Tắc Ống Dẫn Tinh
Tắc ống dẫn tinh xảy ra khi một vài vị trí của ống dẫn tinh trùng bị chặn. Điều này khiến tinh trùng không thể rời khỏi cơ thể. Từ đó dẫn đến vô sinh nam. Để điều trị, phẫu thuật loại bỏ tắc nghẽn ống dẫn sẽ được áp dụng.
Tổng quan
Tắc ống dẫn tinh (EDO) là tình trạng tắc nghẽn ống dẫn tinh trùng (ống phóng tinh). Tình trạng này xảy ra khi một hoặc nhiều vị trí của ống dẫn tinh bị chặn bởi một thứ gì đó.
EDO thường là nguyên nhân gây vô sinh nam. Ống dẫn tinh nối từ đuôi mào tinh hoàn đến mặt sau bàng quang, phần cuối nối với ống tiết của túi tinh và hình thành ống phóng tinh.
Khi một trong hai ống dẫn tinh bị tắc nghẽn, dòng chảy của tinh dịch không thể diễn ra bình thường, tinh trùng bị chặn lại. Điều này khiến tinh trùng không có cơ hội xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ để tạo ra quá trình thụ tinh.
Phân loại
Tắc ống dẫn tinh được phân thành 3 loại, bao gồm:
- EDO hoàn toàn: Những nam giới có EDO hoàn chỉnh sẽ có cả hai ống dẫn tinh đều bị chặn.
- EDO một phần hoặc không hoàn toàn: Trong loại này, nam giới có thể bị tắc nghẽn một phần ở cả hai ống dẫn hoặc tắc nghẽn hoàn toàn ở một ống dẫn.
- EDO chức năng: Nam giới có hai ống dẫn tinh bị chặn nhưng không có tắc nghẽn vật lý.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tắc ống dẫn tinh thường do những nguyên nhân dưới đây:
- Dị tật bẩm sinh: Một số dị tật bẩm sinh có thể góp phần làm tắc ống dẫn tinh. Chẳng hạn như thiếu một đoạn hoặc toàn bộ ống dẫn tinh, ống dẫn tinh và mào tinh hoàn không liên kết, mào tinh hoàn không có thân và đuôi...
- Mô sẹo: Tắc ống dẫn tinh thường do mô sẹo. Điều này xảy ra phổ biến ở những trường hợp sau:
- Tổn thương niệu đạo
- Phẫu thuật vùng chậu trước đó
- Phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn
- Thắt ống dẫn tinh triệt sản
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh...
- Viêm hoặc nhiễm trùng: Tắc ống dẫn tinh thường là kết quả của nhiễm trùng đường tiết niệu nhiều lần, viêm tuyến tiền liệt mãn tính, viêm mào tinh hoàn... Ngoài ra tình trạng này cũng có thể là biến chứng của những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục (STI)
- Nguyên nhân khác:
- Sỏi
- Khối u lành tính hoặc ác tính tại cơ quan sinh dục (nang túi tinh, ung thư tinh hoàn, ung thư mào tinh hoàn, ung thư tuyến tiền liệt...)
- Chấn thương vùng bẹo bìu hoặc chấn thương đáy chậu không được điều trị đúng cách.
Triệu chứng và chẩn đoán
Một người bị tắc ống dẫn tinh sẽ có những triệu chứng sau:
- Lượng tinh dịch thấp (dưới 1,5ml) hoặc không có tinh dịch
- Số lượng tinh trùng thấp hoặc/ và sản lượng tinh trùng thấp
- Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
- Đau ở tuyến yên
- Tiểu máu (có máu trong nước tiểu)
- Xuất tinh ra máu (có máu trong tinh dịch)
- Vô sinh
- Cảm thấy bất thường khi sờ nắn vào ống dẫn tinh hoặc mào tinh hoàn
Những biểu hiện khi xét nghiệm:
- Ít hoặc không có tinh trùng trong tinh dịch
- Nồng độ FSH bình thường hoặc hơi cao
Trong quá trình thăm khám,nam giới được kiểm tra triệu chứng và những tình trạng sức khỏe có thể làm tắc ống phóng tinh. Để chắc chắn hơn về tình trạng, các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu sẽ được áp dụng, bao gồm:
- Xét nghiệm nội tiết sinh dục: Xét nghiệm này cho phép định lượng hormone nội tiết tố sinh dục nam. Bao gồm FSH, testosterone, LH.... Từ đó phân biệt vô sinh do tắc ống dẫn tinh hay do tinh hoàn không sinh tinh.
- Siêu âm: Hình ảnh siêu âm qua trực tràng giúp kiểm tra cấu trúc của ống dẫn tinh, sự phát triển của các khối u... Điều này giúp đánh giá tình trạng tắc nghẽn và xác định nguyên nhân.
- Phân tích tinh dịch: Xét nghiệm này được thực hiện nhằm kiểm tra số lượng tinh trùng trong tinh dịch khi xuất tinh.
- Phân tích di truyền: Nam giới được phân tích di truyền nhằm phát hiện tình trạng bất sản ống dẫn tinh hai bên bẩm sinh do yếu tố di truyền.
- Sinh thiết tinh hoàn: Kiểm tra tế bào mô tinh hoàn phân biệt vô sinh do rối loạn sản xuất tinh trùng ở tinh hoàn hoặc vô sinh do tình trạng tắc nghẽn ống dẫn tinh.
Biến chứng và tiên lượng
Tắc ống dẫn tinh không được điều trị dẫn đến vô sinh ở nam giới. Từ đó ảnh hưởng đến tâm lý và hạnh phúc gia đình. Ở những trường hợp điều trị sớm và đúng cách, khả năng sinh sản ở nam giới hầu như không bị ảnh hưởng.
Điều trị
Mục đích điều trị:
- Loại bỏ tắc nghẽn
- Cải thiện khả năng sinh sản của nam giới
- Khắc phục các triệu chứng.
Phương pháp điều trị cụ thể:
- Cắt bỏ ống phóng tinh qua niệu đạo (TURED): Đây là phương pháp điều trị tắc ống dẫn tinh được áp dụng phổ biến. Khi thực hiện, mô sẹo, u nang hoặc bất kỳ thứ gì gây tắc nghẽn đều bị loại bỏ. Cắt bỏ ống phóng tinh qua niệu đạo mang đến hiệu quả cao. Tuy nhiên phương pháp này có thể gây viêm mào tinh hoàn, chấn thương trực tràng, tiểu không tự chủ, tắc nghẽn tái phát... Tham khảo bác sĩ về lợi ích và rủi ro trước khi thực hiện.
- Nội soi túi tinh: Nội soi túi tinh là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Trong đó những thiết bị nội soi được đưa vào trong, tiếp cận và loại bỏ ống dẫn. Mặc dù ít gặp nhưng nội soi túi tinh có thể gây ra một vài biến chứng. Chẳng hạn như xuất tinh với tinh dịch giảm, thay đổi hiệu suất hoặc chức năng tình dục.
- Phẫu thuật mở tinh hoàn (TESE): Phương pháp này được thực hiện nhằm lấy tinh trùng của nam giới, phù hợp với những người bị tắc trong ống tinh. Thông thường một số loại men sẽ được sử dụng để tăng số lượng tinh trùng thu được từ những ống sinh tinh.
- Phẫu thuật nối ống dẫn tinh với mào tinh: Nếu tắc đầu gần ống dẫn tinh, nam giới sẽ được phẫu thuật nối ống dẫn tinh với mào tinh. Phương pháp này đặc biệt phù hợp với những người bị tắc ống dẫn tinh do bẩm sinh, sau thắt ống dẫn tinh triệt sản, nhiễm trùng, tắc mào tinh hoàn tự phát... Sau khi nối ống dẫn tinh với mào tinh, khả năng sinh sản của nam giới sẽ được cải thiện.
- Phẫu thuật nối ống dẫn tinh: Nếu tắc đầu xa ống dẫn tinh, nam giới sẽ được phẫu thuật nối ống dẫn tinh. Phương pháp này phù hợp với nam giới bị tắc ống dẫn tinh do chấn thương ở vùng bẹn, thắt ống dẫn tinh để triệt sản, phẫu thuật thoát vị bẹn trước đó. Trong khi thực hiện, những vị trí tắc nghẽn bị loại bỏ và nối ống dẫn tinh lại với nhau.
- Dùng thuốc kháng sinh: Nếu tắc ống dẫn tinh liên quan đến nhiễm trùng, người bệnh cần phải dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.
Trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nào, nam giới thường được yêu cầu đông lạnh tinh dịch. Điều này giúp phòng ngừa vô sinh cho những trường hợp điều trị không thành công.
Phòng ngừa
Tắc ống dẫn tinh không được ngăn ngừa. Tuy nhiên để giảm bớt nguy cơ tắc nghẽn, nam giới nên áp dụng những biện pháp sau:
- Thăm khám và can thiệp kịp thời nếu có dị tật bẩm sinh ở cơ quan sinh dục.
- Loại bỏ khối u và điều trị những nguyên nhân khác có thể gây tắc ống dẫn tinh.
- Quan hệ chung thủy một vợ một chồng, sử dụng bao cao su để tránh những bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục.
- Phòng tránh tối đa chấn thương bằng cách thận trọng trong cuộc sống thường ngày.
- Chỉ phẫu thuật ở cơ quan sinh dục khi cần thiết. Ngoài ra cần lựa chọn cơ sở y tế chất lượng để tránh hình thành mô sẹo và những tổn thương sau phẫu thuật.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị tắc ống dẫn tinh?
2. Điều trị bằng phương pháp nào giúp đạt hiệu quả cao nhất?
3. Có bao nhiêu lựa chọn phẫu thuật? Chi phí bao nhiêu?
4. Những lợi ích và rủi ro khi phẫu thuật tắc ống dẫn tinh là gì?
5. Có điều gì cần tránh khi điều trị không?
6. Tắc ống dẫn tinh quan hệ có con không?
7. Điều gì xảy ra nếu tôi không phẫu thuật điều trị?
Tắc ống dẫn tinh ở nam giới xảy ra do nhiều nguyên nhân. Hầu hết là kết quả của dị tật bẩm sinh, mô sẹo và nhiễm trùng. Những trường hợp này cần được điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng vô sinh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!