Bệnh Trĩ
Bệnh trĩ là tình trạng sưng lên của những tĩnh mạch xung quanh hậu môn, có thể gây đau dữ dội hoặc không. Bệnh lý này thường liên quan đến táo bón hoặc rặn nhiều khi đại tiện dẫn đến căng thẳng. Bệnh chủ yếu được trị bằng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh.
Tổng quan
Bệnh trĩ (hay trĩ) là thuật ngữ chỉ tình trạng sưng lên của những tĩnh mạch ở hậu môn và phần dưới trực tràng. Bệnh có thể phát triển xung quanh hậu môn (được gọi là trĩ ngoại) hoặc/ và phát triển bên trong trực tràng (được gọi là trĩ nội).
Búi trĩ thường phát triển chậm. Một số loại thuốc và các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp người bệnh thoải mái, ngăn sự phát triển của bệnh và giảm sưng tĩnh mạch.
Bệnh trĩ giai đoạn nhẹ thường không có biểu hiện đi kèm. Trong giai đoạn tiến triển, búi trĩ có thể kèm theo cảm giác đau, ngứa, chảy máu khi đi ngoài... Cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu bệnh trĩ không cải thiện sau 1 tuần chăm sóc tại nhà hoặc chảy máu khi đi tiêu.
Phân loại
Bệnh trĩ được phân thành 2 loại chính gồm trĩ nội và trĩ ngoại.
- Trĩ nội
Bệnh trĩ nội là tình trạng sưng lên của những tĩnh mạch nằm sâu bên trong trực tràng, thường không thể nhìn hoặc sờ thấy chúng. So với trĩ ngoại, trĩ nội thường khó phát hiện, không đau do có ít dây thần kinh cảm giác. Tuy nhiên bệnh thường gây xuất huyết với những vết máu trên phân.
Ở những trường hợp nặng, búi trĩ trong trực tràng có thể sa ra ngoài (mô phình ra bên ngoài lỗ hậu môn). Những trường hợp này có thể bị đau, đặc biệt là khi đi đại tiện.
Bệnh trĩ nội được phân thành 4 cấp độ, bao gồm:
-
- Độ 1: Búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn
- Độ 2: Ở trạng thái bình thường, búi trĩ nằm gọn trong ống hậu môn. Khi rặn đi đại tiện, búi trĩ lòi ít ra ngoài hoặc thập thò. Tuy nhiên búi trĩ thụt vào trong khi đi cầu xong và đứng dậy.
- Độ 3: Búi trĩ sa ra ngoài khi đi đại tiện, ngồi xổm, làm việc nặng hoặc đi lại nhiều. Lúc này búi trĩ không thể tự tụt vào trong, người bệnh phải dùng tay đẩy nhẹ hoặc nằm nghỉ.
- Độ 4: Búi trĩ thường nằm ngoài ống hậu môn.
- Trĩ ngoại
Trĩ ngoại là tình trạng sưng lên của những tĩnh mạch xung quanh hậu môn. Bệnh thường được phát hiện sớm do có thể nhìn và sờ thấy, thường gây đau do phát triển ở nơi có nhiều dâu thần kinh cảm giác.
- Bệnh trĩ huyết khối
Bệnh trĩ huyết khối là một biến thể của bệnh trĩ ngoại. Trong đó sự hình thành của cục máu đông khiến búi trĩ ngoại có màu tím hoặc màu xanh. Những trường hợp này thường có những triệu chứng nghiêm trọng hơn như xuất huyết, ngứa và đau dữ đội.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh trĩ xảy ra khi lưu lượng máu đến và đi khỏi khu vực hậu môn - trực tràng bị cản trở. Từ đó khiến máu ứ lại và mở rộng các mạch. Điều này thường liên quan đến táo bón, căng thẳng khi đi đại tiện và nhiều nguyên nhân khác.
Dưới đây là những nguyên nhân khiến bệnh trĩ phát triển:
- Táo bón mãn tính: Tình trạng táo bón khiến người bệnh rặn nhiều để phân di chuyển. Điều này làm tăng áp lực lên thành mạch máu và phát triển búi trĩ.
- Căng thẳng khi đi đại tiện: Thói quen rặn nhiều, ngồi lâu khi đi đại tiện... khiến những tĩnh mạch ở hậu môn và phần dưới trực tràng chịu nhiều căng thẳng. Cuối cùng dẫn đến sự phát triển của những búi trĩ.
- Mang thai: Theo thời gian, sự phát triển của thai nhi làm tăng áp lực lên vùng hậu môn. Điều này khiến mô hỗ trợ những tĩnh mạch trong hậu môn và trực tràng căng ra và suy yếu. Từ đó hình thành những búi trĩ khi mang thai. Mặt khác, quá trình sản sinh hormone khi mang thai khiến tĩnh mạch giãn ra và sưng lên, các mô trong trực tràng yếu hơn. Từ đó phát triển bệnh trĩ. Kết quả thống kê cho thấy 35% trường hợp có bệnh trĩ phát triển khi mang thai.
- Tiêu chảy mạn tính: Tương tự như táo bón, tiêu chảy mạn tính làm tăng áp lực lên những tĩnh mạch và khiến chúng sưng lên.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh trĩ:
- Thừa cân béo phì: Các nghiên cứu cho thấy, những người thừa cân béo phì sẽ có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn. Bởi cân nặng dư thừa làm tăng áp lực trong bụng.
- Chế độ ăn thiếu chất xơ: Thiếu chất xơ trong chế độ ăn uống góp phần gây táo bón và bệnh trĩ.
- Lão hóa: Quá trình lão hóa theo thời gian làm giảm sự đàn hồi của các mô hỗ trợ tĩnh mạch ở hậu môn và trong trực tràng. Đây là nguyên nhân bệnh trĩ thường phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi. Tuy nhiên thanh thiếu niên và trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh lý này.
- Ngồi lâu một chỗ: Những người thường xuyên ngồi lâu một chỗ như nhân viên văn phòng, tài xế, thợ may... sẽ có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn.
- Nâng vật nặng: Thường xuyên nâng vật nặng có thể gây ra bệnh trĩ.
- Giao hợp qua đường hậu môn: Những người giao hợp qua đường hậu môn sẽ có nguy cơ phát triển bệnh trĩ cao hơn hoặc khiến bệnh lý này trở nên nghiêm trọng hơn.
- Di truyền: Những người có tiền sử giai đình mắc bệnh trĩ thường có khuynh hướng phát triển bệnh lý này.
Triệu chứng và chẩn đoán
Tùy thuộc vào phân loại trĩ, những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trĩ có thể bao gồm:
+ Trĩ nội
- Chảy máu với một vết máu dính trên phân, máu trên giấy vệ sinh khi lau hoặc máu nhỏ giọt / bắn thành tia vào bồn cầu khi đi đại tiện
- Mô phình ra ngoài lỗ hậu môn, có thể tự tụt vô trong hoặc cần dùng tay đẩy vào. Tình trạng này thường kèm theo cảm giác đau đớn hoặc khó chịu, những vết sưng ẩm có màu hồng hơn các mô lân cận.
+ Trĩ ngoại
- Ngứa hoặc kích ứng ở vùng hậu môn
- Sưng xung quanh hậu môn
- Có cảm giác đau hoặc khó chịu
- Chảy máu
+ Bệnh trĩ huyết khối
- Ngứa
- Đau dữ dội
- Chảy máu
Người bệnh thường được chẩn đoán bệnh trĩ thông qua những triệu chứng lâm sàng. Trong khi thăm khám, bác sĩ quan sát búi trĩ, hỏi bệnh nhân về những biểu hiện bất thường trong hậu môn.
Ngoài ra bác sĩ có thể kiểm tra trực tràng bằng cách đưa một ngón tay (được mang găng và bôi trơn) vào trực tràng. Đối với những tình trạng phức tạp, nội soi được thực hiện để phân biệt biệt trĩ với những bệnh đường tiêu hóa.
Nội soi được thực hiện bằng cách sử dụng một ống nhỏ gắn đèn soi và camera, sau đó đưa vào trong thông qua hậu môn. Xét nghiệm này cho phép kiểm tra đại tràng sigma, bên trong hậu môn và toàn bộ đại tràng.
Biến chứng và tiên lượng
Nhìn chung bệnh trĩ có tiên lượng khá tốt. Những biện pháp chăm sóc tại nhà và dùng thuốc có thể kiểm soát những triệu chứng của bệnh, ngăn biến chứng. Đồng thời ngăn búi trĩ phát triển và giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
Tuy nhiên những trường hợp nặng và không điều trị có thể gặp một số biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Thiếu máu
- Nhiễm trùng
- Hình thành cục máu đông
- Tắc mạch
- Trĩ nội gây sa nghẹt (những cơ ở hậu môn cắt đứt hoặc cản trở dòng máu đến búi trĩ nội bị sa)
- Hoại tử (hiếm gặp)
- Tổn thương da
Trên thực tế, bệnh trĩ không thể tự khỏi. Mặt khác, việc tự ý điều trị có thể dẫn đến sự sai lệch về hiệu quả, bệnh tiến triển nặng hơn, để lại nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm. Ngược lại nếu phát hiện và điều trị sớm, bệnh trĩ có thể khỏi.
Điều quan trọng là người bệnh cần sớm thăm khám, ngay khi xuất hiện những biểu hiện đầu tiên. Sau đó điều trị theo chỉ định kết hợp những biện pháp chăm sóc tại nhà để ngăn sự tiến triển của bệnh.
Điều trị
Có nhiều lựa chọn trong điều trị bệnh trĩ. Dựa vào tình trạng cụ thể (triệu chứng, phân loại...), những phương pháp dưới đây sẽ được chỉ định.
1. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Trước khi điều trị y tế, người bệnh có thể thử một số biện pháp chăm sóc tại nhà. Những biện pháp này có thể giảm nhẹ tình trạng sưng, đau, viêm búi trĩ. Đồng thời ngăn bệnh tiến triển.
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ
Bệnh nhân được khuyên tăng cường bổ sung chất xơ từ chế độ ăn uống lành mạnh. Nên thường xuyên ăn nhiều rau xanh (rau bina, rau cải, mồng tơi, rau ngót...), trái cây tươi (táo, lê, quả bơ, chuối, quả mâm xôi, dâu tây...), các loại củ (khoai lang, khoai tây, củ cải đường, cà rốt...)
Chất xơ giúp làm mềm phân, ngăn ngừa táo bón, đi ngoài đều đặn và hạn chế rặn nhiều. Điều này làm giảm áp lực lên vùng hậu môn, phòng ngừa và ngăn bệnh trĩ tiến triển.
- Uống nhiều nước
Người bệnh nên uống nhiều nước hơn khi bị bệnh trĩ, mỗi ngày từ 2 - 2,5 lít nước. Điều này giúp thanh lọc cơ thể, giảm nguy cơ táo bón và ngăn bệnh trĩ tái phát.
- Ngâm mông trong nước ấm
Ngâm mông trong nước ấm có thể giúp giảm thiểu cơn đau. Nhiệt độ cao giúp thư giãn các mạch máu, tăng lưu thông khí huyết, xoa dịu dây thần kinh cảm giác và giảm đau. Biện pháp này nên được thực hiện 2 - 3 lần/ ngày, mỗi lần 20 phút.
- Thực hành vệ sinh tốt
Vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ, nên rửa hậu môn với nước ấm, đặc biệt là sau khi đi đại tiện xong. Điều này giúp phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng, giảm ngứa và người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
Tuy nhiên không nên sử dụng xà phòng vệ sinh hậu môn. Bởi điều này có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh trĩ. Ngoài ra người bệnh nên tránh lau sau đi tiêu bằng giấy vệ sinh khô hoặc thô.
- Đặt miếng gạc lạnh lên hậu môn
Việc đặt một miếng gạc lạnh lên hậu môn có thể giảm sưng búi trĩ. Biện pháp này cũng giúp giảm đau và phòng ngừa viêm. Khi thực hiện, dùng miếng gạc lạnh đặt lên hậu môn từ 10 - 15 phút, mỗi ngày từ 1 - 2 lần.
- Dùng thuốc không kê đơn
Người bệnh có thể sử dụng hydrocortisone dạng thuốc đạn hoặc kem trị trĩ không kê đơn. Thuốc này có thể giảm sưng búi trĩ và giảm đau.
Nếu bệnh trĩ gây đau nhiều hoặc kéo dài dẫn đến khó chịu, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau để giảm bớt đau và sự khó chịu. Chẳng hạn như Acetaminophen, Aspirin hoặc Ibuprofen.
Lưu ý: Dùng thuốc không kê đơn theo hướng dẫn trên bao bì hoặc dược sĩ. Thuốc chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời, người bệnh cần sớm thăm khám để có những chỉ định tốt hơn.
Người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa nếu triệu chứng không giảm sau 1 tuần áp dụng biện pháp chăm sóc tại nhà, triệu chứng tái phát, chảy máu hoặc đau dữ dội.
2. Dùng thuốc kê đơn
Để điều trị bệnh trĩ và các triệu chứng, những loại thuốc dưới đây có thể được chỉ định:
- Thuốc tăng sức bền tĩnh mạch: Daflon 500mg (Diosmin 400mg, Hesperidin 50mg) thường được dùng trong điều trị bệnh trĩ, những triệu chứng của cơn trĩ cấp và rối loạn tuần hoàn tĩnh mạch. Thuốc có tác dụng làm tăng sức bền tĩnh mạch, bảo vệ những mạch máu nhỏ. Đồng thời làm giảm sức căng và sự ứ trệ của tĩnh mạch. Daflon 500mg được uống trong hoặc sau bữa ăn.
- Nhóm thuốc nhuận tràng, làm mềm phân: Sorbitol 5g là thuốc điều trị táo bón, có tác dụng làm mềm phân và nhuận tràng. Thuốc thường được dùng trong điều trị bệnh trĩ để ngăn táo bón khiến búi trĩ tiến triển. Ngoài Sorbitol 5g, người bệnh cũng có thể được sử dụng Duphalac 10g/15ml (Lactulose) hoặc thuốc Forlax 10g (Macrogol)
- Thuốc giảm đau: Gel/ kem bôi chứa Kẽm oxyd 10% hoặc Xylocaine jelly 2% (Lidocain) thường được dùng để bôi lên vùng tổn thương. Kẽm oxyd 10% có tác dụng sát khuẩn, làm săn se. Trong khi Xylocaine jelly 2% (Lidocain) có tác dụng giảm đau và ngứa.
Lưu ý: Dùng thuốc điều trị bệnh trĩ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tuân thủ liều dùng và cách dùng để tránh gặp tác dụng phụ.
3. Thủ tục xâm lấn
Nếu bệnh trĩ gây đau đớn nhiều hoặc chảy máu dai dẳng, bác sĩ có thể yêu cầu một thủ tục xâm lấn. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, một trong những kỹ thuật dưới đây sẽ được áp dụng:
- Tiêm (liệu pháp xơ hóa): Một loại dung dịch hóa chất sẽ được sử dụng để tiêm vào mô trĩ. Phương pháp này giúp búi trĩ nhỏ dần. Trong khi tiêm, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu hoặc đau nhẹ.
- Thắt vòng cao su: Một hoặc hai dải cao su nhỏ sẽ được đặt xung quanh gốc của trĩ nội. Điều này giúp cắt đứt sự lưu thông máu đến búi trĩ. Theo thời gian, búi trĩ khô dần và rụng đi (thường trong vòng 1 tuần).
- Liệu pháp đông máu: Tia laser, tia hồng ngoại hoặc nhiệt có thể được sử dụng để làm đông máu, thu nhỏ kích thước của búi trĩ nội. Ngoài ra phương pháp này còn giúp hạn chế tình trạng chảy máu. So với những thủ tục xâm lấn khác, liệu pháp đông máu thường ít gây khó chịu và tác dụng phụ.
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng trong điều trị bệnh trĩ. Phương pháp này được chỉ định cho những bệnh nhân có huyết khối trĩ ngoại, búi trĩ lớn, điều trị bảo tồn hoặc những thủ thuật khác không thành công.
Những phương pháp phẫu thuật được áp dụng trong điều trị bệnh trĩ:
- Cắt bỏ trĩ (hemorrhoidectomy)
Những mô thừa gây chảy máu sẽ được cắt bỏ, ngăn bệnh trĩ trở nặng hoặc tái phát. Trong quy trình, người bệnh được gây mê toàn thân, gây tê tủy sống hoặc dùng thuốc an thần.
Cắt bỏ trĩ được đánh giá là phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Tuy nhiên phương pháp này có thể tiềm ẩn một số rủi ro, bao gồm: Nhiễm trùng, khó hoặc không thể làm trống bàng quang (tình trạng tạm thời), rối loạn cảm giác... Biến chứng chủ yếu xảy ra sau khi gây tê tủy sống.
- Cắt huyết khối trĩ ngoại
Cắt huyết khối trĩ ngoại được chỉ định cho những bệnh nhân có cục máu đông hình thành trong búi trĩ ngoại và gây đau đớn. Phương pháp này giúp giảm triệu chứng, ngăn biến chứng tắc mạch, trĩ nội gây sa nghẹt... Cắt huyết khối trĩ ngoại thường được thực hiện sau khi gây tê tại chỗ.
- Bấm trĩ
Bấm trĩ được áp dụng cho bệnh trĩ nội. Phương pháp này có tác dụng ngăn chặn lưu lượng máu đến mô trĩ, mô trĩ không được nuôi dưỡng dẫn đến khô và rụng.
So với phẫu thuật cắt trĩ, bấm trĩ ít gây đau hơn nhưng dễ tái phát và dẫn đến sa trực tràng. Ngoài ra người bệnh có thể gặp biến chứng nhiễm trùng, chảy máu, bí tiểu và đau... khi thực hiện.
Lưu ý:
- Những người có viêm đại tràng thể hoạt động và suy giảm miễn dịch không được chỉ định phẫu thuật.
- Phẫu thuật ở những địa chỉ kém uy tín có thể gây nhiều tổn thương cho cơ thắt hậu môn. Từ đó gây biến chứng đại tiện không kiểm soát.
- Những người mổ trĩ cấp cứu thường có nguy cơ phát triển biến chứng cao hơn.
Phòng ngừa
Bệnh trĩ có thể được phòng ngừa bằng những biện pháp dưới đây:
- Uống nhiều nước (khoảng 2 - 2,5 lít nước/ ngày).
- Thực hiện chế độ ăn uống giàu chất xơ và lành mạnh. Chất xơ giúp làm mềm phân, chống táo bón và phòng ngừa bệnh trĩ. Hạn chế ăn thực phẩm cay nóng, thức ăn chứa chất béo kém lành mạnh.
- Bổ sung chất xơ không kê đơn nếu chế độ ăn uống không giúp bổ sung đủ lượng chất xơ cần thiết (38g/ ngày đối với nam giới và 25g/ ngày đối với phụ nữ).
- Giảm cân và duy trì cân nặng an toàn. Tránh thừa cân béo phì.
- Tránh ngồi quá lâu một chỗ, đặc biệt là khi đi đại tiện. Bởi điều này sẽ làm tăng áp lực lên hậu môn và gây bệnh trĩ. Những người có công việc cần ngồi nhiều nên thường xuyên đứng lên, kéo giãn và đi lại.
- Không rặn nhiều khi đi đại tiện, không nín thở và căng thẳng khi cố gắng đi đại tiện.
- Nên vào nhà vệ sinh ngay khi có cảm giác muốn đi đại tiện. Tránh nhịn hoặc đợi để đi tiêu. Điều này khiến cảm giác muốn đi ngoài biến mất, phân khô và gây táo bón.
- Duy trì hoạt động thể chất, khoảng 30 - 60 phút/ ngày. Điều này giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, duy trì cân nặng khỏe mạnh. Đồng ngăn ngừa táo bón, hạn chế gia tăng áp lực lên tĩnh mạch.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh trĩ có chữa khỏi dứt điểm được không?
2. Chăm sóc tại nhà như thế nào để búi trĩ co lại?
3. Dùng thuốc kéo dài được không? Có tác dụng phụ không?
4. Khi nào nên phẫu thuật cắt trĩ?
5. Nguy cơ biến chứng khi phẫu thuật cắt trĩ?
6. Không điều trị bệnh trĩ có sau không?
7. Điều trị bệnh trĩ trong bao lâu?
8. Ăn gì để nhanh khỏi?
Bệnh trĩ có tiên lượng tốt, điều trị sớm và đúng cách có thể giúp khỏi bệnh, ngăn búi trĩ phát triển và biến chứng. Người bệnh cần tránh chủ quan, coi thường bệnh và không điều trị y tế. Bởi búi trĩ phát triển theo thời gian có thể gây tắc mạch, chảy máu dẫn đến thiếu máu, nhiễm trùng và nhiều tình trạng khác.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!