Bệnh Đau Vai Gáy

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Bệnh đau vai gáy là những cơn đau ở vùng vai gáy kèm theo cảm giác cứng hoặc co thắt. Cơn đau có xu hướng dai dẳng khiến người bệnh khó chịu và gặp khó khăn khi cử động. Thông thường chế độ luyện tập và thuốc được dùng để cải thiện tình trạng.

Tổng quan

Đau vai gáy là tình trạng đau nhức âm ỉ kèo theo co thắt ở vùng vai gáy. Cơn đau thường không quá nghiêm trọng nhưng kéo dài, tạo cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh.

Đau vai gáy
Đau vai gáy là những cơn đau nhức âm ỉ ở vùng vai gáy do nhiều nguyên nhân

Những cơn đau vai gáy thường liên quan đến một số bệnh lý xương khớp. Tuy cơn đau cũng có thể bắt đầu từ những tư thế sai trong khi ngủ, thiếu vận động và chấn thương.

Tùy thuộc vào tình trạng, phác đồ điều trị có thể khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên thuốc và vận động trị liệu thường là phương pháp điều trị chính.

Phân loại

Bệnh đau vai gáy được phân thành 2 loại gồm cấp tính và mãn tính.

  • Cấp tính: Đau vai gáy cấp tính là những cơn đau ngắn hạn, có thể tự khỏi hoặc giảm nhanh bằng những biện pháp chăm sóc. Cơn đau thường khởi phát do chấn thương hoặc những nguyên nhân không phải bệnh lý, chẳng hạn như ngủ sai tư thế.
  • Mãn tính: Đau vai gáy mãn tính là những cơn đau kéo dài hoặc thường xuyên lặp lại. Thể mãn tính bắt đầu từ những cơn đau cấp tính không được điều trị.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Một người có thể bị đau vai gáy do những nguyên nhân dưới đây:

  • Bệnh lý

Cơn đau dai dẳng thường liên quan đến một số bệnh lý ở vai và cổ. Chẳng hạn như:

    • Thoái hóa cột sống cổ
    • Thoát vị đĩa đệm
    • Gai cột sống
    • Viêm khớp vai...

Những người bị đau vai gáy do bệnh lý thường có cơn đau dữ dội hoặc âm ỉ, đau kèm theo cứng khớp, có cảm giác tê hoặc co thắt bên trọng, rất khó kiểm soát tình trạng.

  • Tư thế sai

Đau vai gáy thường gặp ở những người ngủ sai tư thế. Giữ cổ ở tư thế sai trong thời gian dài (như vẹo cổ sang 1 bên, ngủ sấp) dẫn đến căng cơ ở cổ và vai. Từ đó tạo cảm giác đau nhức.

Đau vai gáy thường do tư thế sai trong khi ngủ
Đau vai gáy thường do tư thế sai trong khi ngủ khiến các cơ và dây chằng bị căng không đúng cách

Ngoài ra cơn đau cũng có thể xảy ra do một số tư thế và hoạt động dưới đây:

    • Khom lưng, ngửa lên hoặc cúi cổ quá mức khi ngồi trước điện thoại hoặc máy tính. Tư thế này khiến các cơ bị kéo giãn không đúng cách dẫn đến đau nhức.
    • Chồng nhiều gối hoặc ngủ trên gối quá cao
    • Đột ngột thay đổi tư thế ở vai hoặc giật cổ khi tập thể dục
  • Chấn thương mô mềm

Chấn thương mô mềm (cơ, gân hoặc dây chằng) thường gây đau nhức kèm theo cảm giác cứng khớp và co thắt cơ. Đôi khi cơn đau lan lên vùng đầu làm ảnh hưởng đến khả năng tập trung.

Chấn thương mô mềm thường do những chuyển động đột ngột của vai và cổ, vận động sai tư thế, lạm dụng khớp hoặc bị tai nạn.

  • Nhiễm lạnh

Nhiễm lạnh khiến khí huyết không thông, tà khí khu trú quanh xương khớp làm tổn thương dây thần kinh và gây đau.

  • Vận động gắng sức

Cơn đau phổ biến ở những người có công việc nặng nhọc, thường xuyên mang vác vật nặng trên vai... Những trường hợp này dễ bị thoái hóa xương khớp và căng cơ dẫn đến đau nhức.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Lớn tuổi
  • Dị tật bẩm sinh vùng cổ
  • Thay đổi thời tiết
  • Hút thuốc lá

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của bệnh đau vai gáy thường bao gồm:

  • Đau nhức hoặc mỏi ở vùng vai và cổ
    • Đau khi vừa ngủ dậy
    • Đau có xu hướng lan lên đầu hoặc xuống cánh tay
    • Cơn đau âm ỉ và dai dẳng. Nhiều trường hợp có cơn đau dữ dội
    • Đau tăng khi chuyển động ở vùng cổ và vai
    • Đau khi thời tiết thay đổi
    • Đau có thể tự khỏi sau 2 ngày hoặc giảm nhanh khi dùng thuốc
  • Cứng khớp hoặc có cảm giác co thắt
  • Giảm vận động ở những trường hợp nặng.

Cơn đau thường bắt đầu sau khi ngủ dậy và đau âm ỉ
Cơn đau thường bắt đầu sau khi ngủ dậy, đau âm ỉ kèm theo co thắt gây ra cảm giác khó chịu

Đau vai gáy thường dễ được phát hiện thông qua những biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên để nắm rõ nguyên nhân gây bệnh, các xét nghiệm chuyên sâu cần được áp dụng. Cụ thể:

  • Chụp X-quang: Kỹ thuật này cho phép kiểm tra tình trạng xương, chẳng hạn như thoái hóa cột sống, gai xương, gãy xương...
  • Chụp CT hoặc MRI: Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) cung cấp hình ảnh chi tiết về xương và mô mềm, xác định chính xác nguyên nhân gây đau vai gáy dai dẳng.

Biến chứng và tiên lượng

Đau vai gáy thường không do bệnh lý, cơn đau có xu hướng tự khỏi sau vài ngày hoặc giảm nhanh khi dùng thuốc. Tuy nhiên không ít trường hợp có cơn đau dai dẳng và thường xuyên tái phát. Những trường hợp này không được điều trị có thể gây đau mãn tính hoặc phát triển những biến chứng sau:

  • Yếu cơ
  • Teo cơ
  • Rối loạn tiền đình
  • Giảm chức năng vận động
  • Chèn ép tủy sống cổ.

Cần thăm khám đầy đủ nếu đau vai gáy sau một chấn thương mạnh, đau đột ngột không rõ nguyên nhân, kéo dài trên 2 ngày hoặc thường xuyên tái diễn.

Điều trị

Những phương pháp điều trị phổ biến cho chứng đau vai gáy:

1. Thuốc

Các thuốc sẽ được sử dụng dựa trên mức độ đau của bệnh nhân:

Thuốc Acetaminophen
Thuốc Acetaminophen được dùng cho những cơn đau vai gáy nhẹ và vừa để kiểm soát

  • Acetaminophen: Thuốc Acetaminophen thường được dùng ở liều 500mg/ lần, lặp lại liều sau 6 giờ nếu cần thiết. Thuốc này giúp giảm đau từ nhẹ đến vừa, thường được chỉ định cho những trường hợp đau vai gáy cấp tính.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen, Naproxen hoặc một loại NSAID khác có thể được dùng cho những trường hợp đau vừa. Thuốc chứa hoạt chất mạnh hơn Acetaminophen, giúp giảm đau và chống viêm hiệu quả. Tuy nhiên NSAID thường gây tác dụng phụ ở đường tiêu hóa nên cần thận trọng.
  • Tramadol + Paracetamol: Tramadol là thuốc giảm đau gây nghiện (opioid), được chỉ định cho trường hợp đau vừa đến nặng. Tramadol + Paracetamol có thể tăng hiệu quả giảm đau, giảm lượng opioid được sử dụng và giảm nguy cơ lệ thuộc thuốc.
  • Tiêm Corticoid vào khớp: Tiêm Corticoid chỉ được chỉ định cho những cơn đau nặng do bệnh lý, đau không cải thiện khi dùng các thuốc khác. Thuốc này mang đến hiệu quả giảm đau và viêm nhanh chóng.

2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu gồm những bài tập cho vùng vai và cổ. Phương pháp này giúp thư giãn gân cơ, giảm đau, kéo giãn nhẹ nhàng và tăng cường sức cơ. Ngoài ra những bài tập còn có tác dụng cải thiện vận động và tính linh hoạt, giảm co thắt, làm chậm quá trình lão hóa xương khớp.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể được hướng dẫn những tư thế tốt để ngăn cơn đau tái diễn.

3. Biện pháp giảm đau tại nhà

Những biện pháp giảm đau tại nhà có thể giúp giảm đau tạm thời hoặc khắc phục nhanh cơn đau cho những trường hợp nhẹ. Dưới đây là những biện pháp thường được áp dụng:

  • Bài tập cho cổ

Lần lượt cúi cổ về trước, ngửa cổ về sau, nghiêng đầu sang trái và nghiêng đầu sang phải, mỗi bước 15 - 30 giây khi bị đau vai gáy. Bài tập này có tác dụng kéo giãn dây chằng nhẹ nhàng, thư giãn cơ xương, giảm đau và co thắt.

Ngoài ra bài tập cho cổ cũng giúp xương khớp được thư giãn tốt hơn, giảm nguy cơ thoái hóa cột sống cổ ở những người ngồi lâu trên bàn máy tính.

Bài tập cho cổ
Bài tập cho cổ giúp khớp xương và mô mềm thư giãn, giảm đau mỏi, cải thiện tầm vận động

  • Chườm ấm

Chườm ấm mang đến nhiều lợi ích trong việc giảm đau vai gáy. Dùng túi nước ấm chườm lên vùng đau giúp thư giãn xương và mô mềm, giảm cứng khớp, giảm đau và cải thiện lưu thông máu.

Biện pháp này có thể được thực hiện vài lần mỗi ngày. Nên kiểm tra nhiệt độ để tránh bị bỏng da.

  • Chườm lạnh

Những trường hợp đau vai gáy do chấn thương nên chườm lạnh trong 72 giờ đầu, mỗi 8 giờ 1 lần. Biện pháp này giúp giảm sưng, viêm và đau hiệu quả.

  • Xoa bóp

Xoa bóp với dầu nóng hoặc tinh dầu thảo dược giúp giảm đau vai gáy hiệu quả. Những tác động nhẹ nhàng từ tay giúp giảm đau, giảm co thắt và cứng khớp. Đồng thời tăng lưu thông máu và thư giãn tối đa. Xoa bóp nhẹ nhàng cũng giúp cải thiện giấc ngủ cho người bệnh.

Phòng ngừa

Loại bỏ nguyên nhân để phòng ngừa đau vai gáy. Cụ thể:

  • Tránh tư thế sai khi sinh hoạt và khi ngủ.
  • Tránh ngủ với cổ vẹo sang một bên.
  • Không nằm trên gối quá cao hoặc quá cứng. Nên sử dụng những chiếc gối có độ cứng vừa phải, có cấu trúc nâng đỡ cổ và đầu.
  • Thường xuyên thực hiện các bài tập cho cổ và vai để tăng tính dẻo dai, giảm nguy cơ thoái hóa cột sống và phòng ngừa đau vai gáy.
  • Điều trị tốt những bệnh lý và chấn thương liên quan.
  • Giữ ấm cơ thể, tránh bị nhiễm lạnh, đặc biệt là những người có tiền sử mắc bệnh hoặc chấn thương ở vùng cổ vai gáy.
  • Ngăn ngừa chấn thương trong những hoạt động và không đột ngột chuyển động cổ.
  • Hạn chế mang vác vật nặng, vận động hoặc lao động gắng sức. Nên dành thời gian nghỉ hợp lý.
  • Ăn những bữa ăn lành mạnh, chứa các nguồn thực phẩm tốt giúp cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.
  • Không giữ 1 tư thế trong thời gian dài. Nên thường xuyên thư giãn vùng cổ và vươn vai để tránh căng thẳng quá mức.

Thư giãn vùng cổ và vươn vai thường xuyên
Thư giãn vùng cổ và vươn vai thường xuyên khi làm việc để phòng ngừa đau vai gáy

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào gây ra bệnh đau vai gáy của tôi?

2. Phương pháp tốt và phổ biến nhất cho tình trạng hiện tại là gì?

3. Đau vai gáy nên tập những bài tập gì để cải thiện?

4. Biến chứng nào có thể xảy ra nếu không điều trị?

5. Điều trị trong bao lâu?

6. Thuốc điều trị đau vai gáy có tác dụng phụ không?

7. Có phải những triệu chứng chỉ từ một nguyên nhân?

Đau vai gáy thường không quá nghiêm trọng, có thể tự khỏi và dễ kiểm soát. Tuy nhiên cơn đau có thể đột ngột do bắt nguồn từ những bệnh lý hoặc chấn thương nặng. Do đó người bệnh cần lưu ý thăm khám khi đau nhiều và thường xuyên tái phát.