Bệnh Cảm Cúm
Cảm cúm là một bệnh nhiễm trùng thường gặp, làm ảnh hưởng đến mũi, họng và phổi. Hầu hết những trường hợp đều nhẹ và tự khỏi. Đôi khi bệnh cúm gây biến chứng và tử vong. Vì vậy cần theo dõi sức khỏe và điều trị theo chỉ định.
Tổng quan
Cảm cúm là một bệnh nhiễm trùng hô hấp ảnh hưởng đến mũi, họng và phổi. Bệnh xảy ra khi hít phải virus cúm lây lan trong không khí. Chúng di chuyển trong không khí dưới dạng giọt nhỏ từ người bị nhiễm trùng nói chuyện, ho và hắt hơi. Virus cúm cũng có thể lây lan từ một đồ vật chứa virus.
Những người bị cảm cúm thường có dấu hiệu sốt cao, đổ nhiều mồ hôi, ớn lạnh, ho khan và đau cơ bắp. Hầu hết những trường hợp có thể tự khỏi hoặc được điều trị hiệu quả bằng thuốc.
Những trường hợp khác có thể nặng. Trong đó cúm và những triệu chứng của bệnh lý này có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Nguyên nhân & Yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây cảm cúm là do virus cúm. Loại virus này di chuyển trong không khí thông qua những giọt bắn từ người bệnh ho, nói chuyện và hắt hơi. Khi hít trực tiếp, người khỏe mạnh sẽ bị nhiễm bệnh. Những triệu chứng có thể bắt đầu trong vòng vài giờ hoặc ngày sau lây nhiễm.
Những người bị nhiễm virus có khả năng lây nhiễm khoảng 1 ngày trước khi những triệu chứng xảy ra đến 4 ngày kể từ khi có triệu chứng. Trong đó những người có hệ miễn dịch suy yếu và trẻ em có bệnh kéo dài và thời gian lây nhiễm lâu hơn.
Virus cúm cũng có thể lây lan khi tiếp xúc với những đồ vật chứa virus, chẳng hạn như bàn phím, điện thoại, đồ chơi em bé... Tác nhân gây bệnh có thể từ đồ vật truyền vào mắt, mũi và miệng, sau đó gây ra những triệu chứng của cảm cúm.
Virus cúm gồm 4 loài, bao gồm:
- Virus cúm A (IAV), chi Alphainfluenzavirus
- Virus cúm B (IBV), chi Betainfluenzavirus
- Virus cúm C (ICV), chi Gammainfluenzavirus
- Virus cúm D (IDV), chi Deltainfluenzavirus
Trong đó cúm A và B là bệnh theo mùa, thường gây ra những triệu chứng vào mùa đông. Cúm C không theo mùa và không gây ra những triệu chứng nghiêm trọng.
Những có tiền sử bị cảm cúm hoặc tiêm vắc xin cúm sẽ có kháng thể chống lại chủng virus cụ thể. Tuy nhiên mức độ kháng thể giảm dần theo thời gian. Những người gặp chủng virus mới có thể có bệnh cúm tái phát.
Dưới đây là những yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cảm cúm:
- Cảm cúm theo mùa thường gặp và tồi tệ hơn ở những trẻ dưới 2 tuổi và người trên 65 tuổi.
- Sống và sinh hoạt ở những nơi đông đúc. Chẳng hạn như nhà trẻ, viện dưỡng lão và văn phòng làm việc.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu. Bao gồm những bệnh nhân mắc bệnh ung thư, HIV, cấy ghép nội tạng, sử dụng steroid lâu dài, trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi.
- Có bệnh lý mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, hen suyễn, bệnh về hệ thần kinh, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim, bệnh về thận, gan, máu (chẳng hạn như bệnh hồng cầu hình liềm) và những vấn đề về đường thở.
- Mắc một tình trạng gây khó khăn khi nuốt, ho, làm sạch chất lỏng từ đường thở hoặc có những vấn đề liên quan đến cơ bắp.
- Sử dụng aspirin dưới 19 tuổi.
- Phụ nữ mang thai có nhiều nguy cơ bị cảm cúm hơn. Đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, kéo dài đến tuần thứ hai sau khi em bé chào đời.
- Thừa cân béo phì.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh cảm cúm có những triệu chứng nhẹ trong những ngày đầu, giống với cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên nhiều trường hợp có những triệu chứng cảm cúm đột ngột và nghiêm trọng, người bệnh cảm thấy khó chịu và mệt mỏi.
Những triệu chứng thường gặp của bệnh cảm cúm gồm:
- Sốt
- Đau cơ bắp
- Đau đầu
- Ho khan và ho dai dẳng
- Ớn lạnh và đổ nhiều mồ hôi
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
- Mệt mỏi và suy nhược
- Hụt hơi
- Đau họng
- Đau mắt
- Nôn mửa và tiêu chảy (thường chỉ gặp ở trẻ em).
Kiểm tra những triệu chứng và dấu hiệu có thể giúp chẩn đoán cảm cúm. Ở nhiều trường hợp, người bệnh được xét nghiệm chất nhầy từ mũi để xác định chẩn đoán. Trong đó tăm bông được đưa vào mũi để quét chất nhầy. Bệnh phẩm được phân tích trong phòng thí nghiệm và xác định loại virus.
Biến chứng & Tiên lượng
Hầu hết trường hợp có thể kiểm soát bệnh cảm cúm và hồi phục trong vòng vài ngày đến một tuần. Đặc biệt những người khỏe mạnh và còn trẻ có những triệu chứng không quá nghiêm trọng, có thể biến mất mà không để lại hậu quả lâu dài.
Ở trẻ em và người lớn, cảm cúm thường gây ra những triệu chứng nghiêm trọng và có nguy cơ phát triển những biến chứng dưới đây:
- Viêm phế quản
- Viêm phổi. Những người mắc bệnh mãn tính và lớn tuổi có thể tử vong do biến chứng viêm phổi
- Bùng phát bệnh hen suyễn
- Bệnh tim mạch
- Nhiễm trùng tai
- Hội chứng suy giảm ho hấp cấp tính
- Nhiễm trùng tai
- Nhiễm trùng xoang
- Dị tật ống thần kinh ở thai nhi đang phát triển
- Sảy thai.
Điều trị
Điều trị thường bao gồm nghỉ ngơi, uống nhiều nước và những biện pháp chăm sóc khác. Nếu có nguy cơ gặp biến chứng hoặc đang có các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc kháng virus.
1. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Các triệu chứng của cảm cúm thường giảm nhanh khi áp dụng những biện pháp chăm sóc tại nhà. Bao gồm:
- Uống nhiều nước: Người bệnh được khuyên uống nhiều nước khi bị cảm cúm. Điều này giúp tránh mất nước và giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh. Ngoài nước lọc, nên uống nước ép trái cây, canh, súp. Những loại thức uống này giúp bổ sung vitamin và các khoáng chất, tăng sức đề kháng, chống mệt mỏi và thúc đẩy cơ thể phục hồi nhanh hơn.
- Nghỉ ngơi: Hãy nghỉ ngơi nhiều hơn khi bị cảm cúm. Điều này giúp cơ thể phục hồi và hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng.
- Chườm ấm: Dùng chai nước ấm hoặc túi chườm nhiệt đặt lên những vị trí đau cơ. Biện pháp này giúp thư giãn và giảm đau cơ hiệu quả.
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn: Cân nhắc sử dụng Acetaminophen hoặc Ibuprofen. Cả hai loại thuốc này đều có tác dụng hạ sốt và chống lại cơn đau khi bị cảm cúm. Tuyệt đối không sử dụng Aspirin cho trẻ em và thanh thiếu niên. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye và tử vong.
2. Thuốc kê đơn
Thăm khám và điều trị cảm cúm theo chỉ định khi:
- Cảm cúm gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng (sốt cao, khó thở, chóng mặt dai dẳng, đau ở ngực hoặc bụng, động kinh, không đi tiểu hoặc tiểu rất ít...)
- Những triệu chứng không cải thiện sau 7 - 10 ngày
- Bị sốt kéo dài trên 3 ngày
- Có nguy cơ gây biến chứng
- Đang mang thai và bị sốt hoặc có những triệu chứng khác.
Các thuốc được chỉ định:
- Thuốc kháng virus
Thông thường người bệnh sẽ được chỉ định thuốc kháng virus. Thuốc có tác dụng bảo vệ cơ thể, tiêu diệt virus cúm. Từ đó rút ngắn quá trình điều trị cảm cúm và ngăn phát triển những biến chứng từ bệnh lý này.
Những thuốc kháng virus được sử dụng phổ biến trong điều trị cảm cúm gồm:
-
- Oseltamivir (Tamiflu)
- Zanamivir (Relenza)
- Peramivir (Rapivab)
- Paloxavir (Xofluza)
Dùng thuốc kháng virus kết hợp những biện pháp chăm sóc tại nhà có thể rút ngắn thời gian điều trị. Một số bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ gồm nôn và buồn nôn do dùng thuốc. Để hạn chế, thuốc nên được dùng cùng với thức ăn.
- Thuốc giảm ho
Một loại thuốc giảm ho như Dextromethorphan có thể được sử dụng. Thuốc giúp làm dịu cơn ho dai dẳng.
- Thuốc long đờm
Guaifenesin hoặc một loại thuốc long đờm khác sẽ được sử dụng. Thuốc này có tác dụng loại bỏ chất nhầy ra khỏi phổi. Từ đó giúp người bệnh dễ thở và dễ chịu hơn.
- Thuốc thông mũi
Nếu bị nghẹt mũi nghiêm trọng, người bệnh có thể được dùng thuốc thông mũi dạng uống hoặc dạng xịt. Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm sổ mũi và nghẹt mũi. Những loại thuốc thông mũi thường được sử dụng gồm Pseudoephedrine và Phenylephrine.
Phòng ngừa
Tiêm chủng ngừa cúm là cách tốt nhất để phòng ngừa cảm cúm. Vắc xin cúm nên được tiêm hàng năm cho những người từ 6 tháng tuổi trở lên. Điều này giúp bảo vệ chống lại bốn loại virus cúm, giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế phát triển biến chứng nghiêm trọng do cảm cúm.
Ngoài vắc xin cúm, bạn cần thực thêm một số biện pháp để ngăn ngừa nhiễm trùng, bao gồm:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng, hãy làm sạch tay bằng chất khử trùng chứa cồn.
- Không chạm tay vào khuôn mặt, miệng và mũi.
- Thường xuyên làm sạch các bề mặt thường chạm vào để phòng ngừa lây nhiễm virus cúm. Cụ thể như bàn phím, điện thoại, đồ chơi của trẻ em...
- Tránh đám đông để phòng ngừa lây nhiễm bệnh cảm cúm.
- Tránh nói chuyện và tiếp xúc gần với những người đang bị cảm cúm hoặc những bệnh lây truyền khác. Tốt nhất nên mang khẩu trang nếu bạn hoặc người khác đang bị bệnh.
- Không dùng chung dụng cụ ăn uống và thức ăn với người khác.
- Che miệng khi hắt hơi và ho. Tốt nhất nên ho và hắt hơi vào khuỷu tay hoặc khăn giấy, sau đó rửa sạch tay. Điều này giúp giảm nguy cơ lây lan nhiễm trùng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Những biện pháp nào giúp chữa khỏi cảm cúm tại nhà?
2. Tôi có thể chờ đợi cho đến khi triệu chứng thuyên giảm không?
3. Tôi có thể sử dụng những loại thuốc tự mua nào?
4. Những triệu chứng nghiêm trọng và đáng chú ý là gì?
5. Cần theo dõi sức khỏe trong bao lâu? Khi nào đến bệnh biện?
6. Mất bao lâu để cảm thấy tốt hơn?
7. Tôi có thể gặp biến chứng do cảm cúm hay không?
Bệnh cảm cúm có thể tự khỏi mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên nhiều trường hợp có triệu chứng rất nặng và có nguy cơ gặp biến chứng cao. Tốt nhất nên khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra nên áp dụng những biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!