Gãy Đầu Dưới Xương Quay
Gãy đầu dưới xương quay thường do ngã khiến một phần của xương quay gần với cổ tay bị gãy. Tình trạng này gây đau đớn dữ dội, sưng và bầm tím. Một số trường hợp bị gãy xương trụ đồng thời.
Tổng quan
Gãy đầu dưới xương quay còn được gọi là gãy xương quay xa, gãy xương cổ tay. Đây là thuật ngữ chỉ tình trạng nứt hoặc gãy phần xương quay gần với cổ tay. Vết gãy gần như luôn cách đầu xương 1 inch (khoảng 2,5cm).
Gãy đầu dưới xương quay rất phổ biến, xảy ra theo nhiều cách khác nhau. Ở những người trẻ, chấn thương này chủ yếu xảy ra trong các tai nạn năng lượng cao, chẳng hạn như va chạm xe ô tô và ngã từ một độ cao.
Ở những người lớn tuổi hoặc bị loãng xương, gãy đầu dưới xương quay thường do một cú ngã đơn giản vào cổ tay. Tùy thuộc vào lực tác động, người bệnh có thể bị gãy xương đơn giản, gãy xương vụn, gãy hở hoặc có những mảnh gãy di lệch xa xương chính.
Phân loại
Gãy đầu dưới xương quay được phân thành nhiều loại, bao gồm:
+ Phân loại theo góc độ và mức độ trật khớp
- Gãy xương Colles: Loại này chiếm khoảng 90% trường hợp gãy đầu dưới xương quay, xảy ra khi dùng bàn tay để đỡ một cú ngã. Chấn thương khiến xương quay bị gãy hoàn toàn nhưng không ảnh hưởng đến khớp cổ tay. Gãy xương Colles có mảnh vỡ của xương quay nghiêng lên trên và dịch chuyển về phía sau.
- Gãy xương Smith: Gãy xương Smith có mảnh gãy bị dịch chuyển về phía trước, nghiêng theo hướng của lòng bàn tay. Vết gãy hình thành khi có va chạm vào phía sau cổ tay, chẳng hạn như ngã lên cổ tay gập (bị cong) hoặc ngã về phía sau. Gãy xương Smith chiếm khoảng 5 - 10% trường hợp gãy xương quay và xương trụ.
- Gãy xương Barton: Đây là một dạng chấn thương do nén kéo dài đến khớp cổ tay. Chấn thương này xảy ra khi một người bị ngã với cổ tay dang rộng. Những người bị gãy xương Barton cần chụp MRI để loại trừ bất kỳ tổn thương nào liên quan đến dây chằng và mô mềm ở cổ tay.
+ Phân loại theo kiểu gãy
- Gãy xương nội khớp: Vết gãy kéo dài đến khớp cổ tay.
- Gãy xương ngoài khớp: Vết gãy ở xương quay không lan vào khớp.
- Gãy xương hở: Những mảnh xương gãy đâm thủng da hoặc vết rách da làm lộ đầu xương quay. Loại gãy xương này dễ dẫn đến nhiễm trùng xương nên cần điều trị y tế ngay lập tức.
- Gãy xương vụn: Xương quay bị gãy nhiều hơn hai mảnh.
+ Phân loại theo mức độ di lệch
- Gãy xương di lệch: Những mảnh xương gãy không thẳng hàng, chồng lên nhau hoặc cách xa xương chính.
- Gãy xương không di lệch: Những mảnh xương gãy ở vị trí tốt và thẳng hàng.
Trong một số trường hợp, xương trụ (xương nhỏ hơn ở cẳng tay) cũng bị gãy, được gọi là gãy xương trụ xa.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Gãy đầu dưới xương quay xảy ra khi một người bị ngã trên nền cứng và cánh tay dang rộng để đỡ thân mình, chẳng hạn như ngã từ thang. Tình trạng này cũng có thể xảy ra do va chạm xe ô tô, ngã xe đạp tạo ra một lực đủ mạnh khiến cổ tay bị gãy.
So với gãy xương Colles, gãy xương Smith ít gặp hơn. Chấn thương này được gây ra bởi một cú đánh mạnh vào mặt sau của cẳng tay hoặc té ngã với cổ tay gập.
Gãy đầu dưới xương quay chiếm khoảng 25 - 50% tổng số trường hợp gãy xương, phổ biến nhất ở phụ nữ lớn tuổi và nam thanh niên. Ở người 60 tuổi hoặc bị loãng xương, gãy đầu dưới xương quay có thể xảy ra khi ngã từ tư thế đứng. Nguyên nhân là do gãy xương khiến xương trở nên mỏng và dễ gãy hơn.
Triệu chứng và chẩn đoán
Gãy đầu dưới xương quay có những triệu chứng xảy ra đột ngột, ngay sau khi có chấn thương, thường rất nghiêm trọng.
- Đau tức thời và dữ dội ở cổ tay
- Sưng quanh cổ tay
- Bầm tím
- Biến dạng cổ tay
- Cổ tay cong hoặc xoắn ở tư thế bất thường
- Bán kính xương ngắn lại khiến cổ tay bị lệch hoàn toàn
- Biến dạng ngược ở dạng gập góc mặt trong (gãy xương Smith)
- Mất khả năng cử động của cổ tay
- Tê ngón tay do các dây thần kinh ở bàn tay bị ảnh hưởng từ chấn thương.
Ngay sau khi chấn thương xảy ra, cổ tay nên được bảo vệ bằng nẹp, kết hợp chườm túi đá và nâng cao tay để giảm sưng đau. Nếu có biến dạng cổ tay nghiêm trọng, các ngón tay nhợt nhạt hoặc bị tê, cần nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám.
Trong khi khám, bác sĩ đặt các câu hỏi về cách chấn thương xảy ra và bệnh sử. Sau đó cẩn thận kiểm tra cổ tay như quan sát, ấn hoặc nắn nhẹ. Điều này giúp tìm những dấu hiệu liên quan đến gãy xương như sưng, bầm tím, đau đớn, biến dạng cổ tay.
Sau kiểm tra lâm sàng, bệnh nhân được chụp X-quang xác định xem xương có bị gãy hay không, có bao nhiêu xương bị ảnh hưởng. Kỹ thuật này cũng giúp xác định kiểu gãy, bao nhiêu mảnh xương và mức độ dịch chuyển của chúng.
Ở những trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định thêm những kỹ thuật sau:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh 3D của xương gãy. Từ đó giúp đánh giá chi tiết hơn về vết gãy và lập kế hoạch phẫu thuật.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Nếu có gãy xương phức tạp, chẳng hạn như gãy xương nội khớp hoặc gãy xương Smith, bệnh nhấn sẽ được chỉ định chụp MRI. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ loại trừ những tổn thương liên quan đến dây chằng và mô mềm ở cổ tay.
Biến chứng và tiên lượng
Gãy đầu dưới xương quay thường lành lại hoàn toàn mà không để lại di chứng. Tuy nhiên một số người có thể gặp các biến chứng dưới đây (ngay cả khi đã được điều trị):
- Không liền xương (hiếm gặp)
- Hội chứng khoang
- Biến dạng dai dẳng
- Giảm phạm vi chuyển động, đặc biệt là những chuyển động liên quan đến xoay
- Yếu tay
- Viêm xương khớp sau chấn thương
- Tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn, chẳng hạn như tổn thương hoặc liệt dây thần kinh giữa (được biểu hiện ở dạng hội chứng ống cổ tay)
- Chấn thương gân
- Hội chứng đau cục bộ phức tạp
- Chứng loạn dưỡng giao cảm phản xạ
Thường mất từ 3 - 6 tháng để xương lành lại. Mất đến 1 năm để trở lại những hoạt động bình thường như trước khi bị gãy xương. Để phục hồi hoàn toàn một cách an toàn, hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị
Điều trị gãy đầu dưới xương quay dựa vào tính chất của vết gãy, sự di lệch, mức độ hoạt động và độ tuổi. Ngay cả khi phẫu thuật hoặc không, những mảnh xương gãy phải được đặt lại và được giữ ở vị trí thích hợp cho đến khi xương chày lành hẳn.
1. Điều trị bảo tồn
Điều trị bảo tồn được thực hiện cho những trường hợp có xương gãy ở đúng vị trí hoặc di lệch ít, có thể căn chỉnh được mà không cần phẫu thuật.
Các phương pháp thường được áp dụng gồm:
- Bó bột
Nếu xương gãy ở đúng vị trí (không di lệch), người bệnh chỉ cần bó bột cho đến khi xương lành lại. Phương pháp này giúp cố định cổ tay, giữ xương gãy ở vị trí tốt để nó có thể liền lại đúng cách.
Trong thời gian bó bột, chụp X-quang được thực hiện thường xuyên (mỗi tuần trong vòng 3 tuần đầu) để quan sát sự lành lại của xương. Nếu vết gãy được cho là đã ổn định và không cần nắn lại, chụp X-quang ít được thực hiện hơn (thường 3 - 4 tuần 1 lần).
Ngay khi có bất thường (chẳng hạn như chỗ gãy trở nên kém liên kết), bệnh nhân có thể được yêu cầu phẫu thuật để sửa chữa.
Nếu không có phẫu thuật trước đó, băng bột thường được giữ trong vòng 6 tuần. Sau đó bắt đầu vật lý trị liệu để lấy lại chức năng và sức mạnh. Nếu có phẫu thuật trước đó, băng bột sẽ được giữ lâu hơn.
- Nắn chỉnh kín
Nắn chỉnh kín (giảm đóng) được thực hiện nếu những mảnh xương bị lệch hẳn khỏi vị trí ban đầu. Trong thủ tục, bác sĩ thực hiện các thao tác bên ngoài để xương bên trong được căn chỉnh, trở về vị trí trước chấn thương mà không phải rạch da. Điều này giúp quá trình lành xương diễn ra đúng cách.
Sau khi giảm đóng, cổ tay được nẹp hoặc bó bột vài tuần để giữ xương không bị di lệch. Từ đó giúp xương chày bị gãy lành lại đúng cách.
- Chăm sóc giảm đau
Gãy đầu dưới xương quay gây đau đớn nhiều, kéo dài vài ngày ngay cả khi đã được điều trị. Để kiểm soát cơn đau và giảm sưng hiệu quả, người bệnh sẽ được hướng dẫn nhưng biện pháp chăm sóc dưới đây:
-
- Thuốc giảm đau: Bệnh nhân thường được hướng dẫn sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen hoặc Ibuprofen. Ở những trường hợp có cơn đau nặng và không thể chịu đựng được, thuốc giảm đau mạnh hơn như opioid có thể được dùng ở liều thấp.
- Nâng cao: Đặt cổ tay bị thương trên gối sao cho cổ tay cao hơn tim. Biện pháp này giúp giảm sưng và đau hiệu quả.
- Chườm đá: Bọc túi đá trong một chiếc khăn và đặt lên cổ tay bị ảnh hưởng. Nhiệt độ thấp từ túi đá sẽ giúp giảm sưng và đau sau chấn thương.
- Vật lý trị liệu
Bệnh nhân được hướng dẫn vật lý trị liệu khi xương bắt đầu lành lại. Ban đầu, người bệnh được hướng dẫn co cơ và thực hiện bài tập chuyển động nhẹ nhàng cho các khớp. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng cứng khớp và teo cơ.
Trong giai đoạn phục hồi, các bài tập tăng cường dần được thêm vào chương trình luyện tập. Điều này giúp lấy lại chức năng, sức mạnh và sự linh hoạt cho cổ tay bị thương.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật gãy đầu dưới xương quay được thực hiện cho những trường hợp dưới đây:
- Có biến dạng cổ tay
- Gãy xương di lệch nhiều, không thể điều chỉnh bằng phương pháp nắn chỉnh kín
- Không thể tiếp tục bó bột
- Vết gãy lành lại không đúng cách, ảnh hưởng đến chức năng của cánh tay.
Các bước cơ bản trong phẫu thuật (giảm mở) và cố định bên trong
- Bác sĩ rạch một đường ở cổ tay, ngay phía trên chỗ gãy
- Xác định và bảo vệ những cấu trúc quan trọng gồm gân, dây thần kinh và động mạch
- Thông qua vết mổ, bác sĩ sắp xếp lại các xương gãy (giảm mở)
- Cấy thiết bị kim loại để giữ những mảnh gãy ở đúng vị trí cho đến khi lành lại. Các thiết bị thường được cấy ghép:
- Tấm và ốc vít (lựa chọn phổ biến nhất)
- Ghim kim loại (thường được dùng cho trẻ em đang phát triển xương).
Nếu bị gãy xương nặng và gãy hở, bệnh nhân sẽ được sử dụng bộ cố định bên ngoài. Trong đó khung kim loại được đặt ngoài cơ thể để giữ cho xương ở vị trí thích hợp, mô mềm có thời gian lành lại trước khi tiến hành phẫu thuật cố định bên trong.
Những trường hợp gãy xương hở cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt (trong vòng 24 giờ đầu sau chấn thương). Khi phẫu thuật, xương bị lộ và mô mềm bị thương sẽ được lam sạch hoàn toàn, kết hợp dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng. Sau đó bệnh nhân sẽ được cổ định bên trong hoặc bên ngoài.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được nẹp hoặc bó bột vài tuần. Khi xương bắt đầu lành, thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để phục hồi hoàn toàn.
Phòng ngừa
Gãy đầu dưới xương quay thường xảy ra đột ngột và không có cách ngăn ngừa. Tuy nhiên xây dựng hệ xương chắc khỏe và thực hiện các biện pháp an toàn có thể giảm nguy cơ chấn thương. Cụ thể:
- Đeo giáp cổ tay hoặc miếng bảo vệ cổ tay khi tham gia vào các hoạt động thể thao hoặc đi xe máy.
- Tránh leo trèo hoặc đứng trên những vật dụng không chắc chắn.
- Loại bỏ bất kỳ thứ gì có thể khiến bạn bị vấp ngã.
- Sử dụng thảm chống trượt và lắp đặt tay vịn ở những bề mặt trơn trượt, chẳng hạn như nhà tắm.
- Nếu khó khăn trong việc đi lại, hãy sử dụng những thiết bị hỗ trợ để ngăn ngừa té ngã, chẳng hạn như gậy và khung tập đi.
- Thực hiện các phương pháp giúp tăng mật độ xương và duy trì hệ xương chắc khỏe, gồm:
- Bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D bằng cách tiếp xúc với nắng sáng và ăn uống dinh dưỡng.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Ăn kiêng nếu thừa cân béo phì.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì gây ra các triệu chứng ở cổ tay?
2. Tôi bị gãy đầu dưới xương quay hay có một chấn thương nào khác?
3. Chấn thương của tôi được điều trị bằng cách nào?
4. Tôi cần phải bó bột hoặc đeo nẹp trong bao lâu?
5. Có những biện pháp nào giúp tôi giảm bớt cơn đau khi ở nhà?
6. Khi nào xương bị gãy lành lại hoàn toàn?
7. Tôi có cần vật lý trị liệu không? Luyện tập bao lâu?
8. Tôi có khả năng trở lại những hoạt động thể chất hay không?
Gãy đầu dưới xương quay là một chấn thương nghiêm trọng, thường gây biến dạng cổ tay, đau đớn dai dẳng và một số biến chứng. Tuy nhiên chữa trị sớm và đúng cách có thể khiến xương lành lại hoàn toàn, bệnh nhân trở lại cách hoạt động thể chất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!