Bệnh Đồi Mồi

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Đồi mồi là những vùng da nhỏ bị tăng sắc tố, sậm màu hơn so với da xung quanh. Tình trạng này thường tập trung ở những vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tổng quan

Đồi mồi là những vùng da nhỏ bị tăng sắc tố, thường xuất hiện ở dạng đốm tròn hoặc bầu dục, có màu nâu, màu đen hoặc màu xám. Những đốm này không nổi lên mà phẳng trên bề mặt da, kích thước từ 0.5 - 2.5cm.

Đồi mồi
Đồi mồi là thuật ngữ chỉ những vùng da nhỏ bị tăng sắc tố, phẳng trên bề mặt da

Những đốm đồi mồi có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên chúng sẽ tập trung ở những vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như mặt, ngực, vai, tay và chân.

Đồi mồi thường xuất hiện ở những người có độ tuổi trên 40. Tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Theo thời gian, da bị lão hóa, những đốm đồi mồi xuất hiện nhiều hơn, màu sắc đậm và tăng kích thước.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bên dưới lớp biểu bì, những tế bào melanocyte sản xuất melanin với lượng vừa đủ. Trong đó melanin là sắc tố quyết định màu da, tóc và mắt.

Khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời hoặc có rối loạn bên trong, nồng độ melanin tăng cao. Chúng có thể tập trung ở nhiều vùng da tạo nên đồi mồi.

Những nguyên nhân làm tăng melanin và gây bệnh đồi mồi gồm:

  • Chứng tăng sắc tố da

Bệnh đồi mồi thường liên quan đến chứng tăng sắc tố da. Thông thường những sắc tố tự nhiên nằm trong da được sản sinh với lượng phù hợp.

Tuy nhiên ở những người bị tăng sắc tố da, melanin được sản sinh nhiều hơn khiến da không đều màu, nhiều đốm sậm màu xuất hiện rải rác.

Chứng tăng sắc tố da thường gặp ở những người tiếp xúc nhiều với tia UV, ánh sáng mặt trời, di truyền và quá trình lão hóa theo thời gian. Ngoài ra bệnh cũng có thể liên quan đến một số tình trạng viêm và tổn thương da.

  • Tiếp xúc tia UV trong ánh sáng mặt trời

Tiếp xúc tia UV trong ánh sáng mặt trời là nguyên nhân phổ biến gây ra những nốt đồi mồi. Khi tiếp xúc, tia UV tạo nên quá trình peroxy hóa lipid màng tế bào. Điều này làm sản sinh nhiều gốc tự do, kích thích tế bào melanocyte tăng sản xuất melanin dẫn đến dư thừa.

Khi khả năng đào thải của da suy yếu, melanin tích tụ trên da tạo nên những đốt màu nâu hoặc đen (được gọi là đồi mồi).

Tiếp xúc tia UV trong ánh sáng mặt trời
Tiếp xúc tia UV trong ánh sáng mặt trời làm tăng sản sinh các gốc tự do và melanin, tạo những nốt đồi mồi

  • Lão hóa

Tương tự như những cơ quan thải độc trong cơ thể, da bị lão hóa theo thời gian. Điều này khiến da không ẩm mượt và căng bóng, giảm khả năng đào thải melanin. Theo thời gian melanin tích tụ hình thành nhiều đốm sẫm màu trên da.

  • Không có biện pháp bảo vệ da

Những người không sử dụng kem chống nắng và không che chắn khi ra ngoài sẽ có nguy cơ hình thành những nốt đồi mồi hơn.

  • Thuốc

Một số loại thuốc có khả năng làm tăng mức độ nhạy cảm của da đối với ánh sáng, chẳng hạn như Tetracyclin, Sulfamid, Doxycyclin... Khi sử dụng những loại thuốc này khiến da dễ tổn thương, dễ sạm nám và hình thành những đốm nâu trên da.

  • Mỹ phẩm

Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp hoặc lạm dụng có thể tăng độ nhạy cảm do làn da với ánh sáng. Điều này khiến da bị kích ứng hoặc có nhiều đốm nâu hơn.

Ngoài ra một số sản phẩm có khả năng làm mỏng da, thường được dùng trong điều trị mụn. Những sản phẩm này sẽ khiến làn da trở nên nhạy cảm và dễ tổn thương trước ánh sáng.

  • Rối loạn nội tiết tố

Đồi mồi thường gặp ở những người bị rối loạn nội tiết tố khi mang thai, căng thẳng quá mức, sử dụng liệu pháp hormone (thuốc tránh thai / thuốc nội tiết)... Rối loạn nội tiết tố gây rối loạn hoặc tăng quá trình melanin dẫn đến dư thừa. Sắc tố này tích tụ và hình thành nhiều đốm sẫm màu trên da.

Rối loạn nội tiết tố khi mang thai
Rối loạn nội tiết tố khi mang thai làm tăng quá trình melanin, hình thành nhiều đốm sẫm màu trên da

  • Di truyền

Đồi mồi thường xảy ra sớm hơn ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh.

  • Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ

Ăn uống không đủ chất, thiếu hụt vitamin và chất chống oxy hóa khiến da bị lão hóa nhanh hơn, thúc đẩy sản xuất melanin khiến những nốt sẫm màu xuất hiện.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của đồi mồi gồm:

  • Những mảng da tối màu (nâu nhạt đến đen) và phẳng trên da
  • Đốm sẫm màu có kích thước nhỏ, khoảng 0.5 - 2.5cm

Những đốm đồi mồi có xuất hiện rải rác ở nhiều vị trí hoặc tập trung ở một vùng. Chúng thường xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như:

  • Mặt
  • Tay (mu bàn tay, cánh tay)
  • Vai
  • Chân
  • Ngực

Những mảng da tối màu có kích thước nhỏ thường tập trung ở mặt, tay
Những mảng da tối màu có kích thước nhỏ thường tập trung ở mặt, tay, chân, vùng ngực

Thông thường kiểm tra triệu chứng có thể giúp xác định tình trạng, không cần thực hiện những xét nghiệm khác.

Tuy nhiên nếu đốm sắc tố tăng dần về số lượng và kích thước, chảy máu, có dấu hiệu đau hoặc ngứa ngáy, người bệnh sẽ được soi da hoặc sinh thiết da để phân biệt với những tình trạng nguy hiểm.

Biến chứng và tiên lượng

Đồi mồi là tình trạng lành tính, không đáng lo ngại do không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên tình trạng xuất hiện trên mặt, mu bàn tay, ngực... làm mất tính thẩm mỹ và ảnh hưởng đến tâm lý.

Mặc dù hiếm gặp nhưng một vài dạng đồi mồi có sự tăng trưởng nhanh về số lượng và kích thước, màu sắc đồi mồi thay đổi hoặc mất thường, ngứa rát, đau, chảy máu. Tình trạng này cần được thăm khám sớm vì có thể là biểu hiện của ung thư da.

Điều trị

Điều trị đồi mồi thường nhằm vào mục đích làm nhạt màu hoặc làm mất những nốt sẫm màu trên da. Từ đó cải thiện tính thẩm mỹ cho người bệnh.

Dưới đây là những phương pháp được áp dụng phổ biến:

1. Tẩy da hóa học với AHA

Phương pháp này sử dụng AHA (alpha hydroxy acid) để thúc đẩy quá trình loại bỏ tế bào da chết, cải thiện sắc tố và làm đều màu da.

Ngoài ra sử dụng AHA còn giúp tăng cường độ ẩm, thúc đẩy quá trình tái tạo da mới. Từ đó giúp trẻ hóa làn da. AHA có các phân tử nhỏ, nhanh chóng xâm nhập vào bề mặt da khi sử dụng. Khi dùng sẽ có dấu hiệu bong da nhẹ.

2. Liệu pháp Laser YAG

Liệu pháp Laser YAG sử dụng tia laser để loại bỏ những đốm đồi mồi. Trong đó những tia laser có bước sóng năng lượng cao và kích thước siêu nhỏ sẽ tác động nhẹ nhàng vào những vị trí cần điều trị. Từ đó loại bỏ những sắc tố ở lớp sâu (mô đồi mồi) nhưng không khiến da bị tổn thương, không bị đau hoặc chảy máu.

Sau điều trị, những vùng da bệnh trở nên đều màu, săn chắc và bóng mượt hơn. Người bệnh cần áp dụng thêm những biện pháp chăm sóc da để tăng hiệu quả.

Liệu pháp Laser YAG
Liệu pháp Laser YAG sử dùng tia laser có bước sóng năng lượng cao để loại bỏ sắc tố ở lớp sâu

3. Chiếu năng lượng IPL

Trong phương pháp này, năng lượng từ thiết bị IPL được sử dụng để tác động lên vùng da bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn.

Khi áp dụng, năng lượng xuyên qua kính lọc tạo ra những bước sóng tác động sâu vào trong da, hấp thu các sắc tố melanin. Điều này giúp loại bỏ mô đồi mồi, cải thiện sắc tố và làm đều màu da.

4. Liệu pháp áp lạnh

Liệu pháp áp lạnh có thể được chỉ định trong điều trị bệnh đồi mồi. Những đốm đồi mồi bị đông cứng sẽ trở nên đều màu da hơn sau khi lành lại.

Quá trình thực hiện thường diễn ra nhanh chóng. Sau khi áp dụng liệu pháp áp lạnh, vùng ảnh hưởng có thể nổi mẩn đỏ, phồng rộp hoặc sưng tấy kèm theo cảm giác đau nhẹ nhưng chỉ tạm thời.

5. Sử dụng sản phẩm chăm sóc da

Một số sản phẩm chăm sóc da có khả năng điều chỉnh sắc tố da. Những sản phẩm này thường chứa dẫn xuất vitamin C, Glycolic acid và những hoạt chất khác. Các chất tác động sâu trong da, loại bỏ mô đồi mồi. Từ đó làm đều màu da hiệu quả.

Các sản phẩm thường dùng gồm:

  • Dẫn xuất vitamin C: Những sản phẩm chứa dẫn xuất vitamin C có khả năng chống lão hóa, ngăn cản quá trình tăng sắc tố da. Từ đó làm đều màu da và giúp da khỏe hơn.
  • Kojic acid: Kojic acid được sản sinh từ quá trình lên men rượu gạo. Khi dùng, chất này có khả năng ức chế quá trình sản sinh melanin. Từ đó giúp điều chỉnh sắc tố da, giảm những đốm đồi mồi và làm sáng da.
  • Glycolic acid: Những sản phẩm chứa Glycolic acid có khả năng giảm tăng sắc tố bằng cách ức chế hoạt động sản sinh melanin của tế bào melanocyte. Điều này giúp da sáng và đều màu hơn, loại bỏ nhanh những đốm sẫm màu trên da.
  • B-Resorcinol: Hoạt chất B-Resorcinol thường được tìm thấy trong những sản phẩm điều trị đồi mồi. Hoạt chất này có khả năng giảm sự sản sinh hắc sắc tố bằng cách ngăn quá trình hình thành hắc sắc tố của một loại enzym có tên tyrosinase. Từ đó giảm những đốm da tối màu, giúp da đều màu hơn.

Sử dụng kem dưỡng chứa B-Resorcinol
Sử dụng kem dưỡng chứa B-Resorcinol giúp giảm sự sản sinh hắc sắc tố, điều chỉnh sắc tố da

6. Chăm sóc da tại nhà

Bên cạnh những phương pháp điều trị chuyên sâu, người bệnh cần áp dụng những biện pháp chăm sóc da tại nhà. Điều này giúp giảm tăng sắc tố, hỗ trợ điều trị và ngăn phát triển thêm những nốt đồi mồi.

  • Bôi kem chống nắng: Bôi kem chống nắng hàng ngày giúp ngăn chặn quá trình tăng sắc tố da, tăng hiệu quả cho các điều trị. Nên dùng kem chống nắng phổ rộng, SPF > 30. Kem chống nắng nên được bôi lại mỗi 2 tiếng.
  • Che chắn kỹ lưỡng: Mặc áo dài tay, quần dài, đội mũ rộng vành để bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời. Không nên ra ngoài, không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào thời điểm nắng gắt.
  • Làm sạch da: Giữ cho da luôn sạch sẽ, vệ sinh da với sữa rửa mặt dịu nhẹ 2 lần/ ngày. Ngoài ra nên dùng kem dưỡng phù hợp để tăng độ ẩm và hàng rào bảo vệ cho làn da.
  • Bổ sung dinh dưỡng: Tăng cường bổ sung những loại vitamin có đặc tính chống oxy hóa như vitamin A, C, và E. Các vitamin thường được tìm thấy trong rau củ và trái cây (như cà chua, cà tím, các loại rau lá xanh, trái cây có múi, ớt chuông...). Ngoài ra nên ăn nhiều cá chứa omega-3, uống nhiều nước để giữ cho làn da luôn khỏe mạnh và chống lão hóa.
  • Dùng lô hội (nha đam): Lô hội chứa nhiều nước, giàu vitamin và chất chống oxy hóa, có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm. Khi dùng có thể làm dịu da, giảm ngứa và da cháy nắng. Đồng thời loại bỏ tế bào chết, thúc đẩy sự phát triển của những tế bào da khỏe mạnh. Từ đó giúp làm sáng, đều màu da, giảm những nốt sẫm màu. Khi dùng, thoa trực tiếp gel lô hội lên những vùng da có vết đồi mồi, thư giãn trong 30 phút và rửa sạch da với nước.

Phòng ngừa

Cần chăm sóc da đúng cách để phòng ngừa đồi mồi. Cụ thể:

Bôi kem chống nắng có SPF ít nhất 30 trước khi ra ngoài
Bôi kem chống nắng có SPF ít nhất 30 trước khi ra ngoài để bảo vệ làn da, phòng ngừa hình thành đồi mồi

  • Bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài khoảng 10 đến 20 phút. Lựa chọn sản phẩm có SPF ít nhất 30, phổ rộng. Bôi lại kem chống nắng khoảng 2 giờ 1 lần hoặc bôi thường xuyên hơn nếu đi bơi hoặc khi đổ nhiều mồ hôi.
  • Nên che chắn kỹ lưỡng khi ra ngoài, đội mũ rộng vành, mang khẩu trang, mặc quần dài và áo dài tay.
  • Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đặc biệt không nên tham gia vào những hoạt động ngoài trời khi trời nắng gắt (khoảng 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều).
  • Thực hiện những biện pháp chống lão hóa cho làn da:
    • Ngủ đủ giấc.
    • Uống nhiều nước mỗi ngày, khoảng 2 - 2,5 lít nước.
    • Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, những loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E, selen, axit béo omega-3.
    • Tập thể dục đều đặn, tối thiểu 30 phút / ngày.
  • Tránh sử dụng liệu pháp hormone, những loại thuốc có khả năng làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh sáng. Tham khảo ý kiến bác sĩ và chăm sóc da đúng cách khi sử dụng những loại thuốc này.
  • Lựa chọn mỹ phẩm phù hợp với da, không chứa những thành phần có khả năng gây kích ứng hoặc làm tăng độ nhạy cảm của da.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tình trạng nào gây ra những triệu chứng của tôi?

2. Loại thuốc / sản phẩm nào giúp điều trị đồi mồi hiệu quả?

3. Cách chăm sóc da khi bị đồi mồi là gì?

4. Điều gì có thể xảy ra nếu tôi không điều trị?

5. Tôi cần tránh những gì khi bị đồi mồi?

6. Có bao nhiêu lựa chọn đều trị? Chi phí?

7. Phương pháp chữa trị nào phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay?

Đồi mồi là một tình trạng da phổ biến ở người trên 40 tuổi, có thể được phòng ngừa và điều trị bằng nhiều biện pháp. Tình trạng này lành tính, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ nhưng không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu những đốm tăng sắc tố có kích thước lớn, gây đau, ngứa hoặc kèm theo những biểu hiện bất thường.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *