Đau Khớp Háng
Đau khớp háng là triệu chứng của nhiều bệnh lý ở khớp háng như viêm khớp và chấn thương. Tùy thuộc vào nguyên nhân, cơn đau có thể nhẹ hoặc rất nghiêm trọng, đau xảy ra từ từ hoặc đột ngột.
Tổng quan
Đau khớp háng là tình trạng đau trong hoặc xung quanh khớp háng, chủ yếu do chấn thương và viêm khớp. Cơn đau thường nhẹ và tiến triển từ từ. Tuy nhiên đau có thể đột ngột và nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng vận động.
Không phải lúc nào cơn đau cũng tập trung ở háng. Đau khớp háng có xu hướng đau lan. Một người có thể cảm thấy đau ở đùi hoặc hông. Tùy thuộc vào mức độ đau và nguyên nhân, thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật sẽ được chỉ định.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Đau khớp háng thường liên quan đến viêm khớp và chấn thương. Trong đó đau ở bên trong hông và háng thường do những vấn đề về khớp. Đau ở đùi trên, bên ngoài hông hoặc mông ngoài thường liên quan đến các cơ, gân, dây chằng bao quanh khớp.
Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
1. Viêm khớp
Viêm khớp là nguyên nhân phổ biến gây đau khớp háng. Những loại viêm khớp thường gặp:
- Viêm khớp tự phát thiếu niên
Viêm khớp tự phát thiếu niên là loại viêm khớp phổ biến ở trẻ dưới 16 tuổi, còn được gọi là viêm khớp dạng thấp. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công vào các mô và tế bào khỏe mạnh.
Không rõ nguyên nhân gây rối loạn tự miễn dịch. Tuy nhiên yếu tố môi trường và di truyền có thể làm tăng nguy cơ. Viêm khớp tự phát thiếu niên gây đau, cứng và sưng khớp. Ngoài ra trẻ còn có dấu hiệu sốt, phát ban và sưng hạch bạch huyết.
- Thoái hóa khớp háng
Viêm xương khớp (OA) hay thoái hóa khớp là một tình trạng viêm do thoái hóa. Trong đó sụn khớp (lớp sụn đệm bảo vệ khớp) bị xói mòn và mỏng đi, các đầu xương cọ xát với nhau và gây đau.
Bên cạnh sự phá vỡ của sụn, OA làm ảnh hưởng đến toàn bộ khớp. Bệnh lý này gây ra những thay đổi trong xương, khiến các mô liên kết bị thoái hóa và viêm niêm mạc khớp.
Thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào nhưng thường gặp ở khớp háng, cột sống và đầu gối. Thoái hóa khớp háng gây đau hông hoặc bên trong khớp háng, cứng khớp, ấn nhẹ thấy mềm, mất tính linh hoạt, khớp sưng tấy và nghe thấy tiếng lạo xạo khi di chuyển.
- Viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng đến hông và gây đau khớp háng. Bệnh này là một dạng viêm khớp xảy ra ở một số người bị vảy nến. Thông thường viêm khớp sẽ được chẩn đoán sau nhiều năm phát triển bệnh vảy nến.
- Viêm khớp dạng thấp
Đau khớp háng có thể là dấu hiệu nhận biết của viêm khớp dạng thấp. Đây là một chứng rối loạn viêm mãn tính và bệnh tự miễn dịch, ảnh hưởng đến khớp và nhiều cơ quan (như phổi, tim, da, mắt và mạch máu).
Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các mô và tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Bệnh gây sưng đau khớp, cứng khớp, mệt mỏi, sốt, xói mòn xương và biến dạng khớp.
- Viêm khớp nhiễm trùng
Viêm khớp nhiễm trùng là thuật ngữ chỉ bệnh nhiễm trùng gây đau ở khớp. Bệnh xảy ra khi vi trùng xâm nhập từ một vết thương xuyên thấu hoặc từ một bộ phận qua dòng máu và đến khớp. Ngoài đau, viêm khớp nhiễm trùng gây khó chịu và khó khăn khi sử dụng khớp.
2. Chấn thương
Đau khớp háng thường đột ngột và nghiêm trọng sau một chấn thương. Tuy nhiên cơn đau có thể tiến triển từ từ ở những người có chấn thương nhẹ.
- Viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch là tình trạng viêm và đau ảnh hưởng đến bao hoạt dịch (những túi nhỏ chứa đầy chất lỏng). Tình trạng này thường ảnh hưởng đến hông, khuỷu tay và vai.
- Gãy xương hông
Gãy xương hông là một chấn thương nghiêm trọng, thường gặp ở người lớn tuổi bị loãng xương. Chấn thương này xảy ra khi một người bị ngã từ độ cao đang đứng hoặc tai nạn xe. Những người có xương rất yếu có thể bị gãy xương hông sau khi đứng lên và vặn người.
Chấn thương này thương gây đau đớn dữ dội ở hông hoặc háng, không có khả năng đứng dậy hoặc đi lại sau ngã, bầm tím và sưng, chân bên hông bị thường ngắn hơn và xoay ra ngoài.
- Rách màng khớp háng
Rách màng khớp háng là một chấn thương thường gặp, xảy ra khi màng sụn (vòng sụn) chạy dọc theo vành ngoài của ổ khớp hông bị rách. Điều này thường do tổn thương hoặc trật khớp hông, chuyển động lặp đi lặp lại và vấn đề về cấu trúc.
- Trật khớp háng
Trật khớp háng xảy ra khi chỏm xương đùi lệch khỏi vị trí của nó. Điều này gây đau đớn dữ dội, đôi khi biến dạng rõ rệt ở một bên khớp (tùy thuộc vào loại trật khớp).
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị trật khớp háng vững hoặc không vững, trật khớp kèm theo gãy xương (vỡ một phần chỏm hoặc ổ cối, gãy cổ xương đùi).
Trật khớp háng chủ yếu xảy ra do chấn thương dây chẳng, hội chứng di truyền và loạn sản xương hông. Tình trạng này thường gặp ở những trẻ có độ tuổi từ 11 đến 15 tuổi.
- Bong gân
Bong gân gây đau khớp háng khi dây chằng (dải mô xơ cứng nối hai xương trong khớp) bị giãn hoặc rách. Tình trạng này thường do chấn thương khi chơi thể thao.
Bong gân thường gây đau đớn đột ngột, đau nặng, bầm tím, nghe thấy tiếng bóp khi bị thương và hạn chế khả năng di chuyển.
- Viêm gân
Viêm gân khớp háng thường do chấn thương đột ngột và chuyển động lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Bệnh xảy ra khi những dải xơ dày gắn cơ vào xương (được gọi là gân) bị viêm.
Những người bị viêm gân sẽ có cảm giác đau đớn và nhạy cảm bên ngoài khớp. So với những vị trí khác (như đầu gối, gót chân và cổ tay), viêm gân ở háng thường ít gặp hơn.
3. Nguyên nhân khác
Mặc dù ít gặp hơn nhưng đau khớp háng cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:
- Thoái vị bẹn
- Dây thần kinh bị chèn ép
- Đau nửa đầu dị cảm (chèn ép dây thần kinh đùi bên)
- Đau thần kinh tọa gây đau từ mông đến háng, xuống đùi, bắp chân, bàn chân và ngón chân (đau dọc theo dây thần kinh tọa)
- Ung thư xương
- Hoại tử xương
- Viêm tủy xương
- Loãng xương
- Viêm màng hoạt dịch
Triệu chứng và chẩn đoán
Những người bị đau khớp háng sẽ có cảm giác khó chịu hoặc đau trong và quanh khớp háng. Cơn đau có thể nhẹ hoặc nặng, xảy ra đột ngột hoặc tiến triển từ từ. Đau khớp háng thường giảm khi nghỉ ngơi và tăng khi vận động.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, đau khớp háng thường kèm theo những triệu chứng sau:
- Cảm giác khóa hoặc nhấp ở khớp háng
- Giới hạn phạm vi chuyển động
- Cứng khớp
- Đỏ và sờ thấy ấm
- Ấn nhẹ thấy mềm
- Mất tính linh hoạt
- Khớp sưng tấy
- Nghe thấy tiếng lạo xạo khi di chuyển
- Mất tính ổn định của khớp
- Khó đứng dậy và đi lại
- Sốt
- Phát ban
- Sưng hạch bạch huyết
- Khớp phát ra tiếng bóp ngay khi chấn thương xảy ra
- Bầm tím ở khu vực ảnh hưởng
- Chân bên hông bị thường ngắn hơn và xoay ra ngoài.
Kiểm tra lâm sàng bao gồm:
- Vị trí, mức độ đau và những hoạt động có thể gây đau
- Những triệu chứng đi kèm (sưng, cứng khớp, tiếng kêu lạo xạo khi cử động...)
- Dáng đi và đứng
- Tính linh hoạt và phạm vi chuyển động.
Nguyên nhân gây đau khớp háng thường được phát hiện nhanh thông qua kiểm tra lâm sàng. Tuy nhiên các xét nghiệm cần được thực hiện để xác định chẩn đoán và đánh giá tình trạng.
- Chụp X-quang: X-quang được chỉ định để kiểm tra cấu trúc dày đặc, bao gồm xương. Hình ảnh thu được giúp phát hiện thoái hóa khớp háng, gãy xương hông hoặc gai xương.
- Chụp MRI hoặc CT: Bệnh nhân được chụp MRI hoặc chụp CT để kiểm tra các phần mềm quanh khớp. Từ đó xác định cấu trúc nào đang bị tổn thương.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện nếu nghi ngờ viêm khớp dạng thấp gây đau khớp háng.
Biến chứng và tiên lượng
Khi được điều trị sớm, hầu hết các trường hợp đau khớp háng đều có đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn. Ở những trường hợp không điều trị, bệnh nhân có thể bị đau khớp háng mãn tính. Ngoài ra người bệnh có thể gặp thêm những biến chứng dưới đây:
- Biến dạng khớp háng
- Mất khả năng vận động
- Hỏng khớp
- Tổn thương dây thần kinh
- Teo cơ
- Liệt.
Điều trị
Điều trị đau khớp háng dựa vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng. Trong đó, chăm sóc tại nhà, thuốc, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật có thể được chỉ định.
1. Chăm sóc và giảm đau tại nhà
Một số biện pháp dưới đây có thể giúp ích cho bệnh nhân bị đau khớp háng, bao gồm:
- Chườm lạnh: Chườm lạnh mang đến nhiều lợi ích khi sơ cứu chấn thương và điều trị viêm khớp. Nhiệt độ thấp giúp giảm viêm, giảm đau và sưng tấy. Chườm lạnh nên được thực hiện mỗi ngày 3 - 4 lần, liên tục 2 - 3 ngày.
- Chườm ấm: Chườm ấm giúp giảm đau và thư giãn hiệu quả. Biện pháp này cũng giúp tăng lưu thông máu và thúc đẩy chữa lành tổn thương. Chườm ấm nên được thực hiện 3 - 4 lần/ ngày, mỗi lần 20 phút, không chườm cho người bị chấn thương.
- Nghỉ ngơi: Tránh uốn cong khớp háng và đi lại nhiều. Bởi điều này có thể tạo áp lực trực tiếp lên khớp, tăng mức độ đau. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi, cố gắng nằm nghiêng khi ngủ và tránh ngồi lâu.
- Duy trì vận động: Nếu bạn bị viêm khớp háng, hãy duy trì vận động nhẹ nhàng, tránh nghỉ ngơi quá lâu. Điều này giúp cải thiện phạm vi chuyển động và tính linh hoạt của khớp. Đồng thời giúp giảm đau và giảm cứng khớp hiệu quả. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn vận động và luyện tập thích hợp nhất.
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn: Hãy thử sử dụng Acetaminophen hoặc NSAID không kê đơn như Ibuprofen và Naproxen natri. Đây đều là những loại thuốc giảm đau khớp háng và hạ sốt. Ngoài ra NSAID còn có tác dụng điều trị viêm. Lưu ý tránh dùng thuốc giảm đau không kê đơn trên 3 ngày. Thăm khám ngay nếu đau không giảm.
2. Điều trị y tế
Tiến hành khám và điều trị y tế nếu:
- Chấn thương nặng hoặc nghi ngờ gãy xương hông
- Đau đớn dữ dội
- Đau không giảm sau 24 giờ và có thực hiện những biện pháp chăm sóc
- Một khớp biến dạng
- Không có khả năng di chuyển chân hoặc hông
- Không thể chịu trọng lượng trên chân bị ảnh hưởng
- Đột ngột sưng
- Có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt và ớn lạnh.
Điều trị y tế dựa vào nguyên nhân, thường bao gồm những phương pháp sau:
- Thuốc
Đau khớp hông nhẹ thường được chỉ định bằng thuốc giảm đau Acetaminophen hoặc NSAID. Nếu không đáp ứng tốt, người bệnh sẽ được chỉ định thuốc giảm đau và kháng viêm mạnh hơn, bao gồm:
-
- Tiêm corticoid vào khớp: Corticoid là một loại thuốc chống viêm mạnh. Thuốc có tác dụng điều trị viêm và giảm những triệu chứng liên quan như đau và sưng. Tiêm corticoid vào khớp được chỉ định cho những người bị đau khớp háng do viêm khớp.
- Thuốc giảm đau nhóm opioid: Đây là thuốc giảm đau gây nghiện, được dùng ngắn hạn và liều thấp cho những cơn đau nặng, không đáp ứng tốt với những loại thuốc khác. Opioid đến hiệu quả giảm đau nhanh. Tuy nhiên việc dùng kéo dài có thể gây ra tình trạng phụ thuộc.
- Tramadol + Paracetamol: Tramadol là một loại thuốc giảm đau nhóm opioid. Thuốc này được dùng ở liều thấp kết hợp Paracetamol để tăng hiệu quả giảm đau nhưng vẫn hạn chế được khả năng gây nghiện.
- Thuốc giãn cơ: Thuốc này được dùng cho những trường hợp đau khớp háng có co thắt cơ. Thuốc có tác dụng thư giãn cơ và những dải mô cứng, làm dịu nhanh cơn đau.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Trong nhiều trường hợp bệnh nhân được kê đơn thuốc chống trầm cảm ba vòng để giảm đau. Thuốc có tác dụng an thần, giảm đau, ngăn trầm cảm và lo lắng do đau nhức.
- Vật lý trị liệu
Bệnh nhân bị đau khớp háng do viêm khớp và sau chấn thương được yêu cầu vật lý trị liệu. Phương pháp này gồm những bài tập giúp thư giãn các phần mềm, tăng cường cơ bắp, giảm đau và co thắt.
Ngoài ra vận động trị liệu còn giúp phục hồi tính linh hoạt, chức năng và phạm vi chuyển động cho các khớp. Đồng thời tăng cường sức khỏe xương và làm chậm quá trình lão hóa xương khớp.
- Phẫu thuật
Phẫu thuật được thực hiện ngay nếu có chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như gãy xương hông và trật khớp háng có gãy xương. Khi thực hiện, bác sĩ tiến hành điều chỉnh khớp hoặc sửa chữa xương gãy.
Đối với viêm khớp, phẫu thuật được chỉ định khi khớp háng bị hư hỏng nặng và điều trị bảo tồn không hiệu quả. Trong đó bệnh nhân có thể được thay thế một phần hoặc toàn bộ khớp háng.
Phòng ngừa
Loại bỏ nguy cơ để phòng ngừa đau khớp háng. Dưới đây là những biện pháp cụ thể:
- Duy trì cân nặng an toàn. Nếu thừa cân, cần tiến hành giảm cân để giảm áp lực lên khớp háng.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Tốt nhất nên ăn nhiều thực phẩm tốt cho xương khớp, chẳng hạn như canxi và vitamin D. Điều này giúp duy trì xương khớp, giảm nguy cơ loãng xương và làm chậm quá trình thoái hóa khớp.
- Không lạm dụng khớp háng. Tránh lặp đi lặp lại một chuyển động trong thời gian dài, chẳng hạn như chạy.
- Hạn chế khuân vác vật nặng.
- Phòng ngừa chấn thương bằng cách thận trọng khi đi đứng và trong những hoạt động khác. đặc biệt là người lớn tuổi. Ngoài ra không nên đột ngột thay đổi tư thế hoặc mở rộng khớp háng quá tầm.
- Duy trì tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc. Điều này giúp duy trì sức khỏe tổng thể và làm chậm quá trình lão hóa.
- Tránh những tư thế và hoạt động làm tăng áp lực cho khớp háng, chẳng hạn như ngồi xổm.
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn với cường độ thích hợp. Điều này giúp duy trì sự linh hoạt cho khớp háng, tăng cường cơ bắp và các dây chằng hỗ trợ. Đồng thời làm chậm quá trình lão hóa và giảm nguy cơ đau khớp háng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị đau khớp háng do đâu?
2. Phương pháp điều trị nào phù hợp cho tình trạng và được đề nghị?
3. Tôi có thể giảm đau bằng các biện pháp tại nhà hay không?
4. Điều trị trong bao lâu thì đau giảm?
5. Có những điều gì cần hạn chế khi điều trị?
6. Tôi nên luyện tập như thế nào khi bị đau khớp háng?
7. Tôi nên làm gì để ngăn đau khớp háng tái phát?
Đau khớp háng xảy ra do nhiều nguyên nhân. Cơn đau có thể nhẹ hoặc rất nặng, chủ yếu được điều trị bảo tồn. Đôi khi phẫu thuật cần được thực hiện sớm để ngăn các biến chứng. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được khám kỹ lưỡng và điều trị hiệu quả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!