Bunions

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Bunions là một biến dạng của khớp nối ngón chân cái với bàn chân. Điều này khiến khớp sưng đỏ và đau, ngón chân cái uốn cong về phía các ngón chân khác.

Tổng quan

Bunions còn được gọi là hallux valgus - một biến dạng của khớp metatarsophalangeal (MTP) ở gốc ngón chân cái. Tình trạng này xảy ra khi có một vết sưng xương hình thành bên ngoài ngón chân cái, gây biến dạng khớp nối ngón chân cái với bàn chân.

Bunions
Bunions là biến dạng của khớp metatarsophalangeal (MTP) ở gốc ngón chân cái

Những người bị Bunions sẽ có ngón chân cái uốn cong và hướng về những ngón chân khác, khớp sưng đỏ và đau đớn. Biến dạng xảy ra khi có áp lực lên khớp ngón chân cái trong nhiều năm. Dưới sự tác động của áp lực, khớp ngón chân bắt đầu lệch và hình thành một vết sưng xương.

Vết sưng xương cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp khác. Tình trạng này phổ biến hơn ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Bunions có thể hình ảnh ở một hoặc cả hai chân.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bunions xảy ra khi một số xương ở phần trước của bàn chân bắt đầu di chuyển và lệch ra khỏi vị trí. Điều này khiến cho đầu ngón chân cái bị kéo về phía các ngón chân nhỏ, khớp ở gốc ngón chân cái buộc phải lồi ra ngoài. Cuối cùng hình thành một vết sưng xương trên gốc ngón chân cái. Chúng phát triển dần dần theo thời gian.

Có nhiều nguyên nhân khiến Bunions phát triển. Trong đó áp lực từ cách đi bộ trong nhiều năm và bất thường về hình dạng (cấu trúc) bàn chân là những nguyên nhân phổ biến nhất, cụ thể:

  • Đứng lâu: Đứng trong thời gian dài gây áp lực lên khớp ngón chân cái. Điều này khiến các xương dễ dịch chuyển và biến dạng ngay tại gốc ngón chân cái.
  • Đi giày chật: Đi giày không vừa vặn, chật hoặc hẹp khiến các ngón chân ở tư thế không tự nhiên, tăng áp lực lên khớp ngón chân cái. Điều này gây phồng hoặc khiến vết sưng và cơn đau trở nên tồi tệ hơn. Bunions do giày chật phổ biến hơn ở những người mang giày mũi nhọn hoặc có đế cao.
  • Dị tật bẩm sinh: Dị dạng bàn chân (hình dạng bàn chân không bình thường) có thể khiến ngón chân cái cong về phía những ngón chân nhỏ hơn.
  • Bệnh lý: Vết sưng xương ở gốc ngón chân cái có thể phát triển từ một tình trạng viêm nhiễm, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp. Một số bệnh thần kinh cơ, chẳng hạn như bệnh Charcot-Marie-Tooth hoặc bệnh bại liệt cũng có thể gây ra tình trang này.

Bunions phổ biến hơn ở những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ dưới đây:

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh Bunions hoặc có bất thường về cấu trúc của bàn chân, chẳng hạn như bàn chân bẹt.
  • Có vết thương ở chân
  • Chấn thương
  • Đi giày cao gót. Kiểu giày này có thể chèn ép và gây áp lực cho các ngón chân vào phía trước của giày.
  • Bàn chân quay sấp quá mức làm tăng áp lực lên ngón chân cái. Điều này dẫn đến biến dạng cấu trúc bao khớp giữa, tăng nguy cơ phát triển những vết sưng ở gốc ngón chân cái.

Triệu chứng và chẩn đoán

Các triệu chứng của Bunions thường bao gồm:

Nhìn thấy vết sưng phồng ở gốc ngón chân cái
Hình thành vết sưng phồng ở gốc ngón chân cái, đỏ và đau là những triệu chứng đặc trưng

  • Nhìn thấy vết sưng phồng ở gốc ngón chân cái
  • Sưng đỏ hoặc đau quanh khớp ngón chân cái
  • Đau ngay tại vết sưng
  • Cơn đau đến rồi đi hoặc có thể liên tục
  • Ngón chân cái hướng về phía các ngón chân nhỏ hơn
  • Không thể uốn cong ngón chân cái hoặc chuyển động bị hạn chế
  • Cảm thấy đau đớn khi cố gắng uốn cong ngón chân ảnh hưởng
  • Da dày lên
  • Khó mang giày
  • Tê ở ngón chân cái
  • Kích ứng da xung quanh vết sưng, dễ hình thành mụn nước
  • Ngón chân hình búa (Hammertoes). Trong đó ngón chân giống như một cái búa khi khớp ảnh hưởng bị kẹt ở vị trí hướng lên. Điều này gây đau và khó khăn khi đi lại.

Khi biến dạng Bunions nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ bị đau ở những nơi khác của bàn chân ngay cả khi không mang giày.

Quan sát biến dạng tại gốc ngón chân cái và chụp X-quang đơn giản có thể giúp phát hiện nhanh vết sưng Bunions. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng, sờ hoặc ấn nhẹ vào vết sưng hoặc thử uốn cong ngón chân cái.

Bệnh nhân cũng có thể được hỏi về thói quen man giày/ dép, tiền sử bệnh và chấn thương, thời điểm bắt đầu của những triệu chứng.

Sau khi khám lâm sàng, người bệnh được chụp X-quang bàn chân. Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh của các xương. Từ đó cho phép bác sĩ dễ dàng nhìn thấy những bất thường của xương hoặc khớp, biến dạng gốc ngón chân cái hay một tình trạng nghiêm trọng khác (chẳng hạn như gãy xương hoặc trật khớp ngón chân cái.

Ngoài ra chụp X-quang khi đặt trọng lượng lên bàn chân giúp xác định góc Hallux valgus (HVA) và góc giữa các cổ chân (IMA). Điều này cho phép đánh giá mức độ nghiêm trọng của biến dạng.

Chụp X-quang
Chụp X-quang xác định góc Hallux valgus (HVA) và góc giữa các cổ chân (IMA) để đánh giá mức độ nghiêm trọng

+ Góc Hallux valgus (HVA) 

Đây là góc giữa xương bàn chân thứ nhất của ngón chân cái với góc giữa trục dài của đốt ngón gần. Góc Hallux valgus (HVA) được coi là bất thường khi lớn hơn 15 -18°.

  • Mức độ nhẹ: 15 - 20°
  • Mức độ trung bình: 21 - 39°
  • Mức độ nặng: ≥ 40°

+ Góc giữa các cổ chân (IMA)

Đây là góc giữa các trục dọc của xương cổ chân thứ nhất và thứ hai. Góc giữa các cổ chân (IMA) được coi là bất thường khi lớn hơn 9°.

  • Mức độ nhẹ: 9 - 11°
  • Mức độ trung bình: 12 - 17°
  • Mức độ nặng: ≥ 18°

Biến chứng và tiên lượng

Bunions có biến dạng rõ rệt ở gốc ngón chân cái, gây khó khăn cho việc lựa chọn và mang giày. Tình trạng này cũng gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Viêm bao hoạt dịch
  • Ngón chân hình búa
  • Đau cổ chân
  • Gai xương
  • Viêm xương khớp

Ngoài ra khi không được chăm sóc đúng cách, Bunions trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, gây đau dữ dội khi đi hoặc đứng. Điều này khiến người bệnh trở nên ít hoặc không vận động. Từ đó ảnh hưởng đến sự linh hoạt và chức năng vận động, giảm chất lượng cuộc sống và sức khỏe.

Đau do Bunions thường có đáp ứng tốt với thuốc và những phương pháp điều trị không phẫu thuật khác. Khi cần thiết, phẫu thuật sẽ giúp ít trong việc điều chỉnh biến dạng.

Điều trị

Bunions không tự biến mất. Điều trị khác nhau dựa vào mức độ nghiêm trọng của vết sưng. Lựa chọn bảo tồn được thực hiện cho trường hợp nhẹ, trong khi phẫu thuật được thực hiện cho những trường hợp rất nặng hoặc đau dai dằng.

1. Điều tri bảo tồn

Điều trị bảo tồn thường tập trung vào việc giảm các triệu chứng của Bunions. Những phương pháp thường được áp dụng gồm:

  • Miếng đệm bunion

Băng và miếng đệm bunion (miếng silicon bảo vệ) được đeo bên trong giày. Chúng giúp đệm vùng đau ngay tại vết sưng, giảm đau đớn và làm dịu kích thích. Miếng silicon bảo vệ cũng giúp giữ cho bàn chân và ngón chân cái ở đúng vị trí.

Miếng silicon bảo vệ
Miếng silicon bảo vệ giúp đệm vùng đau ngay tại vết sưng, giảm cảm giác đau đớn

  • Thay đổi giày dép

Chuyển sang mang những đôi giày có kích thước vừa vặn, mũi giày đủ rộng để tạo sự thoải mái cho các ngón chân và gốc ngón chân cái. Điều này sẽ giúp làm dịu vùng ảnh hưởng và ngăn cơn đau thêm tồi tệ. Có thể nới rộng đôi giày đang dùng bằng thiết bị kéo giãn.

Một số lưu ý khác khi chọn giày cho người có Bunions:

    • Chọn giày có đế mềm và nhiều độ ổn định, mu bàn chân rộng và mũi giày rộng.
    • Tránh những đôi giày quá ngắn, mũi nhọn hoặc bị chật, những đôi có đế cao.
    • Chọn một đôi giày có phần đế hơi nhún nếu bị đau do chuyển động.
  • Thiết bị chỉnh hình

Một loại thiết bị chỉnh hình, chẳng hạn như dụng cụ chèn giày không kê đơn có thể giúp người bệnh kiểm soát những vấn đề liên kết, chẳng hạn như bàn chân quay sấp và bàn chân bẹt.

Bác sĩ cũng có thể hướng dẫn đeo nẹp vào ban đêm hoặc đặt một miếng đệm ngay giữa ngón chân cái và ngón chân thứ hai. Những thiết bị này không chỉ cung cấp sự thoải mái mà còn giúp giữ thẳng ngón chân cái.

  • Chườm đá

Đặt túi đá lạnh ngay tại gốc ngón chân cái sẽ giúp thư giãn, giảm sưng tấy và đau hiệu quả. Biện pháp này nên được thực hiện tối đa 20 phút/ ngày, vài lần mỗi ngày.

  • Thuốc

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể được dùng ở dạng thuốc bôi hoặc viên uống. Nhóm thuốc này giúp ngăn ngừa và trị viêm, giảm sưng tấy, đau và kích thích hiệu quả.

Những loại NSAID thường được sử dụng gồm:

    • Ibuprofen
    • Naproxen
    • Celecoxib

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trị viêm, sưng và đau do biến dạng Bunions

  • Vật lý trị liệu

Các hình thức vật lý trị liệu gồm siêu âm trị liệu, xoa bóp và vận động trị liệu có thể giảm đau và viêm bằng cách phá vỡ sự liên kết dính của mô mềm.

    • Liệu pháp xoa bóp: Xoa bóp nhẹ nhàng giúp tăng lưu thông khí huyết, thư giãn mô mềm, giảm sưng và đau.
    • Siêu âm trị liệu: Kích thích quá trình chữa làn và giảm đau.
    • Vận động trị liệu: Những bài tập giúp cải thiện phạm vi chuyển động của ngón chân và bàn chân. Đồng thời tăng cường và làm mạnh cơ bắp xung quanh vết sưng.
  • Tiêm steroid

Nếu không đáp ứng với NSAID và các phương pháp khác, bệnh nhân sẽ được tiêm steroid quanh vết sưng. Thuốc này giúp trị viêm và đau nhanh chóng. Tiêm steroid có thể mang đến hiệu quả kéo dài từ 3 - 6 tháng. Tiêm nhắc lại nếu đau tái diễn hoặc khi cần thiết.

2. Phẫu thuật

Người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật nếu có vết sưng lớn, gây đau kéo dài, cản trở các hoạt động hàng ngày và điều trị bảo tồn không giúp giảm triệu chứng.

Dựa vào tình trạng, bệnh nhân có thể được thực hiện một hoặc nhiều thủ thuật sau:

  • Loại bỏ các mô bị sưng xung quanh khớp ngón chân cái
  • Loại bỏ một phần xương để làm thẳng ngón chân cái
  • Sắp xếp một hoặc nhiều xương ở bàn chân để chúng có thể ở những vị trí thích hợp hơn, loại bỏ biến dạng và điều chỉnh bất thường ở gốc ngón chân cái
  • Nối vĩnh viễn xương của khớp bị ảnh hưởng.

Phẫu thuật
Phẫu thuật loại bỏ một phần xương để làm thẳng ngón chân cái hoặc loại bỏ các mô bị sưng

Hầu hết các trường hợp có thể đi bộ ngay sau khi phẫu thuật Bunions. Tuy nhiên mất khoảng 2 tuần để vết mổ lành lại, 8 - 12 tuần để phục hồi hoàn toàn.

Sau phẫu thuật, người bệnh cần đi giày phù hợp, thường xuyên thư giãn và tập thể dục để ngăn ngừa Bunions tái phát.

Phòng ngừa

Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn nhưng những biện pháp hữu hiệu dưới đây có thể giúp giảm tối đa nguy cơ phát triển biến dạng Bunions.

  • Mang giày dép vừa vặn, mũi rộng, đế mềm, có thể cung cấp không gian thoải mái cho các ngón chân. Không mang những đôi giày có mũi hẹp và nhọn.
  • Tránh những dôi giày cao gót vì chúng có thể gây áp lực lên mặt trước của bàn chân.
  • Mang giày phù hợp với hình dạng của bàn chân, đảm bảo không ấn hoặc ép bất kỳ phần nào của bàn chân.
  • Sử dụng nẹp chỉnh hình nếu có bàn chân bẹt hoặc một số vấn đề di truyền khác liên quan đến cấu trúc của bàn chân. Thiết bị này có thể giúp ngăn ngừa và làm chậm sự tiến triển của Bunions.

Mang giày dép vừa vặn, mũi rộng, đế mềm
Mang giày dép vừa vặn, mũi rộng, đế mềm là cách tốt nhất để ngăn ngừa biến dạng Bunions

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tại sao tôi có một Bunion?

2. Những phương pháp điều trị tốt nhất cho tình trạng này là gì?

3. Những biện pháp chăm sóc nào giúp tôi cảm tháy tốt hơn?

4. Tôi cần làm gì để giảm nguy cơ mắc các vấn đề về chân khác?

5. Tôi có thể làm gì để ngăn sưng tấy ở bàn chân còn lại?

6. Nếu không điều trị Bunions, những biến chứng nào có thể xảy ra?

7. Mất bao lâu để tôi có thể trở lại hoạt động bình thường?

Bunions có thể gây sưng đau nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày kèm theo những biến chứng nghiêm trọng khác. Để ngăn ngừa, cần điều trị khi vết sưng gây đau. Lưu ý tuân thủ chỉ định của bác sĩ để sớm khắc phục tình trạng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *