U Xơ Tử Cung
U xơ tử cung là một khối u lành tính phát triển ở trong hoặc xung quanh tử cung. Khối u này bắt nguồn từ những tế bào cơ trơn tử cung, thường gặp ở nữ giới có độ tuổi từ 35 - 50 tuổi. Bệnh được phân thành nhiều loại với những phương pháp điều trị khác nhau.
Tổng quan
U xơ tử cung là những khối u lành tính ở tử cung, không phải ung thư. Chúng phát triển từ những mô liên kết dạng sợi và tế bào cơ trơn trong tử cung. Những khối u này đa dạng về kích thước, số lượng và hình dạng.
U xơ tử cung có thể phát triển ở nhiều vị trí khác nhau, bao gồm:
- Bên trong lòng tử cung
- Thành tử cung
- Trên bề mặt tử cung
Đôi khi những khối u này dính vào tử cung dưới dạng cuống hoặc gốc. Chúng thường phát triển chậm, sau đó nhỏ dần đi vào thời kỳ mãn kinh. U xơ tử cung hiếm khi phát triển thành ung thư.
Tuy nhiên một số trường hợp có khối y phát triển to nhanh bất thường. Do đó cần khám và điều trị sớm là điều cần thiết để tránh gặp biến chứng.
Phân loại
Dựa vào vị trí khối u, bệnh u xơ tử cung được phân thành những loại sau:
- U xơ dưới thanh mạc: Phần lớn bệnh nhân bị u xơ dưới thanh mạc. Ở trường hợp này, khối u bắt đầu từ cơ tử cung, sau đó phát triển và hướng ra phía ngoài tử cung. Những người bị u xơ dưới thanh mạc thường có một khối rõ rệt, đôi khi có cuống dẫn đến xoắn và hoại tử u.
- U xơ trong cơ tử cung: Đây là những khối u phát triển trong cơ tử cung. Những khối u này thường phát triển đồng thời khiến cho toàn bộ tử cung to lên.
- U xơ dưới niêm mạc: So với những dạng khác, u xơ dưới niêm mạc ít gặp hơn. Những khối u này bắt đầu từ cơ tử cung, sau đó phát triển và hướng về phía lòng tử cung, được phủ bởi lớp niêm mạc. Trong những trường hợp nặng, khối u có kích thước to và chiếm hết toàn bộ tử cung. Nếu khối u có cuống, nó có thể thò ra ngoài dẫn đến nhiễm trùng.
- U xơ có cuống: Đây là loại ít phổ biến nhất. Những u xơ này nằm bên ngoài tử cung, có cuống nối với tử cung bằng một thân mỏng (tương tự như cây nấm).
Ngoài những vị trí nêu trên, khối u có thể phát triển trong cơ tử cung, cổ tử cung hoặc vòi trứng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Chưa thể xác định nguyên nhân gây u xơ tử cung. Tuy nhiên bệnh có thể liên quan đến những yếu tố dưới đây:
- Thay đổi gen: Những thay đổi về gen của nhiều u xơ không giống với những thay đổi trong các tế bào cơ tử cung bình thường. Điều này có thể di truyền.
- Rối loạn nội tiết tố: So với những tế bào cơ tử cung bình thường, u xơ tử cung chứa nhiều estrogen và progesterone. Đây là hai loại hormone nữ kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên những loại hormone này cũng được cho là thúc đẩy sự phát triển của u xơ tử cung. Sau thời kỳ mãn kinh, quá trình sản xuất hormone suy giảm khiến khối u nhỏ lại.
- Insulin: Insulin và những yếu tố tăng trưởng khác có thể liên quan đến sự phát triển của u xơ.
- Chất nền ngoại bào (ECM): Trong cơ thể, ECM giúp những tế bào kết dính với nhau. Tuy nhiên một vài nghiên cứu cho thấy các khối u xơ có nhiều ECM hơn bình thường.
- Tiền sử gia đình: Nếu có người thân bị u xơ tử cung, nguy cơ của bạn sẽ tăng cao 3 lần.
- Tuổi tác: Bệnh thường gặp ở những người phụ nữ có độ tuổi từ 35 - 50 tuổi. Bệnh ít xảy ra hơn ở những người sau mãn kinh.
- Thừa cân béo phì: U xơ tử cung thường phát triển ở phụ nữ có cân nặng dư thừa.
- Những yếu tố khác:
- Bắt đầu có kinh khi còn rất sớm
- Thiếu vitamin D
- Thường xuyên có chế độ ăn nhiều thịt đỏ, ít trái cây, rau xanh và sữa
- Uống rượu bia
Triệu chứng và chẩn đoán
U xơ tử cung thường không gây triệu chứng. Những trường hợp có nhiều u hoặc u lớn có thể gặp một vài biểu hiện bất thường do chèn ép, bao gồm:
- Chảy quá nhiều máu hoặc đau dữ dội trong chu kỳ kinh nguyệt
- Chảy máu giữa những thời kỳ kinh nguyệt
- Kéo dài chu kỳ kinh nguyệt (hơn 1 tuần)
- Đau hoặc cảm thấy có áp lực ở vùng chậu
- Đau khi quan hệ tình dục
- Tiết dịch âm đạo mãn tính
- Chướng bụng khiến bụng to như đang mang thai
- Đau lưng hoặc đau chân
- Thường xuyên đi tiểu
- Khó làm rỗng bàng quang
U xơ có thể phát triển hoặc co lại theo thời gian. Sau thời kỳ mãn kinh, những triệu chứng thường ổn định hoặc biến mất.
U xơ tử cung thường được phát hiện khi khám phụ khoa định kỳ. Để nắm rõ tình trạng, những kỹ thuật dưới đây sẽ được áp dụng:
- Khám vùng bụng: Dùng tay sờ và ấn có thể phát hiện một cục cứng ở tử cung.
- Siêu âm ổ bụng: Siêu âm tử cung và phần phụ có thể phát hiện khối u.
- Siêu âm đầu dò: Kỹ thuật này giúp phát hiện những khối u xơ dưới niêm mạc.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh MRI giúp đánh giá đặc điểm của khối u. Đồng thời xác định vị trí, số lượng và kích thước của chúng. Kỹ thuật này cũng được dùng để phân biệt u xơ tử cung với những bệnh ác tính.
Biến chứng và tiên lượng
U xơ tử cung là u lành tính, thường không nguy hiểm. Những triệu chứng của bệnh hầu như không xảy ra hoặc giảm và ổn định sau thời kỳ mãn kinh.
Tuy nhiên ở những trường hợp có u xơ lớn và nhiều, những triệu chứng nghiêm trọng có thể làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống. Ngoài ra người bệnh còn có nguy cơ gặp một vài biến chứng dưới đây:
- Chảy máu
- Thiếu máu hoặc mất máu nhiều
- Mệt mỏi mãn tính
- Rong kinh
- Nhiễm khuẩn
- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và tăng nguy cơ vô sinh
- Thai chậm phát triển hoặc sảy thai. Biến chứng này xảy ra khi u xơ tử cung quá to, chúng chèn ép các mạch máu và hạn chế cấp máu đến rau thai
- Thai chết lưu trong tử cung (hiếm gặp)
- Sarcoma (ung thư mô liên kết) xảy ra ở 0,05% trường hợp u xơ tử cung.
Điều trị
Nếu u xơ tử cung không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, bệnh nhân sẽ được yêu cầu theo dõi (định kỳ 6 tháng/ lần) và không cần điều trị. Nếu u xơ có kích thước lớn, nhiều và gây biến chứng, bệnh nhân có thể được yêu cầu dùng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật.
1. Thuốc
Bệnh nhân bị u xơ tử cung thường được yêu cầu sử dụng những loại thuốc dưới đây:
- Thuốc kháng estrogen: Thuốc tránh thai hoặc một loại thuốc có tác dụng kiểm soát estrogen sẽ được sử dụng trong điều trị u xơ tử cung. Thuốc này có tác dụng làm giảm kích thước của khối u xơ, ngăn khối u phát triển hoặc giảm bớt những triệu chứng của bệnh.
- Thuốc chủ vận hormone giải phóng Gonadotropin (GnRH): Nhóm thuốc này thường được dùng ở dạng thuốc tiêm hoặc xịt mũi để thu nhỏ khối u xơ. Thuốc có thể được dùng trước thời điểm phẫu thuật để quá trình loại bỏ khối u diễn ra dễ dàng hơn. Tuy nhiên việc ngừng sử dụng thuốc nhóm GnRH có thể khiến khối u phát triển trở lại.
- Thuốc nội tiết Progestin tổng hợp: Những trường hợp u xơ tử cung kèm theo đau đớn có thể được sử dụng thuốc nội tiết Progestin tổng hợp. Thuốc này có tác dụng cải thiện tình trạng cường kinh, giảm kích thước của khối u xơ. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng ngừa thai hiệu quả.
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Đôi khi Acetaminophen hoặc Ibuprofen được chỉ định trong điều trị u xơ tử cung. Cả hai loại thuốc này đều có tác dụng giảm đau hiệu quả.
- Thuốc bổ sung sắt: Nhóm thuốc này có tác dụng cải thiện tình trạng thiếu máu bằng cách tăng cường hấp thu chất sắt. Từ đó phòng ngừa và chữa thiếu máu ở bệnh nhân chảy máu do u xơ tử cung.
2. Thủ thuật không xâm lấn
Nếu điều trị bảo tồn không hiệu quả hoặc khối u phát triển nhanh, một trong những thủ thuật không xâm lấn dưới đây có thể được chỉ định, bao gồm:
- Can thiệp mạch
Bệnh nhân có thể được can thiệp mạch nhằm làm tắc nguồn cung cấp máu đến khối u. Khối u không được nuôi dưỡng có thể giảm kích thước và teo nhỏ. Phương pháp này còn được gọi là thuyên tắc động mạch tử cung (UAE).
So với phẫu thuật, can thiệp mạch có thời gian phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên bệnh nhân cần được cân nhắc để tránh phát sinh rủi ro.
- Phẫu thuật siêu âm hội tụ có hướng dẫn bằng MRI (MRgFUS)
MRgFUS giúp bóc tách khối u xơ bằng cách sử dụng một nguồn nhiệt để tác động vào khối u dưới hình ảnh MRI. Hầu hết bệnh nhân được loại bỏ khối u xơ một cách chính xác và triệt để.
- Giảm nhiệt theo thể tích tần số vô tuyến (RVTA)
Trong thủ thuật này, bác sĩ dùng đầu dò có năng lượng tần số vô tuyến để tiến hành mài mòn và ma sát khối u xơ.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến cho u xơ tử cung. Phương pháp này được chỉ định khi khối u có kích thước lớn, bệnh nhân có triệu chứng hoặc biến chứng nặng nề. Chẳng hạn như:
- Chảy máu tử cung tái phát, điều trị bảo tồn không hiệu quả
- Đau dữ dội hoặc/ và kéo dài
- Xuất hiện những triệu chứng ở đường ruột hoặc đường niệu (do khối u ở bụng có kích thước lớn chèn én lên các cơ quan)
- Có nguy cơ vô sinh hoặc sảy thai cao
Ngoài ra phẫu thuật cũng được chỉ định cho những bệnh nhân có khối u phát triển nhanh, bệnh nhân đã hoàn thành việc sinh con và mong muốn điều trị dứt điểm.
Tùy thuộc vào đặc điểm khối u, những kỹ thuật dưới đây có thể được áp dụng:
- Phẫu thuật bóc tách u xơ: Được chỉ định cho những bệnh nhân muốn bảo tồn tử cung, có u xơ dưới thanh mạc và dễ bóc tách. Kỹ thuật này giúp loại bỏ khối u nhưng vẫn hạn chế tổn thương và chảy máu. Có hai kỹ thuật phẫu thuật bóc tách u xơ tử cung gồm:
- Mổ mở bóc tách khối u xơ: Bóc tách u xơ với một vết rạch lớn ở bụng.
- Mổ nội soi bóc tách khối u xơ: Bóc tách u xơ với những vết rạch nhỏ và dụng cụ nội soi. So với mổ mở, mổ nội soi ít chảy máu và lành thương nhanh hơn.
- Phẫu thuật cắt tử cung: Dựa vào tình trạng và mong muốn của người bệnh, bác sĩ có thể cắt tử cung bán phần hoặc toàn phần. Đây là phương pháp hiệu quả nhất, có khả năng điều trị triệu để. Phẫu thuật cắt tử cung có thể được thực hiện thông qua kỹ thuật mổ nội soi hoặc mổ mở.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp. Đồng thời áp dụng những biện pháp chăm sóc giúp nhanh lành vết thương.
Phòng ngừa
Do chưa được xác định nguyên nhân, u xơ tử cung không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên việc loại bỏ những yếu tố có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể:
- Khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần để phát hiện và điều trị sớm những bất thường. Lập kế hoạch chăm sóc và điều trị nếu có u xơ tử cung nhỏ.
- Không lạm dụng rượu bia.
- Không ăn quá nhiều thịt đỏ.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ chế độ ăn uống, đặc biệt là vitamin D. Ngoài ra nên ăn nhiều trái cây và rau xanh.
- Duy trì cân nặng an toàn. Áp dụng những biện pháp giảm cân khoa học khi cần thiết.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tình trạng của tôi là gì? Nghiêm trọng như thế nào?
2. U xơ tử cung có mang thai được không?
3. Phương pháp nào phổ biến trong điều trị u xơ tử cung? Hiệu quả không?
4. Tôi nên làm gì để ngăn khối u xơ phát triển?
5. Tiên lượng của tôi là gì?
6. Khối u xơ có phát triển nếu tôi không điều trị?
7. Chi phí phẫu thuật u xơ tử cung là bao nhiêu?
8. Rủi ro và lợi ích khi phẫu thuật là gì?
U xơ tử cung là những khối u lành tính. Tuy nhiên chúng có thể phát triển, chèn ép vào những cơ quan dẫn đến nhiều triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy người bệnh cần thay đổi lối sống, điều trị bằng các phương pháp chuyên sâu khi cần thiết. Thăm khám để được bác sĩ hướng dẫn cụ thể hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!