Còi Xương Kháng Vitamin D
Còi xương kháng vitamin D xảy ra ở những trẻ không có đáp ứng với vitamin D, thường kèm theo kém hấp thu canxi ở ruột và có nồng độ phốt pho trong máu ở mức thấp. Tình trạng này khiến xương yếu, dễ gãy và bị biến dạng.
Tổng quan
Còi xương kháng vitamin D có tên gọi khác là còi xương giảm phốt pho máu - một dạng còi xương thường gặp. Những trẻ mắc bệnh lý này có các xương bị yếu, cong, mềm, dễ gãy, xảy ra khi cơ thể không đáp ứng với vitamin D, giảm phốt pho máu và giảm khả năng hấp thụ canxi ở ruột.
Đột biến gen được cho là liên quan đến bệnh còi xương kháng vitamin D. Những triệu chứng thường phát triển trong thời thơ ấu. Chỉ một số ít trường hợp có triệu chứng bắt đầu ở tuổi thiếu niên hoặc sau khi trưởng thành
So với những dạng còi xương khác, bệnh còi xương giảm phốt pho máu có triệu chứng rất nghiêm trọng, chẳng hạn như dính hộp sọ, chân vòng kiềng, kém phát triển xương, tầm vóc thấp, đau xương, đau khớp...
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Còi xương kháng vitamin D có tính di truyền. Bệnh xảy ra khi trẻ thừa hưởng một số gen bị đột biến, có liên quan đến chứng còi xương kháng vitamin D từ cha hoặc/ và mẹ. Cụ thể:
- CLCN5
- SLC34A3
- DMP1
- ENPP1
- FGF23
- PHEX (chiếm hầu hết các trường hợp)
Những gen này duy trì sự cân bằng photphat trong cơ thể. Chúng cũng quy định protein (đạm) ức chế tái hấp thu phốt pho vào máu của thận. Khi bị đột biến, chức năng của các gen bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến sự suy giảm quá trình phân hủy protein và tăng sản xuất protein một cách nhanh chóng.
Quá nhiều protein dẫn đến sự tái hấp thu phốt pho của thận, giảm phốt pho máu và dẫn đến bệnh còi xương kháng vitamin D. Hầu hết trẻ được di truyền từ cha mẹ theo kiểu trội liên kết X (gen liên quan nằm trên nhiễm sắc thể X). Ngay cả gen hoặc bản sao của gen bị đột biến đều dẫn đến chứng còi xương giảm phốt pho máu.
Nếu người cha bị đột biến gen liên kết X, tất cả con gái sẽ thừa hưởng gen đột biến (nhiễm sắc thể X). Trong khi đó tất cả con trai chỉ sở hữu nhiễm sắc thể Y, không có gen đột biến.
Nếu mẹ có gen liên kết X đột biến, mỗi đứa con (cả nam và nữ) đều có 50% nguy cơ sở hữu gen đột biến. Hiếm khi bệnh di truyền theo kiểu lặn liên kết X, lặn hoặc trội trên nhiễm sắc thể thường.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của bệnh còi xương kháng vitamin D thường xảy ra sớm (khi trẻ biết đi), có thể có mức độ nhẹ hoặc rất nghiêm trọng. Cụ thể:
+ Triệu chứng ở trẻ em
- Xương mềm, dễ uốn cong và dễ gãy
- Chân vòng kiềng hoặc hình chữ bát
- Trán lớn, thóp rộng, đầu bẹp cá trê
- Xương dày lên ở cổ tay, đầu gối và mắt cá chân
- Biến dạng lồng ngực với xương ức gà và hình chuông
- Biến dạng xương sọ
- Biến dạng xương hàm
- Gù lưng hoặc vẹo cột sống
- Hẹp xương chậu
- Chậm mọc răng
- Răng mọc lỏm chỏm, thưa, răng yếu, xấu, dễ bị sâu hoặc áp xe răng
- Tầm vóc thấp
- Chậm phát triển chiều cao
- Cơ thể không cân đối và tăng trưởng chậm
- Dáng đi bất thường
- Chậm phát triển vận động
- Mệt mỏi thường xuyên
- Viêm xương sọ
+ Triệu chứng ở người lớn
Một số trường hợp có triệu chứng bắt đầu muộn, thường ở tuổi thiếu niên hoặc sau khi trưởng thành. Những triệu chứng phổ biến gồm:
- Áp xe răng
- Nhuyễn xương
- Tầm vóc thấp
- Gãy xương hoặc giả gãy xương
- Viêm xương sọ
- Đau xương
- Hạn chế phạm vi chuyển động
- Hẹp ống sống
- Viêm xương khớp
- Mất thính giác
- Trầm cảm.
Để xác định tình trạng, trẻ được kiểm tra tầm vóc, xương biến dạng hoặc có bất thường, dáng đi, vấn đề răng miệng. Bác sĩ cũng có thể ấn nhẹ để kiểm tra những triệu chứng khác như đau xương.
Nếu có nghi ngờ còi xương kháng vitamin D, phụ huynh sẽ được hỏi về tiền sử gia đình, chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ. Đồng thời thực hiện một số xét nghiệm dưới đây:
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm này có thể cho biết phốt pho có bài tiết quá nhiều qua nước tiểu hay không.
- Xét nghiệm huyết thanh: Kiểm tra huyết thanh nhằm kiểm tra nồng độ canxi, phốt pho và phosphatase kiềm. Những trẻ bị còi xương kháng vitamin D sẽ có kết quả xét nghiệm như sau:
- Canxi: Tăng ít hoặc trong phạm vi tham chiếu
- Phốt pho: Giảm
- Phosphatase kiềm: Cao hơn phạm vi tham chiếu
- Calcotriol: Thấp hoặc nằm trong phạm vi tham chiếu
- Hormone tuyến cận giáp trong huyết thanh: Có dấu hiệu tăng ít hoặc trong phạm vi tham chiếu.
- Kiểm tra tái hấp thu phốt pho ở ống thận: Kỹ thuật này cho phép kiểm tra khả năng tái hấp thu phốt pho (TRP) ở ống thận nhằm xác định nguy cơ phát triển bệnh còi xương. TRP ở mức 60% cho thấy giảm phối pho máu do liên kết X. TRP bình thường vượt quá 90% khi nồng độ phốt pho huyết tương giảm.
- Chụp X-quang xương: Hình ảnh X-quang cho thấy những biến dạng của xương do còi xương giảm phốt pho máu. Cụ thể:
- Những đầu xương dài mở rộng bất thường
- Đường cốt hóa lõm
- Điểm cốt hóa chậm
- Xương dài cong
- Biến dạng ở hộp sọ, xương hàm...
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh còi xương kháng vitamin D thường được kiểm soát nhanh, triệu chứng giảm và không ảnh hưởng đến tuổi thọ khi được điều trị. Nhưng nếu điều trị không đúng cách hoặc chậm trễ, bệnh sẽ gây ra những biến chứng sau:
- Dị tật xương vĩnh viễn
- Gãy xương
- Hẹp ống sống
- Loãng xương khi trưởng thành
- Dáng đi bất thường
- Ù tai hoặc mất thính lực
- Dị tật Chiari
Điều trị
Bệnh còi xương kháng vitamin D chủ yếu được điều trị bằng thuốc uống hoặc tiêm Burosumab dưới da. Những trường hợp nặng hơn (biến dạng nghiêm trọng) có thể được cân nhắc phẫu thuật.
1. Thuốc
Các thuốc được sử dụng nhằm tăng nồng độ phốt pho trong huyết tương, giảm phosphatase kiềm. Đồng thời điều trị bệnh còi xương và cải thiện tốc độ tăng trưởng của trẻ
- Dung dịch / viên nén chứa phốt pho trung tính
Những trẻ bị còi xương kháng vitamin D được chỉ định phốt pho trung tính để điều trị. Thuốc này có thể được dùng ở dạng viên uống hoặc dung dịch.
Liều dùng khuyến cáo như sau:
-
- Trẻ em: Uống 10mg/ kg trọng lượng, chia thành 4 lần uống trong ngày.
- Người lớn: Uống 250mg - 1g, chia thành 3 - 4 lần uống/ ngày.
- Calcitriol
Calcitriol thường được dùng kết hợp với thuốc chứa phốt pho trung tính. Đây là một dạng của vitamin D. Thông thường việc bổ sung phốt pho sẽ làm trì hoãn hoặc ức chế quá trình chuyển hóa calcitriol. Đồng thời làm giảm nồng độ canxi ion hóa trong cơ thể.
Khi không được can thiệp, người bệnh sẽ có nguy cơ phát triển chứng cường giáp thứ phát và tăng đào thải phốt pho qua nước tiểu. Chính vì thế mà Calcitriol thường được chỉ định để ngăn ngừa.
Liều dùng khuyến cáo như sau:
-
- Trẻ em: Uống 5 - 10mg/ kg trọng lượng, mỗi ngày 2 lần.
- Người lớn: Uống 5 - 10mg/ kg trọng lượng, mỗi ngày 2 lần.
Lưu ý: Những loại thuốc nêu trên chỉ được sử dụng khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ chuyên khoa. Thông báo với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường hoặc vấn đề nào.
2. Tiêm Burosumab
Burosumab là một loại kháng thể đơn dòng kháng FGF-23, được dùng bằng đường tiêm. Trong điều trị suy giảm phosphat máu liên kết X (XLH), Burosumab được chỉ định để thay thế cho liệu pháp điều trị thông thường (uống phốt pho nguyên tố và calcitriol).
Liều dùng khuyến cáo như sau:
Trẻ em dưới 10kg
- Liều khởi đầu: Tiêm dưới da 1mg Burosumab/ kg trọng lượng/ lần. Tiêm mỗi 2 tuần 1 lần.
- Liều tối đa: Tiêm dưới da 2mg/ kg trọng lượng/ lần hoặc 90mg/ lần.
Trẻ từ 6 tháng đến 18 tuổi, nặng trên 10kg
- Liều khởi đầu: Tiêm Burosumab dưới da với liều 0.8mg/ kg trọng lượng. Tiêm mỗi tuần 2 lần.
- Liều tối đa: Tiêm Burosumab dưới da liều 2mg/ kg trọng lượng/ lần hoặc tiêm 90mg/ lần.
Trên 18 tuổi
- Liều khởi đầu: Tiêm Burosumab dưới da liều 1mg/ kg trọng lượng/ lần. Tiêm mỗi 4 tuần/ lần.
- Liều tối đa: Tiêm Burosumab dưới da liều 2mg/ kg trọng lượng/ lần hoặc tiêm 90mg/ lần.
Phương pháp Burosumab chỉ được sử dụng khi cần thiết. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể hơn.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp có biến dạng xương nghiêm trọng do còi xương kháng vitamin D, chẳng hạn như chân vòng kiềng. Phương pháp này gồm việc phẫu thuật chỉnh hình để cải thiện các biến dạng, phục hồi chức năng và trở lại đời sống bình thường.
Hầu hết mọi người sẽ được phẫu thuật mở để điều chỉnh biến dạng. Trong quá trình này, bác sĩ tạo vết rạch ở vùng cần sửa chữa. Sau đó tiến hành cắt xương và sắp xếp lại những mảnh xương về vị trí thích hợp. Sau phẫu thuật, người bệnh được hướng dẫn những cách chăm sóc vết thương và vật lý trị liệu để sớm phục hồi.
Phòng ngừa
Do bắt nguồn từ yếu tố di truyền nên bệnh còi xương kháng vitamin D không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên để giảm nguy cơ, cả hai vợ chồng có thể đến bệnh viện để được khám sức khỏe tổng thể và tư vấn di truyền, đặc biệt là những người có bệnh sử hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh còi xương.
Trong quá tư vấn di truyền, bác sĩ có thể đánh giá, giải thích khả năng di truyền bệnh sang con. Đồng thời tìm kiếm những phương pháp giúp giảm nguy cơ phát triển còi xương do di truyền.
Đối với trẻ em bị còi xương kháng vitamin D, phụ huynh cần sớm đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị đúng cách. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa sự phát triển của những biến chứng nghiêm trọng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Con tôi bị còi xương hay có một tình trạng nghiêm trọng khác?
2. Bệnh còi xương kháng vitamin D ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ?
3. Tôi cần làm gì để chăm sóc trẻ?
4. Phác đồ điều trị của trẻ như thế nào? Phương pháp tốt nhất?
5. Những rủi ro hoặc tác dụng phụ nào có thể gặp từ những phương pháp điều trị?
6. Mất bao lâu để điều trị bệnh?
7. Có thể sinh hoạt và trải qua đời sống bình thường sau điều trị hay không?
Bệnh còi xương kháng vitamin D là một tình trạng nghiêm trọng, có tính di truyền và cần điều trị sớm. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên việc điều trị sớm sẽ giúp hạn chế những vấn đề không mong muốn. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn chi tiết.