Căng Cơ Bàn Chân
Căng cơ bàn chân xảy ra khi những bó cơ ở bàn chân bị kéo căng quá mức hoặc rách, không thể thư giãn bình thường. Tình trạng này thường gây co thắt và đau đớn đột ngột, khó đi lại trên bàn chân ảnh hưởng.
Tổng quan
Căng cơ bàn chân là thuật ngữ chỉ tình trạng các cơ ở bàn chân bị kéo căng quá mức, gây ra những vết rách nhỏ trên cơ. Tình trạng thường liên quan đến căng thẳng lặp đi lặp lại, sử dụng cơ bắp quá mức khiến các cơ bị căng và không thể thư giãn.
Các cơ ở bàn chân kéo dài từ xương gót đến các ngón chân. Chúng có chức năng hỗ trợ bàn chân trong các hoạt động, tăng cường sức mạnh và cho phép bàn chân chuyển động linh hoạt.
Tuy nhiên vận động không đúng cách có thể các cơ bị căng và không thể thư giãn tự nhiên. Điều này dẫn đến sự co thắt và căng cứng đột ngột, giảm chuyển động linh hoạt kèm theo đau đớn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Căng cơ bàn chân xảy ra khi có những hoạt động gây căng thẳng cho cơ bắp ở bàn chân, khiến các cơ bị kéo căng quá mức. Điều này thường liên quan đến những vấn đề sau:
- Sử dụng cơ bắp quá mức: Chạy đường dài, nhảy cao hoặc nhảy xa liên tục... gây căng thẳng cho bàn chân, gân và những bó cơ liên quan. Điều này dẫn đến co thắt cơ và đau đớn.
- Căng thẳng lặp đi lặp lại: Lặp đi lặp lại chuyển động hoặc uốn cong bàn chân liên tục khiến các cơ bị kéo giãn và không thể thư giãn tự nhiên. Điều này gây ra tình trạng co thắt cơ kèm theo đau đớn.
- Chấn thương: Tiếp đất từ một vị trí cao hoặc trong khi bàn chân uốn cong có thể dẫn đến căng thẳng và rách cơ. Tình trạng này khiến người bệnh đau đớn đột ngột, bàn chân sưng tấy và không thể đứng vững.
- Chuyển động đột ngột: Đột ngột dừng lại và chuyển hướng khiến các cơ ở chân và bàn chân chịu nhiều áp lực, tăng nguy cơ đứt gân và rách cơ. Tình trạng này thường gặp ở những người chơi bóng đá, bóng rổ.
- Căng thẳng: Đây là nguyên nhân gây căng cơ phổ biến. Căng thẳng khiến não bộ phát ra các tín hiệu giải phóng hormone gồm epinephrine và cortisol. Điều này khiến các cơ dễ bị thắt chặt, tăng nhịp tim và huyết áp.
- Thừa cân: Cân nặng dư thừa làm tăng áp lực lên bàn chân tăng nguy cơ chấn thương, bao gồm cả căng cơ bàn chân.
Triệu chứng và chẩn đoán
Căng cơ bàn chân có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều nhóm cơ, bao gồm:
- Cơ chày sau
- Cơ chày trước
- Cơ kéo dài
- Cơ gấp
- Cơ Peroneus longus
- Cơ Brevis
Những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp gồm:
- Đau bàn chân
- Co thắt và cứng cơ ở bàn chân
- Đau và co thắt cơ thường đột ngột, đau nhói hoặc âm ỉ kéo dài
- Đau tăng khi đứng, đi lại, vận động trên chân bị ảnh hưởng hoặc chuyển động các ngón chân
- Khó đi lại và hạn chế một số chuyển động khác
- Đau giảm khi nâng cao chân, chườm lạnh và nghỉ ngơi
- Sưng bàn chân
- Bầm tím.
Để chẩn đoán căng cơ bàn chân, người bệnh được kiểm tra vùng ảnh hưởng, triệu chứng, tiền sử bệnh và chấn thương. Bác sĩ có thể vuốt dọc theo gân và cơ, ấn nhẹ, chuyển động bàn chân theo nhiều hướng. Điều này giúp xác định mức độ đau, gân/ cơ bị ảnh hưởng.
Một số xét nghiệm bổ sung có thể thực hiện để đánh giá mức độ tổn thương và tìm kiếm nguyên nhân ảnh hưởng.
- Siêu âm: Siêu âm giúp kiểm tra gân và cơ, tìm kiếm tổn thương liên quan, chẳng hạn như vết rách.
- Chụp X-quang bàn chân: Hình ảnh X-quang giúp kiểm tra các xương của bàn chân và ngón chân. Điều này giúp loại bỏ các tình trạng khác, chẳng hạn như gãy xương hay viêm xương khớp bàn chân.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp CT: Cả hai kỹ thuật này giúp kiểm tra chi tiết xương và mô mềm quanh xương, phân loại tổn thương và đánh giá mức độ nghiêm trọng.
- Điện cơ: Kiểm tra hoạt động của cơ và dây thần kinh bằng kỹ thuật điện cơ. Từ đó xác định tổn thương dây thần kinh liên quan đến cơ bắp.
Biến chứng và tiên lượng
Căng cơ bàn chân thường nhẹ, có thể tự khỏi sau vài tuần nghỉ ngơi và chườm lạnh. Tuy nhiên các triệu chứng có thể gây khó chịu và hạn chế chuyển động. Việc tiếp tục vận động có thể làm tăng nguy cơ rách cơ.
Nếu căng cơ nặng và có vết rách, người bệnh cần tiến hành điều trị y tế theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi không được điều trị đúng cách, người bệnh có khả năng gặp một số vấn đề dưới đây:
- Đau bàn chân mãn tính
- Dị tật chân
- Mất phạm vi chuyển động
- Teo cơ do thiếu vận động
Điều trị
Những trường hợp nhẹ có thể ưu tiên nghỉ ngơi và điều trị tại nhà. Nếu co thắt cơ và đau đớn nhiều, cần điều trị y tế theo chỉ định của bác sĩ.
1. Điều trị tại nhà
Điều trị tại nhà gồm những phương pháp sau:
- Nghỉ ngơi: Khi bị căng cơ bàn chân, cần nghỉ ngơi đầy đủ, tránh đi lại nhiều hoặc thực hiện những hoạt động căng thẳng cho bàn chân. Điều này giúp cơ bắp bị thương có thời gian lành lại và giảm đau hiệu quả.
- Chườm đá: Dùng miếng vải mỏng bọc một vài viên đá lạnh và đặt lên bàn chân, giữ trong 20 phút. Biện pháp này giúp giảm đau và sưng hiệu quả. Chườm lạnh nên được thực hiện từ 3 - 4 lần/ ngày, liên tục 2 ngày đầu sau chấn thương.
- Nén: Dùng băng thun quấn quanh bàn chân và cổ chân bị ảnh hưởng. Biện pháp này giúp giữ bàn chân ở vị trí đúng, giảm căng thẳng cho cơ và giúp chúng được chữa lành. Ngoài ra biện pháp nén còn giúp giảm đau và sưng hiệu quả, ngăn tổn thương thêm.
- Nâng cao chân: Trong khi ngủ, đặt gối dưới chân sao cho bàn chân ảnh hưởng cao hơn tim. Biện pháp này giúp hạn chế và giảm phù nề sau căng cơ bàn chân.
- Uống đủ nước: Uống đủ lượng nước cần thiết giúp cơ bắp được sửa chữa và hoạt động hiệu quả hơn. Vì vậy người bệnh cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Thiết bị hỗ trợ: Trong vài ngày sau chấn thương, người bệnh có thể được hướng dẫn đi lại bằng gậy hoặc nạng. Thiết bị này giúp giảm áp lực lên chân bị thương khi di chuyển, ngăn chấn thương thêm. Đồng thời cho phép các gân và cơ lành lại nhanh chóng.
- Chườm ấm: Khoảng 2 ngày sau chấn thương, dùng khăn ấm hoặc đệm sưởi đặt lên bàn chân bị thương. Biện pháp này giúp thư giãn cơ bắp, tăng lưu thông máu và giảm đau hiệu quả. Chườm ấm nên được thực hiện vài lần mỗi ngày, mỗi lần 20 phút, có thể thực hiện xen kẽ với biện pháp chườm lạnh để đạt được hiệu quả tối đa.
- Xoa bóp: Xoa bóp nhẹ nhàng giúp thư giãn, giảm đau và giảm co thắt do căng cơ bàn chân. Ngoài ra biện pháp này còn giúp tăng lưu thông khí huyết, thúc đẩy quá trình chữa lành cơ bắp bị thương.
- Vận động nhẹ nhàng: Tránh bất động hoặc nằm lâu trên giường. Tùy thuộc vào mức độ đau, nên đi lại nhẹ nhàng, kéo giãn và thực hiện các bài tập phù hợp. Điều này giúp thư giãn, kéo dài gân cơ, đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra suôn sẻ.
- Giảm cân: Đạt được và duy trì cân nặng phù hợp giúp giảm áp lực lên bàn chân. Điều này giúp tăng tốc độ chữa lành và giảm nguy cơ tái phát chấn thương trong tương lai.
- Yoga và thiền định: Nếu bị căng cơn bàn chân do căng thẳng, hãy thử các phương pháp thư giãn như thiền và yoga. Việc thực hiện sẽ giúp cải thiện tâm trạng và thư giãn tối đa. Ngoài ra các bài tập yoga còn giúp tăng sự dẻo dai cho xương khớp, kéo dài gân cơ, phòng ngừa và giảm tổn thương do chấn thương hiệu quả.
2. Điều trị y tế
Căng cơ bàn chân chủ yếu được điều trị bằng thuốc giảm đau kết hợp vật lý trị liệu. Nếu có rách cơ hoặc gân, phẫu thuật sẽ được cân nhắc.
+ Thuốc
Bệnh nhân bị căng cơ bàn chân chủ yếu được dùng các thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ để điều trị.
- Acetaminophen: Những cơn đau nhẹ có hoặc không kèm theo sốt sẽ được dùng Acetaminophen. Thuốc có khả năng điều trị nhanh các cơn đau, đặc biệt thích hợp với những cơn đau do chấn thương.
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): NSAID được dùng để giảm đau và chống viêm sau căng cơ bàn chân. Thuốc mang đến hiệu quả nhanh cho những cơn đau ở mức độ vừa.
- Thuốc giãn cơ: Những loại thuốc giãn cơ có tác dụng giảm co thắt cơ và giảm đau do căng cơ. Thuốc này được kê đơn nếu co thắt nhiều hoặc những loại thuốc khác không mang đến hiệu quả.
+ Vật lý trị liệu
Nếu đau nhiều và khó vận động sau căng cơ bắp chân, người bệnh được massaga trị liệu và hướng dẫn một số bài tập giúp phục hồi. Những bài tập thường bao gồm các động tác kéo giãn nhẹ nhàng, có tác dụng thư giãn, kéo dài và phục hồi các cơ ở bàn chân.
Trong những ngày tiếp theo, các bài tập tăng cường có thể được thực hiện để phục hồi sức mạnh và chức năng cho cơ bắp. Đồng thời giúp người bệnh trở lại với những hoạt động bình thường.
+ Phẫu thuật
Phẫu thuật cho những trường hợp sau:
- Rách cơ
- Có gãy xương hoặc đứt gân sau chấn thương
- Đau nhức nhiều, điều trị bảo tồn không hiệu quả
Phẫu thuật thường bao gồm kỹ thuật nối hai đầu cơ rách hoặc gắn gân vào xương. Đối với gãy xương, bác sĩ tiến hành sửa chữa xương gãy, đặt vít cố định các mảnh xương vào nhau. Mất khoảng 2 - 4 tuần để vết thương lành lại, 3 - 5 tháng phục hồi sau phẫu thuật.
Phòng ngừa
Một số biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ căng cơ bàn chân:
- Cố gắng đạt được và duy trì cân nặng hợp lý. Nếu thừa cân, hãy tập thể dục và thực hiện chế độ ăn uống phù hợp. Điều này giúp giảm áp lực lên bàn chân và hạn chế chấn thương.
- Tránh lạm dụng cơ bắp ở chân và bàn chân. Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý sau mỗi 30 - 60 phút luyện tập.
- Mang giày phù hợp và vừa vặn.
- Luôn kéo giãn và khởi động trước khi luyện tập và chơi thể thao.
- Sau tập thể dục, thực hiện các động tác giãn cơ để hạ nhiệt và thư giãn, giảm nguy cơ đau cơ và chấn thương.
- Tránh lặp đi lặp lại chuyển động gây căng thẳng cho cơ bàn chân, chẳng hạn như nhảy liên tục hoặc chạy đường dài. Nếu phải lặp đi lặp lại chuyển động, cần dành nhiều thời gian nghỉ giải lao.
- Không đột ngột thay đổi chuyển động, dừng và bắt đầu để tránh gây chấn thương cho gân và cơ.
- Những người có nguy cơ chấn thương cao nên thường xuyên ngâm chân trong nước ấm hoặc massage nhẹ nhàng. Những biện pháp này giúp thư giãn các cơ và gân ở bàn chân, giảm nguy cơ đau nhức và chấn thương sau một ngày vận động vất vả.
- Tránh căng thẳng. Nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và suy nghĩ tích cực. Nếu căng thẳng quá mức, có thể thiền, yoga hoặc thực hiện các kỹ thuật thư giãn khác. Những biện pháp này có thể giúp kiểm soát và cải thiện tâm trạng hiệu quả.
- Uống đủ 2 - 2,5 lít nước. Nước giúp cơ bắp khỏe mạnh và hoạt động tốt hơn.
- Ăn uống lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng để duy trì sức khỏe và đảm bảo các cơ được nuôi dưỡng tốt.
- Thường xuyên kéo giãn và tập thể dục đều đặn. Điều này giúp tăng cường và duy trì cơ bắp khỏe mạnh, tăng tính dẻo dai. Từ đó vận động linh hoạt và giảm nguy cơ chấn thương.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào có khả năng nhất khiến tôi bị đau bàn chân?
2. Phương pháp điều trị thích hợp nhất là gì?
3. Biện pháp chăm sóc nào giúp tôi cảm thấy tốt hơn?
4. Mất bao lâu để chữa khỏi?
5. Tôi có thể tiếp tục chơi các môn thể thao cường độ cao hay không?
6. Nên và tránh những gì trong khi điều trị?
7. Có cách nào giúp ngăn ngừa chấn thương tái phát?
Cơ căng cơ bàn chân thường không quá nghiêm trọng, có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên một số trường hợp có dấu hiệu rách cơ và gân, cần được điều trị y tế theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều quan trọng là phải nghỉ ngơi và điều trị đúng cách để sớm khắc phục.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!