Dị Ứng Trứng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Dị ứng trứng là loại dị ứng thực phẩm thường gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Khi bị dị ứng, protein trong trứng được xác định nhầm thành chất có hại. Điều này khiến phản ứng dị ứng xảy ra với những triệu chứng nghiêm trọng.

Tổng quan

Dị ứng trứng là phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với protein trong trứng. Hầu hết các trường hợp phản ứng với trứng gà nhưng cũng có thể là trứng vịt hoặc ngỗng.

Dị ứng trứng
Dị ứng trứng là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với protein trong trứng

Bệnh xảy ra khi có sự nhầm lẫn giữa chất vô hại (protein của trứng) và chất gây hại của hệ thống miễn dịch. Điều này gây ra phản ứng dị ứng ở dạng phát ban đỏ và ngứa.

Những triệu chứng thường phát triển nhanh, trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn trứng hoặc những thực phẩm chứa trứng. Đôi khi sốc phản vệ xảy ra ở trường hợp nặng. Đây là một phản ứng nguy hiểm có khả năng de dọa đến tính mạng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Dị ứng trứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với các protein có trong trứng. Thông thường hệ thống này sản sinh kháng thể (các protein) chống lại tác nhân gây bệnh từ môi trường khi chúng xâm nhập (như vi khuẩn và virus).

Ở những người quá mẫn cảm, hệ miễn dịch sản sinh kháng thể chống lại chất vô hại là protein của trứng (còn được gọi là chất dị ứng). Những kháng thể này điều hòa chất gây dị ứng trong lần đầu tiên, báo hiệu hệ miễn dịch tạo ra các histamin trong lần tiếp xúc tiếp theo.

Histamin gây viêm và phản ứng dị ứng. Từ đó làm xuất hiện những tổn thương ở dạng phát ban đỏ và ngứa. Phản ứng có thể được kích hoạt sau khi tiêu thụ một lượng nhỏ trứng hoặc thực phẩm chứa trứng (như bánh ngọt).

Những người bị dị ứng với trứng gà có thể ăn những loại trứng khác. Tuy nhiên nhiều trường hợp có thể dị ứng đồng thời trứng gà, vịt, ngỗng và gà tây.

Những yếu tố rủi ro của bệnh:

  • Viêm da dị ứng: Bệnh lý này tăng khả năng dị ứng với thực phẩm.
  • Di truyền: Những trẻ sinh ra trong gia định bị dị ứng thực phẩm, hen suyễn hoặc một loại dị ứng khác sẽ có nhiều khả năng dị ứng trứng hơn.
  • Tuổi: Bệnh thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên người lớn cũng có nguy cơ.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng có thể xảy ra sau khi thụ protein từ lòng trắng hoặc lòng đỏ trứng gà. Tuy nhiên dị ứng lòng trắng thường phổ biến hơn.

Các triệu chứng bao gồm:

Viêm da hoặc phát ban
Dị ứng trứng thường gây viêm da hoặc phát ban ở dạng nốt sẩn đỏ, đau bụng, buồn nôn và nôn

  • Viêm da hoặc phát ban (triệu chứng phổ biến nhất)
  • Sổ mũi
  • Nghẹt mũi
  • Hắt hơi
  • Buồn nôn và nôn
  • Chuột rút ở bụng
  • Xuất hiện những triệu chứng hen suyễn
    • Thở khò khè
    • Ho
    • Tức ngực hoặc khó thở

Những người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc phản vệ. Tình trạng này đe dọa đến tính mạng và gây ra những triệu chứng dưới đây:

  • Co thắt đường thở (sưng họng hoặc có khối u trong cổ họng) dẫn đến khó thở
  • Mạch nhanh
  • Đau bụng hoặc chuột rút
  • Sốc, tụt huyết áp nghiêm trọng dẫn đến choáng váng và mất ý thức

Để chẩn đoán dị ứng trứng, những bước dưới đây sẽ được thực hiện:

  • Kiểm tra lâm sàng: Bao gồm kiểm tra triệu chứng, tiền sử dị ứng của bản thân và gia đình.
  • Test lẩy da: Da được chích và tiếp xúc với lượng nhỏ chất gây dị ứng (protein trong trứng). Khi bị dị ứng, vùng da tiếp xúc sẽ xuất hiện những triệu chứng của phản ứng dị ứng ở dạng vết sưng.
  • Thử nghiệm thức ăn: Ăn một lượng nhỏ trứng để kiểm tra phản ứng của cơ thể. Nếu có phản ứng dị ứng, các triệu chứng sẽ được xử lý nhanh bởi bác sĩ chuyên khoa. Không thực hiện thử nghiệm tại nhà.
  • Xét nghiệm máu: Phân tích mẫu máu có thể đo lường phản ứng miễn dịch với những chất trong trứng.

Biến chứng và tiên lượng

Dị ứng trứng có thể dẫn đến sốc phản vệ và đe dọa đến tính mạng. Những trường hợp này cần tiêm epinephrine và điều trị khẩn cấp.

Sốc phản vệ và gây tử vong
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng với trứng có thể dẫn đến sốc phản vệ và gây tử vong ở người bệnh

Ngoài ra dị ứng trứng cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số loại dị ứng khác, bao gồm:

  • Dị ứng thú cưng
  • Viêm da dị ứng
  • Hen suyễn
  • Dị ứng một loại thực phẩm khác như đậu phộng, hải sản...
  • Dị ứng phấn hoa

Những trường hợp nhẹ thường có những triệu chứng được kiểm soát nhanh bằng các thuốc trị dị ứng.

Điều trị

Dựa vào mức độ nặng nhẹ, những phương pháp điều trị sau sẽ được chỉ định:

1. Tránh

Trước khi áp dụng những phương pháp khác, người bệnh cần tránh tiêu thụ trứng. Đây là cách tốt nhất để phòng ngừa và ngăn các triệu chứng thêm nghiêm trọng.

Ở những trường hợp nhẹ, các triệu chứng có thể thuyên giảm sau vài ngày không tiêu thụ protein từ trứng. Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị dị ứng trứng có thể tiêu thụ thức ăn có trứng nấu kỹ (như đồ nướng).

2. Thuốc

Cần sử dụng thuốc nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài. Các thuốc được dùng khi dị ứng trứng:

  • Thuốc kháng histamine: Thuốc kháng histamine đường uống được dùng để ngăn sản xuất histamin của hệ miễn dịch và giảm các phản ứng của hóa chất này. Từ đó giúp giảm nhanh các triệu chứng. Thuốc kháng histamine thường được chỉ định cho trường hợp nhẹ, có triệu chứng mới phát.
  • Tiêm epinephrine khẩn cấp: Nếu có sốc phản vệ, bệnh nhân sẽ được tiêm epinephrine khẩn cấp. Thuốc này giúp điều trị những triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng, chẳng hạn như tụt huyết áp. Sau khi tiêm thuốc, bệnh nhân cần được cấp cứu và theo dõi tại bệnh viện. Epinephrine cần được tiêm ngay khi có những dấu hiệu của sốc phản vệ. Thuốc có thể được tiêm ở nhà bằng ống tiêm tự động.

Tiêm epinephrine khẩn cấp
Tiêm epinephrine khẩn cấp khi dị ứng trứng gây sốc phản vệ, de dọa đến tính mạng

Phòng ngừa

Nhiều biện pháp có thể giúp phòng ngừa dị ứng trứng và ngăn tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Cụ thể:

  • Tránh tiêu thụ protein của trứng.
  • Thận trọng khi đi ăn ngoài, nên đọc kỹ nhãn thực phẩm.
  • Thông báo với người thân hoặc người chăm sóc trẻ ở trường nếu trẻ bị dị ứng trứng.
  • Không nên dùng trứng khi cho con bú. Điều này có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng nếu trẻ bị dị ứng trứng.
  • Một số loại vắc xin có chứa protein trứng. Vì vậy cần thông báo tình trạng sức khỏe với bác sĩ trước khi tiêm những mũi tiêm dưới đây:
    • Vắc xin sởi-quai bị-rubella (MMR)
    • Vắc-xin cúm (cúm)
    • Vắc-xin sốt vàng da

Tránh tiêu thụ protein của trứng.
Tránh tiêu thụ protein của trứng là cách tốt nhất để phòng ngừa dị ứng trứng

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phản ứng này xảy ra do đâu?

2. Tôi có cần kiêng trứng hoàn toàn không? Có thể ăn những thực phẩm chứa trứng?

3. Phương pháp nào hữu hiệu nhất cho tình trạng của tôi?

4. Tôi có cần thực hiện một chế độ ăn kiêng khi điều trị?

5. Tình trạng của tôi có thể tự khỏi không?

6. Quá trình điều trị kéo dài bao lâu?

7. Có những rủi ro nào khi dùng thuốc kéo dài?

Dị ứng trứng là một bệnh dị ứng thực phẩm thường gặp, xảy ra phổ biến hơn ở trẻ em. Tình trạng này gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng. Trường hợp nặng có thể bị sốc phản vệ và đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, người bệnh cần được điều trị ngay lập tức khi có dấu hiệu của dị ứng trứng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *