Gai Gót Chân
Gai gót chân xảy ra khi có sự tích tụ cặn canxi ở xương gót. Tình trạng này chủ yếu do tăng áp lực liên tục ở bàn chân hoặc viêm cân gan bàn chân. Gai xương phát triển có thể gây đau đớn, sưng nóng, ảnh hưởng đến khả năng đi lại.
Tổng quan
Gai gót chân là thuật ngữ chỉ phần xương (gai xương) phát triển từ xương gót chân (hay còn gọi là xương gót). Tình trạng này xảy ra khi có sự lắng đọng của canxi ở vị trí ảnh hưởng.
Khi có áp lực liên tục ở bàn chân, cặn canxi sẽ tích tụ ở phần dưới cùng của xương gót chân, tạo thành gai xương. Tình trạng này thường không gây ra triệu chứng, không ảnh hưởng đến cuộc sống, được phát hiện bằng X-quang.
Tuy nhiên tổn thương lặp đi lặp lại khiến các chất lắng đọng chồng chất lên nhau, tạo thành gai xương lớn và có hình dạng cựa. Những trường hợp này sẽ có cảm giác đau nhức âm ỉ (đặc biệt là khi đi lại), sưng nóng và sờ thấy gai xương qua da.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Gai gót chân xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Viêm cân gan chân: Gai gót chân thường là kết quả của viêm cân gan chân. Bệnh xảy ra khi có áp lực dồn lên dây chằng gan chân (mô liên kết nâng đỡ vòm bàn chân), khiến dây chằng này bị viêm và tích tụ cặn canxi ở gót chân.
- Căng cơ và dây chằng: Căng cơ và dây chằng trong thời gian dài làm mòn các mô mềm ở gót chân, rách màng bao bọc xương gót chân. Điều này làm tăng sự lắng đọng và tích tụ của chất vôi ở mặt dưới xương gót. Cuối cùng hình thành gai xương.
- Lão hóa: Quá trình lão hóa khiến gót chân bị tổn thương theo thời gian, các miếng đệm bắt đầu hao mòn và giảm khả năng hấp thụ sốc. Điều này làm tăng áp lực lên xương gót và các mô xung quanh, cặn canxi tích tụ và hình thành gai xương gót chân.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ của bệnh gồm:
- Vận động viên hoặc những người thường xuyên chơi thể thao
- Có công việc cần đứng lâu, thường xuyên mang giày cao gót, đi lại nhiều, tăng áp lực lên bàn chân
- Chấn thương gót chân
- Tuổi cao
- Thực hiện những hoạt động trên bề mặt cứng, chẳng hạn như đi bộ hoặc chạy bộ bằng chân đất
- Phụ nữ có nguy cơ cao hơn so với nam giới
- Mang giày không phù hợp
- Thừa cân béo phì làm tăng áp lực lên bàn chân
- Có các bệnh lý gồm:
- Tăng tiết xương vô căn lan tỏa
- Viêm cột sống dính khớp
- Viêm khớp phản ứng
- Viêm gân gót Achilles gây khó khăn trong việc duỗi chân và làm tăng nguy cơ tổn thương gan bàn chân
- Bàn chân bẹt.
Triệu chứng và chẩn đoán
Nếu gai xương nhỏ, người bệnh có thể chỉ cảm thấy khó chịu hoặc không có triệu chứng. Khi gai xương lớn hơn và có hình dạng cựa, người bệnh sẽ có những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:
- Đau nhức gót chân, thường đau âm ỉ suốt cả ngày
- Đau tăng sau một thời gian dài nghỉ ngơi hoặc nặng hơn sau khi thức dậy vào buổi sáng
- Không thể đặt trọng lượng lên gót chân bị ảnh hưởng một cách thoải mái
- Đi khập khiễng hoặc khó đi bằng chân trần
- Sưng nóng ở phía trước gót chân
- Gót chân nhô ra như có xương nhỏ, có thể nhìn thấy bằng mắt thường
Các hoạt động như chạy, đi bộ và nâng vật có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của tình trạng và các triệu chứng.
Khi thăm khám, bác sĩ có thể sờ nhẹ và quan sát gót chân, yêu cầu người bệnh mô tả triệu chứng và đi trên chân ảnh hưởng. Nếu có nghi ngờ gai gót chân, người bệnh được chụp X-quang xác định chẩn đoán. Kỹ thuật này giúp kiểm tra cấu trúc dày đặc gồm xương và gai xương.
Biến chứng và tiên lượng
Gai xương là một tình trạng lành tính, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên đau nhức âm ỉ do gai xương lớn khiến người bệnh khó chịu, đi lại khó khăn. Việc đi khập khiễng lâu ngày có thể dẫn đến dị tật vĩnh viễn và ảnh hưởng đến nhiều khớp xương khác.
Điều trị
Hầu hết các trường hợp được điều trị không phẫu thuật. Tuy nhiên nếu có gai gót chân lớn, phẫu thuật là cần thiết để loại bỏ gai xương và mô viêm.
1. Điều trị tại nhà
Những biện pháp dưới đây có thể ngăn gai xương phát triển và giảm bớt các triệu chứng.
- Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi đầy đủ giúp giảm nhẹ cơn đau cấp tính và giảm áp lực lên bàn chân. Tránh những hoạt động có thể khiến cơn đau và gai xương trở nên nghiêm trọng hơn.
- Mang giày phù hợp: Lựa chọn những đôi giày phù hợp, có miếng lót hỗ trợ vòm bàn chân. Những đôi giày giúp cải thiện cơn đau và người bệnh đi lại dễ dàng hơn.
- Chườm lạnh: Đặt túi nước đá lên gót chân tối đa 20 phút. Biện pháp này giúp giảm viêm, đau và sưng nóng do gai gót chân.
- Nẹp chân vào ban đêm: Người bệnh có thể được hướng dẫn sử dụng nẹp có miếng đệm lót vào ban đêm. Thiết bị này giúp giữ cho cổ chân ở tư thế gập 90 độ, giảm những chuyển động có thể gây đau và tổn thương trong khi ngủ.
- Ngâm chân trong nước muối Epsom: Thường xuyên ngâm chân trong nước muối Epsom sẽ giúp làm dịu cơn đau, giảm viêm và sưng tấy do gai gót chân. Biện pháp này nên được thực hiện trong 10 phút, mỗi ngày từ 1 - 2 lần.
2. Điều trị y tế
Dựa vào tình trạng, người bệnh có thể được chỉ định những phương pháp điều trị dưới đây:
+ Thuốc
Để giảm đau và các triệu chứng liên quan, một vài loại thuốc sẽ được sử dụng, bao gồm:
- Acetaminophen: Những cơn đau nhẹ, đau âm ỉ sẽ được sử dụng thuốc Acetaminophen. Loại thuốc này có thể giúp xoa dịu cơn đau nhanh chóng.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Thuốc này được dùng để giảm viêm và đau cho bệnh nhân bị gai gót chân. NSAID có tác dụng trị viêm, giảm sưng và trị các cơn đau ở mức độ trung bình.
- Tiêm corticosteroid: Corticosteroid được tiêm quanh gai xương để giảm đau. Đây là một loại thuốc chống viêm mạnh, có khả năng giảm đau và sưng nhanh chóng. Tiêm corticosteroid được chỉ định cho trường hợp có cơn đau nặng, điều trị bằng NSAID không hiệu quả.
+ Vật lý trị liệu
Trong điều trị gai gót chân, vật lý trị liệu thường bao gồm những bài tập giúp kéo căng cơ bắp chân và gót chân. Những bài tập này có tác dụng thư giãn bàn chân và cơ bắp, giảm đau và tăng lưu thông máu tại chỗ.
Một số bài tập có thể giúp ích:
- Lăn bóng: Ngồi trên ghế, đặt bàn chân trên 1 quả bóng tennis (đặt dưới sàn nhà). Đẩy nhẹ nhàng để quả bóng lăn đều khắp bàn chân.
- Kéo căng bàn chân: Ngồi trên sàn với hai chân duỗi thẳng ra trước. Đặt dây cao su phía sau bàn chân, hai tay cằm chắc hai đầu dây. Sau cùng dùng lực kéo dây để bàn chân uốn cong trong vài giây.
Trong nhiều trường hợp, người bệnh được siêu âm trị liệu, dùng sóng ngắn hoặc hồng ngoại để điều trị.
+ Phẫu thuật
Phần lớn các trường hợp không cần phẫu thuật. Tuy nhiên phương pháp này sẽ được chỉ định khi:
- Gai xương gót chân lớn và có hình dạng cựa
- Đau nhức nhiều và kéo dài, không giảm khi điều trị bảo tồn
Tùy thuộc vào tình trạng, các lựa chọn có thể bao gồm:
- Phẫu thuật loại bỏ gai xương
- Cắt lọc mô viêm
- Giải nén cân gan chân hoặc khâu lại điểm bám gân.
Sau phẫu thuật, người bệnh được yêu cầu nghỉ ngơi, chườm đá và áp dụng những biện pháp phù hợp để tăng tốc độ phục hồi.
Phẫu thuật điều trị gai xương gót chân có thể gây ra một số biến chứng như nhiễm trùng, tê vùng vĩnh viễn... Để hạn chế rủi ro, cần cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ thực hiện phẫu thuật khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Phòng ngừa
Không thể ngăn ngừa hoàn toàn sự phát triển của gai gót chân. Tuy nhiên nguy cơ sẽ được hạn chế nếu duy trì lối sống lành mạnh và tránh lạm dụng bàn chân. Cụ thể:
- Không lặp đi lặp lại những chuyển động có thể gây tổn thương và làm tăng áp lực cho bàn chân. Chẳng hạn như chạy hoặc đi trên nền cứng.
- Hạn chế đứng lâu, chạy bộ hoặc đi bộ đường dài.
- Nên lựa chọn những đôi giày phù hợp, vừa vặn, có khả năng nâng đỡ và hỗ trợ bàn chân.
- Duy trì trọng lượng khỏe mạnh là cách tốt nhất để giảm áp lực, bảo vệ và bàn chân và các khớp xương ở chi dưới.
- Luôn thực hiện tư thế tốt trong mọi hoạt động để tránh chấn thương.
- Thường xuyên tập thể dục với những bài tập kéo giãn, tăng cường sức cơ nhẹ nhàng và linh hoạt. Những bài tập này có tác dụng cải thiện sức khỏe xương khớp và giảm nguy cơ phát triển gai gót chân.
- Dành thời gian nghỉ ngơi nếu cảm thấy khó chịu hoặc đau nhức ở gót chân.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nếu không có triệu chứng, gai gót chân có cần được điều trị hay không?
2. Phương pháp điều trị nào hiệu quả và thích hợp nhất?
3. Những rủi ro có thể xảy ra khi phẫu thuật là gì?
4. Sau điều trị có thể đi lại và vận động bình thường hay không?
5. Có những biện pháp nào giúp ngăn gai xương tiến triển?
6. Những hoạt động nào cần tránh để không làm nặng hơn tình trạng?
7. Tôi nên lựa chọn giày/ dép như thế nào?
Gai gót chân là một tình trạng lành tính, hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên gai xương có thể tăng dần kích thước theo thời gian, gây đau nhức khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng đi lại. Việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ có thể giúp khắc phục.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!