Đau Cơ Xơ Hóa
Đau cơ xơ hóa là một tình trạng gây đau khắp cơ thể còn được gọi là đau lan rộng. Cơn đau thường kèm theo mệt mỏi, khó ngủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm xúc và tinh thần.
Tổng quan
Đau cơ xơ hóa là một tình trạng được đặc trưng bởi những cơn đau cơ xương lan rộng mãn tính kèm theo mệt mỏi, khó ngủ, các vấn đề về trí nhớ và tâm trạng. Tình trạng này làm thay đổi cách não và tủy sống xử lý tín hiệu đau và không đau. Từ đó làm tăng độ nhạy cảm và cảm giác đau đớn.
Những người bị đau cơ xơ hóa có những triệu chứng đến và đi trong giai đoạn bùng phát. Cơn đau thường bắt đầu sau một sự kiện, chẳng hạn như căng thẳng về tâm lý, nhiễm trùng, phẫu thuật và chấn thương thể chất.
Không có cách điều trị đau cơ xơ hóa. Tuy nhiên một số loại thuốc và cách chăm sóc có thể giúp ngăn ngừa những đợt bùng phát và kiểm soát các triệu chứng của bệnh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Không rõ nguyên nhân chính xác của đau cơ xơ hóa. Tuy nhiên một số gen được thừa hưởng từ cha mẹ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Một số chuyên gia tin rằng, đột biến gen ảnh hưởng đến các gen chịu trách nhiệm hình thành chất dẫn truyền thần kinh trong não sẽ làm thay đổi quá trình phát và nhận tín hiệu đau đến cơ thể. Từ đó gây ra chứng đau cơ xơ hóa.
Ngoài ra lặp đi lặp lại những kích thích thần kinh có thể khiến não và tủy sống thay đổi. Từ đó dẫn đến sự gia tăng bất thường về mức độ/ tính chất của một số hóa chất trong não báo hiệu cơn đau.
Mặt khác những thụ thể đau của não có xu hướng phát triển một loại trí nhớ về cơn đau. Điều này khiến cơ thể trở nên nhạy cảm hơn, có thể phản ứng thái quá với những tín hiệu đau và không đau.
Những yếu tố có khả năng gây ra những thay đổi và kích hoạt đau cơ xơ hóa:
- Di truyền: Chứng đau cơ xơ hóa có xu hướng di truyền trong gia đình. Một số gen có thể gây ra những thay đổi và kích hoạt đau cơ xương lan rộng.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng có thể kích hoạt và làm nặng hơn các triệu chứng của đau cơ xơ hóa.
- Căng thẳng tâm lý: Cẳng thẳng tâm lý kéo dài và không được kiểm soát có thể gây ra tình trạng này.
- Chấn thương: Những chấn thương về thể chất hoặc tinh thần đôi khi có thể kích hoạt cơn đau.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Giới tính: So với nam giới, đau cơ xơ hóa phổ biến hơn ở nữ.
- Tuổi tác: Bệnh thường phổ biến hơn ở những người trên 40 tuổi.
- Tiền sử gia đình: Một người sẽ có nhiều nguy cơ hơn nếu được sinh ra trong gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh.
- Bệnh mãn tính: Một số bệnh lý có khả năng làm tăng nguy cơ đau cơ xơ hóa, bao gồm:
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh lupus ban đỏ
- Bệnh viêm xương khớp
- Trầm cảm hoặc rối loạn lo âu
- Đau lưng mãn tính
- Hội chứng ruột kích thích
Triệu chứng và chẩn đoán
Đau cơ xương khắp cơ thể và mệt mỏi là hai triệu chứng chính của đau cơ xơ hóa. Tuy nhiên các triệu chứng khác cũng có thể phát triển. Dưới đây là những triệu chứng phổ biến:
- Đau lan rộng
- Đau âm ỉ liên tục kéo dài ít nhất 3 tháng
- Cơn đau xảy ra ở cả hai bên cơ thể, phần trên của cơ thể và dưới thắt lưng
- Đau cơ hoặc khớp
- Đau mặt và hàm (rối loạn khớp thái dương hàm)
- Đau nửa đâu và đau đầu
- Mệt mỏi. Thường thức dậy mệt mỏi mặc dù đã ngủ trong thời gian dài
- Giấc ngủ bị rối loạn do đau
- Tăng độ nhạy cảm của giác quan
- Khó ngủ, mất ngủ hoặc có các rối loạn giấc ngủ khác, chẳng hạn như hội chứng chân không yên và ngưng thở khi ngủ
- Khó khăn về nhận thức
- Giảm khả năng tập trung
- Những vấn đề về trí nhớ
- Vấn đề về kiểm soát bàng quang
- Vấn đề về tiêu hóa, bao gồm táo bón và tiêu chảy
- Vấn đề về tinh thần và cảm xúc
- Trầm cảm
- Lo lắng
Một số thay đổi trong cuộc sống hoặc bất kỳ điều gì gây căng thẳng đều kích hoạt các triệu chứng của bệnh, bao gồm:
- Căng thẳng cảm xúc
- Những thay đổi trong thói quen hàng ngày
- Thay đổi nội tiết tố
- Không nhận đủ dinh dưỡng hoặc có những thay đổi trong chế độ ăn uống
- Thay đổi thời tiết hoặc nhiệt độ
- Thay đồ khi ngủ hoặc ngủ không đủ giấc
- Bị ốm
- Bắt đầu dùng thuốc hoặc áp dụng những phương pháp điều trị mới
- Thay đổi bất kỳ điều gì trong quy trình điều trị đau cơ xơ hóa.
Bệnh đau cơ xơ hóa thường xuất hiện đồng thời với những tình trạng khác, bao gồm:
- Rối loạn khớp thái dương hàm
- Hội chứng ruột kích thích
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính
- Chứng đau nửa đầu và những loại đau đầu khác
- Lo lắng
- Trầm cảm
- Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế
- Hội chứng bàng quang đau hoặc viêm bàng quang kẽ
Để chẩn đoán đau cơ xơ hóa, bác sĩ tiến hành kiểm tra 18 điểm cụ thể trên cơ thể, xác định những điểm đau nhất và có bao nhiêu điểm bị đau khi ấn mạnh.
Những người bị đau cơ xơ hóa sẽ có cơn đau lan rộng khắp cơ thể, bị đau ít nhất 1 trong số 5 khu vực dưới đây:
- Vùng trên bên trái: Cánh tay, vai hoặc hàm.
- Vùng trên bên phải: Cánh tay, vai hoặc hàm.
- Vùng dưới bên trái: Hông, mông hoặc chân.
- Vùng dưới bên phải: Hông, mông hoặc chân.
- Vùng trục: Cổ, ngực, lưng hoặc bụng.
Để loại trừ những tình trạng khác, các xét nghiệm máu sẽ được thực hiện, bao gồm:
- Xét nghiệm peptide citrullinated tuần hoàn
- Công thức máu toàn bộ
- Tốc độ lắng hồng cầu
- Xét nghiệm chức năng tuyến giáp
- Yếu tố dạng thấp
- Kháng thể kháng nhân
- Vitamin
- Huyết thanh học celiac
Nếu có nghi ngờ ngưng thở khi ngủ, người bệnh được yêu cầu nghiên cứu về giấc ngủ qua đêm.
Biến chứng và tiên lượng
Những triệu chứng của đau cơ xơ hóa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần, cản trở khả năng hoạt động và làm việc. Điều này làm tăng nguy cơ trầm cảm và lo lắng ở người bệnh. Ngoài ra người bệnh cũng có nhiều khả năng mắc các vấn đề về trí nhớ và không thể tập trung.
Không có cách điều trị đau cơ xơ hóa. Tuy nhiên các triệu chứng có thể giảm nhẹ khi dùng thuốc. Thông thường người bệnh sẽ được yêu cầu kiểm soát các triệu chứng trong thời gian dài hoặc suốt phần đời còn lại.
Những triệu chứng nhẹ ít bị bùng phát hơn khi điều trị tích cực. Những trường hợp nặng hơn có thể kiểm soát bệnh bằng thuốc, giảm căng thẳng và áp dụng các cách chăm sóc để cải thiện.
Điều trị
Đau cơ xơ hóa được điều trị bằng thuốc và các biện pháp chăm sóc. Mặc dù không thể chữa khỏi nhưng những phương pháp có thể giúp cải thiện sức khỏe và giảm triệu chứng.
Quá trình điều trị bệnh được chia thành 4 giai đoạn, bao gồm:
- Điều trị không dùng thuốc: Thường bao gồm những bài tập thả lỏng, kéo giãn cơ, thư giãn, tăng cường cơ và khớp.
- Điều trị tâm lý: Thực hiện các kỹ thuật thư giãn, kiểm soát tâm trạng. Ngoài ra người bệnh có thể được hướng dẫn những cách quản lý sức khỏe tinh thần và cảm xúc.
- Điều trị bằng thuốc: Những loại thuốc thích hợp sẽ được dùng để kiểm soát triệu chứng.
- Hoạt động hàng ngày: Nếu gặp phải những triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh được hướng dẫn những cách điều hướng thói quen hàng ngày, giúp thực hiện các hoạt động một cách dễ dàng.
Những phương pháp điều trị cụ thể:
1. Thuốc
Những loại thuốc được sử dụng nhằm giảm đau và cải thiện giấc ngủ.
- Acetaminophen: Đây là một thuốc giảm đau không kê đơn thường được sử dụng. Thuốc phù hợp với những cơn đa nhẹ. Khi dùng có thể giúp giảm đau toàn thân cho những người bị đau cơ xơ hóa.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen và Naproxen natri là những loại thuốc giảm đau và chống viêm thường dùng. Những loại thuốc này thuộc nhóm NSAID, có tác dụng giảm đau và ngăn viêm, thích hợp với những cơn đau vừa.
- Thuốc chống trầm cảm: Một loại thuốc chống trầm cảm như Duloxetine (Cymbalta) và Milnacipran (Savella) có thể được chỉ định. Những loại thuốc này có tác dụng điều trị mệt mỏi và đau lan rộng do đau cơ xơ hóa. Đôi khi Amitriptyline được kê đơn để thúc đẩy giấc ngủ. Đây là một loại thuốc chống trầm cảm ba vòng, thường mang đến hiệu quả nhanh chóng.
- Thuốc giãn cơ Cyclobenzaprine: Thuốc Cyclobenzaprine thường được sử dụng trong thời gian ngắn để thúc đẩy giấc ngủ và điều trị co thắt cơ bắp. Thuốc này cũng có tác dụng giảm đau hiệu quả.
- Thuốc chống co giật: Một vài loại thuốc chống co giật dùng trong điều trị động kinh có thể hữu ích đối với bệnh nhân bị đau cơ xơ hóa. Trong đó Gabapentin (Neurontin) có tác dụng giảm đau và giảm những triệu chứng khác của bệnh. Đôi khi Pregabalin (Lyrica) được dùng để điều trị đau cơ xơ hóa và giảm các triệu chứng liên quan.
2. Vật lý trị liệu
Để giảm những ảnh hưởng của đau cơ xơ hóa, bệnh nhân được hướng dẫn những bài tập vật lý trị liệu. Những bài tập tác động thấp và thích hợp có thể giúp cải thiện sức mạnh, phục hồi tính linh hoạt và khả năng vận động bình thường.
Ngoài ra các bài tập còn giúp người bệnh rèn luyện sức chịu đựng, cải thiện tâm trạng và tăng cảm giác hạnh phúc. Điều này có thể ngăn những đợi bùng phát của bệnh, cải thiện giấc ngủ và hạn chế một số biến chứng do đau cơ xơ hóa gây ra.
Chuyên gia vật lý trị liệu có thể thiết kế một chương trình luyện tập tại nhà. Trong đó người bệnh được hướng dẫn các bài tập kéo giãn, cách thư giãn và điều chỉnh tư thế.
3. Trị liệu nghề nghiệp
Đau cơ xơ hóa gây ra những vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung. Để cải thiện, chuyên gia trị liệu nghề nghiệp có thể hướng dẫn điều chỉnh khu vực nghề nghiệp, cách cải thiện khả năng tập trung và giảm bớt căng thẳng cho cơ thể.
4. Liệu pháp thay thế
Một số liệu pháp dưới đây có thể được thực hiện:
- Xoa bóp
Xoa bóp nhẹ nhàng giúp thư giãn cơ bắp, tăng lưu thông máu và làm giảm nhịp tim. Ngoài ra biện pháp này còn có tác dụng cải thiện phạm vi chuyển động của khớp, kích thích sản sinh chất giảm đau tự nhiên trong cơ thể. Từ đó hạn chế các triệu chứng, giảm căng thẳng và lo lắng.
- Châm cứu
Châm cứu bao gồm việc đưa những câu kim rất nhỏ xuyên qua da ở những vị trí thích hợp. Liệu pháp này có tác dụng khôi phục lại sự cân bằng bình thường của cơ thể, tăng lưu thông máu, thay đổi mức độ dẫn truyền thần kinh trong não và tủy sống.
5. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Để tăng khả năng kiểm soát đau cơ xơ hóa, người bệnh cần chú ý chăm sóc và điều trị tại nhà, ngăn những yếu tố có khả năng kích hoạt cơn đau. Dưới đây là những biện pháp hữu hiệu:
- Kiểm soát căng thẳng
Tránh căng thẳng về cảm xúc và làm việc quá sức. Điều này có thể làm nặng hơn hoặc kích hoạt những đợt bùng phát của đau cơ xơ hóa.
Tốt nhất nên cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, dành thời gian mỗi ngày để thư giãn. Nếu căng thẳng, hãy thực hiện các kỹ thuật kiểm soát như thiền định, hít thở sâu, đọc sách và yoga.
Không cố gắng thay đổi thói quen, không bỏ việc và bỏ hoạt động. Ngừng các hoạt động khiến đau cơ xơ hóa nghiêm trọng hơn so với những người vẫn hoạt động bình thường.
- Vệ sinh giấc ngủ
Đảm bảo ngủ đủ giấc và ngủ ngon. Điều này giúp chống lại cảm giác mệt mỏi và giảm các triệu chứng khác của đau cơ xơ hóa.
Để cải thiện giấc ngủ, hãy tập thói quen ngủ tốt, cụ thể:
-
- Dành đủ thời gian cho giấc ngủ, 8 tiếng/ đêm.
- Đi ngủ và thức dậy vào cùng thời điểm mỗi ngày.
- Hạn chế hoặc không ngủ trưa quá 30 phút/ ngày.
Một số cách giúp ngủ ngon và chìm vào giấc ngủ nhanh chóng hơn:
-
- Giữ cho phòng ngủ mát mẻ, yên tĩnh và tối.
- Ngoài ngủ, không thực hiện những hoạt động khác trên giường, chẳng hạn như chơi điện thoại.
- Thường xuyên vệ sinh phòng ngủ, giặt bao gối và ga nệm.
- Tắm nước ấm hoặc ngâm chân trước khi đi ngủ.
- Không suy nghĩ khi nằm trên giường bởi điều này có thể khiến bạn khó ngủ hơn.
- Nếu không thể ngủ sau 30 phút, hãy đứng lên, đi lại hoặc thực hiện một số hoạt động khác trong 10 phút. Điều này giúp bạn dễ ngủ hơn khi trở lại giường.
- Không uống rượu bia và caffein vào buổi chiều tối trước khi đi ngủ.
- Luyện tập thể dục đều đặn
Luyện tập có thể mang đến nhiều lợi ích cho quá trình điều trị đau cơ xơ hóa. Cơn đau có thể tồi tệ hơn trong thời gian đầu luyện tập. Tuy nhiên việc tập thể dục dần dần và thường xuyên sẽ giảm cảm giác đau đớn và các triệu chứng khác.
Tập thể dục cũng giúp tăng sức chịu đựng của cơ thể, cải thiện sức khỏe tổng thể, duy trì sự linh hoạt cho cơ bắp và khớp xương. Một số bài tập phù hợp gồm yoga, bơi lội, đi bộ, tập thể dục nhịp điệu và đạp xe đạp.
- Không gắng sức
Giữ những hoạt động ở mức đồng đều, tuyệt đối không gắng sức. Nếu làm việc hoặc hoạt động quá nhiều trong một ngày, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn vào những ngày tiếp theo.
Không làm quá ít hoặc tự hạn chế vào những ngày có các triệu chứng bùng phát. Tốt nhất nên duy trì tốc độ và năng suất làm việc ở mức đồng đều.
- Duy trì lối sống lành mạnh
Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh rất cần thiết cho quá trình kiểm soát đau cơ xơ hóa. Điều này giúp cải thiện sức khỏe và ngăn những đợi bùng phát của bệnh.
-
- Ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, trái cây và những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe khác.
- Không hút thuốc lá hoặc sử dụng những sản phẩm tương tự.
- Hạn chế lượng caffeine
- Luôn suy nghĩ tích cực, làm điều gì đó mà bạn cảm thấy thoải mái mỗi ngày.
- Yoga và thái cực quyền
Kết hợp yoga và thái cực quyền với thiền định. Những chuyển động chậm, thư giãn và hít thở sâu có thể giúp cải thiện các triệu chứng của đau cơ xơ hóa.
Phòng ngừa
Do không biết chính xác nguyên nhân gây bệnh nên đau cơ xơ hóa không được ngăn ngừa. Khi mắc bênh, người bệnh cần khám và điều trị theo chỉ định. Ngoài ra cần kiểm soát căng thẳng, thực hành vệ sinh giấc ngủ tốt, ngủ đủ giấc, tập thể dục và ăn uống lành mạnh để giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị đau cơ xơ hóa hay một tình trạng nào khác hay không?
2. Phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất đối với tôi?
3. Mất bao lâu có thể kiểm soát được bệnh?
4. Tôi cần áp dụng những biện pháp chăm sóc nào?
5. Nên làm gì để ngăn những đợt bùng phát?
6. Tôi có thể tiếp tục công việc hiện tại hay không?
7. Tôi nên luyện tập như thế nào để cải thiện bệnh?
Bệnh đau cơ xơ hóa gây ra những cơ đau cơ xương lan tỏa kèm theo mệt mỏi, ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe. Không có cách điều trị bệnh. Tuy nhiên các phương pháp có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng và ngăn đợt bùng phát. Tốt nhất nên điều trị theo hướng dẫn của các chuyên gia và bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!