Dị Ứng Nước Hoa

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Dị ứng nước hoa xảy ra khi cơ thể quá nhạy cảm hoặc phản ứng quá mức với những thành phần trong nước hoa. Điều này gây ra tình trạng phát ban ngứa ở những vùng da tiếp xúc với nước hoa. Khi loại bỏ chất gây dị ứng, những triệu chứng có thể thuyên giảm.

Tổng quan

Dị ứng nước hoa là tình trạng cơ thể phản ứng dị ứng hoặc nhạy cảm với một hoặc nhiều thành phần có trong nước hoa. Chẳng hạn như các thành phần tạo mùi thơm.

Dị ứng nước hoa
Dị ứng nước hoa xảy ra khi một người bị dị ứng hoặc quá nhạy cảm với thành phần trong nước hoa

Bệnh gây tổn thương da ở dạng phát ban ngứa tại những vị trí tiếp xúc nước hoa. Các biểu hiện có thể nhẹ hoặc nặng, thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau khi xịt nước hoa. Đôi khi phản ứng dị ứng xuất hiện ngay sau khi ngửi mùi hương của nước hoa.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Dị ứng nước hoa xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với một hóa chất hoặc thành phần có trong nước hoa. Từ đó gây ra những triệu chứng phản ứng.

Sự bất thường của hệ thống miễn dịch được cho là nguyên nhân gây bệnh. Trong đó hệ thống miễn dịch xác định những thành phần trong nước hoa là chất lạ và sản sinh kháng thể IgE (immunoglobulin E).

Các kháng thể được sản sinh giải phóng một phản ứng viêm để trung hòa hoặc chống lại những chất gây dị ứng. Từ đó gây ra những triệu chứng của phản ứng dị ứng trên da.

Những thành phần gây phản ứng trong nước hoa không thực sự là chất gây dị ứng. Những chất này thường là chất kích thích tổng hợp hoặc hóa học. Chúng có thể gây phản ứng dị ứng với một số người hoặc không.

Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ dị ứng nước hoa:

  • Sử dụng những sản phẩm phẩm không chính hãng, không có nguồn gốc rõ ràng và tràn lan trên thị trường
  • Cơ địa nhạy cảm hoặc có những tình trạng dị ứng khác
  • Tiền sử gia đình bị dị ứng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Dị ứng nước hoa gây ra những triệu chứng dưới đây:

  • Nổi mẩn đỏ ngứa sau khi tiếp xúc với nước hoa. Mẩn đỏ có thể nhanh chóng biến mất hoặc kéo dài trong vài tuần
  • Ngứa ngáy ngay cả khi không có bất kỳ phát ban hay kích ứng nào
  • Da khô và có vảy
  • Ngứa trong cổ họng và quanh mắt
  • Da phồng rộp, đóng vảy và chảy mủ
  • Đỏ da hoặc loang lổ
  • Có cảm giác nóng rát
  • Da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời

Dị ứng khiến da bị nổi mẩn đỏ ngứa sau khi tiếp xúc với nước hoa
Dị ứng khiến da bị nổi mẩn đỏ, có cảm giác nóng rát hoặc ngứa sau khi tiếp xúc với nước hoa

Những triệu chứng nghiêm trọng và ít gặp hơn:

  • Sưng ở miệng, môi hoặc lưỡi
  • Chống mặt và mệt mỏi
  • Đau đầu từ nhẹ đến nặng
  • Chảy nước mắt, ngứa và đỏ mắt
  • Hắt hơi và sổ mũi
  • Đau người
  • Khó thở
  • Sốc phản vệ

Để chẩn đoán, bác sĩ quan sát phát ban, đặt một số câu hỏi liên quan đến triệu chứng và tiền sử bản thân. Ngoài ra người bệnh có thể được kiểm tra độ nhạy cảm với hương thơm.

Biến chứng và tiên lượng

Những triệu chứng của dị ứng nước hoa thường nhẹ, thuyên giảm nhanh khi loại bỏ những chất gây kích ứng. Đôi khi các triệu chứng có thể kéo dài trong vài tuần nhưng không làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân phản ứng quá mức với nước hoa dẫn đến sốc phản vệ. Điều này khiến người bệnh khó thở hoặc không thở được, trụy mạch, yếu ớt và tăng nguy cơ tử vong. Vì vậy những người có dấu hiệu sốc phản vệ cần được cấp cứu ngay lập tức.

Điều trị

Dựa vào những triệu chứng và mức độ phản ứng dị ứng, dị ứng nước hoa được điều trị bằng những phương pháp sau:

1. Biện pháp xử lý tại nhà

Xử lý đúng cách có thể giúp khắc phục các triệu chứng. Dưới đây là những biện pháp cụ thể:

  • Loại bỏ chất gây dị ứng

Rửa sạch vùng da tiếp xúc với nước hoa ngay khi có những triệu chứng và theo dõi tình trạng. Những trường hợp nhẹ có các triệu chứng giảm nhanh khi nguyên nhân được loại bỏ.

Tắm rửa sạch sẽ để loại bỏ chất gây dị ứng
Tắm rửa sạch sẽ để loại bỏ chất gây dị ứng, làm dịu da và giảm nhanh các triệu chứng

  • Để da nghỉ ngơi

Cho làn da nghỉ ngơi, không tự ý bôi thuốc hoặc những sản phẩm lên da. Bởi điều này có thể làm tăng các triệu chứng trong giai đoạn nhạy cảm của da.

  • Mặc quần áo thoáng mát

Để vùng da tổn thương tiếp xúc với không khí, giữ cho da khô thoáng. Điều này giúp tăng tốc độ chữa lành tổn thương.

Tốt nhất nên mặc quần áo rộng rãi, vải mịn và có khả năng thấm hút mồ hôi. Không nên mặc quần áo bó sát hoặc băng bó vùng da phát ban.

  • Tắm bột yến mạch

Ngâm bột yến mạch trong nước lạnh. Sau đó đắp yến mạch lên da và tắm. Biện pháp này giúp làm dịu viêm và ngứa ngáy hiệu quả.

  • Dùng lotion hoặc kem dưỡng ẩm dịu nhẹ

Để làm dịu phát ban ngứa do dị ứng nước hoa, người bệnh có thể dùng lotion hoặc kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, có thành phần lành tính hoặc từ thiên nhiên. Những sản phẩm này có tác dụng cấp ẩm cho da, thúc đẩy lành thương. Đồng thời giúp giảm khô da, ngứa ngáy, phát ban và những triệu chứng khác của dị ứng.

Dùng lotion hoặc kem dưỡng ẩm dịu nhẹ
Dùng lotion hoặc kem dưỡng ẩm dịu nhẹ để phục hồi làn da, cung cấp độ ẩm và giảm nhẹ triệu chứng

Không sử dụng lotion hoặc kem dưỡng ẩm có bất kỳ loại hóa chất hoặc thành phần nhân tạo nào. Bởi điều này có thể gây ra những phản ứng dị ứng khác.

2. Thuốc

Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài, một vài loại thuốc dưới đây có thể được chỉ định:

  • Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin đường uống được dùng để giảm ngứa. Những loại thường được sử dụng gồm Loratadine (Claritin), Cetirizine (Zyrtec)...
  • Kem Corticosteroid: Một loại kem Corticosteroid như Hydrocortisone được dùng để bôi lên những vùng phát ban và ngứa. Thuốc có tác dụng giảm viêm sưng, giảm ngứa, phát ban và đau rát.

3. Liệu pháp ánh sáng

Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu) thường được áp dụng cho những bệnh nhân bị dị ứng nước hoa có triệu chứng nặng, không giảm khi dùng thuốc. Liệu pháp này sử dụng ánh sáng xanh hoặc đỏ để giảm phản ứng của hệ thống miễn dịch trên da, sửa chữa mô và làm dịu da.

Ngoài ra liệu pháp ánh sáng còn có tác dụng loại bỏ các vi khuẩn gây kích ứng da. Từ dó phòng ngừa tình trạng bội những ở vùng da tổn thương.

Điều trị

Dị ứng nước hoa hoàn toàn có thể được phòng ngừa với những biện pháp sau:

Hạn chế tối đa việc tiếp xúc hoặc sử dụng nước hoa có chứa thành phần kích ứng
Hạn chế tối đa việc tiếp xúc hoặc sử dụng nước hoa có chứa những thành phần gây  kích ứng

  • Hạn chế tối đa việc tiếp xúc hoặc sử dụng nước hoa và những sản phẩm có mùi hương chứa thành phần gây kích ứng.
  • Không sử dụng những sản phẩm chứa các chất gây mẫn cảm.
  • Sử dụng nước hoa chính hãng. Tránh những sản phẩm kém chất lượng, có thành phần không rõ ràng.
  • Hạn chế tiếp xúc với mùi hương hoặc nước hoa mà người khác đang sử dụng.
  • Sử dụng những sản phẩm an toàn dựa trên thành phần và mức độ nhạy cảm của cơ thể.
  • Xem kỹ thành phần trên nhãn trước khi lựa chọn một loại nước hoa.
  • Chia sẻ tình trạng với những người xung quanh để tránh tiếp xúc thụ động với nước hoa.
  • Ngăn cản mùi nước hoa trong không gian riêng của bạn bằng cách sử dụng quạt.
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc nước hoa để phòng ngừa ngộ độc do uống phải nước hoa.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị dị ứng thành phần nào trong nước hoa?

2. Tình trạng của tôi có nghiêm trọng không?

3. Điều trị trong bao lâu thì khỏi?

4. Phác đồ của tôi là gì?

5. Phương pháp điều trị hiệu quả và phổ biến cho tình trạng của tôi là gì?

6. Những triệu chứng có thể tự khỏi nếu không được điều trị?

7. Tôi có thể ngăn ngừa bùng phát dị ứng bằng cách nào?

8. Cách chăm sóc da cho tình trạng của tôi là gì?

Dị ứng nước hoa là tình trạng thường gặp. Hầu hết trường hợp có triệu chứng nhẹ, giảm dần sau vài ngày chăm sóc da. Một số trường hợp khác có triệu chứng nghiêm trọng, kéo dài nhiều tuần. Những trường hợp này cần được khám và chữa bệnh theo hướng dẫn củ bác sĩ.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *