Bệnh Dị Ứng Phấn Hoa
Dị ứng phấn hoa là một tình trạng mà trong đó phấn hoa kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các phản ứng. Tình trạng này thường gây ngứa, viêm mắt và mũi. Phấn hoa cũng có thể xâm nhập vào phổi, gây hen suyễn với những triệu chứng nặng hơn.
Tổng quan
Dị ứng phấn hoa là tình trạng hệ miễn dịch phản ứng với một chất vô hại là phấn hoa khi tiếp xúc. Đây là một loại dị ứng phổ biến, thường xảy ra theo mùa.
Hệ thống miễn dịch ngăn ngừa bệnh tật bằng cách sản sinh những kháng thể chống lại tác nhân xâm nhập có hại (như vi khuẩn và virus). Ở những người bị dị ứng phấn hoa, hệ miễn dịch nhầm lẫn phấn hoa là những chất xâm lược có hại, sau đó sản sinh các chất như histamin để chống lại tác nhân. Điều này gây ra những triệu chứng của phản ứng dị ứng.
Sau vài giờ hoặc ngay khi tiếp xúc với phấn hoa, các triệu chứng sẽ phát triển. Chúng có thể nhẹ hoặc nặng, gây khó chịu nhiều cho người bệnh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Sự trục trặc của hệ thống miễn dịch chính là nguyên nhân của dị ứng phấn hoa. Phấn hoa là một mịn và vô hại đối với cơ thể người. Tuy nhiên khi bị dị ứng, hệ thống miễn dịch nhầm lẫn phấn hoa là chất có hại và sản sinh các protein (còn được gọi là kháng thể) để chống lại.
Vào lần tiếp xúc tiếp theo, hệ thống miễn dịch được các kháng thể báo hiệu, bắt đầu sản xuất các hóa chất (bao gồm cả histamin) để chống lại chất gây dị ứng là phấn hoa. Từ đó dẫn đến phản ứng dị ứng và những triệu chứng liên quan.
Những loại phấn hoa thường gây dị ứng gồm:
- Phấn hoa bạch dương: Là chất gây dị ứng phổ biến vào mùa xuân.
- Cây cỏ phấn hương: Đây là loại cỏ dại dễ gây dị ứng nhất, mỗi cây có thể tạo gần 1 tỉ phấn hoa. Dị ứng thường xảy ra vào những tháng đầu của mùa thu.
- Phấn hoa sồi: Gây phản ứng dị ứng vào mùa xuân.
- Phấn hoa cỏ: Tác nhân gây dị ứng vào mùa xuân và mùa hè.
Nguy cơ mắc bệnh tăng lên khi có những yếu tố nguy cơ dưới đây:
- Tiền sử bản thân dị ứng hoặc mắc bệnh hen suyễn
- Được sinh ra trong một gia đình có tiền sử dị ứng.
Triệu chứng và chẩn đoán
Hầu hết các trường hợp dị ứng phấn hoa với các triệu chứng xuất hiện vào một thời điểm nhất định trong năm, chẳng hạn như mùa xuân hoặc những tháng đầu của mùa thu. Tuy nhiên cũng có những người có các triệu chứng xảy ra quanh năm.
Những triệu chứng của dị ứng phấn hoa:
- Sổ mũi
- Nghẹt mũi
- Tăng áp lực ở xoang dẫn đến đau mặt
- Ngứa và chảy nước mắt
- Ho
- Đau họng
- Ngứa họng
- Hắt xì
- Thở khò khè
- Da sưng tấy, nổi mề đay
- Giảm vị giác hoặc khứu giác
- Tăng triệu chứng của hen suyễn
Những triệu chứng và tiền sử bệnh có thể giúp xác định dị ứng phấn hoa. Tuy nhiên bệnh nhân sẽ được thực hiện thêm một số xét nghiệm để xác định chẩn đoán. Cụ thể:
- Thử nghiệm dị ứng: Bệnh nhân được xét nghiệm chích da. Trong đó chất dị ứng được chích vào những vùng da khác nhau để kiểm tra phản ứng dị ứng.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể được thực hiện để xác định dị ứng, tìm các kháng thể chống lại phấn hoa.
Biến chứng và tiên lượng
Dị ứng phấn hoa không nguy hiểm, các triệu chứng thường nhẹ và dễ kiểm soát. Tuy nhiên tiếp xúc phấn hoa nhiều lần và dị ứng thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ hen suyễn hoặc làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh hen suyễn.
Điều trị
Phương pháp điều trị thường bao gồm dùng thuốc, tiêm phòng dị ứng và các biện pháp loại bỏ dị nguyên.
1. Điều trị bằng thuốc
Những thuốc được dùng khi chữa bệnh dị ứng phấn hoa:
- Thuốc kháng histamin: Thuốc này giúp giảm các triệu chứng bằng cách ức chế những phản ứng do histamin gây ra. Cụ thể như các phản ứng viêm, ngứa và hắt hơi.
- Thuốc thông mũi: Một loại thuốc thông mũi như Pseudoephedrine (Sudafed) được dùng để giảm ngứa mũi, sổ mũi và nghẹt mũi.
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được sử dụng kết hợp thuốc kháng histamin và thuốc thông mũi để điều trị những triệu chứng nghiêm trọng hơn.
2. Chích ngừa dị ứng
Nếu không có đáp ứng tốt với thuốc, người bệnh có thể được yêu cầu chích ngừa dị ứng để giảm bớt các triệu chứng. Trong đó bệnh nhân được tiêm phòng dị ứng với một lượng nhỏ chất gây dị ứng vài tuần 1 lần.
Sau vài tháng chích ngừa dị ứng, cơ thể sẽ quen với việc kích hoạt khi gặp phấn hoa, những triệu chứng sẽ nhanh chóng thuyên giảm.
3. Biện pháp khắc phục tại nhà
Có nhiều biện pháp chăm sóc tại nhà giúp giảm triệu chứng, cụ thể:
- Rửa mũi
Dùng nước muối sinh lý để rửa mũi. Biện pháp này giúp làm sạch đường thở và xoang, kháng viêm, chống nhiễm trùng. Ngoài ra rửa mũi bằng nước muối còn giúp thúc đẩy loại bỏ chất gây dị ứng và giảm các triệu chứng.
- Dùng máy điều hòa không khí có bộ lọc HEPA
Hãy sử dụng máy điều hòa không khí có bộ lọc HEPA để giảm bớt nguy cơ tiếp xúc phấn hoa trong khi điều trị.Thiết bị này giúp làm sạch không khí, loại bỏ tác nhân dị ứng. Máy điều hòa không khí có bộ lọc HEPA nên được dùng để thay thế cho việc mở cửa sổ.
- Tránh tiếp xúc phấn hoa
Tránh tiếp xúc phấn hoa để ngăn những triệu chứng thêm nghiêm trọng. Điều này có thể được thực hiện bằng cách:
-
- Tránh phơi đồ giặt trên dây ở nơi có nhiều cây cỏ. Tốt nhất nên sử dụng máy sấy.
- Nếu ra ngoài, hãy tắm, gội đầu và mặc quần áo mới trước khi đi ngủ.
- Thường xuyên tắm thú cung, không cho thú cưng vào phòng ngủ nếu chúng ở ngoài trời.
- Giặt sạch những bộ quần áo khi chúng được mặc để ra ngoài.
- Nên dùng điều hòa không khí trong nhà và trong xe hơi.
- Thường xuyên hút bụi và giặt sạch ga trải giường.
Phòng ngừa
Bệnh dị ứng phấn hoa thường xảy ra theo mùa. Một số người có thể bị dị ứng quanh năm. Để giảm nguy cơ dị ứng và ngăn đợt bùng phát, hãy áp dụng những biện pháp dưới đây:
- Tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng. Không trồng hoa và cây cỏ trong nhà.
- Ở trong nhà vào những ngày nhiều gió và khô ráo.
- Giặt sạch quần áo sau khi ra ngoài. Ngoài ra nên tắm, gội đầu và thay quần áo trước khi đi ngủ.
- Nên đeo khẩu trang hoặc mặt nạ chống bụi vào những thời điểm có lượng phấn hoa cao. Ngoài ra bạn có thể đội mũ để giữ phấn hoa khỏi tóc hoặc đeo kính râm để bảo vệ mắt.
- Đóng kín tất cả các cửa hoặc cửa sổ khi có số lượng phấn hoa cao. Tốt nhất nên dùng máy lọc không khí để loại bỏ tác nhân gây dị ứng trong không khí.
- Tránh phơi quần áo ở những nơi có nhiều phấn hoa.
- Tránh tiếp xúc hoặc không cho thú cưng vào phòng nếu chúng được đi lại tự do ở ngoài sân.
- Thiết lập ứng dụng hoặc một phần mềm giúp đo lượng phấn hoa trong khu vực.
- Khi số lượng phấn hoa cao, người có tiền sử dị ứng có thể uống thuốc trước khi nhận thấy các triệu chứng. Điều này giúp ngăn các triệu chứng bắt đầu.
- Không trồng những loại hoa và cây cỏ có khả năng gây dị ứng cao.
- Hạn chế chăm sóc vườn.
- Thường xuyên hút bụi, vệ sinh nhà cửa, đệm, gối, ga, chăn ít nhất 1 lần/ tuần.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị dị ứng với loại phấn hoa nào?
2. Những triệu chứng của tôi có tự khỏi không?
3. Phương pháp điều trị nào hiệu quả và thường được đề nghị?
4. Dùng thuốc có ngăn các triệu chứng tái phát không?
5. Những điều cần tránh khi tôi bị dị ứng?
6. Có những cách chăm sóc nào giúp triệu chứng mau khỏi?
7. Những rủi ro khi dùng thuốc kéo dài là gì?
Bệnh dị ứng phấn hoa thường không nguy hiểm. Những triệu chứng của bệnh gây khó chịu những không quá nghiêm trọng, có thể được kiểm soát nhanh bằng một số biện pháp. Tuy nhiên cần tránh tiếp xúc với tác nhân. Dị ứng thường xuyên hoặc liên tục có thể gây ra những tình trạng nghiêm trọng hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!