nhiễm khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Dưới đây là các triệu chứng và dấu hiệu phổ biến gồm:
- Xuất hiện màng dày màu xám ở cổ họng và amidan
- Sưng hạch ở cổ
- Đau họng
- Khàn giọng
- Chảy nước mũi
- Sốt và ớn lạnh
- Khó thở hoặc thở nhanh
- Mệt mỏi
- Có một tiếng ho to
- Chảy nước dãi
- Da khơi xanh
- Khó chịu
Khi nhiễm trùng tiến triển, người bệnh còn có những triệu chứng dưới đây:
- Khó nuốt
- Khó thở
- Thay đổi tầm nhìn
- Nói lắp
- Sốc với những biểu hiện gồm da nhợt nhạt và lạnh, nhịp tim nhanh, đổ nhiều mồ hôi
- Những vấn đề về thần kinh, thận hoặc tim
Triệu chứng của bạch hầu ngoài da:
- Loét và đỏ ở vùng da bị ảnh hưởng
- Sưng tấy và đau như những bệnh nhiễm trùng da khác
- Vết loét được bao phủ bởi một lớp màng màu xám.
Bệnh nhân được kiểm tra những triệu chứng ở cổ họng, amidan, mũi và đường thở để tìm kiếm các đặc điểm của bệnh bạch hầu, chẳng hạn như màng dày màu xám. Ngoài ra những vùng da bị ảnh hưởng cũng được kiểm tra để đánh giá.
Nếu nhìn thấy vết phủ màu xám ở cổ họng hoặc amidan, người bệnh sẽ được xét nghiệm bổ sung để xác định chẩn đoán. Trong đó mẫu bệnh phẩm sẽ được lấy từ vết loét hoặc phía sau cổ họng. Sau đó nuôi cấy vi khuẩn trong phòng thí nghiệm để xác định vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Khi không được điều trị, người bệnh có các biến chứng sau:
- Hình thành lớp màng cứng màu xám làm tắc nghẽn đường thở
- Tổn thương thần kinh đến cổ họng dẫn đến khó nuốt
- Viêm dây thần kinh ở cánh tay và chân dẫn đến yếu cơ
- Không thể thở
- Viêm cơ tim dẫn đến tổn thương tim
- Suy thận
- Bại liệt.
Nhiễm trùng ảnh hưởng đến da hoặc những vị trí khác ngoài cổ họng và hệ hô hấp thường nhẹ hơn. Nguyên nhân là do cơ thể hấp thụ ít chất độc hơn từ vi khuẩn. Bệnh có thể ảnh hưởng đến những màng nhầy khác như mô âm đạo, ống tai ngoài và kết mạc mắt.
Điều trị
Bạch hầu cần được điều trị ngay lập tức và tích cực để ngăn ngừa các biến chứng do bệnh gây ra.
1. Điều trị y tế
Những phương pháp điều trị thường bao gồm:
- Đặt ống thở: Người bệnh được khám kỹ lưỡng để đảm bảo rằng đường thở không bị giảm hoặc chặn. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành đặt một ống thở trong cổ họng để đảm bảo đường thở luôn thông thoáng cho đến khi viêm giảm.
- Thuốc kháng sinh: Penicillin và Erythromycin là những loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng. Thuốc điều trị nhiễm trùng và loại bỏ vi khuẩn trong cơ thể. Ngoài ra kháng sinh cũng làm giảm thời gian lây nhiễm của những bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu.
- Thuốc chống độc: Một loại thuốc chống độc được tiêm vào tĩnh mạch hoặc cơ bắp nếu có nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Thuốc này giúp chống lại độc tố do vi khuẩn gây ra. Thông thường những xét nghiệm dị ứng da sẽ được thực hiện trước khi tiêm thuốc để đả bảo bệnh nhân không bị dị ứng với thuốc chống độc.
Nếu tiếp xúc với người bệnh, bạn sẽ được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng sinh để loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa. Ngoài ra cần tiêm đủ liều vắc xin bạch hầu.
2. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Một số biện pháp chăm sóc tại nhà khi điều trị bệnh bạch hầu:
- Nghỉ ngơi nhiều trên giường. Tránh bất kỳ hoạt động thể chất nào có thể vượt khỏi sức chịu đựng của bạn, đặc biệt là khi trái tim đã bị ảnh hưởng.
- Ăn thức ăn mềm và lỏng trong một thời gian để không làm tăng mức độ đau và khó nuốt. Ngoài ra nên đảm bảo bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.
- Cách ly nghiêm ngặt để phòng ngừa lây nhiễm cho người khác.
- Mọi người trong nhà cần tránh tiếp xúc với người bệnh, thường xuyên rửa tay sạch sẽ để hạn chế sự lây nhiễm.
- Tiêm đủ liều vắc xin bạch hầu sau khi khỏi bệnh. Điều này giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.
Phòng ngừa
Bệnh bạch hầu có thể được phòng ngừa bằng thuốc vắc xin. Vắc xin ngừa bệnh bạch hầu được kết hợp với vắc xin ho gà và vắc xin uốn ván (vắc xin 3 trong 1). Trong đó DTaP được dùng cho trẻ em, Tdap được dùng cho thanh thiếu niên và người lớn. Sau mũi tiêm trong thời thơ ấu, cần tiêm nhắc lại để duy trì khả năng miễn dịch.
Một số biện pháp khác giúp giảm nguy cơ:
- Không tiếp xúc với những người có nghi ngờ hoặc đang bị nhiễm bệnh.
- Tránh sinh sống trong điều kiện đông đúc hoặc mất vệ sinh.
- Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và thường xuyên tập thể dục thể thao.
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn có thể giúp hạn chế được sự lây nhiễm.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì gây ra những triệu chứng của tôi?
2. Phương pháp điều trị nào sẽ được thực hiện?
3. Điều trị trong bao lâu để khỏi bệnh?
4. Có bất kỳ tác dụng phụ nào có thể xảy ra khi điều trị hay không?
5. Có bất kỳ biến chứng lâu dài nào mà tôi có thể gặp phải hay không?
6. Tôi có cần cách ly y tế hay không? Cách ly trong bao lâu?
7. Tôi nên làm gì để ngăn ngừa tái phát?
Bệnh bạch hầu là một căn bệnh nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến hô hấp, hệ thần kinh, tim và nhiều cơ quan khác. Vì vậy cần điều trị tích cực và ngay lập tức nếu có bệnh lý này xảy ra. Ngoài ra nên tiêm phòng để giảm nguy cơ mắc bệnh.