Gãy Cột Sống
Gãy cột sống thường do chấn thương năng lượng cao và loãng xương. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến tủy sống hoặc không. Nếu không có tổn thương tủy sống, hầu hết bệnh nhân không gặp biến chứng lâu dài ngay cả khi cần phẫu thuật.
Tổng quan
Gãy cột sống đôi khi được gọi là gãy lưng, gãy xương cột sống - thuật ngữ chỉ tình trạng nứt hoặc gãy bất kỳ đốt sống nào. Hầu hết các trường hợp có vết gãy ở cột sống thắt lưng (lưng dưới), cột sống ngực (lưng giữa) hoặc điểm nối giữa cột sống thắt lưng và ngực.
Gãy xương cột sống thường do loãng xương hoặc chấn thương năng lượng cao như tai nạn giao thông. Những trường hợp này cần được điều trị khẩn cấp, đặc biệt là khi có tổn thương tủy.
Một số trường hợp gãy xương liên quan đến những tác động thấp hơn, điển hình như ngã nhẹ, ngã khi đứng. Tình trạng này thường xảy ra ở những người lớn tuổi bị loãng xương. Thông thường việc điều trị sẽ dựa vào mức độ nghiêm trọng của vết gãy.
Phân loại
Phân loại gãy cột sống dựa trên vị trí ảnh hưởng, đốt sống bị gãy như thế nào, có bị lệch khỏi vị trí thông thường hay không.
+ Các đoạn cột sống
Bất kỳ vị trí nào của cột sống cũng có thể bị gãy.
- Gãy xương cột sống cổ: Xương đốt sống ở cổ bị gãy.
- Gãy xương cột sống ngực: Xương đốt sống ở lưng trên (từ đốt sống dưới cổ đến dưới xương sườn) bị gãy.
- Gãy cột sống thắt lưng: Xương đốt sống ở lưng dưới bị gãy.
+ Hình thái gãy xương
Những loại phổ biến nhất gồm:
- Gãy xương do nén
Trên đốt sống xuất hiện những vết nứt hoặc vết gãy nhỏ do căng thẳng hoặc loãng xương. Bệnh loãng xương khiến xương mỏng và gãy xương đột ngột. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể khiến các vết nứt phát triển theo thời gian, phát triển tư thế khom người (gù lưng) và giảm chiều cao.
Gãy xương do nén có phần trước của đốt sống bị gãy, giảm hoặc mất chiều cao trong khi phần phía sau không bị ảnh hưởng. Loại gãy xương này thường ổn định, hiếm khi ảnh hưởng đến thần kinh.
- Gãy vỡ theo trục (gãy xương vỡ)
Gãy vỡ theo trục xảy ra khi cột sống bị nén đột ngột do một lực rất mạnh. Sự nén quá mức lên cột sống khiến xương bị gãy nhiều nơi cùng một lúc. Tình trạng này thường liên quan đến việc tiếp đất thẳng đứng trên đôi chân khi rơi từ một độ cao.
Gãy vỡ theo trục có xương cột sống bị mất chiều cao ở cả mặt trước và mặt sau. Bệnh nhân có thể bị gãy xương ổn định hoặc mất ổn định đáng kể, có chèn ép dây thần kinh.
- Gãy xương ngẫu nhiên (gãy xương do gập/ lệch)
Gãy xương cột sống do các đốt sống đột ngột bị kéo xa nhau bởi một lực mạnh. Tình trạng này thường gặp ở những người bị va chạm ô tô trực diện với phần thân dưới bị giữ bởi dây an toàn, phần thân trên bị giật hoặc ném về phía trước. Để phòng ngừa, cần thắt dây an toàn cho cả nửa trên của cơ thể.
- Gãy xương xoay
Mô hình gãy xương xoay có hai dạng, bao gồm:
-
- Gãy ngang: Bệnh nhân xoay hoặc uốn cong sang một bên khiến xương cột sống gãy ngang.Tình trạng này thường không ảnh hưởng đến sự ổn định.
- Gãy xương - trật khớp: Dạng này liên quan đến một chấn thương không ổn định, trong đó đốt sống di chuyển ra khỏi đốt sống liền kề (chuyển vị). Những trường hợp gãy xương - trật khớp thường có tủy sống bị chèn ép nghiêm trọng.
+ Gãy xương ổn định và không ổn định
Dựa trên mức độ di lệch của xương gãy, gãy cột sống được phân thành gãy xương ổn định và không ổn định.
- Gãy xương ổn định: Sau khi chấn thương làm gãy xương, đốt sống không bị kéo hoặc bị đẩy ra khỏi vị trí bình thường trong cột sống. Những trường hợp này có ít khả năng phải phẫu thuật.
- Gãy xương không ổn định: Chấn thương khiến đốt sống bị gãy và lệch khỏi vị trí bình thường trong cột sống. Những trường hợp này có nhiều khả năng phải phẫu thuật sửa chữa, có thể ảnh hưởng đến tủy sống và phát triển những biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Gãy cột sống xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:
- Loãng xương
Bệnh loãng xương khiến xương mỏng và yếu theo thời gian. Điều này làm tăng nguy cơ gãy xương đột ngột ngay cả khi có va chạm rất nhẹ.
Loãng xương cũng gây gãy xương do nén với những vết nứt phát triển theo thời gian. Hầu hết trường hợp này không có triệu chứng đáng chú ý và vết gãy không được biết đến trong một khoảng thời gian.
- Chấn thương
Gãy xương cột sống thường do chấn thương năng lượng cao, chẳng hạn như:
-
- Té ngã từ một độ cao đáng kể
- Chấn thương thể thao
- Tai nạn xe cộ
- Vết thương do đạn bắn hoặc có một hành động bạo lực khác
Khi có lực tác động mạnh và đột ngột, xương cột sống chịu nhiều áp lực dẫn đến gãy xương vỡ hoặc gãy nhiều nơi cùng một lúc. Tình trạng này thường kèm theo những vết thương nghiêm trọng khác, cần được khám và điều trị khẩn cấp. Trong đó tổn thương tủy sống hoặc/ và dây thần kinh có thể xảy ra.
- Khối u cột sống
Khối u cột sống khiến xương mỏng, yếu và dễ gãy. Hầu hết các trường hợp có khối u do ung thư di căn đến cột sống (tế bào ung thư di căn đến cột sống từ một khu vực khác của cơ thể).
Gãy cột sống có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Tuy nhiên những trường hợp dưới đây sẽ có nguy cơ cao hơn:
- Phụ nữ
- Người lớn trên 50 tuổi
- Có tiền sử gãy xương do nén. Gãy xương do nén làm tăng nguy cơ gãy xương cao gấp 5 lần so với những người không có tiền sử bị gãy xương.
- Ung thư, đặc biệt là những người đang trong đợt hóa trị hoặc xạ trị
- Bệnh cường giáp
- Nhiễm trùng xương
- Bệnh thận
- Sử dụng corticosteroid trong thời gian dài
- Thiếu vitamin D
- Chán ăn tâm thần - một chứng rối loạn ăn uống
- Uống quá nhiều rượu
- Hút thuốc và hít khói thuốc lá thụ động.
Triệu chứng và chẩn đoán
Gãy xương cột sống do chấn thương năng lượng cao có các triệu chứng nghiêm trọng và đột ngột, cần bất động và điều trị khẩn cấp. Những trường hợp gãy xương do nén có thể không bao giờ bị gãy xương, đặc biệt là những người bị loãng xương khiến các vết nứt phát triển theo thời gian. Tình trạng này thường chỉ được phát hiện khi tình cờ chụp ảnh kiểm tra cột sống.
Những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp của gãy cột sống gồm:
- Đau lưng
- Đau nhói và dữ dội ở lưng
- Đau ngày càng trầm trọng theo thời gian
- Đau nhiều hơn khi di chuyển hoặc đi bộ
- Sưng và đau khi chạm vào khu vực xung quanh đốt sống bị gãy
- Thay đổi tư thế do cột sống bị chùng xuống hoặc khom xuống, người bệnh nghiêng thân mình về phía trước
- Giảm chiều cao
Nếu có tổn thương tủy sống hoặc/ và dây thần kinh, người bệnh sẽ có thêm những triệu chứng sau:
- Ngứa ran hoặc tê ở lưng lan xuống tay hoặc chân (do tổn thương dây thần kinh)
- Yếu chi
- Mất khả năng kiểm soát bàng quang và ruột
Một số trường hợp bị chấn thương sọ não và bất tỉnh do chấn thương năng lượng cao.
Bệnh nhân được ổn định khẩn cấp khi có nghi ngờ gãy xương cột sống. Tại nơi xảy ra tai nạn, nhân viên y tế tiến hành kiểm tra dấu hiệu sinh tồn (nhịp tim, khả năng thở và ý thức). Sau đó đánh giá các vết thương (biến dạng xương, chảy máu...), cố định bằng ván và vòng cổ.
Sau khi di chuyển đến bệnh viện, người bệnh sẽ được kiểm tra và đánh giá kỹ lưỡng. Trong quá trình này, bác sĩ tiến hành khám sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân (kiểm tra đầu, bụng, ngực, tay, chân, xương chậu và cột sống), đánh giá tình trạng thần kinh (gồm khả năng di chuyển, cảm giác và cảm nhận của các chi).
Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra phản xạ của bệnh nhân để xem liệu tủy sống và dây thần kinh có bị tổn thương hay không, kiểm tra trương lực của cơ hậu môn và khả năng đi tiểu bình thường. Những người có tổn thương tủy sống nghiêm trọng sẽ gặp vấn đề về khả năng kiểm soát ruột và bàng quang.
Để xác nhận và đánh giá thêm, bệnh nhân được chỉ định các xét nghiệm sau:
- Chụp X-quang: Chụp X-quang cột sống cho thấy các đốt sống bị gãy và xương lệch như thế nào.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Trong nhiều trường hợp, MRI được thực hiện nhằm cung cấp hình ảnh chi tiết và hoàn thiện của lưng.. Điều này giúp xác định bất kỳ tổn thương nào của cột sống, bao gồm cả tủy sống và dây thần kinh.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp cắt lớp vi tính được chỉ định cho những trường hợp có chấn thương nghiêm trọng đến mức cần phẫu thuật. Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về xương và mô xung quanh, cho biết mức độ tổn thương của xương.
Biến chứng và tiên lượng
Gãy cột sống là một chấn thương nghiêm trọng, thường cần phẫu thuật để điều trị. Xương gãy có thể làm tổn thương tủy sống hoặc/ và dây thần kinh, gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Nếu không có tổn thương dây thần kinh, tủy sống hoặc những mô xung quanh, biến chứng ít khi xảy ra hơn. Những trường hợp này thường không gặp biến chứng lâu dài sau gãy cột sống (ngay cả khi cần phẫu thuật).
Những biến chứng của gãy xương cột sống:
- Hình thành cục máu đông ở chân và xương chậu. Biến chứng này xảy ra khi người bệnh bất động hoặc nằm trên giường trong thời gian dài
- Thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông vỡ và di chuyển đến phổi
- Lỡ loét áp lực
- Viêm phổi
- Tổn thương tủy sống
- Tổn thương dây thần kinh, chẳng hạn như đau dây thần kinh tọa và hội chứng chùm đuôi ngựa
- Rối loạn chức năng ruột và bàng quang (tiểu và đại tiện không tự chủ)
- Liệt nếu gãy xương làm tổn thương tủy sống.
Biến chứng từ phẫu thuật:
- Chảy máu
- Nhiễm trùng
- Không liền xương
- Biến chứng vết thương
- Rò rỉ dịch tủy sống
Nếu không cần phẫu thuật, vết gãy sẽ tự lành trong khoảng 3 tháng sau gãy xương cột sống. Đối với những người được phẫu thuật, thời gian lành lại thường lâu hơn. Sau mổ, bệnh nhân mất khoảng 6 tuần để hồi phục và 6 tháng để cột sống lành lại.
Ngay cả khi phẫu thuật hoặc không, cần hơn 1 năm để cột sống phục hồi hoàn toàn và người bệnh trở lại hoạt động bình thường.
Điều trị
Điều trị gãy cột sống dựa vào vị trí, loại, mức độ ổn định, có tổn thương thần kinh, tủy sống và các mô xung quanh hay không. Hầu hết trường hợp không cần phẫu thuật. Nhưng nếu vết gãy nghiêm trọng và có tổn thương mô khác, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật.
1. Điều trị không phẫu thuật
Điều trị không phẫu thuật cho gãy cột sống gồm những phương pháp sau:
- Nẹp
Nếu gãy cột sống ở vị trí tốt và xương gãy không di lệch, bệnh nhân có thể cần phải đeo nẹp lưng trong 3 tháng. Thiết bị này giúp giữ cột sống thẳng hàng, ngăn tổn thương thêm và đốt sống bị gãy lành lại đúng cách.
Trong khi đeo nẹp, bệnh nhân được chụp X-quang thường xuyên để xem liệu cột sống có lành lại đúng cách hay không.
- Vật lý trị liệu
Khi xương lành và đau giảm, các bài tập được thực hiện nhằm tăng cường cơ bắp ở lưng, lấy lại chức năng và sự dẻo dai cho cột sống. Vật lý trị liệu cũng giúp cải thiện sức mạnh tổng thể, duy trì xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.
- Điều trị loãng xương
Nếu gãy xương cột sống do loãng xương, người bệnh sẽ được điều trị bệnh lý này. Người bệnh được kê đơn một số loại thuốc giúp bổ sung các thành phần tạo xương (như canxi và vitamin D). Từ đó giúp xương chắc khỏe, giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.
2. Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật sửa chữa gãy xương cột sống cho những trường hợp sau:
- Gãy xương vỡ
- Gãy xương không ổn định
- Có tổn thương tủy sống hoặc thần kinh
- Đau không giảm sau vài tháng điều trị không phẫu thuật.
Mục đích phẫu thuật:
- Ổn định chỗ gãy
- Đưa xương về đúng vị trí
- Giảm áp lực lên tủy sống hoặc/ và dây thần kinh
- Bệnh nhân di chuyển sớm
Hầu hết bệnh nhân được phẫu thuật tạo hình đốt sống và tạo hình kyphoplasty.
- Tạo hình đốt sống: Thủ thuật này thường được chỉ định cho những trường hợp gãy xương do nén và gãy ổn định. Trong tạo hình đốt sống, bác sĩ tiến hành tiêm xi măng lỏng vào đốt sống bị gãy. Điều này giúp tạo hình và củng cố đốt sống.
- Tạo hình Kyphoplasty: Trong thủ thuật này, bác sĩ chèn một quả bóng nhỏ vào đốt sống. Khi quả bóng được thổi phồng, nó sẽ đẩy xương trở lại vị trí đúng, tạo một khoảng trống thích hợp. Sau cùng xi măng sẽ được bơm vào khoảng trống để củng cố đốt sống.
Nếu có chèn ép tủy sống/ dây thần kinh, phẫu thuật giải nén sẽ được thực hiện. Ở những trường hợp ung thư cột sống, khối u sẽ được loại bỏ trước khi đốt sống được sửa chửa.
Một số trường hợp được sử dụng ốc vít, thanh và lồng kim loại trong phẫu thuật cột sống. Những thiết bị này có thể giúp ổn định cột sống của bạn.
Phòng ngừa
Hãy áp dụng những lời khuyên an toàn để giảm nguy cơ gãy xương cột sống, cụ thể:
- Luôn thắt dây an toàn khi đi xe ô tô, bao gồm cả dây đai quanh nửa trên của cơ thể.
- Khi tham gia vào các hoạt động hoặc chơi thể thao, cần sử dụng những thiết bị bảo hộ phù hợp.
- Giữ nhà cửa và không gian làm việc luôn gọn gàng. Tránh sự bừa bộn để giảm nguy cơ vấp ngã.
- Nếu có nguy cơ té ngã cao, hãy dùng gậy hoặc khung tập đi.
- Không đùa giỡn khi ở trên cao; không đứng trên ghế, bàn, thang không chắc chắn hoặc những vật dụng khác. Nếu muốn tiếp cận mọi thứ, hãy sử dụng những công cụ thích hợp.
- Thường xuyên tập thể dục và thực hiện một kế hoạch ăn uống lành mạnh. Điều này giúp giữ cho xương khớp (bao gồm cả cột sống) luôn chắc khỏe và dẻo dai. Ngoài ra những bài tập có thể giúp cơ bắp khỏe mạnh, hoạt động chống lại trọng lực, giảm nguy cơ gãy cột sống. Các bài tập và bộ môn tốt nhất gồm chạy bộ, thể dục nhịp điệu, đi bộ, yoga và nâng tạ.
- Bổ sung đủ hàm lượng vitamin C, D và canxi từ thực đơn ăn uống mỗi ngày, đặc biệt là những người lớn tuổi. Những thành phần này giúp xương phát triển và chắc khỏe, cải thiện mật độ (chất lượng) xương, giảm nguy cơ loãng xương cho người lớn tuổi.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị gãy xương cột sống loại nào? Vị trí vết gãy?
2. Phương pháp điều trị được đề nghị là gì?
3. Tôi có cần phẫu thuật hay không?
4. Cần đeo nẹp trong bao lâu?
5. Tôi có bị tổn thương dây thần kinh và tủy sống không?
6. Những biến chứng nào có thể xảy ra?
7. Tôi có khả năng phục hồi chức năng hoàn toàn hay không?
8. Sẽ mất bao lâu để phục hồi?
Gãy cột sống có thể làm tổn thương thần kinh, tủy sống và mô quanh cột sống, gây ra những biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như liệt. Vì vậy chấn thương cần được điều trị khẩn cấp và đúng cách để giảm rủi ro.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!