Đau Dây Thần Kinh Liên Sườn

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Đau dây thần kinh liên sườn là chứng đau thần kinh do dây thần kinh liên sườn bị kích thích hoặc tổn thương. Tình trạng này ảnh hưởng đến thân trên và thành ngực, gây ra những cơn đau nghiêm trọng.

Tổng quan

Đau dây thần kinh liên sườn còn được gọi là đau thành ngực - một tình trạng đau dây thần kinh do kích thích hoặc tổn thương dây thần kinh liên sườn. Những dây thần kinh này bắt nguồn từ tủy sống, ngay bên dưới xương sườn, lan tỏa khắp lồng ngực và bụng.

Đau dây thần kinh liên sườn
Đau dây thần kinh liên sườn là tình trạng kích thích hoặc tổn thương dây thần kinh liên sườn dẫn đến đau

Những người bị đau dây thần kinh liên sườn sẽ có các cơn đau ở ngực, đau dữ dội, ảnh hưởng đến thành ngực và thân trên. Tình trạng này thường là kết quả của phẫu thuật mở ngực và bệnh zona.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Những nguyên nhân phổ biến nhất của đau dây thần kinh liên sườn gồm:

  • Phẫu thuật mở ngực: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh. Phẫu thuật mở ngực thường được dùng để phẫu thuật phổi. Phương pháp này có thể kích thích mô và dây thần kinh dẫn đến đau nhức.
  • Bệnh zona / nhiễm trùng varicella-zoster: Chứng đau dây thần kinh liên sườn thường là kết quả của sự tái hoạt động virus varicella-zoster. Đây là loại virus gây bệnh thủy đậu và zona. Khi tái hoạt động, loại virus này gây phát ban đau đớn, thường ở bụng và thành ngực, ảnh hưởng đến dây thần kinh liên sườn. Mặt khác bệnh zona gây viêm và kích thích ở các dây thần kinh cột sống, dẫn đến đau dây thần kinh liên sườn. Tình trạng này được gọi là đau dây thần kinh hậu zona.
  • Nguyên nhân khác: Dưới đây là những nguyên nhân ít gặp hơn:
    • Mang thai (rất hiếm)
    • Phẫu thuật cắt bỏ vú hoặc thay thế ống ngực
    • Ung thư hoặc nhiễm trùng làm tăng trưởng tế bào dư thừa ở ngực và xung quanh dây thần kinh liên sườn. Chẳng hạn như khối u ở ngực hoặc bụng đè lên và kích thích những dây thần kinh liên sườn
    • Cơ ở thành ngực, vai hoặc lưng bị kéo căng
    • Chấn thương ở ngực
    • Viêm dây thần kinh hoặc nhóm dây thần kinh

Một số trường hợp không rõ nguyên nhân gây bệnh. Điều này được gọi là đau dây thần kinh liên sườn vô căn.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ gồm:

  • Có một tình trạng gây viêm cột sống, điển hình như viêm khớp
  • Tham gia những môn thể thao tiếp xúc hoặc tốc độ cao
  • Lái xe không an toàn và tai nạn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng chính của đau dây thần kinh liên sườn gồm:

  • Đau ở vùng xương sườn, ngực trên hoặc lưng trên
  • Đôi khi cơn đau dọc theo chiều dài của xương sườn
  • Cơn đau được mô tả là sắc nét, đau như dao đâm hoặc có cảm giác nóng bỏng
  • Cơn đau có xu hướng rời rạc, tồi tệ hơn ngay cả khi thực hiện những hoạt động thể chất nhẹ nhàng, chẳng hạn như vươn vai, hít thở, nâng, xoay hoặc vặn thân
  • Đau tăng khi ho, cười hoặc hắt hơi.

Đau nghiêm trọng ở vùng ảnh hưởng hoặc dọc theo chiều dài của xương sườn
Đau nghiêm trọng ở vùng ảnh hưởng hoặc dọc theo chiều dài của xương sườn là triệu chứng chính

Những triệu chứng khác:

  • Buốt hoặc nhói
  • Ngứa ran
  • Cảm giác tê tái
  • Có cảm giác tăng áp lực siết chặt bao quanh từ ngực ra sau lưng
  • Đau bụng
  • Sốt
  • Ngứa ngáy hoặc tê
  • Đau ở cánh tay, vai hoặc lưng
  • Hạn chế vận động của vai và lưng

Nếu bị đau dây thần kinh hậu zona, người bệnh sẽ có những triệu chứng dưới đây:

  • Ngứa ngáy hoặc cực kỳ nhạy cảm với quần áo
  • Phát ban đau đớn

Những triệu chứng nghiêm trọng hơn của bệnh:

  • Ăn mất ngon
  • Co giật cơ bắp không tự nguyện
  • Suy nhược cơ bắp
  • Đau như đao đâm hoặc tia sét
  • Bại liệt.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ loại trừ tất cả nguyên nhân có thể gây đau. Bác sĩ kiểm tra tiền sử bệnh và chấn thương, ấn vào giữa các xương sườn hoặc yêu cầu người bệnh hít một hơi thật sâu. Nếu cảm thấy đau đớn, người bệnh có thể bị đau dây thần kinh liên sườn.

Bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm bổ sung để xác nhận chẩn đoán và đánh giá tình trạng. Bao gồm:

  • Chụp X-quang ngực: Kỹ thuật này giúp tìm ra nguyên nhân gây đau ngực, lưng và xương sườn, loại trừ đau thành ngực do nứt gãy xương sườn và một số chấn thương khác. Ngoài ra chụp X-quang ngực cũng giúp tìm ra những vấn đề về phổi, tim hoặc đường thở.
  • Siêu âm cơ xương: Bệnh nhân được siêu âm cơ xương nhằm phát hiện và đánh giá những tổn thương khó nhìn thấy của cơ và xương.
  • Chụp cộng hưởng từ hoặc chụp CT: Những kỹ thuật này cung cấp hình ảnh chi tiết, giúp tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu tổn thương nào.
  • Điện cơ: Kỹ thuật này được thực hiện nhằm đánh giá hoạt động của cơ và những tế bào thần kinh kiểm soát chúng.
  • Kiểm tra tốc độ dẫn truyền thần kinh: Để đánh giá rối loạn chức năng thần kinh và những tổn thương liên quan, người bệnh sẽ được kiểm tra tốc độ dẫn truyền thần kinh.

Biến chứng và tiên lượng

Đau dây thần kinh liên sườn là một tình trạng không quá nghiêm trọng, thường được chữa khỏi bằng thuốc. Một số trường hợp có các triệu chứng tự khỏi mà không cần điều trị.

Đối với những trường hợp nặng, có tổn thương dây thần kinh liên sườn, việc không điều trị sẽ dẫn đến nhũng biến chứng dưới đây:

  • Đau dây thần kinh mãn tính
  • Hạn chế khả năng vận động ở những vùng bị ảnh hưởng
  • Tê liệt vĩnh viễn.

Đau dây thần kinh mãn tính
Đau dây thần kinh mãn tính nếu dây thần kinh liên sườn bị tổn thương nghiêm trọng và không được điều trị

Điều trị

Điều trị đau dây thần kinh liên sườn dựa vào nguyên nhân. Hầu hết bệnh nhân có đáp ứng tốt với thuốc uống, phong bế dây thần kinh liên sườn và cắt bỏ tần số vô tuyến. Những trường hợp khác có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

1. Phong bế dây thần kinh liên sườn

Phong bế dây thần kinh liên sườn có thể giúp giảm đau nhanh chóng. Phương pháp này bao gồm việc tiêm Corticosteroid hoặc thuốc gây tê cục bộ xung quanh dây thần kinh liên sườn tổn thương. Từ đó giúp giảm đau và viêm hiệu quả.

2. Thuốc uống/ kem bôi

Một số loại thuốc dưới đây sẽ giúp giảm đau dây thần kinh liên sườn hiệu quả.

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Một vài loại NSAID như Aleve (naproxen) và Advil (ibuprofen) được dùng để điều trị viêm và đau dây thần kinh. Nhóm thuốc này phù hợp với những người có cơn đau ở mức độ trung bình.
  • Thuốc chống trầm cảm: Nhóm thuốc này có khả năng điều trị đau dây thần kinh, mang đến hiệu quả trong vài tuần. Ngoài ra thuốc chống trầm cảm còn giúp an thần và cải thiện giấc ngủ cho những người có cơn đau dai dẳng. Thông thường thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) sẽ được sử dụng.
  • Thuốc giảm đau thần kinh: Gabapentin thường được sử dụng để giảm những cơn đau thần kinh, bao gồm cả đau dây thần kinh liên sườn. Sau khi sử dụng, thuốc nhanh chóng ngăn chặn hoạt động của những dây thần kinh gây đau.
  • Kem Capsaicin: Bệnh nhân được hướng dẫn bôi kem Capsaicin ngoài da, quanh vùng ảnh hưởng để giảm đau.
  • Gel Lidocaine hoặc miếng dán Lidocaine: Lidocaine là thuốc giảm đau không kê đơn. Thuốc được dùng bằng cách dán hoặc bôi ngoài da để giảm đau thần kinh.
  • Thuốc giảm đau nhóm opioid: Hiếm khi thuốc giảm đau opioid được sử dụng. Đây là một nhóm thuốc giảm đau gây nghiện, được dùng để giảm đau thần kinh cho những trường hợp nặng. Tuy nhiên opioid chỉ được dùng trong thời gian ngắn và liều thấp để giảm nguy cơ nghiện.

Điều trị bằng thuốc
Đau dây thần kinh liên sườn thường được điều trị hiệu quả bằng các thuốc giảm đau và kháng viêm

3. Cắt bỏ tần số vô tuyến

Cắt bỏ tần số vô tuyến được thực hiện khi việc dùng thuốc không giúp giảm đau hiệu quả, đau dây thần kinh liên sườn thường xuyên tái phát. Phương pháp này phá hủy những phần cụ thể của dây thần kinh bị ảnh hưởng. Từ đó giúp giảm triệu chứng đau.

4. Trị liệu

Một số biện pháp dưới đây có thể hữu ích đối với chứng đau dây thần kinh liên sườn:

  • Vận động trị liệu: Đau dây thần kinh liên sườn có thể nghiêm trọng và liên tục khiến người bệnh không thể thực hiện những hoạt động thể chất. Từ đó gây mất sức mạnh cơ bắp và hạn chế nhiều chuyển động. Để ngăn mất cơ và phục hồi sức mạnh, người bệnh được vật lý trị liệu với những bài tập tăng cường thích hợp. Những bài tập này được thực hiện nhẹ nhàng và tăng dần cường độ theo thời gian.
  • Chườm nóng hoặc lạnh: Đặt miếng đệm sưởi hoặc khăn ấm lên vùng bị đau trong 20 phút. Nhiệt độ cao giúp thư giãn và xoa dịu cơn đau hiệu quả.
  • Chườm lạnh: Đặt túi đá hoặc gel lạnh lên vùng ảnh hưởng, giữ tối đa 20 phút để giảm sưng và đau.

Phòng ngừa

Nguy cơ đau dây thần kinh liên sườn có thể giảm bằng việc xây dựng lối sống lành mạnh và ngắn chấn thương.

  • Tiêm phòng thủy đậu cho trẻ em và người trưởng thành.
  • Tiêm phòng bệnh zona cho những người từ 50 tuổi trở lên từng bị thủy đậu khi còn nhỏ.
  • Đảm bảo thắt dây an toàn, thận trọng khi lái xe và chơi những môn thể thao tiếp xúc.
  • Mặc thiết bị bảo vệ khi chơi thể thao.
  • Điều trị tốt những tình trạng có khả năng gây đau thần kinh, chẳng hạn như nhiễm trùng.
  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ với xà phòng và không tiếp xúc với những người bị nhiễm virus.

Tiêm phòng thủy đậu cho trẻ em và người trưởng thành
Tiêm phòng thủy đậu để phòng ngừa nhiễm trùng varicella-zoster và đau thần kinh trong tương lai

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân có khả năng nhất khiến tôi bị đau dây thần kinh liên sườn là gì?

2. Có những lựa chọn điều trị nào?

3. Mất bao lâu để khắc phục cơn đau?

4. Có điều gì cần tránh khi bị đau dây thần kinh?

5. Có những biện pháp chăm sóc nào giúp cải thiện tình trạng?

6. Tôi nên làm gì để ngăn cơn đau tái phát?

7. Nếu trì hoãn điều trị, tôi có thể gặp những biến chứng nào?

Đau dây thần kinh liên sườn thường là kết quả của bệnh zona và phẫu thuật mở ngực. Cơn đau thường nghiêm trọng nhưng có thể được kiểm soát bằng thuốc và nhiều phương pháp khác. Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để sớm cải thiện tình trạng.