Dị Ứng Niken
Dị ứng niken là một dạng viêm da tiếp xúc dị ứng do tiếp xúc với niken. Tình trạng này thường gây phát ban đỏ và ngứa ngáy, đôi khi xuất hiện vảy và sần sùi. Khi không tiếp xúc với chất gây dị ứng, những triệu chứng có thể giảm dần theo thời gian.
Tổng quan
Dị ứng niken còn được gọi viêm da tiếp xúc dị ứng niken. Đây là một dạng viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với nguyên tố hóa học niken - kim loại màu bạc, được tìm thấy tự nhiên trong môi trường.
Niken thường được trộn trong kim loại để tạo ra trang sức, đồng xu, gọng kính, chất tẩy rửa, thiết bị điện tử và nhiều vật dụng khác. Việc tiếp xúc kéo dài hoặc nhiều lần có thể dẫn đến dị ứng Niken.
Một người bị bị ứng sẽ có dấu hiệu phát ban, da sần sùi, ngứa ngáy và có vảy. Tránh tiếp xúc và điều trị bằng thuốc có thể giảm nhanh các triệu chứng. Tuy nhiên sự nhạy cảm với kim loại sẽ không được chữa khỏi. Vì thế người bệnh cần tránh tiếp xúc ngay cả khi điều trị thành công.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây dị ứng niken vẫn chưa được biết. Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch xác định niken là một chất có hại. Điều này khiến cơ thể phản ứng khi tiếp xúc.
Hệ thống miễn dịch chỉ phản ứng với chất độc hại, virus và vi khuẩn để bảo vệ cơ thể. Ở người bị dị ứng, hệ miễn dịch nhầm lẫn niken là chất có hại và sẽ luôn nhạy cảm với nó.
Bất kỳ khi nào tiếp xúc với chất gây dị ứng, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ phản ứng bằng cách gây ra những triệu chứng trên da. Dị ứng niken có thể phát triển sau lần tiếp xúc đầu tiên hoặc tiếp xúc lâu dài hoặc thường xuyên.
Nguồn tiếp xúc với niken bao gồm:
- Đồ trang sức
- Dây đeo đồng hồ
- Đồng xu
- Gọng kính
- Dụng cụ kim loại
- Khóa thắt lưng
- Chìa khóa
- Dây buộc quần áo như khóa kéo, móc áo ngực...
- Thiết bị điện tử như máy tính xách tay, điện thoại hoặc máy tính bảng
- Thuốc lá điện tử...
Những yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng niken:
- Bông tai và đồ trang sức xuyên cơ thể: Niken thường có trong bông tai và đồ trang sức xuyên cơ thể. Khi sử dụng kéo dài, phản ứng dị ứng có thể xảy ra.
- Yếu tố nghề nghiệp: Những người có công việc cần thường xuyên tiếp xúc với kim loại sẽ có nguy cơ dị ứng cao. Ngoài ra dị ứng niken phổ biến hơn ở những người tiếp xúc với niken trong môi trường ẩm ướt. Chẳng hạn như lao công, nhân viên pha chế rượu...
- Bị dị ứng với các kim loại khác: Nguy cơ phản ứng với niken cao hơn ở những người quá nhạy cảm với một loại kim loại khác.
- Dị truyền: Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những người có tiền sử gia đình bị dị ứng niken.
- Giới tính: Phụ nữ có nhiều nguy cơ hơn so với nam giới. Nguyên nhân là do sở thích sử dụng đồ trang sức của phụ nữ.
Triệu chứng và chẩn đoán
Tùy thuộc vào tình trạng, các triệu chứng có thể phát triển trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi tiếp xúc với niken. Những triệu chứng thường tập trung ở vùng da tiếp xúc chất gây dị ứng nhưng cũng có thể lan ra vùng lân cận.
Dị ứng niken và các triệu chứng thường kéo dài trong vòng 2 - 4 tuần sau khi ngừng tiếp xúc với niken và điều trị. Những triệu chứng thường gặp của bệnh gồm:
- Phát ban hoặc nổi những vết sưng trên da (da sần sùi)
- Ngứa ngáy thường nghiêm trọng
- Đỏ da hoặc thay đổi màu da
- Xuất hiện những mảng da khô tương tự như vết bỏng
- Xuất hiện mụn nước và chảy dịch khi bị dị ứng nặng.
Ở những người bị viêm da tiếp xúc dị ứng do dị ứng niken, những triệu chứng sẽ bao gồm:
- Ngứa ngáy dữ dội
- Da khô
- Da đổi màu
- Da có vảy, thô hoặc dày
- Sờ thấy ấm
- Xuất hiện nhiều mụn nước chứa đầy chất lỏng.
Đôi khi hô hấp bị ảnh hưởng từ dị ứng niken và gây ra những vấn đề dưới đây:
- Viêm mũi
- Sổ mũi
- Hen suyễn
- Hắt xì
Dị ứng niken được chẩn đoán qua kiểm tra tiền sử dị ứng và các triệu chứng trên da. Thông thường người bệnh được đặt một số câu hỏi liên quan đến thời điểm bắt đầu triệu chứng, những phản ứng trên da và đường hô hấp. Phát ban da và ngứa ở những vùng da tiếp xúc kim loại có thể giúp xác định nhanh tình trạng này.
Nếu nguyên nhân gây phát ban không rõ ràng, bệnh nhân có thể được yêu cầu Patch test (test áp). Trong đó miếng dán có chứa dị nguyên được dán lên bề mặt da. Xét nghiệm này cho phép xác định nguyên nhân gây dị ứng. Sau 20 phút, những vết mẩn đỏ ngứa sẽ nổi ở vùng da ảnh hưởng.
Biến chứng và tiên lượng
Nhìn chung dị ứng niken có tiên lượng tốt, những triệu chứng không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi. Hiếm khi phản ứng dị ứng với niken dẫn đến biến chứng. Tuy nhiên tiếp tục tiếp xúc kim loại có thể gây phát ban nặng và để lại sẹo.
Mặt khác, dị ứng niken không có cách chữa trị, các triệu chứng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong suốt cuộc đời. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người có công việc cần thường xuyên tiếp xúc với niken, chẳng hạn như thợ kim loại, thợ khóa, thợ mộc...
Điều trị
Không có cách chữa dị ứng niken. Các phương pháp được dùng để giảm nhẹ các triệu chứng. Sau điều trị, người bệnh vẫn có thể phát ban khi tiếp xúc với kim loại.
Những phương pháp điều trị phổ biến:
1. Biện pháp khắc phục tại nhà
Phần lớn bệnh nhân dị ứng niken ở mức độ nhẹ, có thể điều trị tại nhà bằng một số biện pháp dưới đây:
- Tránh tiếp xúc niken
Đây là bước đầu tiên trong điều trị dị ứng niken. Khi không còn tiếp xúc chất gây dị ứng, các triệu chứng sẽ dần được cải thiện, giảm tính nhạy cảm cho làn da.
- Kem dưỡng da Calamine
Bôi kem dưỡng da Calamine lên vùng da phát ban 2 lần/ ngày có thể làm dịu các triệu chứng. Sản phẩm này có tác dụng làm dịu da, thúc đẩy chữa lành và tái tạo vùng da tổn thương. Kem dưỡng da Calamine cũng có tác dụng giảm ngứa, giảm độ nhạy cảm và triệu chứng phát ban.
- Dưỡng ẩm cơ thể bằng lotion
Bôi lotion 2 lần mỗi ngày hoặc bất cứ khi nào da khô và phát ban. Sản phẩm này giúp cung cấp độ ẩm cho làn da, giảm độ nhạy cảm và phát ban. Ngoài ra bôi lotion mỗi ngày còn giúp giảm ngứa và khô da hiệu quả.
- Đắp gạc mát và ướt
Đắp gạc mát và ướt lên những vị trí có phát ban do dị ứng niken. Biện pháp này có thể giúp giảm viêm sưng, giảm đỏ da và ngứa da hiệu quả.
2. Thuốc
Nếu phát ban nhiều do dị ứng niken, những loại thuốc dưới đây sẽ được chỉ định:
- Thuốc kháng histamine đường uống: Thuốc này giúp giảm ngứa bằng cách giảm sản xuất histamin và ngăn các phản ứng của nó.
- Kem corticosteroid: Clobetasol (Clobex), Betamethasone dipropionate (Diprolene) hoặc một loại kem corticosteroid khác được dùng để giảm các triệu chứng của phản ứng dị ứng. Thuốc này có tác dụng giảm viêm và sưng tại chỗ. Đồng thời giảm ngứa và mức độ nhạy cảm của làn da. Tuy nhiên thuốc có thể gây mỏng da khi dùng kéo dài.
- Kem không steroid: Tacrolimus (Protopic) thường được sử dụng để điều trị những triệu chứng của bệnh chàm. Thuốc có tác dụng làm giảm phát ban, ngứa và khô da do dị ứng với niken.
- Corticosteroid đường uống: Thuốc này chỉ được chỉ định cho những trường hợp nặng, phát ban diện rộng hoặc có phản ứng nghiêm trọng. Thuốc có tác dụng kháng viêm toàn thân và ức chế miễn dịch. Khi dùng có thể giảm nhẹ phản ứng, giảm đau và sưng viêm. Trong đó Prednisone là loại Corticosteroid thường được sử dụng.
3. Quang trị liệu
Quang trị liệu được chỉ định cho những bị nhân bị dị ứng niken có triệu chứng không giảm khi dùng steroid bôi hoặc uống. Liệu pháp này có tác dụng điều trị phát ban, thúc đẩy chữa lành làn da tổn thương.
Trong quang trị liệu, bệnh nhân được tiếp xúc ánh sáng cực tím nhân tạo với cường độ và bước sóng thích hợp. Phương pháp này có thể được thực hiện vài lần cho đến khi các triệu chứng đã giảm.
Phòng ngừa
Nếu bị dị ứng niken, hãy cố gắng tránh hoặc giảm tiếp xúc với niken. Đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa dị ứng niken tái diễn. Dưới đây là một số cách:
- Sử dụng những đồ trang sức không chứa niken.
- Sử dung khóa quần áo bằng nhựa hoặc kim loại tráng để thay thế cho khóa thắt lưng, khóa kéo... được làm từ niken.
- Dùng dây đồng làm từ da, vải hoặc nhựa.
- Hãy lựa chọn những đồ gia dụng và vật dụng cá nhân (như gọng kính và dao cạo râu) không chứa niken.
- Dùng ốp lưng (vỏ bảo vệ) cho điện thoại và máy tính bảng.
- Rửa sạch vùng da tiếp xúc với niken.
- Lượng nhỏ niken được tìm thấy trong một số loại thực phẩm. Chẳng hạn như đậu nành, bột yến mạch, các loại hạt, sôcôla... Vì vậy cần hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm này.
- Sử dụng kim vô trùng, không chứa niken khi xỏ khuyên.
- Đeo găng tay nếu phải tiếp xúc với niken tại nơi làm việc. Tránh tiếp xúc trực tiếp với niken để không gây dị ứng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tình trạng nào gây ra những triệu chứng của tôi?
2. Phương pháp điều trị được đề nghị là gì?
3. Cách chăm sóc da nào giúp giảm nhanh triệu chứng?
4. Điều gì xảy ra nếu tôi không điều trị?
5. Những triệu chứng có thể tự khỏi không?
6. Tôi có cần một chế độ ăn kiêng khi bị dị ứng niken không?
7. Biến chứng nào có thể gặp trong lần dị ứng kế tiếp?
Dị ứng niken là một dạng viêm da dị ứng tiếp xúc thường gặp. Bệnh có những triệu chứng nhẹ, giảm nhanh khi điều trị và ít khi gây biến chứng. Tuy nhiên dị ứng không được chữa khỏi hoàn toàn. Các triệu chứng sẽ trở lại trong tương lai nếu tiếp xúc với niken.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!