Đau Âm Hộ Mãn Tính (Vulvodynia)

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Đài Trang | Lĩnh vực khám chữa: Phụ khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Đau âm hộ mãn tính (Vulvodynia) là một hội chứng đau mãn tính không rõ nguyên nhân và ảnh hưởng đến vùng âm hộ. Tình trạng này được đặc trưng bởi cảm giác nóng rát, đau hoặc khó chịu kéo dài trên 3 tháng.

Tổng quan

Đau âm hộ mãn tính (Vulvodynia) là tình trạng đau mãn tính (đau kéo dài ít nhất 3 tháng) ở âm hộ (lỗ âm đạo) mà không có nguyên nhân rõ ràng. Tình trạng này khiến nữ giới có cảm giác nóng rát, đau hoặc khó chịu đến mức không thể quan hệ tình dục hoặc ngồi lâu.

Đau âm hộ mãn tính (Vulvodynia)
Đau âm hộ mãn tính (Vulvodynia) xảy ra khi có những cơn đau kéo dài ở âm hộ mà không rõ nguyên nhân

Đau âm hộ và âm đạo thường là dấu hiệu của nhiều tình trạng khác nhau. Tuy nhiên đau âm hộ mãn tính không phải là triệu chứng điển hình của một tình trạng cụ thể. Điều này gây khó khăn trong việc chẩn đoán và kiểm soát.

Phân loại

Đau âm hộ mãn tính được phân thành 2 loại, bao gồm:

  • Đau âm hộ cục bộ: Loại này có cơn đau chiếm hầu hết thời gian của người bệnh, chỉ tập trung ở một vị trí, chẳng hạn như âm vật (cơ quan giống như hạt ở đầu âm hộ) và tiền đình âm hộ.
  • Đau âm hộ tổng quát: Những người bị đau âm hộ tổng quát có cơn đau xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau của âm hộ hoặc/ và âm đạo. Cơn đau có thể nhẹ hoặc nặng và xảy ra vào những thời điểm khác nhau. Đôi khi người bệnh sẽ có cảm giác đau khắp âm hộ.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Không rõ nguyên nhân gây đau âm hộ mãn tính. Tuy nhiên cơn đau có thể khởi phát do nhiều yếu tố kết hợp, bao gồm:

  • Dị ứng
  • Da nhạy cảm
  • Những dây thần kinh xung quanh âm hộ bị tổn thương hoặc kích thích
  • Phản ứng lâu dài đối với nhiễm trùng âm đạo trước đó
  • Viêm nhiễm
  • Phản ứng bất thường trong những tế bào âm đạo đối với chấn thương hoặc nhiễm trùng
  • Thay đổi nội tiết tố
  • Co thắt hoặc yếu cơ sàn chậu, các cơ hỗ trợ tử cung, ruột và bàng quang
  • Di truyền
  • Dị ứng hoặc kích ứng khi tiếp xúc với hóa chất hoặc những chất khác
  • Quá mẫn cảm đối với nhiễm trùng nấm men
  • Tiền sử lạm dụng tình dục
  • Thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh.

Cơn đau có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả thanh thiếu niên và người trưởng thành.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng và dấu hiệu của đau âm hộ mãn tính có thể lan tỏa toàn bộ âm hộ, xảy ra ở một hoặc nhiều vị trí ở âm hộ hoặc/ và âm đạo. Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng và xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào.

Đau âm hộ mãn tính thường khiến nữ giới có cảm giác đau nhức và châm chích lan tỏa
Đau âm hộ mãn tính thường khiến nữ giới có cảm giác đau nhức, nóng rát và châm chích lan tỏa

  • Đau nhức
  • Châm chính hoặc khô ráp
  • Nóng rát
  • Ngứa
  • Đau như dao đâm hoặc bỏng
  • Đau nhói
  • Khó chịu
  • Đôi khi âm hộ viêm và sưng lên.

Để chẩn đoán, người bệnh được hỏi về đặc điểm, tần suất, vị trí và mức độ đau. Ngoài ra người bệnh sẽ được hỏi thêm về những triệu chứng đi kèm, tiền sử bệnh. Đồng thời thực hiện thêm những bước dưới đây:

  • Khám phụ khoa: Bác sĩ kiểm tra âm đạo và bộ phận sinh dục ngoài. Trong quá trình này, một mẫu dịch tiết từ âm đạo có thể được lấy ra để kiểm tra nhiễm trùng.
  • Thử nghiệm áp suất điểm (kiểm tra tăm bông): Bác sĩ sử dụng tăm bông quét nhẹ nhàng để tìm và xác định chính xác vị trí đau ở vùng âm hộ.
  • Xét nghiệm dịch: Bác sĩ sử dụng gạc hoặc tăm bông để lấy một lượng dịch tiết vừa đủ, sau đó tiến hành phân tích trong phòng thí nghiệm. Điều này giúp phát hiện nhanh những tình trạng viêm nhiễm. Chẳng hạn như: Nhiễm trùng nấm men, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và viêm âm đạo do vi khuẩn.

Biến chứng và tiên lượng

Đau âm hộ mãn tính có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Tuy nhiên việc can thiệp bằng những phương pháp thích hợp có thể giảm nhẹ các triệu chứng và người bệnh sinh hoạt bình thường.

Việc không điều trị và cơn đau dai dẳng có thể gây ra những vấn đề dưới đây:

  • Không thể ngồi hoặc không thể hoạt động tình dục
  • Giảm hứng thú trong tình dục hoặc sợ quan hệ tình dục. Lâu ngày dẫn đến chúng co thắt âm đạo
  • Ảnh hưởng đến tâm lý
  • Căng thẳng và trầm cảm
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Rối loạn chức năng tình dục
  • Vấn đề về mối quan hệ
  • Thay đổi hình ảnh cơ thể
  • Giảm chất lượng cuộc sống.

Điều trị

Những trường hợp nhẹ có thể thử những biện pháp chăm sóc và giảm đau tại nhà để giảm nhẹ. Những trường hợp bị đau và khó chịu liên tục nên điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

1. Chăm sóc và giảm đau tại nhà

Thay đổi lối sống và áp dụng thêm những biện pháp giảm đau tại nhà có thể xoa dịu cảm giác khó chịu do đau âm hộ mãn tính.

Chườm lạnh
Chườm lạnh với túi đá hoặc gói gel giúp xoa dịu nhanh cơn đau và giảm ngứa hiệu quả

  • Chườm lạnh: Đặt túi đá lạnh hoặc gói gel lạnh lên vùng sinh dục ngoài của bạn. Biện pháp này có thể giúp xoa dịu cơn đau và giảm ngứa hiệu quả. Chườm lạnh nên được thực hiện sau khi quan hệ để giảm bớt cảm giác khó chịu.
  • Chườm ấm: Thay vì sử dụng đá lạnh, người bệnh có thể sử dụng đệm sưởi ấm đặt lên vùng sinh dục ngoài để giảm đau và thư giãn.
  • Ngâm mình trong bồn tắm ngồi: Ngồi trong thau nước ấm hoặc mát, có chứa bột yến mạch hoặc muối Epsom. Biện pháp này có thể giúp thư giãn, giảm kích thích và cải thiện cơn đau hiệu quả. Nên thực hiện từ 2 - 3 lần/ ngày, mỗi ngày từ 5 - 10 phút.
  • Rửa nhẹ nhàng: Vệ sinh vùng kín nhẹ nhàng bằng nước để làm sạch âm hộ. Sau đó dùng khăn bông vỗ nhẹ để vùng kín khô ráo. Ngoài ra hãy thoa chất làm mềm lành tính và phù hợp trước khi mặc quần áo. Điều này giúp tạo hàng rào bảo vệ, giảm kích ứng ở vùng âm hộ.
  • Sử dụng chất bôi trơn: Trước khi hoạt động tình dục, hãy bôi chất bôi trơn để giảm kích thích và đau khi giao hợp. Nên chọn những sản phẩm lành tính, không chứa chất gây kích ứng như hương liệu, cồn, chất làm mát hoặc làm ấm.
  • Dùng đệm lót: Đôi khi đau âm hộ mãn tính khiến bạn không thể ngồi xuống. Để giảm đau và khó chịu, hãy sử dụng một chiếc đệm lót có hình bánh rán phía dưới mông.
  • Kiểm soát tâm trạng: Cố gắng giữ tâm trạng vui vẻ và tích cực, tránh căng thẳng và lo âu để không làm nặng thêm các triệu chứng. Để cải thiện tình trạng, hãy áp dụng một số kỹ thuật thư giãn, cụ thể như thiện định, hít thở và yoga.
  • Lựa chọn đồ lót phù hợp: Tránh mặc đồ lót làm từ nylon hoặc đồ lót quá sát. Bởi chúng có thể cản trở luồng không khí, tăng độ ẩm và nhiệt độ. Từ đó tăng kích thích và cảm giác khó chịu cho người bệnh. Tốt nhất nên mặc đồ lót được làm từ cotton, quần và váy rộng rãi.
  • Tránh tắm nước nóng: Không nên ngâm mình hoặc tắm trong bồn nước nóng. Bời điều này sẽ làm tăng mức độ khó chịu và ngứa ở vùng âm hộ.
  • Tránh hoạt động gây áp lực lên vùng âm hộ: Tránh cưỡi ngựa, đạp xe và những hoạt động khác có thể gây áp lực lên vùng âm hộ. Những hoạt động này có thể kích thích hoặc làm nặng hơn những triệu chứng.
  • Tránh dùng tampon và miếng lót khử mùi: Tampon và chất khử mùi trong băng vệ sinh có thể gây kích ứng và làm đau ở vùng âm hộ. Vì vậy nên lựa chọn băng vệ sinh mềm, mỏng, nhẹ và không chứa những chất gây kích ứng để giúp bạn thoải mái hơn. Ngoài ra không nên sử dụng giấy vệ sinh có mùi thơm.

2. Điều trị y tế

Dựa vào mức độ nghiêm trọng, thuốc hoặc những phương pháp khác có thể được chỉ định trong điều trị đau âm hộ mãn tính.

  • Thuốc

Một số thuốc thường được chỉ định trong điều trị đau âm hộ mãn tính:

Chứng đau âm hộ mãn tính thường được điều trị bằng thuốc
Chứng đau âm hộ mãn tính thường được điều trị bằng thuốc, giúp giảm nhanh cơn đau

    • Thuốc kháng histamine: Thuốc này được dùng để giảm ngứa.
    • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm ba vòng để giảm đau, an thần và giảm căng thẳng do đau.
    • Thuốc chống co giật: Thuốc này thường được dùng để giảm đau và co thắt âm đạo Đôi khi thuốc chống co giật cũng được sử dụng cho những trường hợp không đáp ứng tốt với loại thuốc giảm đau khác.
    • Steroid: Thuốc Steroid thường được dùng ở dạng thuốc mỡ hoặc kem bôi để giảm viêm và đau tại chỗ.
    • Thuốc gây tê cục bộ: Thuốc mỡ lidocaine hoặc một loại thuốc gây tê cục bộ khác có thể được dùng để giảm đau tạm thời. Thuốc này nên được bôi trước khi quan hệ 30 phút để giảm khó chịu.
    • Một số loại thuốc khác: Kem bôi estrogen, tiêm khối thần kinh, chất ức chế tế bào mast, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine, botox... có thể được cân nhắc.
  • Trị liệu

Một số hình thức trị liệu có thể giúp giảm bớt cảm giác khó chịu do đau âm hộ mãn tính và co thắt cơ. Bao gồm:

    • Vật lí trị liệu: Nữ giới được hướng dẫn một số bài tập giúp tăng cường các cơ vùng chậu, thư giãn và kiểm soát cơ hiệu quả. Điều này giúp giảm co thắt cơ và căng cơ sàn chậu.
    • Kích thích thần kinh điện xuyên da (TENS): Đây là phương pháp sử dụng dòng điện vôn thấp để giảm tính nhạy cảm và làm dịu cơn đau.
    • Phản hồi sinh học: Phương pháp này giúp giảm đau bằng cách dạy cho bạn cách giãn cơ âm đạo.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tiền đình

Phẫu thuật cắt bỏ tiền đình có thể cần thiết cho những trường hợp sau:

    • Chứng đau âm hộ cục bộ (chứng đau tiền đình do kích thích)
    • Đau không giảm sau một thời gian điều trị bảo tồn.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ mô và da bị ảnh hưởng. Sau đó khâu và giữ cho vết thương lành lại đúng cách. Điều này giúp giảm đau hiệu quả.

Phẫu thuật cắt bỏ tiền đình
Phẫu thuật cắt bỏ tiền đình khi có chứng đau âm hộ cục bộ, đau không giảm sau một thời gian điều trị bảo tồn

Phòng ngừa

Không có phương pháp phòng ngừa cho chứng đau âm hộ mãn tính. Tuy nhiên nguy cơ có thể giảm khi chăm sóc vùng kín đúng cách và loại bỏ những yếu tố góp phần gây bệnh. Cụ thể:

  • Lựa chọn quần lót được làm từ cotton, sạch và vừa vặn để đảm bảo luồng khí có thể đi qua và không gây kích ứng. Tránh mặc quần lót chật hoặc làm bằng chất liệu không thông thoáng.
  • Điều trị tốt những chấn thương và viêm nhiễm bộ phận sinh dục. Điều này có thể làm giảm nguy cơ bị đau âm hộ mãn tính.
  • Thận trọng khi dùng thuốc tránh thai và giữ tâm lý vui vẻ để tránh gây rối loạn nội tiết tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao và thực hiện bài tập Kegel. Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh và khối lượng cho cơ sàn chậu. Đồng thời giúp thư giãn và giảm co thắt cơ.
  • Tránh sử dụng những sản phẩm chứa hóa chất hoặc những thành phần có khả năng gây kích ứng vùng âm hộ.
  • Không thụt rửa âm đạo. Vệ sinh vùng kín đúng cách, mỗi ngày 2 lần với dung dịch dịu nhẹ.
  • Thay quần lót 2- 3 lần/ ngày và giữ vùng kín luôn khô ráo để phòng ngừa nhiễm trùng nấm men và vi khuẩn.
  • Không lạm dụng tình dục và không quan hệ tình dục thô bạo.
  • Không lạm dụng thuốc kháng sinh.
  • Tránh dùng giấy vệ sinh, tampon hoặc băng vệ sinh có mùi thơm hoặc chất kích ứng.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phương pháp điều trị nào được đề nghị?

2. Quy trình khám chữa trị của tôi kéo dài trong bao lâu?

3. Mất bao lâu để những triệu chứng thuyên giảm?

4. Có những cách nào giúp giảm đau tại nhà?

5. Chứng đau âm hộ mãn tính có được chữa khỏi hoàn toàn được không?

6. Tôi có thể gặp những biến chứng nào? Cách ngăn ngừa?

7. Tôi có cần thực hiện những xét nghiệm khác hay không?

Chứng đau âm hộ mãn tính gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, cần được điều trị sớm. Những phương pháp điều trị thích hợp có thể giúp khắc phục nhanh tình trạng, ngăn biến chứng và cải thiện chất lượng đời sống.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *