Bong Gân Mắt Cá Chân
Bong gân mắt cá chân là một chấn thương phổ biến, xảy ra khi dây chằng quanh mắt cá chân bị căng và rách. Tình trạng này thường gặp ở những người chơi các môn thể thao có bóng và dùng vợt.
Tổng quan
Bong gân mắt cá chân (hay trật mắt cá chân) là tình trạng căng và rách một hoặc nhiều dây chằng ở mắt cá chân. Tình trạng này gây sưng, đau, tụ máu và khó khăn khi đi lại.
Khớp mắt cá chân nối bàn chân với cẳng chân. Trong khớp, xương mắt cá chân được giữ bởi ba dây chằng, ngăn không bị dịch chuyển khỏi vị trí. Chúng cũng giúp bảo vệ và ổn định khớp.
Những chuyển động bất lợi như vặn, xoay và lăn mắt cá chân có thể khiến các dây chằng bị căng quá mức. Điều này hình thành những vết rách hoặc khiến dây chằng bị đứt hoàn toàn (tùy theo mức độ nghiêm trọng).
Phân loại
Có nhiều cách phân loại bong gân mắt cá chân, bao gồm:
+ Phân loại theo vị trí
- Bong gân mắt cá chân đảo ngược (bên)
Chấn thương xảy ra khi bàn chân chịu một lực khiến nó buộc phải xoay quá nhiều vào bên trong. Điều này khiến các dây chằng bên của mắt cá chân bị kéo căng và có vết rách.
Hầu hết các trường hợp có dây chằng mác trước bị tổn thương. Những trường hợp khác ảnh hưởng đến dây chằng gót mác, ít gặp hơn là dây chằng mác sau (dây chằng nối xương mác với xương sên). Bong gân mắt cá chân đảo ngược (bên) chiếm 70 - 85% trường hợp.
- Bong gân mắt cá chân lệch (trung gian)
Chấn thương lật ít phổ biến hơn, ảnh hưởng đến phía trong của bàn chân. Chấn thương này xảy ra khi bàn chân lăn quá nhiều ra bên ngoài, dẫn đến tổn thương cơ delta và dây chằng giữa.
- Bong gân mắt cá chân cao
Bong gân mắt cá chân cao xảy ra khi dây chằng lớn phía trên mắt cá chân, nối xương chày - xương mác bị căng và rách. Tình trạng này thường do bàn chân đột ngột bị vặn mạnh ra ngoài.
So với hoạt động khác, bong gân mắt cá chân cao phổ biến hơn ở những người tham gia các môn thể thao tiếp xúc và chuyển hướng đột ngột, chẳng hạn như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, quần vợt, cầu lông...
+ Phân loại theo mức độ nghiêm trọng
Có 3 mức độ nghiêm trọng của bong gân mắt cá chân, gồm:
- Độ I: Đây là mức độ nhẹ nhất của tổn thương dây chằng. Trong đó dây chằng có độ giãn tối thiểu, không bị rách. Chấn thương khiến mắt cá chân sưng và đau nhẹ, thường không có vết bầm tím, khớp không mất vững và không gặp khó khăn khi mang trọng lượng. Thường mất 1 - 3 tuần để phục hồi.
- Độ II: Tổn thương dây chằng ở mức trung bình. Trong đó dây chằng quanh mắt cá chân bị rách một phần. Chấn thương khiến vùng ảnh hưởng bị sưng, đau vừa phải, đau tăng khi đi lại hoặc mang vật nặng. Ngoài ra cổ chân có thể có vết bầm, khớp mất ổn định nhẹ hoặc trung bình kèm theo giảm chức năng và phạm vi chuyển động. Thường mất 3 - 6 tuần để phục hồi.
- Độ III: Đây là mức độ nghiêm trọng nhất của chấn thương. Trong đó dây chằng bị vỡ hoặc rách hoàn toàn. Người bệnh có triệu chứng đau đớn dữ dội, bầm tím, sưng tấy, khớp mất ổn định đáng kể kèm theo mất phạm vi chuyển động và chức năng, không thể đứng hoặc đi bộ. Thường cần vài tháng để phục hồi.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bong gân mắt cá chân xảy ra khi bàn chân lăn quá mức, buộc mắt cá chân phải di chuyển ra khỏi vị trí bình thường. Điều này khiến một hoặc nhiều dây chằng xung quanh bị giãn hoặc rách.
Nguyên nhân thường gặp nhất của bong gân mắt cá chân gồm:
- Ngã khiến mắt cá chân bị trẹo
- Lật bàn chân do tiếp lúng túng hoặc mất thăng bằng sau khi nhảy hoặc xoay
- Hoạt động thể chất trên bề mặt không bằng phẳng
- Bị một người giẫm lên chân hoặc ngã đè lên chân trong khi tham gia thể thao
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Tham gia những môn thể thao đòi hỏi nhảy, xoắn, lăn bàn chân hoặc chuyển hướng đột ngột, chẳng hạn như bóng đá, bóng rổ, quần vợt, chạy đường mòn.
- Mang giày không phù hợp và không vừa vặn cho các hoạt động
- Thường xuyên mang giày cao gót
- Tình trạng thể chất kém (mắt cá chân bị giảm sự linh hoạt hoặc/ và sức mạnh)
- Có chấn thương trước đó
- Đi bộ hoặc chạy ở những nơi có bề mặt không bằng phẳng.
Triệu chứng và chẩn đoán
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, bong gân mắt cá chân có các triệu chứng nhẹ hoặc nặng, bao gồm:
- Đau nhẹ hoặc rất đau
- Đau nhiều hơn khi đi lại hoặc đặt trọng lượng lên chân ảnh hưởng
- Bầm tím
- Sưng tấy
- Khớp mất ổn định
- Cảm giác mắt cá chân bị mỏi
- Hạn chế phạm vi chuyển động
- Không thể đứng hoặc đi bộ
- Dịu dàng khi chạm vào
- Nghe thấy âm thanh hoặc có cảm giác bật tại thời điểm bị thương
Để chẩn đoán bong gân mắt cá chân, bác sĩ sẽ hỏi về chấn thương, cẩn thận kiểm tra mắt cá chân và bàn chân để xem xét các triệu chứng gồm sưng, bầm, mất ổn định khớp.
Bác sĩ cũng có thể sờ nắn, kéo mắt cá chân, nhẹ nhàng di chuyển cổ chân nhiều theo hướng khác nhau. Điều này giúp xác định vị trí và mức độ đau, dây chằng nào bị ảnh hưởng, khớp có mất chức năng và phạm vi chuyển động hay không.
Nếu bị đau ở xương hoặc khó khăn khi mang trọng lượng, người bệnh được chỉ định thêm các xét nghiệm nhằm loại trừ gãy xương và đánh giá tình trạng.
- Chụp X-quang: Xương mắt cá chân và bàn chân được nhìn thấy rõ ràng trên hình ảnh X-quang. Điều này có thể giúp phát hiện tình trạng gãy xương.
- Chụp X-quang căng thẳng: Chụp X-quang trong khi đẩy mắt cá chân theo nhiều hướng khác nhau. Kỹ thuật này có thể giúp đánh giá sự mất ổn định của khớp sau khi dây chằng bị tổn thương.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Thông thường chụp cộng hưởng từ được chỉ định cho những trường hợp có chấn thương nặng, cần đánh giá cấu trúc khác; bị bong gân mắt cá chân cao hoặc triệu chứng vẫn tiếp diễn sau 6 - 8 tuần điều trị. Kỹ thuật này giúp đánh giá kỹ hơn về các mô mềm trong khớp, bao gồm cả những dây chằng bị thương.
Biến chứng và tiên lượng
Bong gân mắt cá chân thường gây đau nhiều, mất một số chức năng và phạm vi chuyển động của khớp. Điều này gây khó khăn khi thực hiện các hoạt động.
Tuy nhiên hầu hết mọi người có triệu chứng cải thiện đáng kể trong 2 tuần đầu tiên, phục hồi hoàn toàn sau 3 - 6 tuần điều trị. Những trường hợp nặng có thể mất đến 3 tháng hoặc lâu hơn để phục hồi. Chỉ một số trường hợp có khớp mất ổn định và đau kéo dài sau 1 năm.
Thời gian trung bình người bệnh có thể trở lại những hoạt động thể thao là 13 tuần. Có thể trở lại làm việc sau chấn thương từ dưới 1 tuần đến 2 tháng.
Ở những trường hợp hoạt động thể chất sớm hoặc không được điều trị đúng cách, bong gân mắt cá chân có thể gây ra những biến chứng dưới đây:
- Đau mắt cá chân mãn tính
- Viêm khớp mắt cá chân
- Mất ổn định khớp mắt cá chân
- Chấn thương
Điều trị
Điều trị ban đầu gồm những biện pháp chăm sóc tại nhà, giúp giảm triệu chứng và ngăn chấn thương thêm. Nếu những triệu chứng không cải thiện, người bệnh cần gặp bác sĩ để được hướng dẫn thêm những phương pháp điều trị y tế.
1. Phương pháp RICE
Mục tiêu đầu tiên là giảm triệu chứng và bảo vệ dây chằng khỏi tổn thương thêm. Hầu hết mọi người cảm thấy tốt hơn sau vài ngày áp dụng phương pháp RICE. Phương pháp này gồm những bước sau:
- Nghỉ ngơi
Trong vòng 24 - 48 giờ sau chấn thương, hãy để mắt cá chân nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Điều này giúp bảo vệ dây chằng khỏi tổn thương thêm và cho phép tự chữa lành.
- Chườm đá
Chườm đá lên mắt cá chân bị thương hoặc ngâm bàn chân và mắt cá chân trong nước lạnh, mỗi lần 15 phút. Biện pháp này có thể giúp giảm sưng tấy và đau đớn sau chấn thương. Nên chườm đá mỗi ngày 3 lần cho đến khi sưng và đau giảm bớt.
Lưu ý: Sử dụng khăn che chắn mắt cá chân, tránh tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh để bảo vệ da.
- Nén
Hãy dùng băng co giãn quấn quanh cổ chân để nén mắt cá chân. Biện pháp này giúp giảm sưng tấy hiệu quả.
- Nâng cao
Khi ngồi nghỉ ngơi hoặc nằm ngủ, dùng gối đặt bên dưới để nâng mắt cá chân cao hơn tim. Biện pháp này giúp giảm sưng tấy bằng cách hạn chế tích tụ chất lỏng ở vùng bị thương.
Trong vòng 24 giờ đầu tiên sau chấn thương, người bệnh cần tránh làm bất kỳ điều gì có thể khiến mắt cá chân sưng tấy nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như chườm nóng hoặc tắm nước nóng.
2. Thuốc
Một số thuốc sẽ được hướng dẫn sử dụng để giảm sưng và đau, gồm:
- Acetaminophen: Acetaminophen có thể được dùng mà không cần đơn thuốc của bác sĩ. Thuốc giúp giảm đau cho những trường hợp bị chấn thương từ nhẹ đến vừa.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Một loại NSAID không kê đơn như Ibuprofen hoặc Naproxen natri có thể được chỉ định. Nhóm thuốc này thường đủ để giảm sưng và đau cho những bệnh nhân bị bong gân mắt cá chân.
3. Thiết bị hỗ trợ
Trong giai đoạn đầu của chấn thương, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh dùng nẹp để ổn định khớp mắt cá chân và ngăn tổn thương dây chằng thêm nghiêm trọng. Ngoài ra nạng cũng có thể được dùng ngắn hạn để hỗ trợ bệnh nhân di chuyển, giảm trọng lượng đặt lên chân bị thương trong khi dây chằng lành lại.
4. Vật lý trị liệu
Những trường hợp nặng hoặc mất phạm vi chuyển động cần vật lý trị liệu để phục hồi. Khi đau và sưng giảm, các bài tập chuyển động nhẹ nhàng được hướng dẫn để cải thiện phạm vi chuyển động, kéo giãn và tăng cường sức mạnh cho mắt cá chân.
Khi hết sưng và đau, các bài tập được thực hiện để tăng cường cơ bắp, phục hồi sự linh hoạt và chức năng hoàn toàn. Vật lý trị liệu cũng giúp ngăn ngừa chấn thương trong tương lai.
Một số bài tập hữu ích gồm:
Uốn cong
- Đặt gót chân bị thương trên sàn
- Từ từ kéo ngón chân và bàn chân về phía cơ thể càng xa càng tốt
- Thả lỏng
- Hướng ngón chân và bàn chân xa cơ thể càng xa càng tốt
- Thả lỏng
- Thường xuyên lặp lại trong tuần đầu tiên.
Bảng chữ cái mắt cá chân
- Đặt gót chân xuống sàn
- Viết tất cả các chữ cái in hoa bằng ngón chân cái với các chữ to nhất có thể.
Nhấn xuống, kéo lại
- Vòng một sợ dây quanh bàn chân, giữ cho dây căng nhẹ
- Nhấn ngón chân đi và xuống, giữ vài giây
- Lặp lại 30 lần
- Buộc một đầu dây vào chân ghế, vòng đầu kia quanh bàn chân
- Từ từ kéo chân về phía cơ thể, giữ vài giây
- Lặp lại 30 lần.
Ngồi căng
- Quấn dây thun quanh lòng bàn chân
- Giữ đầu gối thẳng, kéo dây lại đến khi bắp chân trên căng ra
- Giữ 15 giây, lặp lại 15 - 20 lần
- Thực hiện thường xuyên ở tuần thứ 3 và 4.
5. Phẫu thuật
Hiếm khi bệnh nhân bị bong gân mắt cá chân cần phẫu thuật. Phương pháp này được chỉ định khi:
- Không đáp ứng với điều trị bảo tồn, đau mắt cá chân và mất ổn định dai dẳng
- Dây chằng bị rách hoàn toàn (bong gân mắt cá chân độ III)
- Bong gân kèm theo hội chứng mắt cá chân không ổn định
- Bong gân liên quan đến những chấn thương khác như đứt gân hoặc tổn thương sụn mắt cá chân.
Những lựa chọn phẫu thuật gồm:
- Nội soi khớp: Bác sĩ tạo một vết cắt nhỏ, chèn một camera thu nhỏ để nhìn vào bên trong khớp. Sau đó dùng những dụng cụ phẫu thuật nhỏ để loại bỏ những phần của dây chằng bị kẹt, sụn lỏng lẻo hoặc mảnh xương.
- Sửa chữa dây chằng: Tạo một vết mổ ở vị trí bị thương, dùng chỉ khâu để sửa chữa dây chằng bị rách.
- Tái tạo dây chằng: Đôi khi bác sĩ sử dụng mô ghép từ các dây chằng hoặc gân xung quanh mắt cá chân hoặc bàn chân để thay thế dây chằng bị thương.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hướng dẫn vận động sớm để tăng khả năng phục hồi hoàn toàn.
Phòng ngừa
Để ngăn ngừa bong gân mắt cá chân, bạn có thể áp dụng những biện pháp sau:
- Thường xuyên tập thể dục để duy trì sức mạnh cơ bắp, tăng sự linh hoạt và ổn định của khớp mắt cá chân.
- Thường xuyên tập giữ thằng và học cách tiếp đất khi nhảy, đặc biệt là những người chơi các môn thể thao đòi hỏi phải nhảy và chuyển hướng liên tục.
- Trước khi luyện tập hoặc chơi thể thao, cần khởi động và giãn cơ để tăng sự linh hoạt và giảm nguy cơ chấn thương.
- Hạ nhiệt sau khi luyện tập xong.
- Hạn chế mang giày cao gót.
- Mang đôi giày vừa vặn, có khả năng hỗ trợ tốt và thích hợp với hoạt động.
- Tránh hoặc thận trọng nếu phải chạy hoặc đi bộ ở những nơi có bề mặt không bằng phẳng.
- Không tăng thời gian và cường độ luyện tập quá nhanh, chẳng hạn như chạy đường dài. Điều này có thể làm tăng nguy cơ bong gân mắt cá chân. Tốt nhất nên dành thời gian làm quen với bài tập mới, tăng dần cường độ tập luyện.
- Nếu cảm thấy khó chịu hoặc mệt mỏi khi luyện tập, hãy dừng hoặc tập chậm lại.
- Nên dành thời gian nghỉ ngơi và phục hồi sau khi luyện tập vấp vả. Ngoài ra nên thường xuyên nghỉ giải lao trong những buổi tập.
- Dùng băng hoặc nẹp hỗ trợ mắt cá chân nếu chân yếu hoặc có chấn thương trước đó.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Chấn thương của tôi nghiêm trọng đến mức nào?
2. Tôi có bị gãy xương không?
3. Phương pháp điều trị phù hợp và được chỉ định là gì?
4. Tôi có cần vật lý trị liệu hay không?
5. Quá trình điều trị kéo dài bao lâu?
6. Khi nào tôi có thể trở lại thể thao hoặc hoạt động thể chất khác?
7. Tôi có nguy cơ chấn thương tái phát trong tương lai không?
Bong gân mắt cá chân là chấn thương thường gặp, gây đau, sưng, bầm tím, mất ổn định khớp và hạn chế chuyển động do dây chằng bị thương. Tuy nhiên hầu hết mọi người cảm thấy tốt hơn sau vài tuần điều trị bảo tồn. Điều quan trọng là tuân thủ chỉ định của bác sĩ để sớm hồi phục.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!