Đau Đầu Căng Cơ
Đau đầu căng cơ là những cơn đau âm ỉ kèm theo cảm giác siết chặt, căng tức hai bên đầu và trán. Tình trạng này có thể xảy ra từng cơn hoặc mãn tính, thường kéo dài từ 30 phút đến vài ngày.
Tổng quan
Đau đầu căng cơ còn được gọi là đau đầu do căng thẳng (tension headaches). Đây một chứng đầu phổ biến với những cơn đau từ nhẹ đến trung bình, đau kèm theo cảm giác thắt chặt quanh đầu.
Nhiều trường hợp có cơn đau lan đến mặt và cổ, thường không có những triệu chứng khác như nôn và buồn nôn. Cơn đau có thể xảy ra từng cơn hoặc kéo dài. Tuy nhiên những biện pháp chăm sóc thường giúp giảm nhanh tình trạng.
Phân loại
Đau đầu căng cơ là chứng đau đầu phổ biến nhất ở người lớn. Bệnh được phân thành 2 dạng, bao gồm:
- Đau đầu do căng thẳng từng cơn: Những người bị đau đầu do căng thẳng từng cơn sẽ có những cơn đau bắt đầu chậm vào giữa ngày và đau ngắn hạn. Tình trạng này chỉ xảy ra một lần hoặc ít thường xuyên hơn, dưới 15 ngày mỗi tháng. Đau đầu do căng thẳng từng cơn được phân thành:
- Không thường xuyên: Cơn đau đầu xảy ra ít hơn 1 ngày một tháng. Cơn đau thường kéo dài trong 30 phút hoặc lâu nhất là 1 tuần. Không có dấu hiệu buồn nôn và nôn.
- Thường xuyên: Không ít hơn 10 cơn đau đầu mỗi tháng, từ 1 - 14 ngày mỗi tháng, xảy ra trong 3 tháng trở lên. Khi xuất hiện, cơn đau có thể kéo dài 30 phút đến 7 ngày. Ngoài đau đớn, người bệnh còn có dấu hiệu nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng.
- Đau đầu do căng thẳng mãn tính: Loại này có những cơn đau âm ỉ, nhẹ hoặc trung bình, kéo dài trên 15 ngày mỗi tháng và trong hơn 3 tháng liên tiếp. Những người bị đau đầu do căng thẳng mãn tính còn có dấu hiệu nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng hoặc buồn nôn nhẹ.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Không biết chính xác nguyên nhân gây đau đầu căng cơ. Tuy nhiên một số nhà khoa học tin rằng cơn đau có thể liên quan đến tư thế xấu, căng cơ đầu và cổ (tình trạng siết chặt các cơ ở phía sau đầu và cổ).
Một số nghiên cứu cho thấy, đau đầu căng cơ không thường xuyên (đau từng cơn) có thể được gây ra bởi những chất và yếu tố kích hoạt tế bào thần kinh chuyển tiếp thông tin cảm giác từ những thụ thể đau đến não.
Ở những trường hợp bị đau đầu kiểu căng thẳng, người bệnh sẽ có những bất thường trong quá trình xử lý cơn đau và tăng độ nhạy cảm với cơn đau.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Mỏi mắt hoặc khô mắt
- Mệt mỏi
- Hút thuốc
- Nhiễm trùng xoang
- Cảm lạnh hoặc cúm
- Tư thế xấu
- Đau ở những phần khác của đầu và cổ do rối loạn thái dương hàm và một số vấn đề khác.
- Rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như mất ngủ
- Căng thẳng cảm xúc
- Uống không đủ nước
- Sử dụng rượu bia
- Những vấn đề về răng miệng, chẳng hạn như nghiến răng và nghiến chặt hàm
- Bỏ bữa
- Ảnh hưởng từ những yếu tố di truyền
Triệu chứng và chẩn đoán
Đau đầu căng cơ có những triệu chứng dưới đây:
- Đau đầu âm ỉ, thường khởi phát chậm
- Cơn đau nhẹ hoặc vừa phải, không nhói và không nghiêm trọng. Đau thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau không kê đơn
- Đau ở hai bên và phía sau đầu
- Có áp lực xung quanh trán
- Có cảm giác như đang siết chặt hai bên đầu lại với nhau bằng một dải băng quấn quanh đầu
- Đau quanh trán, da đầu, cơ cổ và vai
- Khó chịu hoặc mệt mỏi
- Khó tập trung.
Triệu chứng khác:
- Nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng
- Cảm thấy mệt mỏi
- Khó ngủ
- Thay đổi tâm trạng hoặc thường xuyên cáu gắt.
Để chẩn đoán đau đầu kiểu căng thẳng, người bệnh sẽ được yêu cầu mô tả cơn đau, gồm vị trí, đặc điểm và cường độ đau. Bác sĩ có thể kiểm tra vùng ảnh hưởng để tìm kiếm những dấu hiệu khác.
Nếu đau đầu bất thường hoặc phức tạp, người bệnh sẽ được thực hiện thêm các xét nghiệm hình ảnh. Điều này giúp loại trừ đau đầu do những nguyên nhân nguy hiểm hơn, chẳng hạn như khối u.
Những kỹ thuật thường được thực hiện gồm:
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI sử dụng từ sóng vô tuyến, từ trường và công nghệ máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết, giúp hình dung bộ não, các cơ ở đầu và cổ. Điều này hỗ trợ bác sĩ phát hiện khối u não và những tổn thương mô mềm khác.
- Chụp CT: Chụp cắt lớp vi tính (CT) sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết và toàn diện về bộ não. Từ đó tìm kiếm nguyên nhân gây đau đầu.
Biến chứng và tiên lượng
Đau đầu căng thẳng kéo dài 30 phút đến vài ngày, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống. Cơn đau thường xuyên khiến bạn không thể tập trung hoặc tham gia vào những hoạt động, giảm năng suất công việc.
Khi không được kiểm soát đúng cách, cơn đau có thể trở thành mãn tính, gây mệt mỏi, căng thẳng cho người bệnh và tăng nguy cơ trầm cảm.
Điều trị
Điều trị đau đầu căng cơ thường bao gồm thuốc và những biện pháp chăm sóc tại nhà. Đôi khi một số liệu pháp như xoa bóp cũng được thực hiện để giảm nhanh cơn đau.
1. Thuốc
Các thuốc điều trị đau đầu căng cơ cần được dùng theo chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng lặp đi lặp lại các thuốc giảm đau không kê đơn có thể gây ra một tình trạng khác được gọi là đau đầu do lạm dụng thuốc.
Trong điều trị đau đầu căng cơ, người bệnh thường được chỉ định những loại thuốc sau:
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng Ibuprofen (Advil, Motrin IB), Naproxen natri (Aleve) hoặc Aspirin. Đây là các NSAID không kê đơn, có tác dụng giảm viêm và đau.
- Aspirin/ Acetaminophen + thuốc an thần: Đau đầu kiểu căng thẳng thường được điều trị bằng Aspirin hoặc Acetaminophen kết hợp với một loại thuốc an thần. Việc kết hợp giữa các loại thuốc có thể giúp giảm nhanh cơn đau.
- Triptans: Thuốc Triptans được chỉ định cho những bệnh nhân có cả đau đầu kiểu căng thẳng từng cơn và đau nửa đầu. Thuốc này có tác dụng ức chế thần kinh ngoại biên, làm co thắt mạch máu ở não. Từ đó giúp kiểm soát nhanh cơn đau.
- Thuốc trầm cảm ba vòng: Nếu đầu căng cơ tái phát, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm ba vòng. Thuốc này đã được chứng minh lâm sàng về hiệu quả giảm đau. Ngoài ra thuốc chống trầm cảm ba vòng còn có tác dụng an thần, kiểu soát căng thẳng và cải thiện giấc ngủ.
- Thuốc giãn cơ: Bệnh nhân được kê đơn thuốc giãn cơ nếu các thuốc giảm đau không có tác dụng. Thuốc này có tác dụng ngăn chặn những cơn co thắt cơ bắp và giảm đau hiệu quả.
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI): Đây là một nhóm thuốc chống trầm cảm. Thuốc có tác dụng ổn định mức serotonin trong não. Khi sử dụng, người bệnh đối phó với căng thẳng và ngăn đau đầu. Đôi khi các thuốc chống trầm cảm sẽ được dùng để dự phòng tái phát.
- Thuốc chống co giật: Thuốc chống co giật như Gabapentin và Topiramat có thể được dùng để điều trị dự phòng, ngăn ngừa đau đầu do căng thẳng.
2. Trị liệu
Quá trình điều trị đau đầu căng cơ có thể bao gồm những liệu pháp sau:
- Châm cứu: Liệu pháp này được dùng để giảm đau tạm thời cho những trường hợp bị đau đầu kinh niên. Châm cứu bao gồm việc sử dụng những cây kim cực mỏng để châm vào những vị trí phù hợp trên cơ thể.
- Massage trị liệu: Liệu pháp massage giúp giảm căng thẳng thần kinh, làm dịu và thư giãn các cơ bắp căng và mềm sau đầu. Ngoài lực tác động nhẹ nhàng còn giúp giảm đau hiệu quả.
- Hít thở sâu: Người bệnh được hướng dẫn hít thở sâu và đều. Liệu pháp này giúp giảm căng thẳng và ngăn ngừa đau đầu căng cơ tái phát.
- Phản hồi sinh học: Phương pháp phản hồi sinh học sử dụng cảm biến được kết nối với cơ thể nhằm theo dõi và chống lại những chức năng thể chất của cơ thể. Điều này xác định và giảm căng cơ. Từ đó quản lý căng thẳng, ngăn ngừa nhức đầu.
3. Biện pháp khắc phục tại nhà
Những biện pháp chăm sóc tại nhà giúp thư giãn, giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của cơn đau mãn tính mà không cần dùng thuốc. Dưới đây là những biện pháp hữu hiệu:
- Kiểm soát căng thẳng: Dành nhiều thời gian để thư giãn và nghỉ ngơi, suy nghĩ tích cực và vui vẻ. Biện pháp này giúp điều trị và giảm nguy cơ đau đầu căng cơ tái phát. Nếu có căng thẳng cảm xúc, hãy thử ngồi thiền, tập yoga hoặc hít thở sâu để kiểm soát.
- Chườm ấm: Đặt miếng đệm sưởi, miếng gạc ấm hoặc túi chườm lên vùng cơ bị đau. Biện pháp này giúp các cơ thư giãn, làm dịu đau đầu căng cơ.
- Tắm nước ấm: Tắm nước ấm hoặc tắm vòi sen có thể giúp cơ thể thư giãn tối đa, giảm căng thẳng, giảm đau và giảm giác thắt chặt ở đầu.
- Chườm lạnh: Bọc túi nước đá hoặc túi rau đông lạnh trong một miếng vải, sau đó đặt lên vùng ảnh hưởng để giảm đau, tối đa 15 phút.
- Thực hành tư thế tốt: Luôn thực hiện tư thế tốt trong mọi hoạt động để các cơ không bị căng. Khi ngồi, hãy đảm bảo đùi song song với mặt đất, không ngửa hoặc cúi đầu về phía trước. Khi đứng, giữ vai ngang đầu và lưng thẳng.
Phòng ngừa
Không thể ngăn ngừa hoàn toàn chứng đau đầu căng cơ. Tuy nhiên giảm phản ứng với căng thẳng và xây dựng lối sống lành mạnh có thể giúp hạn chế tối đa.
- Thường xuyên tập thể dục và chơi thể thao với cường độ thích hợp.
- Thực hiện các liệu pháp thư giãn và luyện tập phản hồi sinh học để giảm căng thẳng, giữ cho tâm trạng thoải mái.
- Tránh lo âu và căng thẳng cảm xúc.
- Chăm sóc giấc ngủ trong không gian thoải mái và yên tĩnh. Đảm bảo ngủ đủ giấc, đều đặn và thư thái. Tốt nhất nên ngủ từ 7 - 8 tiếng/ đêm và ngủ trước 23 giờ đối với người lớn. Tránh thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
- Uống đủ nước mỗi ngày. Điều này giúp giữ nước cho cơ thể, các cơ khỏe mạnh và hoạt động tốt, giảm nguy cơ đau đầu kiểu căng thẳng.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và cân bằng, không bỏ bữa.
- Không hút thuốc lá, không dùng những chất kích thích.
- Hạn chế rượu bia, đường và caffein.
- Thường xuyên xoa bóp để thư giãn, tăng lưu thông máu và giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
- Luôn thực hành tư thế tốt, đặc biệt là khi ngồi làm việc và chơi thể thao.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị đau đầu dai dẳng?
2. Những cách điều trị nào giúp tôi cảm thấy tốt hơn?
3. Mất bao lâu để kiểm soát cơn đau?
4. Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc điều trị đau đầu căng cơ?
5. Tôi nên làm gì để ngăn cơn đau tái phát?
6. Những cách chăm sóc nào giúp tôi cảm thấy tốt hơn và giảm đau?
7. Nếu không điều trị, tôi có thể gặp những biến chứng nào?
Đau đầu căng cơ có những cơn đau âm ỉ, đau từng cơn hoặc kéo dài. Tình trạng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và hiệu suất công việc. Tuy nhiên việc chăm sóc tốt và điều trị đúng cách sẽ giúp sớm khắc phục cơn đau.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!