Đau Bắp Chân

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Đau bắp chân thường là kết quả của một chấn thương và sử dụng cơ bắp quá mức. Tình trạng này gây đau âm ỉ ở bắp chân, phía sau xương ống chân. Cơn đau có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng.

Tổng quan

Đau bắp chân hay đau cơ bắp chân là thuật ngữ chỉ những cơn đau ở phía sau cẳng chân và xương ống chân. Một nhóm cơ phía sau mỗi cẳng chân được gọi là cơ bắp chân. Cơ này có kích thước lớn và chắc khỏe, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chạy và đi bộ.

Đau bắp chân
Đau bắp chân là những cơn đau ở phía sau cẳng chân, xảy ra do nhiều nguyên nhân

Tuy nhiên nhiều vấn đề có thể khiến cơ bắp chân bị tổn thương và gây đau. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau nhói, thường bắt đầu sau khi bị chấn thương hoặc sử dụng cơ bắp quá mức.

Một số người bị đau cơ bắp chân đột ngột mà không rõ nguyên nhân. Tình trạng này có thể là kết quả của những vấn đề về mạch máu. Phần lớn mọi người có cơn đau tự thuyên giảm, sau đó biến mất trong vài ngày. Những trường hợp khác sẽ có cơn đau kéo dài.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bắp chân bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:

  • Chuột rút cơ bắp

Chuột rút cơ bắp là nguyên nhân gây đau bắp chân thường gặp, xảy ra khi cơ bắp đột ngột co rút và đau đớn. Tình trạng này thường do vận động cơ bắp chân quá nhiều, không uống đủ nước và giữ một tư thế quá lâu.

Cơn chuột rút thường vô hại. Cảm giác co rút và đau đớn có thể khỏi nhanh khi tự xoa bóp, chườm ấm hoặc giãn cơ nhẹ nhàng. Một số trường hợp có cơn đau không tự thuyên giảm do dây thần kinh bị chèn ép hoặc vấn đề sức khỏe khác. Trường hợp này cần được điều trị y tế.

  • Đau cách hồi

Đau cách hồi xảy ra khi động mạch bị thu hẹp khiến cơ bắp không nhận đủ máu và oxy. Tình trạng này gây đau bắp chân ngắt quãng (không liên tục) khi đi bộ hoặc tập thể dục. Đau cách hồi phổ biến hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường và hút thuốc lá.

  • Hội chứng khoang

Hội chứng khoang gây đau bắp chân dữ dội, cần được điều trị y tế khẩn cấp để tránh đe dọa đến chi và tính mạng. Gắng sức quá nhiều hoặc một chấn thương nặng gây sưng tấy và chảy máu trong khoang. Tuy nhiên màng cơ không giãn ra thích ứng với tình trạng. Điều này làm tăng áp lực lên dây thần kinh, trong và xung quanh cơ.

Áp lực quá cao khiến mô không nhận đủ máu và chết đi, gây tổn thương vĩnh viễn cho khu vực ảnh hưởng. Điều này làm tăng nguy cơ cắt chi và đe dọa đến tính mạng.

Hội chứng khoang
Hội chứng khoang gây đau bắp chân dữ dội, xảy ra khi có một tình trạng gây sưng tấy và chảy máu trong khoang

Đau bắp chân thường gặp hơn ở những người mắc hội chứng khoang mãn tính. Tình trạng này xảy ra khi một người vận động quá nhiều (như chạy đường dài) dẫn đến sưng tấy hoặc chảy máu trong khoang. Từ đó làm tăng áp lực tích tụ trong cơ và giảm lưu lượng máu đến cơ bắp chân.

Những người bị hội chứng khoang mãn tính có thể thấy bắp chân sưng tấy hoặc phình cơ kèm theo đau nhói. Tuy nhiên dừng hoạt động và nghỉ ngơi có thể giúp tình trạng này thuyên giảm nhanh chóng.

  • Căng cơ bắp chân

Căng cơ bắp chân xảy ra khi cơ bắp chân bị kéo căng quá mức. Điều này có thể làm rách một phần hoặc toàn bộ cơ, gây đau và khiến người bệnh không thể thực hiện các hoạt động (như nhảy, chạy...). Nếu cơ bắp chân bị rách, phẫu thuật sữa chữa có thể cần thiết.

  • Viêm gân Achilles

Gân Achilles gắn cơ bắp chân vào xương gót chân. Chấn thương do hoạt động quá mức hoặc căng cơ lặp đi lặp lại khiến gân bị kích ứng hoặc viêm, dẫn đến sưng tấy. Những người bị viêm gân Achilles sẽ có cảm giác đau ở phía sau chân. Cơn đau thường nghiêm trọng hơn trong và sau khi hoạt động.

Viêm gân Achilles cũng có thể gây áp lực lên cơ bắp chân, khiến cơ này bị đau và cứng vào buổi sáng. Hầu hết mọi người cảm thấy tốt hơn khi áp dụng phương pháp RICE (nghỉ ngơi, chườm đá, nén và nâng cao). Những trường hợp nặng hơn sẽ được đề nghị vật lý trị liệu.

  • Đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa gây ra cơn đau dọc theo dây thần kinh tọa bị viêm hoặc chèn ép. Đau bắt đầu từ thắt lưng lan xuống mông, đùi, bắp chân và bàn chân. Cơn đau có thể đến và đi nhưng cũng có thể tồi tệ hơn sau khi đi bộ hoặc đứng.

Bất kỳ tình trạng nào gây ra sự chèn ép hoặc kích thích thần kinh cũng đều có khả năng dẫn đến đau thần kinh tọa, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, gai cột sống....

  • Suy tĩnh mạch

Suy tĩnh mạch có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bắp chân, xảy ra khi đứng hoặc đi bộ nhiều làm tăng áp lực lên chân. Bệnh được đặc trưng bởi sự dày, phồng lên và lộ rõ của những tĩnh mạch ở bắp chân. Ngoài ra người bệnh sẽ có dấu hiệu ngứa, sưng, rát và đau bắp chân.

Thông thường người bệnh sẽ được hướng dẫn dùng vớ nén, chống chân lên khi ngồi, vận động hoặc tập thể dục thường xuyên để bơm máu từ bắp chân. Cố gắng không đứng hoặc ngồi quá lâu. Những trường hợp nặng có thể cần phải can thiệp thu nhỏ hoặc đóng tĩnh mạch.

Suy tĩnh mạch
Những người bị suy tĩnh mạch có các tĩnh mạch ở bắp chân phồng lên và lộ rõ, kèm theo ngứa, đau...

  • Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT)

Đôi khi đau bắp chân là dấu hiệu nhận biết huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Đây là một tình trạng nghiêm trọng, xảy ra khi cục máu đông hình thành sâu trong chân. Khi cục máu đông vỡ ra và di chuyển, nó có thể dẫn đến tắc mạch phổi và đe dọa đến tính mạng.

Huyết khối tĩnh mạch sâu gây đau kèm theo nóng và da có thể đỏ. Những người bị béo phì, mang thai, ngồi trong thời gian dài và hút thuốc lá sẽ có nguy cơ cao hơn.

  • Đau cách hồi thần kinh

Đau cách hồi thần kinh có thể là nguyên nhân gây đau bắp chân. Tình trạng này thường là kết quả của hẹp ống sống. Những khoảng trống bên trong khoang trống bị thu hẹp sẽ làm tăng áp lực lên dây thần kinh, gây đau đớn, ngứa ran, chuột rút ở mông, hông và chân.

Những người bị đau cách hồi thần kinh cho biết họ cảm thấy triệu chứng trở nên tồi tệ hơn khi đi lại hoặc đứng. Đau giảm nếu ngồi hoặc nghiêng về phía trước. Thông thường người bệnh sẽ được yêu cầu phẫu thuật mở rộng ống sống, giảm bớt áp lực lên dây thần kinh.

  • Nhiễm trùng xương

Nhiễm trùng xương (viêm tủy xương) xảy ra khi vi trùng xâm nhập vào xương và gây nhiễm trùng. Tình trạng thường do vi trùng từ bên ngoài xâm nhập vào xương thông qua một vết thương sâu (chẳng hạn như vết đạn bắn, gãy xương hở...). Một số trường hợp liên quan đến nhiễm trùng ở vị trí khác lây lan đến xương.

Khi nhiễm trùng xảy ra ở xương cẳng chân, bắp chân sẽ có dấu hiệu sưng, đỏ, ấm và đau. Ngoài ra người bệnh còn bị sốt cao và mệt mỏi. Để điều trị, kháng sinh liều cao sẽ được sử dụng.

  • U nang Baker

Các khớp (bao gồm cả đầu gối) chứa một lượng chất lỏng vừa đủ để di chuyển trơn tru. Tuy nhiên một số tình trạng như viêm khớp và chấn thương có thể khiến nhiều chất lỏng tích tụ ở phía sau đầu gối, hình thành u nang Baker.

Những người có u nang Baker sẽ có dấu hiệu sưng tấy, đầu gối không thể duỗi thẳng, bắp chân có thể sưng, đỏ hoặc đau. Khối u có thể tự biến mất hoặc cần điều trị y tế.

U nang Baker
U nang Baker có thể ảnh hưởng đến bắp chân dẫn đến sưng, đỏ hoặc đau

Những yếu tố làm tăng nguy cơ đau bắp chân gồm:

  • Mất nước hoặc lọc máu
  • Cơ bắp chân ngắn hoặc săn chắc
  • Chấn thương cơ
  • Thiếu hụt khoáng chất
  • Mang thai
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc giảm cholesterol
  • Phù ở chân dưới (sưng do tích tụ chất lỏng)
  • Kiệt sức do nhiệt
  • Hút thuốc hoặc sử dụng những sản phẩm thuốc lá
  • Lối sống ít vận động, ngồi nhiều
  • Có một số bệnh lý như tiểu đường, suy giáp, bệnh gan, tiểu đường, bệnh thận hoặc bệnh động mạch ngoại biên (PAD).

Triệu chứng và chẩn đoán

Tùy thuộc vào nguyên nhân, đau bắp chân có thể có những đặc điểm sau:

  • Đau âm ỉ, sắc nét hoặc dữ dội
  • Đau thường bắt đầu từ từ và tồi tệ theo thời gian. Tuy nhiên cơn đau cũng có thể xảy ra đột ngột
  • Cảm giác căng cứng ở bắp chân

Cơn đau có thể đi kèm với những triệu chứng sau:

  • Ngứa ran hoặc tê ở chân
  • Yếu chi
  • Sưng ở bắp chân
  • Da có thể đỏ hoặc nhợt nhạt
  • Sờ thấy ấm hoặc mềm

Đau bắp chân có thể là cơn đau âm ỉ, sắc nét hoặc dữ dội
Đau bắp chân có thể là cơn đau âm ỉ, sắc nét hoặc dữ dội kèm theo cảm giác căng cứng

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh và chấn thương, xem xét triệu chứng và kiểm tra thể chất. Trong khi kiểm tra, bác sĩ có thể sờ nắn (ấn) vào cơ bắp chân để xác định vị trí đau và sưng, mức độ nghiêm trọng.

Để chẩn đoán phân biệt, bác sĩ sẽ đề nghị kiểm tra hình ảnh, thường bao gồm:

  • Siêu âm: Siêu âm tạo hình ảnh của mô mềm bên trong cơ thể bằng sóng âm thanh, theo dõi cách máu chảy qua cơ thể. Điều này giúp phát hiện những bất thường, chẳng hạn như vết rách cơ, cục máu đông và chảy máu trong.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ giúp hiển thị hình ảnh chi tiết về xương khớp và mô mềm (chẳng hạn như gân, dây chằng và cơ bắp chân) bị ảnh hưởng. Từ đó phát hiện tình trạng và đánh giá mức độ nghiêm trọng.
  • Chụp X-quang: Bác sĩ có thể chụp X-quang để xem bạn có bị gãy xương hay không.
  • Kiểm tra đo áp suất khoang: Kỹ thuật này được thực hiện nếu có nghi ngờ hội chứng khoang. Khi kiểm tra, bác sĩ sẽ chèn một cây kim vào cơ, sau đó sử dụng thiết bị đo để cho kết quả đo áp suất. Nếu nghi ngờ hội chứng khoang gắng sức, kiểm tra đo áp suất khoang sẽ được thực hiện lại sau khi tập thể dục.

Biến chứng và tiên lượng

Đau bắp chân thường do những nguyên nhân không quá nghiêm trọng, có thể giảm nhanh khi được điều trị tại nhà. Tuy nhiên một số người bị đau dữ dội và đột ngột. Tình trạng này thường liên quan đến một chấn thương thể chất hoặc một bệnh lý nghiêm trọng (như hội chứng khoang, huyết khối tĩnh mạch sâu, đau thần kinh tọa...), cần được điều trị y tế.

Khi không được điều trị, những vấn đề dưới đây có thể phát triển:

  • Rách cơ
  • Yếu chi
  • Đau mãn tính
  • Liệt cơ
  • Thuyên tắc phổi
  • Đe dọa chi và tính mạng.

Điều trị

Đau cơ bắp chân nhẹ có thể được điều trị tại nhà. Những trường hợp đau nặng cần điều trị y tế dựa trên nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng.

1. Điều trị tại nhà

Những cơn đau bắp chân nhẹ thường đáp ứng tốt với phương pháp RICE và xoa bóp

+ Phương pháp RICE

Phương pháp này gồm 4 bước sau:

  • Nghỉ ngơi: Giữ cho cơ bắp chân nghỉ ngơi để mô bị thương có thể tự chữa lành, cơn đau sớm thuyên giảm. Tránh đi bộ, chạy hoặc cố gắng vượt qua cơn đau để tập thể dục.
  • Chườm đá: Dùng khăn bông bọc túi đậu Hà Lan đông lạnh hoặc túi đá lạnh, sau đó đặt lên bắp chân 20 phút, mỗi giờ 1 lần. Biện pháp này giúp giảm đau và sưng, giảm tình trạng tụ máu. Không chườm đá trực tiếp lên da.
  • Nén: Dùng băng thun nén hoặc quấn vào bắp chân bị đau. Biện pháp này giúp giảm thiểu sưng tấy, đồng thời giảm lưu lượng máu đến vùng đau. Tuy nhiên không nên nén quá chật để tránh phát triển hội chứng khoang.
  • Nâng cao: Khi nghỉ ngơi hoặc ngủ (đặc biệt là vào ban đêm), dùng gối hoặc chăn hỗ trợ toàn bộ chiều dài chân và nâng chân cao hơn mức tim. Điều này có thể giúp giảm sưng hiệu quả, làm dịu cơn đau.

+ Kéo giãn bắp chân

Kéo giãn bắp chân nhẹ nhàng nếu bị đau bắp chân do chuột rút. Những bài tập này giúp cải thiện lưu thông máu, thư giãn cơ bắp và cơn đau nhanh chóng thuyên giảm.

Kéo giãn bắp chân
Kéo giãn bắp chân nhẹ nhàng có thể giúp giảm nhanh cơn đau bắp chân do chuột rút

2. Điều trị y tế

Dựa vào nguyên nhân và mức độ đau bắp chân, phương pháp điều trị có thể bao gồm:

+ Thuốc

Các thuốc được dùng để giảm đau và thư giãn cơ bắp chân, những loại thường dùng gồm:

  • Paracetamol: Dùng Paracetamol cho những cơn đau nhẹ. Thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau nhanh chóng.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID có tác dụng trị viêm, giảm sưng tấy và đau ở cơ bắp. Hầu hết bệnh nhân đều có đáp ứng tốt với nhóm thuốc này, những loại thường dùng gồm: Ibuprofen, Aspirin và Naproxen.
  • Thuốc giãn cơ: Nếu đau nhiều kèm theo cảm giác co thắt, thuốc giãn cơ sẽ được dùng. Thuốc này có tác dụng thư giãn cơ bắp, giảm co thắt và đau cơ.

+ Vật lý trị liệu

Đối với đau bắp chân do chấn thương, chuyên gia vật lý trị liệu thường hướng dẫn những bài tập kéo giãn nhẹ nhàng để thư giãn và giảm đau, Sau đó những bài tập tăng cường sẽ được thực hiện để cải thiện sức bền và sức mạnh cơ bắp. Đồng thời giúp lấy lại chức năng vận động cho người bệnh.

+ Phẫu thuật

Phẫu thuật cho những trường hợp đau bắp chân do rách cơ, đứt gân, hội chứng khoang hoặc một tình trạng y tế khẩn cấp khác. Dựa trên tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể tiến hành giải nén khoang hoặc sử chữa gân và cơ bị rách.

Phòng ngừa

Hầu hết nguyên nhân gây đau bắp chân có thể được ngăn ngừa bằng những biện pháp sau:

Loại bỏ thói quen hút thuốc lá
Loại bỏ thói quen hút thuốc lá để tránh phát triển các bệnh lý gây đau bắp chân

  • Loại bỏ thói quen hút thuốc lá và uống rượu.
  • Tránh ngồi lâu, đứng lâu một chỗ hoặc đi nhiều.
  • Không đột ngột thay đổi tư thế hoặc chuyển hướng trong những hoạt động thể thao.
  • Khởi động đầy đủ (khoảng 15 phút) và hạ nhiệt trước và sau khi tập thể dục.
  • Thường xuyên tập thể dục để cải thiện thể trạng và tăng cường cơ bắp chân.
  • Tránh những hoạt động thể thao hoặc luyện tập gắng sức, chẳng hạn như chạy đường dài. Gắng sức trong những hoạt động có thể làm tổn thương cơ bắp, tăng cảm giác rã rời và đau nhức vào ban đêm.
  • Các vận động viên nên sử dụng băng dán cơ để giảm nguy cơ mỏi cơ và đau nhức, tăng tốc độ phục hồi sau chấn thương.
  • Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường và những tình trạng khác có thể gây đau bắp chân.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày, khoảng 2 - 2,5 lít nước.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin và các khoáng chất.
  • Thực hành tư thế tốt. Khi đứng, hãy giữ cho lưng thẳng và đảm bảo cân bằng trọng lượng đều cho cả hai chân. Khi ngồi, ngồi bắt chéo chân hoặc chân vuông góc với sàn nhà.
  • Lựa chọn giày dép phù hợp. Hạn chế mang giày cao gót.
  • Nếu có công việc cần ngồi nhiều (chẳng hạn như nhân viên văn phòng), nên thường xuyên đứng lên, đi lại và co duỗi nhẹ nhàng mỗi 1 đến 2 giờ. Biện pháp này giúp cơ thể và các cơ bắp chân được thư giãn, giảm nguy cơ mắc bệnh xương khớp và đau bắp chân.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Điều gì khiến tôi bị đau bắp chân?

2. Tình trạng của tôi có nghiêm trọng không?

3. Phương pháp điều trị nào sẽ được đề nghị? Lợi ích và những rủi ro?

4. Tôi có thể làm gì để chăm sóc bắp chân bị thương và ngăn ngừa đau tái phát?

5. Những điều gì cần tránh và nên làm khi bị đau bắp chân?

6. Tôi nên làm gì nếu cơn đau không giảm?

7. Tôi có cần thay đổi một chương trình luyện tập khác hay không?

Đau bắp chân xảy ra nhiều nguyên nhân, có thể nhẹ hoặc rất nghiêm trọng. Hầu hết mọi người có cơn đau biến mất sau khi áp dụng các biện pháp chăm sóc đơn giản. Những trường hợp đau nhiều và kéo dài nên được khám và điều trị y tế.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *