Dị Ứng Mỹ Phẩm

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Dị ứng mỹ phẩm là một tình trạng thường gặp ở phụ nữ. Bệnh xảy ra khi tiếp xúc với một số hoạt chất có trong sản phẩm không phù hợp, chẳng hạn như cồn. Bệnh gây phát ban trên vùng da nơi mỹ phẩm được sử dụng, thường kèm theo cảm giác châm chích hoặc ngứa.

Tổng quan

Dị ứng mỹ phẩm là bệnh viêm da tiếp xúc do mỹ phẩm. Trong đó vùng da tiếp xúc mỹ phẩm bị tổn thương ở mức độ nhẹ đến nặng, phát ban lan rộng kèm theo ngứa ngáy hoặc châm chích.

Dị ứng mỹ phẩm
Dị ứng mỹ phẩm xảy ra khi da bị viêm hoặc kích ứng do tiếp xúc với một số thành phần trong mỹ phẩm

Bệnh xảy ra khi da quá bị kích ứng với một hoặc nhiều thành phần có trong sản phẩm chăm sóc da hoặc làm đẹp. Chẳng hạn như cồn, hương liệu (perfume), chất bảo quản (paraben), chì, mineral oil/ paraffin... trong sữa rửa mặt, kem dưỡng, kem nền trang điểm...

Khi sử dụng, những chất hóa học có trong các sản phẩm làm bít lỗ chân lông, gây viêm hoặc phản ứng dị ứng ở vùng da tiếp xúc. Từ đó gây ra những triệu chứng của bệnh dị ứng mỹ phẩm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh dị ứng mỹ phẩm xảy ra khi một vài thành phần trong sản phẩm không phù hợp với da. Những thành phần này có thể gây kích ứng hoặc làm bít tắc lỗ chân lông dẫn đến viêm.

Dị ứng với một chất có thể xảy ra ngay sau nhiều năm sử dụng mỹ phẩm và người bệnh không gặp những vấn đề trước đó.

Nguyên nhân khác:

  • Bảo quản mỹ phẩm sai cách khiến những thành phần trong sản phẩm bị biến đổi
  • Không thường xuyên vệ sinh dụng cụ trang điểm khiến vi khuẩn tích tụ
  • Tiền sử dị ứng hoặc có bệnh ngoài ra khác
  • Da quá nhạy cảm.

Da quá nhạy cảm, sử dụng loại mỹ phẩm có thành phần không phù hợp
Da quá nhạy cảm, sử dụng loại mỹ phẩm có thành phần không phù hợp là nguyên nhân gây dị ứng

Dị ứng mỹ phẩm thường xảy ra do tiếp xúc với những chất hoặc sản phẩm dưới đây:

  • Hương liệu: Viêm da tiếp xúc với nước hoa là một nguyên nhân phổ biến. Trong đó phát ban xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc với sản phẩm (như mặt và cổ). Điều này thường gặp ở người dùng sản phẩm chứa nhiều hương liệu. Ngoài nước hoa, hương liệu cũng được tìm thấy ở nhiều loại mỹ phẩm, kem dưỡng ẩm, dầu gội đầu...
  • Chất bảo quản: Chất bảo quản được tìm thấy trong nhiều sản phẩm vệ sinh cá nhân và mỹ phẩm. Trong đó nhiều chất bảo quản có chứa formaldehyde như quaternium-15. Chất này có thể tăng khả năng gây dị ứng khi tiếp xúc.
  • Sản phẩm dành cho tóc: Những hoạt chất có trong sản phẩm cho tóc có thể gây viêm da tiếp xúc và dị ứng mỹ phẩm. Chẳng hạn như Cocamidopropyl betaine trong dầu gội đầu, phenylenediamine trong thuốc nhuộm tóc. Dị ứng xảy ra làm phát ban trên mí mắt, mặt, lưng, cổ và da đầu. Trong đó da đầu thường bị ảnh hưởng sau cùng.
  • Một số sản phẩm khác:
    • Dung dịch vệ sinh
    • Sản phẩm khử mùi và giảm mồ hôi
    • Sữa tắm
    • Kem tẩy lông
    • Kem hạn chế mọc lông
    • Kem tẩy trắng da
    • Kem ngăn vết nhăn
    • Kem chống nắng
    • Đồ trang điểm như kem nền, kem lót và son môi

Những yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng mỹ phẩm:

  • Sử dụng những loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường.
  • Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp với làn da. Những sản phẩm có thể gây bít tắc lỗ chân lông hoặc phản ứng dị ứng
  • Sử dụng mỹ phẩm không đúng cách hoặc lạm dụng.
  • Lựa chọn những sản phẩm chứa các thành phần dị ứng hoặc có khả năng gây kích ứng
  • Thay đổi sản phẩm liên tục
  • Giữ lớp trang điểm trên mặt quá lâu (> 8 tiếng)
  • Trang điểm quá dày khiến nang lông bị tắc nghẽn, gây dị ứng hoặc sinh mụn
  • Sử dụng những loại mỹ phẩm hết hạn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của dị ứng mỹ phẩm gồm:

  • Phát ban đỏ ở những vùng da tiếp xúc với mỹ phẩm
  • Nổi mụn đầu trắng, mụn mủ hoặc mụn trứng cá trên da mặt
  • Xuất hiện những mảng hồng ban
  • Nổi mề đay với những sẩn phù
  • Sờ thấy ấm ở vùng da ảnh hưởng
  • Ngứa ngáy hoặc châm chích
  • Nổi mụn nước và rỉ dịch
  • Viêm da tiếp xúc (chàm tiếp xúc) với những mảng hồng ban có giới hạn rõ rệt, nổi mụn nước và ngứa ngáy
  • Da khô và tróc vảy
  • Sạm da do tăng sắc tố
  • Lão hóa da với biểu hiện da nhăn nheo, tăng sừng và xuất hiện những đốm nâu
  • Teo da do dùng Corticoid kéo dài.

Phát ban đỏ ở những vùng da tiếp xúc với mỹ phẩm
Phát ban đỏ, nổi mụn đầu trắng hoặc mụn mủ ở những vùng da tiếp xúc với mỹ phẩm

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ kiểm tra những triệu chứng trên da và loại mỹ phẩm đang dùng. Điều này có thể giúp phát hiện dị ứng mỹ phẩm. Hầu hết bệnh nhân không cần xét nghiệm.

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết trường hợp dị ứng mỹ phẩm có tương lượng tốt. Xử lý đúng cách và chăm sóc da có thể làm dịu nhanh những triệu chứng của bệnh. Những trường hợp nặng có thể được hướng dẫn dùng thuốc.

Nếu các triệu chứng nặng và không được điều trị, dị ứng mỹ phẩm có thể gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Tổn thương da vĩnh viễn
  • Xuất hiện mụn mủ
  • Sẹo
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng da

Điều trị

Có nhiều biện pháp làm dịu da, giảm triệu chứng do dị ứng mỹ phẩm. Làm dịu da ngay khi có triệu chứng sẽ làm tăng hiệu quả điều trị, thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương.

Những phương pháp cụ thể:

1. Làm sạch da

Khi có dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm, người bệnh cần làm sạch da bằng nước sạch. Điều này giúp loại bỏ những chất kích ứng trên da.

Nên dùng nước mát để giảm ngứa và sưng. Sau đó nhẹ nhàng vỗ nhẹ lên da bằng khăn bông mềm để làm khô da.

Làm sạch da bằng nước sạch
Làm sạch da bằng nước sạch và mát ngay khi có dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm

Để làn da nghỉ ngơi để phục hồi. Không nên bôi bất bất kỳ sản phẩm nào trong những ngày tiếp theo. Khi làm sạch da và ngừng sử dụng mỹ phẩm, hầu hết các trường hợp sẽ có triệu chứng giảm hoặc mất đi trong vòng 7 ngày.

2. Chườm lạnh

Nếu sưng tấy và châm chích nhiều, hãy thử áp dụng liệu pháp chườm lạnh sau khi làm sạch da. Biện pháp này có thể giúp làm dịu da, giảm ửng đỏ và sưng tấy. Ngoài ra biện pháp chườm lạnh còn có tác dụng giảm ngứa rát và châm chích.

Lưu ý: Không nên đặt trực tiếp đá lạnh lên da để tránh bỏng lạnh. Nên bọc một vài viên đá trong miếng vải hoặc túi chườm, sau đó nhẹ nhàng đặt lên da.

3. Ngừng sử dụng mỹ phẩm không phù hợp

Cần ngừng sử dụng loại mỹ phẩm không phù hợp để tránh tổn thương da thêm nghiêm trọng. Nên kiểm tra bảng thành phần, xác định hoạt chất gây kích ứng. Sau đó tránh sử dụng những sản phẩm có thành phần tương tự. Điều này giúp ngăn những đợt bùng phát tiếp theo của bệnh.

4. Giữ da sạch sẽ

Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ và phù hợp để làm sạch da 1 - 2 lần/ ngày. Sau đó giữ da khô thoáng, cho vết thương tiếp xúc không khí. Điều này giúp thúc đẩy quá trình chữa lành.

Không nên đặt tay bẩn lên mặt hoặc dùng khăn lau mặt bị bẩn, không gãi lên những vùng da đang bị tổn thương. Điều này giúp phòng ngừa tình trạng nhiễm khuẩn, tránh làm tăng mức độ tổn thương.

5. Biện pháp phục hồi

Áp dụng những biện pháp phục hồi để thúc đẩy quá trình chữa lành làn da bị tổn thương, giảm mức độ nhạy cảm và các triệu chứng.

  • Nghỉ ngơi

Để làn da được nghỉ ngơi. Không cố gắng bôi những sản phẩm khác, tự sử dụng thuốc bôi hoặc thuốc uống. Bởi điều này sẽ khiến tình trạng của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.

  • Uống nhiều nước

Khi bị dị ứng mỹ phẩm, người bệnh nên uống từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày. Uống đủ nước giúp đảm bảo quá trình chuyển hóa, cấp ẩm cho làn da. Điều này giúp thúc đẩy loại bỏ những chất gây kích ứng, da phục hồi tốt hơn.

Uống nhiều nước
Uống nhiều nước để cấp ẩm cho làn da, thúc đẩy loại bỏ những chất gây kích ứng và da phục hồi

  • Bổ sung dinh dưỡng cho làn da

Nên thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh trong thời gian bị dị ứng mỹ phẩm. Tốt nhất nên cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể và làn da, ăn nhiều rau xanh và rau củ quả để tăng cường bổ sung chất chống oxy hóa, vitamin A, C, E. Những thành phần này có thể giúp tăng khả năng kháng viêm, thúc đẩy hồi phục da và giảm nhẹ các triệu chứng của dị ứng.

Những loại thực phẩm và thức uống cần kiêng trong quá trình điều trị:

    • Những loại hải sản như tôm và cua. Những loại thực phẩm này có thể làm tăng mức độ ngứa ngáy.
    • Thức ăn nhiều dầu mỡ và cay nóng làm tăng phản ứng viêm.
    • Thức uống chứa cồn như rượu và bia.
  • Không dùng chất kích thích

Không hút thuốc lá, hạn chế dùng caffein và tránh những chất kích thích khác. Bởi những sản phẩm này đều làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của làn da.

6. Thay đổi sản phẩm chăm sóc da

Dựa vào tốc độ phục hồi của làn da, người bệnh có thể từ từ trở lại với những bước chăm sóc da với mỹ phẩm. Nên sử dụng những sản phẩm phù hợp với làn da hiện tại, ưu tiên những sản phẩm lành tính, có thành phần thiên nhiên, không chứa chất hóa học.

Sử dụng những sản phẩm phù hợp với làn da
Sử dụng những sản phẩm phù hợp với làn da, dịu nhẹ và có thành phần thiên nhiên

Một số hướng dẫn giúp chăm sóc da hiệu quả sau dị ứng mỹ phẩm:

  • Tối giản những bước chăm sóc da.
  • Không sử dụng những loại mỹ phẩm chứa thành phần dễ gây kích ứng như Benzoyl peroxide, AHA, Renova, hương liệu, chất làm sáng...
  • Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ, có độ pH từ 5 - 6, phù hợp với làn da, không chứa cồn hay xà phòng.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp, có kết cấu mỏng nhẹ, thấm nhanh trên da, không tạo gánh nặng trên da hoặc gây bít tắc lỗ chân lông. Đặc biệt nên sử dụng những sản phẩm có chứa thành phần lành tính và làm từ thiên nhiên.
  • Dùng kem chống nắng trước khi ra ngoài 15 phút. Nên thường xuyên bôi lại kem chống nắng (khoảng 2 tiếng/ lần), lựa chọn kem chống nắng phổ rộng, chỉ số chống nắng tối thiểu 30. Điều này giúp phòng ngừa tăng sắc tố da trên nền da tổn thương.

7. Mặt nạ nha đam

Sau 2 - 3 ngày dị ứng mỹ phẩm, hãy thử sử dụng mặt nạ nha. Nha đam chứa nhiều vitamin và nước. Khi dùng có thể giúp cấp ẩm, làm dịu làn da ngứa. Đồng thời giảm triệu chứng đỏ da, giúp những tổn thương mau chóng lành lại.

Mặt nạ nên được đắp tối đa 20 phút. Dị ứng ở những vùng da khác ngoài da mặt có thể bôi trực tiếp gel nha đam. Làm sạch da với nước sau khi đắp mặt nạ.

8. Thuốc

Ít khi dị ứng mỹ phẩm được yêu cầu dùng thuốc. Tuy nhiên một vài loại thuốc có thể được chỉ định cho những trường hợp nặng để giảm bớt các triệu chứng.

  • Kem corticoid: Kem corticoid có thể được dùng ngắn hạn để điều trị dị ứng mỹ phẩm. Thuốc có tác dụng điều trị viêm sưng, giảm ngứa và đau rát.
  • Thuốc kháng histamin: Một số trường hợp được hướng dẫn sử dụng thuốc kháng histamin để giảm ngứa.
  • Thuốc kháng sinh: Đôi khi thuốc kháng sinh được dùng cho những trường hợp có nhiễm trùng hoặc bội nhiễm sau dị ứng.
  • Thuốc bổ sung vitamin C liều cao: Viên uống bổ sung vitamin C có thể giúp ít cho những trường hợp bị dị ứng mỹ phẩm nặng. Thuốc giúp bổ sung vitamin C nhằm thúc đẩy quá trình tái tạo da, kháng viêm và giảm bớt những dấu hiệu của dị ứng.

Phòng ngừa

Sử dụng mỹ phẩm phù hợp là cách tốt nhất để phòng ngừa dị ứng mỹ phẩm. Cụ thể:

  • Lựa chọn những loại mỹ phẩm có xuất xứ rõ ràng và chính hãng.
  • Tránh những sản phẩm chứa các thành phần có khả năng gây kích ứng khi sử dụng. Đọc kỹ thành phần của sản phẩm trước khi sử dụng.
  • Sử dụng sản phẩm phù hợp với loại da (dầu, khô, hỗn hợp) và tình trạng cụ thể của da (như da mụn, da nhạy cảm...). Đặc biệt nên sử dụng những sản phẩm có chứa thành phần dịu nhẹ hoặc/ và được làm từ thiên nhiên.
  • Sử dụng kem dưỡng có kết cấu mỏng nhẹ, thấm nhanh trên da, không gây bít tắc lỗ chân lông.
  • Khi dùng một sản phẩm mới, nên bôi sản phẩm lên một vùng nhỏ nơi có da nhạy cảm, chẳng hạn như mặt trong của cổ tay. Giữ nguyên sản phẩm trên da 24 - 48 giờ để kiểm tra khả năng kích ứng trước khi bôi lên mặt.

Bôi sản phẩm lên một vùng da nhỏ và nhạy cảm
Bôi sản phẩm lên một vùng da nhỏ và nhạy cảm để kiểm tra phản ứng của da với sản phẩm

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị dị ứng với hoạt chất nào trong sản phẩm?

2. Tình trạng của tôi có nghiêm trọng không?

3. Những cách chăm sóc da giúp phục hồi?

4. Khi nào cần dùng thuốc điều trị?

5. Điều trị dị ứng mỹ phẩm trong bao lâu?

6. Các sản phẩm chăm sóc da nào phù hợp với tình trạng hiện tại?

7. Cần làm gì khi những triệu chứng không giảm?

Dị ứng mỹ phẩm là một tình trạng phổ biến ở chị em phụ nữ, xảy ra khi tiếp xúc với những chất gây kích ứng có trong mỹ phẩm. Hầu hết các trường hợp đều nhẹ, những biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng. Những trường hợp nặng nên gặp bác sĩ da liễu để được hướng dẫn những cách chăm sóc và điều trị hiệu quả hơn.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *