Co Thắt Dạ Dày
Co thắt dạ dày thường là triệu chứng của ngộ độc thực phẩm, nhiễm virus dạ dày và một số vấn đề y tế khác. Tình trạng này khiến người bệnh có cảm giác căng cứng cơ ở bụng, có cảm giác khó chịu dai dẳng.
Tổng quan
Co thắt dạ dày còn được gọi là chuột rút dạ dày - tình trạng cứng cơ bụng đột ngột và không thể tự thư giãn. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, thường chỉ thoáng qua hoặc được làm dịu bằng những biện pháp chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên co thắt dạ dày cũng có có thể xảy ra thường xuyên, rất nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn 1 ngày kèm theo những triệu chứng khác. Tình trạng này có thể là dấu hiệu của một hoặc nhiều vấn đề y tế nghiêm trọng, càn được chẩn đoán và điều trị ngay lập tức.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Co thắt dạ dày thoáng qua thường liên quan đến tình trạng mất nước, ăn quá no hoặc có chế độ ăn uống không phù hợp. Tuy nhiên nhiều tình trạng y tế phức tạp có thể khiến cơ đau quặn thắt kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt.
Dưới đây là những nguyên nhân gây co thắt dạ dày thường gặp:
- Thói quen ăn uống
Ăn quá no, tiêu thụ nhiều thực phẩm khó tiêu hóa như thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo, thức ăn chế biến sẵn... làm khởi phát những cơn co thắt khó chịu. Tuy nhiên triệu chứng thường chỉ thoáng qua, nghỉ ngơi có thể giúp cơn đau nhanh chóng thuyên giảm.
- Mất nước
Mất nước và điện giải làm co thắt các cơ trong cơ trong cơ thể, trong đó có dạ dày. Tình trạng thường kèm theo biểu hiện chóng mặt, đau đầu, khát và nước tiểu sẫm màu.
- Ngộ độc thực phẩm
Co thắt dạ dày là triệu chứng thường gặp của ngộ độc thực phẩm. Tình trạng này xảy ra khi người bệnh ăn phải những loại thực phẩm bẩn, nhiễm một số loại vi trùng.
Cơn co thắt do ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện đồng thời với tiêu chảy, nôn mửa, buồn nôn, sốt và đau quặn ở bụng. Những triệu chứng có thể bắt đầu từ vài phút đến vài giờ sau khi tiêu thụ thực phẩm bẩn.
Ngộ độc thực phẩm thường gặp hơn ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi.
- Bệnh viêm dạ dày do virus
Viêm dạ dày do virus có thể là nguyên nhân khiến bạn bị co thắt dạ dày. Tình trạng này thường liên quan đến Norovirus.
Nhiễm virus dạ dày xảy ra khi tiếp xúc gần với người bị nhiễm virus, chẳng hạn như ăn chung và sử dụng chung dụng cụ ăn uống. Tình trạng này cũng xảy ra ở những người ăn hoặc uống những loại thực phẩm không được đảm bảo vệ sinh, nhiễm virus.
Ngoài co thắt dạ dày, bệnh viêm dạ dày do virus còn có những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:
-
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Đau cơ và nhức đầu
- Sốt nhẹ
- Nhiễm trùng đường ruột
Nhiễm trùng đường ruột xảy ra sau khi người bệnh ăn những loại thực phẩm bẩn, nhiễm virus, vi khuẩn hoặc những loại ký sinh trùng. Đây là một dạng tổn thương đường tiêu hóa nghiêm trọng, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời.
Những người bị nhiễm trùng đường ruột sẽ có triệu chứng co thắt dạ dày, đau quặn ở bụng dưới, buồn nôn, tiêu chảy liên tục và sốt. Các triệu chứng thường xảy ra trong vòng vài giờ sau khi tiêu thụ thực phẩm bẩn.
- Dị ứng thực phẩm
Hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể để bảo vệ cơ thể trước những tác nhân gây hại xâm nhập (vi khuẩn và virus). Tuy nhiên hệ thống này cũng có thể phản ứng với một số loại thực phẩm mà nó nhầm lẫn là có hại.
Dị ứng thực phẩm thường gây phát ban trên da, co thắt dạ dày, ngứa ngáy và nổi nhiều mẩn đỏ. Những trường hợp nặng hơn có thể bị sốc phản vệ dẫn đến khó nuốt, khó thở và tụt huyết áp đột ngột.
- Không dung nạp thực phẩm
Một số loại thực phẩm khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc phân hủy. Chẳng hạn như Lactose - một loại đường được tìm thấy trong sữa.
Việc không dung nạp thực phẩm có thể kích thích hệ tiêu hóa, gây co thắt dạ dày, đau bụng, ợ nóng và đi ngoài phân lỏng. Tình trạng này thường nhanh chóng qua đi khi tiêu thụ một lượng nhỏ thực phẩm không dung nạp. Những trường hợp nặng hơn có thể cần phải dùng thuốc kháng axit.
- Thai kỳ
Những cơn co thắt dạ dày thường xảy ra trong thời kỳ mang thai. Co thắt có thể là tự nhiên hoặc xảy ra do những cơn gò Braxton-Hicks (chuyển dạ giả), thường gặp vào 3 tháng cuối thai kỳ.
Những cơn gò Braxton-Hicks khiến mẹ bầu khó chịu, co thắt nghiêm trọng hơn so với đau chuyển dạ. Những cơn chuyển dạ giả thường vô hại. Tuy nhiên mẹ bầu cần tiến hành thăm khám nếu cảm giác co thắt thường xuyên xảy ra hoặc kéo dài.
Sự co thắt dạ dày trong thai kỳ cũng có thể liên quan đến tình trạng căng cơ và cử động của thai nhi. Tình trạng này khiến mẹ bầu khó chịu nhưng thường nhanh chóng qua đi.
- Nguyên nhân khác
Co thắt dày dạ cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:
-
- Làm việc gắng sức, thường xuyên thực hiện những hoạt động nặng
- Chướng bụng, đầy hơi và ợ hơi
- Bệnh viêm ruột, chẳng hạn như Crohn, viêm loét đại tràng
- Hội chứng ruột kích thích
- Táo bón
- Tắc ruột làm tích tụ khí và dịch dẫn đến đau ruột và co thắt
- Đầy hơi
Triệu chứng và chẩn đoán
Nếu bị co thắt dạ dày, người bệnh sẽ có những triệu chứng dưới đây:
- Có cảm giác căng cứng cơ đột ngột ở bụng, không tự thư giãn
- Quặn tức ở bụng
- Khó chịu và không thể đứng thẳng.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, co thắt dạ dày thường xảy ra đồng thời với những triệu chứng sau:
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Buồn nôn và nôn
- Sốt
- Dấu hiệu mất nước (chóng mặt, đi tiểu ít, khô miệng, khô họng, khát)
- Có máu trong phân
- Nhức đầu.
Trong lần thăm khám đầu tiên, người bệnh được kiểm tra mức độ nghiêm trọng của cơn co thắt, vị trí ảnh hưởng và những triệu chứng đi kèm. Ngoài ra người bệnh sẽ được kiểm tra về tiền sử bệnh và chế độ ăn uống trước đó.
Để xác định nguyên nhân gây co thắt dạ dày, người bệnh sẽ được thực hiện các xét nghiệm dưới đây:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra mẫu máu có thể giúp xác định nhiễm trùng.
- Xét nghiệm hình ảnh: Siêu âm bụng, chụp CT hoặc/ và chụp X-quang bụng có thể được thực hiện để kiểm tra đường ruột, loại trừ những bệnh lý có thể gây co thắt dạ dày.
Biến chứng & Tiên lượng
Co thắt dạ dày thường chỉ thoáng qua, gây khó chịu nhưng không kèm theo những triệu chứng nghiêm trọng. Những trường hợp này có thể tự xử lý tại nhà và theo dõi thường xuyên.
Co thắt dạ dày cũng có thể kéo dài và nghiêm trọng. Người bệnh cần nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện nếu bị co thắt dạ dày kéo dài kèm theo nhiều triệu chứng cấp tính. Chẳng hạn như tiêu chảy nhiều lần, nôn ói, sốt không giảm tay chân lạnh, xanh xao và đại tiện ra máu.
Những trường hợp nặng thường liên quan đến ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc virus. Nếu không được xử lý nhanh và đúng cách, người bệnh sẽ có nguy cơ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm dưới đây:
- Nhiễm trùng huyết
- Chảy máu đường ruột
- Không kiểm soát nhu động ruột
- Đau cơ
- Mất nước
- Thiếu máu
Điều trị
Điều trị co thắt dạ dày dựa trên nguyên nhân. Dưới đây là những phương pháp hữu hiệu:
1. Biện pháp khắc phục tại nhà
Ở những trường hợp nhẹ, co thắt dạ dày chỉ thoáng qua. Ngoài ra việc áp dụng những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nhẹ tình trạng:
- Chườm ấm: Thực hiện biện pháp chườm ấm để thư giãn các cơ ở dạ dày. Đặt túi chườm chứa nước ấm lên bụng. Biện pháp này giúp làm dịu nhanh cơn đau, thư giãn các cơ ở bụng, giảm co thắt và mang đến cảm giác dễ chịu cho người bệnh.
- Nghỉ ngơi: Khi bị co thắt dạ dày, hãy nghỉ ngơi trên giường. Điều này giúp cơ thể và các cơ được thư giãn. Từ đó giúp giảm đau hiệu quả.
- Tránh nằm: Nếu co thắt dạ dày liên quan đến chứng khó tiêu, người bệnh cần tránh nằm hoặc đi ngủ cho đến khi cơn đau qua đi. Bởi điều này có thể khiến chứng khó tiêu trở thành chứng ợ nóng, trào ngược axit dạ dày.
- Massage bụng: Trong khi nghỉ ngơi, hãy nhẹ nhàng xoa bụng. Điều này giúp giảm đau bụng và thư giãn các cơ đang co thắt.
- Uống nhiều nước: Uống nước ấm và đảm bảo bổ sung đủ nước trong ngày. Điều này giúp phòng ngừa và điều trị co thắt dạ dày do mất nước. Ngoài ra uống nhiều nước còn giúp làm giảm chứng ợ nóng, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Tuy nhiên cần tránh rượu bia và những loại thực phẩm chứa caffein.
- Tránh thức ăn khó tiêu: Tránh những loại thức ăn khó tiêu để không làm nặng hơn tình trạng co thắt và các triệu chứng khác. Chẳng hạn như: Thức ăn cay nóng, thức ăn nhiều dầu mỡ và chất béo, sản phẩm lúa mì, những loại thực phẩm có tính axit...
- Húng quế: Nếu chuột rút dạ dày liên quan đến viêm nhiễm, người bệnh có thể thử ăn sống hoặc uống trà lá húng quế. Lá húng quế có đặc tính kháng viêm và giảm đau. Khi dùng có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng như đau bụng, chuột rút dạ dày, buồn nôn, nôn, ợ nóng, đầy hơi.
- Uống trà hoa cúc: Trà hoa cúc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và thư giãn dạ dày. Uống một tách trà hoa cúc sẽ giúp làm dịu những triệu chứng liên quan đến co thắt dạ dày.
- Gừng: Gừng có tác dụng chống viêm, giảm đau, giảm buồn nôn và nôn. Để cắt giảm các triệu chứng, người bệnh có thể thử thêm gừng vào trà hoặc các món ăn.
- Ăn lỏng: Tránh thức ăn đặc. Tốt nhất nên ăn những loại thực phẩm lỏng, có nhiều nước như canh, súp, canh. Điều này giúp tiêu hóa thức ăn dễ dàng, hấp thụ dinh dưỡng nhanh chóng, bổ sung thêm chất lỏng giúp ngăn ngừa mất nước.
2. Điều trị y tế
Co thắt dạ dày kéo dài hoặc do những nguyên nhân nghiêm trọng cần được điều trị y tế. Thông thường người bệnh sẽ được dùng thuốc điều trị dựa trên nguyên nhân.
- Kháng sinh: Nếu co thắt dạ dày do nhiễm vi khuẩn, người bệnh sẽ được dùng kháng sinh đường uống hoặc/ và tiêm tĩnh mạch. Thuốc có tác dụng ức chế và diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Thuốc kháng virus: Nếu bị nhiễm trùng do virus, một loại thuốc kháng virus sẽ được chỉ định. Thuốc có tác dụng tiêu diệt loại virus gây nhiễm trùng và chuột rút dạ dày.
- Thuốc giảm đau: Một loại thuốc giảm đau cơ bản như Acetaminophen hoặc kháng viêm không steroid (như Ibuprofen) có thể được dùng để giảm đau bụng do co thắt cơ. Thuốc có tác dụng xoa dịu những cơn đau nhẹ đến trung bình và hạ sốt.
- Thuốc giãn cơ: Đôi khi thuốc giãn cơ được chỉ định cho những cơn đau nặng do co thắt dạ dày. Thuốc có tác dụng thư giãn cơ và giảm đau hiệu quả.
- Thuốc cầm tiêu chảy: Một loại thuốc cầm tiêu chảy như Diphenoxylate được chỉ định cho những bệnh nhân bị tiêu chảy nhiều và liên tục. Thuốc có tác dụng giảm nhu động ruột và co bóp hiệu quả. Từ đó giúp điều trị chứng đau bụng và đi ngoài nhiều lần.
- Thuốc kháng axit: Bệnh nhân được chỉ định thuốc kháng axit nếu bị chuột rút dạ dày kèm theo ợ nóng hoặc đau bụng do không dung nạp thực phẩm. Thuốc có tác dụng làm dịu cơn đau và co thắt, điều trị ợ nóng và khó chịu ở dạ dày.
Phòng ngừa
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học và ngăn ngừa viêm nhiễm có thể giúp ngăn ngừa co thắt dạ dày. Cụ thể:
- Không tiêu thụ những loại thực phẩm và thức uống không đảm bảo vệ sinh.
- Đảm bảo sử dụng những loại thực phẩm sạch, các loại rau củ được ngâm rửa nhiều lần trước khi tiêu thụ để tránh nhiễm trùng đường ruột.
- Ăn chín uống sôi. Đặc biệt là những người có hệ miễn dịch suy yếu, trẻ em và người lớn tuổi.
- Tăng cường bổ sung vitamin (như vitamin A, B, C, E), các khoáng chất và axit béo omega-3 trong chế độ ăn uống. Những loại thực phẩm này giúp giữ cho cơ thể khỏe mạnh, chống viêm và nhiễm trùng.
- Uống đủ nước mỗi ngày để ngăn mất nước và chuột rút ở bụng. Uống nhiều nước cũng giúp thanh nhiệt và giải độc cho cơ thể.
- Hạn chế uống rượu bia và chất kích thích.
- Hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, chất béo, thức ăn chế biến sẵn và những loại thực phẩm khó tiêu hóa khác. Những loại thực phẩm này có thể gây khó tiêu, kích thích dạ dày dẫn đến co thắt.
- Tránh ăn quá no trong một lần. Nên chia nhỏ khẩu phần ăn và ăn nhiều lần trong ngày.
- Tránh tiêu thụ loại thực phẩm mà cơ thể bạn đang bị dị ứng.
- Tiêu thụ những loại thực phẩm dễ chịu đối với dạ dày. Chẳng hạn như cơm, thịt gà, bánh quy, chuối...
- Điều trị tốt những bệnh lý có thể gây chuột rút dạ dày. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn điều trị hiệu quả.
- Tập thể dục đều đặn với cường độ thích hợp. Biện pháp này giúp nâng cao sức đề kháng, sức khỏe tổng thể và khả năng chống bệnh. Từ đó giúp giảm nguy cơ co thắt dạ dày do những tình trạng nhiễm trùng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị co thắt dạ dày do đâu?
2. Những triệu chứng có thể tự khỏi không?
3. Phương pháp nào giúp điều trị hiệu quả?
4. Điều trị trong bao lâu thì những triệu chứng biến mất?
5. Tình trạng của tôi là ngắn hạn hay kéo dài?
6. Những biện pháp nào giúp ngăn ngừa tái phát?
7. Chuột rút dạ dày khi mang thai có nguy hiểm không?
Có nhiều nguyên nhân gây co thắt dạ dày. Phần lớn các trường hợp có triệu chứng nhẹ, thoáng qua hoặc giảm nhanh khi áp dụng những biện pháp chăm sóc. Ở những trường hợp nặng hơn, người bệnh cần được khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!