Đứt Gân
Đứt gân xảy ra khi gân (mô sợi gắn cơ với xương) bị đứt, thường liên quan đến tai nạn và chấn thương thể thao. Tình trạng này có thể dẫn đến đau dữ dội và tàn tật khi không được điều trị.
Tổng quan
Đứt gân là thuật ngữ chỉ tình trạng rách (đứt) một phần hoặc hoàn toàn mô sợi gắn cơ với xương, được gọi là gân. Tình trạng này gây đau đớn dữ dội, cần được điều trị y tế khẩn cấp để tránh gây tàn tật vĩnh viễn.
Gân là một sợi dây chắc khỏe, nối các cơ với xương. Lực tác dụng lên gân có thể cao gấp 5 lần so với trọng lượng cơ thể. Trong một số trường hợp, gân có thể bị đứt, thường do tai nạn và những hoạt động thể thao.
Ngoài ra một số tình trạng có thể khiến gân yếu và dễ bị đứt hơn, chẳng hạn như tiêm steroid vào gân, bệnh gút, cường cận giáp và những người có nhóm máu O.
Phân loại
Đứt gân được phân loại dựa trên khu vực bị ảnh hưởng. Có 4 khu vực phổ biến nhất, bao gồm:
- Đứt gân Achilles
Gân Achilles nằm ngay phía trên gót chân, nối cơ bắp chân với xương gót chân. Gân này có chức năng đẩy bàn chân, hướng bàn chân xuống dưới và kiễng chân khi bắt đầu đi hoặc chạy.
Gân Achilles có thể bị rách (đứt) một phần hoặc hoàn toàn. Chấn thương xảy ra khi có sự gia tăng đột ngột áp lực lên gân Achilles. Chẳng hạn như rơi từ độ cao, bước vào một cái lỗ hoặc đột ngột tăng cường độ chơi thể thao.
Triệu chứng phổ biến gồm:
-
- Nghe thấy tiếng bốp khi gân bị đứt
- Cảm giác đá vào chân
- Đau đớn thường nghiêm trọng
- Sưng gần gót chân
- Không có khả năng đẩy chân khi đi bộ hoặc uốn cong bàn chân xuống
- Không thể đứng trên gót chân bên chân bị ảnh hưởng
- Đứt gân bánh chè
Gân bánh chè được tạo thành từ một nhóm gồm 4 cơ kết hợp, nằm ngay phía trên xương bánh chè, thường được gọi là cơ tứ đầu. Nhóm cơ này có tác dụng kéo dài chân ở đầu gối, giúp đi lại, chạy và nhảy một cách linh hoạt.
Đứt gân bánh chè xảy ra khi có một lực rất mạnh kéo và làm rách gân. Điều này thường liên quan đến ngã hoặc va đập trực tiếp vào phía trước đầu gối, gập đầu gối và đặt bàn chân xuống khi tiếp đất từ một cú nhảy.
Các triệu chứng phổ biến:
-
- Bầm tím
- Có một vết lỏm dưới cùng của xương bánh chè nơi gân bánh chè bị rách
- Chuột rút
- Đau đầu gối
- Xương bánh chè không còn được neo vào ống chân mà di chuyển lên đùi
- Đi lại khó khăn, đầu gối khuỵu
- Đứt gân chóp xoay
Vòng bít xoay nằm ở vai, gồm 4 cơ hoạt động cùng nhau để xoay cánh tay, nâng cánh tay sang một bên và giữ cho vai không bị bật ra khỏi ổ cắm.
Tuy nhiên gân chóp xoay dễ bị rách (đứt) khi có chấn thương. Tình trạng này thường gặp ở những người chơi các môn thể thao đòi hỏi dạng vai và đưa tay qua đầu thường xuyên. Chấn thương cũng thường gặp ở những người bị thoái hóa gân chóp xoay.
Những triệu chứng thường gặp gồm:
-
- Đau vai
- Yếu cánh tay
- Không thể giơ tay lên đầu hoặc có thể giơ tay lên đầu nhưng tay rơi đột ngột khi hạ xuống (nghiệm pháp rơi cánh tay)
- Đứt gân cơ nhị đầu
Cơ nhị đầu gồm hai gân, một gân bám vào xương mỏm cùng vai và một gân bám vào xương quay ở khuỷu tay. Gân cơ nhị đầu có chức năng hỗ trợ cánh tay gập, duỗi và xoay trong một cách linh hoạt.
Tuy nhiên sử dụng cơ bắp quá mức hoặc lặp đi lặp lại một động tác có thể gây áp lực và làm rách gân cơ nhị đầu. Chấn thương cũng có thể xảy ra khi đột ngột vặn khuỷu tay hoặc vai, ngã chống tay với khuỷu tay dang rộng.
Đứt gân có thể ảnh hưởng đến cơ nhị đầu ở vai hoặc cơ nhị đầu cánh tay. Những triệu chứng phổ biến nhất gồm:
-
- Đau đớn, thường lan khắp cánh tay
- Sưng tấy bắp tay
- Bầm tím
- Nóng ấm tại vùng ảnh hưởng
- Lực cánh tay yếu
- Khó xoay cánh tay khi lòng bàn tay hướng lên trên hoặc xuống dưới.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Dưới đây là những nguyên nhân có thể gây đứt gân:
- Chấn thương trực tiếp: Va đập trực tiếp hoặc ngã mạnh có thể khiến gân bị kéo căng quá mức và đứt. Chẳng hạn như đập mạnh vào phía trước đầu gối.
- Tiếp đất từ một độ cao: Nhảy và tiếp đất với đầu gối gập và đặt bàn chân xuống có thể đẫn đến đứt gân bánh chè.
- Lão hóa: Khi bạn già đi, nguồn cung cấp máu đến gân giảm dần. Điều này khiến gân suy yếu, có thể dẫn đến rách gân khi đột ngột chuyển hướng, xoay, ngã hoặc lặp đi lặp lại chuyển động.
- Tải lệch tâm: Đứt gân có thể xảy ra khi cơ co lại trong khi đang bị kéo căng theo hướng ngược lại. Điều này khiến áp lực dồn lên gân dẫn đến rách.
- Tiêm steroid vào gân: Những trường hợp viêm gân nặng có thể được tiêm steroid vào gân để kiểm soát các triệu chứng. Tuy nhiên thuốc này có thể gây yếu gân và tăng nguy cơ bị đứt.
- Nâng tạ: Nâng tạ hoặc vật nặng từ 150 pound trở lên có thể dẫn đến chấn thương vỡ, đứt gân bắp tay.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ gồm:
- Kháng sinh: Một số thuốc kháng sinh như fluoroquinolones có thể làm yếu và tăng nguy cơ đứt gân.
- Vận động viên: Đứt gân thường gặp ở vận động viên hoặc những người thường xuyên chơi các môn thể thao cần ném, đột ngột cắt và chuyển hướng, dạng vai và đưa tay qua đầu thường xuyên.
- Bệnh lý: Một số tình trạng sứ khỏe có thể làm tăng nguy cơ đứt gân gồm bệnh gút, cường cận giáp và những người có nhóm máu O.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp của đứt gân gồm:
- Nghe thấy tiếp bốp ngay khi chấn thương xảy ra
- Đau dữ dội
- Bầm tím quanh vùng ảnh hưởng
- Cảm thấy yếu ớt
- Không có khả năng sử dụng tay hoặc chân bị ảnh hưởng
- Giảm phạm vi chuyển động hoặc không có khả năng di chuyển
- Không thể chịu trọng lượng
- Biến dạng ở vùng ảnh hưởng
Tùy thuộc vào vùng ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng, các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người. Nhiều trường hợp đau đớn dữ dội và tàn tật vĩnh viễn khi không được điều trị.
Để chẩn đoán đứt gân, bệnh nhân được kiểm tra chấn thương và khám sức khỏe kỹ lưỡng. Trong quá trình này, bác sĩ có thể quan sát và ấn nhẹ vùng ảnh hưởng.
Nếu có nghi ngờ đứt gân, một số thử nghiệm và xét nghiệm bổ sung sẽ được chỉ định nhằm xác định chẩn đoán và đánh giá tổn thương.
- Chụp X-quang: Mặc dù không thể kiểm tra gân nhưng chụp X-quang có thể loại trừ gãy xương. Ngoài ra X-quang đầu gối có thể cho thấy xương bánh chè thấp hoặc cao hơn vị trí bình thường do gân bánh chè bị đứt.
- Siêu âm: Siêu âm giúp kiểm tra gân và cơ ở vùng ảnh hưởng, phát hiện và đánh giá vết rách trên gân.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh đa chiều và chi tiết của mô mềm trong cơ thể, cho biết đứt gân có thể là một phần hoặc toàn bộ.
- Nghiệm pháp Thompson: Thử nghiệm này thường được dùng để kiểm tra gân gót chân. Trong nghiệm pháp Thompson, bệnh nhân được yêu cầu nằm hoặc quỳ trên bàn, đưa chân qua mép bàn. Sau đó bóp mạnh hai bắp chân để kiểm tra. Nghiệm pháp này được coi là dương tính nếu không có cử động nào ở cổ chân (duỗi cổ chân). Từ đó xác định đứt gân Achilles.
Biến chứng và tiên lượng
Đứt gân có thể gây tàn tật vĩnh viễn nếu không được chữa trị. Khi được điều trị thích hợp, gân bị đứt có thể phục hồi hoàn toàn, người bệnh lấy lại khả năng vận động và sức mạnh.
Phẫu thuật sửa chữa gân thường là lựa chọn tốt nhất cho những người năng động và trẻ tuổi. Hầu hết mọi người có thể chịu được khoảng 50% trọng lượng sau 2 - 4 tuần, chịu được toàn bộ trọng lượng cơ thể sau khoảng 4 - 6 tuần. Tuy nhiên mất từ 4 - 6 tháng để phục hồi hoàn toàn và hoạt động thể chất bình thường.
Điều trị
Điều trị dựa trên mức độ nghiêm trọng và gân bị ảnh hưởng. Trong điều trị rách gân, các phương pháp được chỉ định phổ biến gồm:
1. Phẫu thuật
Hầu hết bệnh nhân được phẫu thuật để sửa chữa một hoặc nhiều gân bị đứt gây mất chuyển động bình thường của tay hoặc chân. Trước khi thực hiện, bệnh nhân được chụp X-quang vùng ảnh hưởng, xem xét có gãy xương đi kèm hay không. Từ đó định hướng sửa chữa phối hợp.
Phẫu thuật nối gân thường được coi là phẫu thuật khẩn cấp, cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Việc trì hoãn phẫu thuật có thể tạo ra nhiều vết sẹo ở phần cuối của gân, tăng nguy cơ tàn tật hoặc hạn chế phạm vi cử động.
Tùy thuộc vào tình trạng vết thương, vắc-xin uốn ván được tiêm vào cơ thể, đồng thời kết hợp dùng thuốc kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng. Trong quy trình phẫu thuật, bác sĩ làm sạch vết thương hoàn toàn. Sau đó nối hai đầu gân đứt lại với nhau bằng các mũi khâu.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân được ghép gân. Kỹ thuật này được chỉ định cho những người không thể gắn hai đầu gân bị đứt do các đầu gân quá sờn. Khi thực hiện thủ thuật, gân hỏng được thay thế bằng gân khỏe mạnh được tách từ một vị trí khác.
Sau cấy ghép xương, vết mổ được đóng lại bằng mũi khâu. Ngoài ra người bệnh sẽ được mang một thanh nẹp cứng để nâng đỡ và bảo vệ chi ảnh hưởng.
2. Điều trị không phẫu thuật
Các phương pháp không phẫu thuật chỉ được chỉ định cho những trường hợp có vết rách rất nhỏ, có khả năng lành lại sau khi nghỉ ngơi và phục hồi.
Các phương pháp thường được chỉ định gồm:
- Phác đồ RICE
Phác đồ RICE gồm nghỉ ngơi, chườm đá, nén và nâng cao cần được thực hiện ngay sau khi chấn thương xảy ra. Điều này sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng của đứt gân.
-
- Nghỉ ngơi: Tránh đặt trọng lượng hoặc thực hiện các hoạt động gân căng thẳng lên chi ảnh hưởng. Tốt nhất nên dừng mọi hoạt sau đứt gân, nghỉ ngơi để gân có thể lành lại, giảm đau và tránh tổn thương thêm.
- Chườm đá: Dùng khăn bông bọc một vài viên đá lạnh và đặt lên vùng bị thương, giữ trong 20 phút. Biện pháp này giúp co mạch, giảm tích tụ chất lỏng và gây tê. Từ đó giảm sưng và đau hiệu quả. Chườm lạnh nên được thực hiện mỗi 3 - 4 tiếng/ lần.
- Nén: Khi bị dứt gân, dùng băng thun quấn quanh vùng tổn thương để nén. Phương pháp này có thể giúp ngăn ngừa sưng tấy thêm.
- Nâng cao: Đặt chi ảnh hưởng cao hơn mức tim. Biện pháp này giúp giảm sưng bằng cách giảm tích tụ chất lỏng.
- Cố định
Bệnh nhân được khuyên đeo nẹp để cố định và bảo vệ vùng ảnh hưởng, giữ cho chi ở tư thế thích hợp và gân mau lành. Dựa vào vị trí tổn thương và tốc độ lành lại, người bệnh có thể cần phải đeo nẹp từ 3 - 6 tuần.
- Thuốc
Một số thuốc sẽ được sử dụng để giảm đau sau đứt gân.
-
- Acetaminophen: Thuốc này có tác dụng giảm đau và hạ sốt, được dùng cho những trường hợp đau nhẹ.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID chẳng hạn như Ibuprofen được dùng để giảm sưng và đau. Thuốc có tác dụng điều trị viêm (sưng), giảm đau và hạ sốt.
- Vật lý trị liệu
Bệnh nhân bắt đầu vật lý trị liệu khi cơn đau và sưng đã giảm. Những bài tập cụ thể có thể giúp tăng phạm vi chuyển động, lấy lại sức mạnh và khả năng vận động của gân ảnh hưởng, ngay cả khi có phẫu thuật hay không.
Trong khi đang đeo nẹp, chuyên gia vật lý trị liệu có thể đề nghị những bài tập tác động nhẹ, giúp tăng cường các cơ ảnh hưởng. Sau khi tháo nẹp, bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập tăng cường sức mạnh với phạm vi chuyển động lớn hơn. Vật lý trị liệu thường kéo dài trong vài tháng để gân ảnh hưởng có thể phục hồi hoàn toàn.
Phòng ngừa
Đứt gân có thể được ngăn ngừa bằng những cách dưới đây:
- Thực hiện các bài tập khởi động, giãn cơ nhẹ nhàng trước khi tập luyện hoặc thi đấu.
- Tăng dần cường độ luyện tập. Tuyệt đối không đột ngột tăng thời gian và cường độ luyện tập.
- Thường xuyên tập thể dục và kéo căng cơ để làm mạnh gân và cơ, tăng dẻo dai và gân chắc khỏe. Từ đó giảm nguy cơ đứt gân.
- Hạ nhiệt và giãn cơ sau khi thi đấu hoặc tập thể dục.
- Chơi thể thao, nhảy và tiếp đất đúng kỹ thuật để tránh gây chấn thương do gân.
- Thận trọng trong sinh hoạt, tránh va đập và vấp ngã.
- Không tự mình nâng vật quá nặng vì có thể dẫn đến chấn thương vỡ.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi có cần phẫu thuật để sửa chữa gân hay không?
2. Tôi cần đeo nẹp hoặc bó bột trong bao lâu?
3. Gân bị thương có thể phục hồi hoàn toàn hay không?
4. Khi nào tôi có thể bắt đầu chơi thể thao hoặc tập thể dục trở lại?
5. Sau khi chữa lành, tôi có nguy cơ bị rách gân một lần nữa hay không?
6. Làm gì để ngăn đứt gân tái phát?
7. Có những cách nào giúp tôi phục hồi nhanh?
Đứt gân được xem là một tình trạng y tế khẩn cấp, hầu hết trường hợp cần phải phẫu thuật càng sớm càng tốt. Việc trì hoãn điều trị có thể tăng nguy cơ dị tật. Vì vậy người bệnh cần nhận sự trợ giúp y tế ngay khi có chấn thương.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!