Đứt Gân Bánh Chè

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Đứt gân bánh chè là vết rách của gân nối xương bánh chè với xương chày. Chấn thương này thường do va đập mạnh hoặc ngã trên đầu gối. Gân bánh chè bị rách gây đau đớn đột ngột, sưng tấy và đi lại khó khăn.

Tổng quan

Đứt gân bánh chè là thuật ngữ chỉ tình trạng đứt gân nối xương bánh chè (chỏm đầu gối) với xương chày. Tình trạng này bao gồm đứt gân hoàn toàn hoặc một phần dẫn đến đau đớn đột ngột, đi lại khó khăn và giảm khả năng duỗi đầu gối.

Đứt gân bánh chè
Đứt gân bánh chè xảy ra khi đứt hoàn toàn hoặc một phần gân nối xương bánh chè với xương chày

Gân bánh chè còn được gọi là dây chằng bánh chè, gắn đáy xương bánh chè vào đầu xương ống chân (xương chày). Phía trên chỏm đầu gối, cơ tứ đầu thông qua gân cơ tứ đầu bám vào xương bánh chè. Hai gân này hoạt động cùng nhau để đầu gối có thể duỗi thẳng và uốn cong, cho phép chuyển động linh hoạt khi đi bộ và chạy bộ.

Tổn thương gân bánh chè thường do một lực rất mạnh khiến gân bị kéo căng quá mức và rách (đứt). Chẳng hạn như ngã trực tiếp trên đầu gối, tư thế không thích hợp khi tiếp đất từ một độ cao. Hầu hết mọi người có thể nghe được tiếng bốp khi chấn thương xảy ra.

Phân loại

Dựa vào vết rách trên gân, đứt gân bánh chè được phân thành hai loại, bao gồm:

  • Rách một phần gân: Gân bánh chè có nhiều vết rách nhưng không đứt hoàn toàn.
  • Rách gân hoàn toàn: Gân bánh chè bị đứt hoàn toàn, tách khỏi xương bánh chè. Chấn thương này khiến người bệnh không thể duỗi thẳng đầu gối.

Tổn thương gân bánh chè thường bao gồm một vết rách ở nơi gân bám vào xương bánh chè kèm theo gãy một mảnh xương. Nếu liên quan đến viêm gân, vết rách thường ở giữa gân.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cần một lực rất mạnh để gân bánh chè tách khỏi xương bánh chè. Tình trạng này thường do những nguyên nhân dưới đây:

  • Chấn thương đột ngột

Rách gân bánh chè thường do chấn thương đầu gối. Điều này thường gây ra những vết rách sâu kèm theo gãy xương bánh chè. Một số chấn thương có thể dẫn đến rách gân bánh chè gồm:

    • Nhảy: Đặt bàn chân xuống và gập đầu gối khi tiếp đất từ một cú nhảy hoặc nhảy lên có thể gây đứt dây chằng đầu gối.
    • Ngã: Vết rách hình thành khi tác động trực tiếp lên đầu gối, chẳng hạn như va đập mạnh hoặc ngã trên đầu gối.

Ngã trên đầu gối
Ngã trên đầu gối là nguyên nhân gây rách gân bánh chè phổ biến

  • Căng thẳng lặp đi lặp lại

Đứt gân bánh chè thường là kết quả của căng thẳng lặp đi lặp lại ở đầu gối kéo dài. Chẳng hạn như chạy đường dài, thường xuyên ngồi xổm, leo cầu thang... có thể hình thành những vết rách nhỏ trên gân, sau cùng gây đứt gân hoàn toàn.

  • Viêm gân bánh chè

Đứt gân bánh chè phổ biến hơn ở những người có gân bánh chè bị suy yếu, thường liên quan đến viêm gân bánh chè. Viêm gân gây yếu gân và hình thành những vết rách nhỏ trên gân.

Viêm gân bánh chè phổ biến nhất ở những người chơi các môn thể thao cần chạy và nhảy thường xuyên. Chẳng hạn như chạy điền kinh, chạy đường dài, bóng rổ, bóng chuyền... Tình trạng này còn được gọi là đầu gối của người nhảy. Đứt gân bánh chè do viêm gân thường có vết rách ở giữa gân bánh chè.

  • Tiêm corticosteroid và steroid đồng hóa

Tiêm corticosteroid trong điều trị viêm gân bánh chè hoặc sử dụng steroid đồng hóa có thể gây yếu gân và tăng nguy cơ rách gân.

  • Bệnh mãn tính

Một số bệnh lý dưới đây có thể làm gián đoạn việc cung cấp máu dẫn đến yếu gân.

    • Suy thận mãn tính
    • Cholesterol cao
    • Đái tháo đường
    • Bệnh chuyển hóa
    • Nhiễm trùng
    • Các bệnh viêm nhiễm như bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp...

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Trước 40 tuổi
  • Vận động viên hoặc những người thường xuyên chơi các môn thể thao cần chạy và nhảy nhiều, chẳng hạn như thể dục dụng cụ, bóng chuyền, bóng rổ, điền kinh, chạy đường dài
  • Thừa cân béo phì làm tăng thêm áp lực cho gân bánh chè
  • Lạm dụng corticosteroid đường uống (steroid)
  • Có tiền sử phẫu thuật đầu gối trước đây
  • Nhiễm trùng đầu gối nặng

Triệu chứng và chẩn đoán

Những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của đứt gân bánh chè gồm:

Đau đột ngột và dữ dội dưới xương bánh chè
Đau đột ngột và dữ dội dưới xương bánh chè, sưng tấy, bầm tím ở phía trước đầu gối

  • Có cảm giác bị rách gân, nghe thấy một âm thanh tách hoặc bật như tiếng bốp ngay khi bị chấn thương
  • Đau đột ngột và dữ dội dưới xương bánh chè
  • Đau nặng hơn khi thực hiện một số chuyển động nhất định như đi xuống cầu thang hoặc ngồi xổm
  • Bầm tím ở phía trước đầu gối
  • Sưng tấy
  • Xuất hiện một vết lõm ở dưới cùng của xương bánh chè
  • Dịu dàng
  • Có điểm mềm ở phía trước đầu gối
  • Chuột rút
  • Sờ thấy xương bánh chè di chuyển lên đùi do xương này không còn được neo vào xương ống chân
  • Cứng khớp, đi lại khó khăn
  • Đầu gối khuỵu
  • Không thể duỗi thẳng đầu gối hoặc không thể mở rộng đầu gối hoàn toàn chân.

Để tìm kiếm nguyên nhân gây đau và sưng tấy, bác sĩ kiểm tra sức khỏe chung, tiền sử bệnh và chấn thương. Ngoài ra bác sĩ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng đầu gối bằng cách quan sát, sờ hoặc ấn nhẹ, kiểm tra xem đầu gối duỗi thẳng tốt như thế nào. Điều này giúp đánh giá các triệu chứng và xác định nguyên nhân gây đau.

Thông thường các xét nghiệm bổ sung sẽ được thực hiện để xác nhận chẩn đoán. Cụ thể:

  • Chụp X-quang: Tia X cung cấp hình ảnh chi tiết về các xương, phát hiện mảnh xương gãy. Ngoài ra chụp X-quang đầu gối nhìn nghiêng có thể cho thấy xương bánh chè di chuyển ra khỏi vị trí bình thường do gân bánh chè bị rách.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI tạo ra hình ảnh mô mềm chi tiết hơn so với X-quang. Kỹ thuật này có thể cho thấy vết rách của gân bánh chè, hiển thị vị trí và số lượng gân bị rách. Ngoài ra chụp cộng hưởng từ có thể loại trừ một số tình trạng tương tự.

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết mọi người đều phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật sửa chữa gân bánh chè. Tuy nhiên một số trường hợp có thể bị suy nhược kéo dài ngay cả khi đã phẫu thuật thành công.

Để ngăn ngừa suy nhược và chấn thương tái phát, cần vật lý trị liệu tích cực, đảm bảo gân bánh chè đã phục hồi hoàn toàn trước khi trở lại thi đấu. Điều này thường mất khoảng 1 năm hoặc lâu hơn.

Nếu không được điều trị, đứt gân bánh chè có thể gây ra những vấn đề sau:

  • Ngăn đầu gối duỗi thẳng hoàn toàn
  • Yếu chi
  • Suy yếu cơ tứ đầu và mất khả năng vận động
  • Thay đổi dáng đi. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến những khớp khác khi dáng đi thay đổi.

Điều trị

Phương pháp điều trị cụ thể dựa vào loại, kích thước vết rách, mức độ hoạt động và tuổi tác. Đứt gân bánh chè với vết rách nhỏ có thể đáp ứng tốt với điều trị không phẫu. Trong khi rách hoàn toàn hầu như luôn phải phẫu thuật

1. Điều trị không phẫu thuật

Điều trị không phẫu thuật thường bao gồm những phương pháp dưới đây:

  • Bất động

Người bệnh được khuyên đeo nẹp hoặc cố định đầu gối trong vòng 3 - 6 tuần. Điều này giúp giữ cho đầu gối thẳng và gân mau lành. Cố định đầu gối cũng giúp hạn chế những chuyển động không cần thiết hoặc làm ảnh hưởng đến gân.

Bệnh nhân thường được hướng dẫn dùng nạng khi di chuyển. Điều này giúp tránh dồn toàn bộ trọng lượng lên chân bị thương, giảm áp lực cho đầu gối.

Cố định đầu gối trong vòng 3 - 6 tuần
Cố định đầu gối trong vòng 3 - 6 tuần để giữ cho đầu gối thẳng và gân mau lành

  • Vật lý trị liệu

Bệnh nhân bắt đầu vật lý trị liệu khi sưng và đau đã giảm. Trong khi đang đeo nẹp, chuyên gia có thể hướng dẫn các bài tập tăng cường cơ tứ đầu, chẳng hạn như bài tập nâng chân thẳng.

Sau đó, các bài tập co - duỗi nhẹ nhàng được thực hiện mà không cần nẹp. Khi gân bánh chè tốt hơn, các bài tập tăng cường sức mạnh dần được tích hợp vào quá trình phục hồi. Những bài tập này có thể giúp cải thiện phạm vi chuyển động và phục hồi sức mạnh của đầu gối.

Thường sau 3 - 4 tháng vật lý trị liệu, gân bị thương có thể lành lại hoàn toàn, người bệnh di chuyển tự do hơn với phạm vi chuyển động lớn hơn. Vận động viên có thể mất một năm hoặc lâu hơn để thi đấu và lấy lại phong độ như trước khi bị chấn thương.

  • Kiểm soát cơn đau

Thuốc và chườm đá có thể mang đến nhiều lợi ích trong việc kiểm soát cơn đau.

    • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Một loại NSAID như Advil (ibuprofen) và Aleve (naproxen) thường được chỉ định để giảm sưng và đau do đứt gân bánh chè. Nhóm thuốc này cũng giúp điều trị viêm hiệu quả.
    • Chườm đá: Chườm túi nước đá lên vùng bị đau trong 20 phút, 3 - 4 lần mỗi ngày. Biện pháp này có thể giúp giảm sưng và đau, ngăn tụ máu ở đầu gối bị ảnh hưởng.

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Gân bánh chè bị đứt hoàn toàn
  • Nhiều vết rách một phần trên gân không thể tự lành
  • Có gãy xương đi kèm, chẳng hạn như gãy xương bánh chè.

Một số kỹ thuật thường được áp dụng:

  • Nối gân bằng chỉ khâu

Phẫu thuật sửa chữa vết rách đơn giãn nhưng khó thực hiện. Để gắn lại gân, chỉ khâu được đặt vào gân bị rách, sau đó luồn chỉ khâu qua các lỗ khoan lần lượt từ dưới lên xương bánh chè. Các mũi khâu được buộc lại ở đầu xương bánh chè để phục hồi và tạo độ căng thích hợp cho gân, xương bánh khớp với vị trí trước chấn thương.

Nối gân bằng chỉ khâu
Nối gân bằng chỉ khâu giúp sửa chữa vết rách, phục hồi và tạo độ căng thích hợp cho gân

  • Sử dụng neo khâu

Đôi khi một thiết bị được gọi là neo khâu được sử dụng để nối gân với xương bánh chè. Những mỏ neo giúp gắn gân vào xương mà không cần khoan lỗ trên xương.

Nếu gân bị đứt mang theo một mảnh xương, bác sĩ tiến hành nối gân đứt và cố định mảnh xương gãy với xương chính. Điều này thường gây khó khăn trong việc duy trì độ căng thích hợp cho gân.

Để tăng hiệu quả cho việc sửa chữa, dây cáp hoặc chỉ khâu được dùng để giữ cố định xương bánh chè trong khi gân bánh chè lành lại. Những trường hợp này cần phải phẫu thuật lại để gỡ bỏ dây hoặc cáp.

  • Ghép mô

Rất khó để phẫu thuật gắn gân vào xương bánh chè nếu gân đã bị rút ngắn quá nhiều. Những trường hợp này sẽ được ghép mô để kéo dài và phục hồi gân bị thương. Mô ghép có thể được lấy từ một bộ phận khác của cơ thể hoặc sử dụng mô hiến tặng.

Mặc dù hiếm gặp nhưng phẫu thuật đứt gân bánh chè có thể gây ra một số biến chứng như yếu và mất chuyển động. Một số trường hợp có thể có gân rách lại sau phẫu thuật.

Sau thủ thuật, người bệnh được hướng dẫn dùng thuốc và chườm lạnh để giảm đau. Khi vết thương lành lại (khoảng 2 tuần sau thủ thuật), bệnh nhân được tháo chỉ khâu da hoặc ghim. Sau cùng vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.

Phòng ngừa

Nguy cơ đứt gân bánh chè có thể giảm khi áp dụng những biện pháp dưới đây:

Khởi động kỹ lưỡng trước khi luyện tập
Khởi động kỹ lưỡng trước khi luyện tập để làm nóng cơ thể, giảm nguy cơ đứt gân bánh chè

  • Tập thể dục thường xuyên. Các bài tập có thể giúp tăng cường cơ bắp, tăng dẻo dai và làm mạnh gân bánh chè.
  • Khởi động kỹ lưỡng, thực hiện các bài tập kéo giãn trước khi thi thi đấu và hoạt động thể chất. Điều này giúp làm nóng cơ thể, tăng sự dẻo dai cho gân - cơ. Đồng thời giảm nguy cơ đứt gân bánh chè.
  • Không ngã trên đầu gối.
  • Chơi thể thao đúng kỹ thuật.
  • Mặc đồ bảo hộ và thiết bị bảo vệ đầu gối khi chơi những môn thể thao tiếp xúc.
  • Không lặp đi lặp lại một chuyển động có thể gây căng thẳng cho đầu gối.
  • Hãy học cách tiếp đất khi nhảy để ngăn ngừa chấn thương. Không đặt bàn chân xuống và gập đầu gối khi tiếp đất.
  • Nếu chơi các môn thể thao đòi hỏi chạy và nhảy nhiều, hãy dành thời gian nghỉ ngơi giữa những buổi tập và thi đấu. Điều này giúp gân phục hồi và giảm nguy cơ chấn thương.
  • Corticosteroid và steroid đồng hóa chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không lạm dụng.
  • Bỏ thói quen hút thuốc lá có thể giảm nguy cơ đứt gân bánh chè.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị đứt gân bánh chè hay có một tình trạng nghiêm trọng khác?

2. Cần thực hiện những xét nghiệm nào?

3. Phương pháp điều trị nào phù hợp và hiệu quả?

4. Tôi có cần phẫu thuật nối gân hay không?

5. Có khả năng phục hồi hoàn toàn hay không?

6. Mất bao lâu để phục hồi và trở lại hoạt động thể chất?

7. Làm gì để ngăn ngừa rách gân tái lại.

Đứt gân bánh chè là một chấn thương phổ biến ở vận động viên. Gân bánh chè bị rách thường do va đập mạnh, ngã trên đầu gối và gân yếu. Tình trạng này cần được điều trị sớm để tránh bị tổn thương thêm, suy yếu gân và mất khả năng vận động ở đầu gối.