Bệnh Khô Khớp
Bệnh khô khớp xảy ra khi khớp ảnh hưởng bị giảm hoặc không thể tiết dịch nhầy bôi trơn. Điều này làm giảm những chuyển động trơn tru, khớp cứng và thường phát ra tiếng kêu. Bệnh thường ảnh hưởng đến những khớp lớn nhưng cũng có thể xảy ra với những khớp nhỏ hơn.
Tổng quan
Bệnh khô khớp là sự suy giảm hoặc không tiết ra dịch nhờn bôi trơn ở khớp. Điều này khiến những chuyển động kém trơn tru, khớp cứng, khó mở rộng, thường phát ra tiếp kêu lục cục hay lạo xạo.
Ở những trường hợp nặng, khô khớp có thể gây đau khớp, khớp sưng và giảm khả năng vận động. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trên cơ thể. Tuy nhiên các khớp lớn như khớp gối, khớp háng... là những khớp dễ bị ảnh hưởng nhất.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh khô khớp, bao gồm:
- Thiếu vận động
Khô khớp thường gặp ở những người ngồi lâu một chỗ hoặc có thói quen ít vận động. Bởi điều làm giảm tinh linh hoạt và ảnh hưởng đến quá tiết dịch bôi trơn ở các khớp.
- Thừa cân béo phì
Trọng lượng dư thừa khiến các khớp xương chịu nhiều áp lực, dễ dẫn đến tổn thương, thoái hóa và bệnh khô khớp.
- Thoái hóa
Thoái hóa khớp hoặc quá trình lão hóa theo thời gian khiến sụn đệm và xương dưỡng sụn hao mòn, mất độ trơn nhẫn và tính ổn định. Điều này không chỉ khiến các đầu xương cọ xát khi di chuyển mà còn làm suy giảm khả năng tiết dịch.
Bệnh khô khớp do thoái hóa nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến hỏng khớp và tăng nguy cơ dị tật vĩnh viễn.
- Chấn thương
Chấn thương (bao gồm cả vi chấn thương) làm tổn thương xương và sụn khớp. Điều này dẫn đến rối loạn khả năng tiết dịch, người bệnh có thể bị khô khớp hoặc tràn dịch khớp.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Hút thuốc lá
- Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng
- Người lớn tuổi
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng dưới đây có thể giúp nhận biết bệnh khô khớp:
- Khớp phát ra tiếng kêu lục cục hay lạo xạo khi chuyển động
- Cứng khớp
- Có cảm giác co thắt hoặc cứng bên trong
- Đau khớp
- Đau nhiều hơn khi thực hiện những chuyển động ở khớp
- Đau giảm khi giảm áp lực lên khớp và nghỉ ngơi
- Giảm tính ổn định và khả năng chịu lực, đặc biệt là đầu gối
- Viêm và sưng khớp (ít gặp)
Chẩn đoán bệnh khô khớp dựa vào những triệu chứng lâm sàng. Người bệnh được yêu cầu di chuyển hoặc mở rộng khớp nhẹ nhàng, sau đó mô tả triệu chứng.
Để xác định chẩn đoán và phân biệt với các tình trạng khác, những xét nghiệm dưới đây có thể được chỉ định:
- Xét nghiệm máu
- Chụp X-quang kiểm tra cấu trúc khớp
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) tạo hình ảnh chi tiết hơn so với X-quang
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) kiểm tra xương và mô mềm
Biến chứng và tiên lượng
So với những bệnh xương khớp khác, bệnh khô khớp không quá nguy hiểm và có tiên lượng tốt. Những biện pháp điều trị cơ bản và khắc phục tại nhà có thể giúp giảm nhanh triệu chứng, cải thiện khả năng vận động.
Tuy nhiên những trường hợp không được điều trị sớm và đúng cách có thể khiến bệnh tiến triển. Lâu ngày bệnh có thể dẫn đến những biến chứng sau:
- Hỏng khớp
- Biến dạng khớp
- Teo cơ
- Mất hoặc giảm khả năng vận động
- Đau khớp mãn tính
- Thoái hóa khớp tiến triển
- Liệt khớp
Điều trị
Bênh khô khớp thường được điều trị bằng thuốc kết hợp vật lý trị liệu và những biện pháp chăm sóc tại nhà. Hiếm khi phẫu thuật được chỉ định.
1. Điều trị bằng thuốc
Thuốc được dùng để giảm bớt những triệu chứng của bệnh. Dưới đây là những loại thuốc cụ thể:
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Acetaminophen có thể được dùng cho những cơn đau nhẹ đến vừa.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen hoặc Naproxen hoặc các loại NSAID theo đơn mạnh hơn có thể được sử dụng. Thuốc giúp giảm đau, phòng ngừa và điều trị viêm.
- Tiêm corticoid vào khớp: Nếu bị khô khớp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được tiêm corticoid vào khớp. Thuốc có tác dụng chống viêm mạnh và giảm đau. Tiêm corticoid thường mang đến hiệu quả nhanh chóng, kết quả kéo dài trong vài tháng.
2. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị cần thiết cho bệnh nhân khô khớp. Phương pháp này bao gồm những bài tập phù hợp giúp tăng phạm vi chuyển động và tính linh hoạt. Đồng thời kích thích sản sinh dịch nhờn bôi trơn giúp khớp chuyển động trơn tru hơn.
Ngoài ra vận động trị liệu còn giúp giảm tình trạng co thắt, đau và cứng khớp, tăng lưu thông máu, tăng cường các cơ hỗ trợ khớp. Từ đó giúp điều trị khô khớp hiệu quả, tăng tính ổn định và giúp khớp phục hồi tốt hơn.
3. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Khi bị khô khớp, chế độ ăn uống và các biện pháp chăm sóc có thể giúp tăng sản sinh dịch khớp.
- Nghỉ ngơi hợp lý
Nghỉ ngơi khi đau và co thắt ở khớp. Sau đó vận động nhẹ nhàng, đi lại quanh nhà để cải thiện tình trạng.
- Chườm ấm
Dùng nước ấm hoặc túi thảo dược sao nóng đặt lên các khớp bị ảnh hưởng. Nhiệt độ cao giúp các mô trong khớp thư giãn, giảm đau, tăng lưu thông máu và chữa lành khớp bị thương.
Ngoài ra biện pháp chườm ấm còn giúp kích thích sản sinh dịch nhờn bôi trơn và giảm cứng khớp. Từ đó tăng phạm vi chuyển động và tính linh hoạt cho khớp. Biện pháp này nên được thực hiện 3 lần/ ngày, mỗi lần 20 phút.
- Xoa bóp
Hãy thử xoa bóp nhẹ nhàng để thư giãn và giảm co thắt cho khớp. Biện pháp này có tác dụng kích thích tăng tiết dịch nhờn, tăng lưu thông máu, giảm đau và chống cứng khớp.
- Vận động đều đặn
Vận động và tập thể dục mỗi ngày để góp phần điều trị bệnh khô khớp. Những bài tập yoga, đi lại, đạp xe đạp... giúp tăng tiết dịch nhờn và các khớp chuyển động trơn tru hơn. Từ đó phòng ngừa và giảm nhanh tình trạng cứng khớp.
Ngoài ra tập thể dục đều đặn mỗi ngày còn giúp giảm đau khớp, cải thiện tính linh hoạt và ngăn phát triển bệnh thoái hóa khớp. Tuy nhiên cần tránh luyện tập gắng sức, đặc biệt là những trường hợp có khớp mất vững.
- Thiết lập chế độ ăn khoa học
Các nghiên cứu cho thấy, một số thành phần dinh dưỡng có khả năng kích thích sản sinh dịch nhờn bôi trơn khớp.Từ đó phòng ngừa và điều trị khô khớp. Cụ thể:
-
- Omega-3: Đây là một loại axit béo lành mạnh, có đặc tính chống viêm, giảm đau, làm chậm lão hóa xương khớp. Đồng thời giúp tăng dịch nhờn và điều trị khô khớp. Omega-3 cũng tốt cho sức khỏe tổng thể và trí não.
- Axit Alpha-linolenic (ALA): Những loại thực phẩm giàu axit Alpha-linolenic (ALA) như tía tô, đậu nành, hạt lanh... có khả năng kích thích tiết dịch bôi trơn ở khớp. Từ đó cải thiện chức năng vận động và giảm khô khớp cho người bệnh. Ngoài ra axit Alpha-linolenic (ALA) còn có tác dụng hỗ trợ giảm viêm và giảm đau.
- Canxi và vitamin D: Bổ sung canxi và vitamin D giúp cải thiện sức khỏe xương khớp, ngăn thoái hóa khớp.
- Vitamin C và các chất chống oxy hóa: Làm chậm quá trình lão hóa, chống viêm và giảm cứng khớp.
Người bệnh cần có chế độ ăn uống phù hợp và lành mạnh, lựa chọn những loại thực phẩm tươi và chế biến ít gia vị. Ngoài ra nên uống nhiều nước lọc, tránh rượu bia.
4. Phẫu thuật
Hiếm khi phẫu thuật được chỉ định cho bệnh khô khớp. Thông thường bệnh nhân chỉ được phẫu thuật khi khớp khô quá mức do hỏng khớp, tổn thương nghiêm trọng từ thoái hóa khớp, điều trị bảo tồn không hiệu quả.
Những kỹ thuật cụ thể sẽ được xem xét và chỉ định dựa trên tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
Phòng ngừa
Bệnh khô khớp có thể được phòng ngừa bằng những biện pháp sau:
- Luôn duy trì cân nặng ở mức an toàn, giảm cân khi cần thiết.
- Tránh lười vận động. Nhân viên văn phòng, thợ may, tài xế lái xe... nên đi lại và vận động nhẹ nhàng từ 5 - 10 phút, mỗi 1 tiếng 1 lần.
- Tránh những hoạt động có thể làm chấn thương khớp, chẳng hạn như lạm dụng khớp, sai tư thế và mang vác vật nặng.
- Bổ sung đủ dinh dưỡng từ chế độ ăn uống. Đặc biệt là canxi, vitamin A, B, C, D, E, omega-3, chất chống oxy hóa, glucosamine, chất hcoopsng oxy hóa... Đây đều là những thành phần tốt cho hệ xương khớp, giúp làm chậm quá trinh lão hóa và chống khô khớp.
- Không uống rượu bia và hút thuốc lá.
- Vận động và tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Nên thực hiện các bài tập và bộ môn giúp các khớp chuyển động trơn tru như đạp xe, bơi lội, tập yoga...
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh khô khớp của tôi nghiêm trọng như thế nào?
2. Cách điều trị nào tốt nhất cho tình trạng hiện tại?
3. Chế độ ăn uống và vận động cho người khô khớp như thế nào?
4. Tránh gì khi bị khô khớp?
5. Bệnh được điều trị trong bao lâu?
6. Bệnh có ảnh hưởng đến lối sống và công việc không?
7. Tại sao cần phẫu thuật?
Bệnh khô khớp không quá nghiêm trọng, có tiên lượng tốt và dễ khắc phục khi điều trị sớm. Những trường hợp không điều trị có thể gặp biến chứng nặng nề như hỏng khớp. Do đó người bệnh cần điều trị sớm và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!