Gãy Xương Bàn Chân
Gãy xương bàn chân có thể ảnh hưởng đến bất kỳ xương nào ở mỗi bàn chân. Các xương nhỏ, dễ bị nứt gãy do chấn thương trực tiếp hoặc căng thẳng lặp đi lặp lại.
Tổng quan
Gãy xương bàn chân là tình trạng nứt/ gãy một hoặc nhiều xương nhỏ ở bàn chân. Bàn chân là phần thấp nhất của chân, có 26 xương có hình dạng không đều nhau, hơn 100 dây chằng, 30 khớp hoạt dịch cùng với 30 cơ tác động lên những phân đoạn của bàn chân.
Các xương ở bàn chân dễ dàng bị tổn thương sau một chấn thương, té ngã hoặc tai nạn thể thao. Ngoài ra những hoạt động mang trọng lượng nặng tạo áp lực lặp đi lặp lại cũng có thể gây gãy xương bàn chân.
Gãy xương bàn chân có mức độ nghiêm trọng khác nhau. Chấn thương này có thể từ những vết nứt nhỏ trong xương đến những vết gãy nghiêm trọng, khiến xương gãy đâm xuyên qua da.
Ngay cả những trường hợp gãy xương nhỏ, bệnh nhân đều cần phải đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm hình ảnh, chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Phân loại
Phân loại gãy xương bàn chân dựa vào mức độ di lệch, vị trí và tổn thương mô.
+ Dựa vào mức độ di lệch
- Gãy không di lệch: Chiếm phần lớn các trường hợp. Trong đó một hoặc nhiều xương ở bàn chân bị nứt hoặc gãy nhưng những mảnh xương không di chuyển xa vị trí ban đầu.
- Gãy di lệch: Ở bàn chân, những mảnh xương gãy tách xa khỏi xương chính và có thể đâm xuyên qua da.
+ Dựa vào tổn thương mô
- Gãy xương kín: Bề mặt da của xương không bị tổn thương do xương gãy ở vị trí tốt.
- Gãy xương hở: Mảnh xương gãy chọc thủng da hoặc chấn thương gây ra vết thương sâu ở da và làm lộ xương bàn chân. Những người bị gãy xương xương hở có nguy cơ nhiễm trùng cao, cần xử lý vết thương đúng cách và sử dụng kháng sinh dài hạn.
+ Dựa vào vị trí
- Gãy xương bàn ngón chân đầu tiên
- Gãy lồi củ xương bàn chân thứ năm
- Gãy xương bàn chân và bốn ngón chân còn lại
- Gãy xương bàn chân Jones (gãy xương dài bên ngoài bàn chân nối với ngón út)
- Gãy xương cổ chân, trong đó gãy xương do căng thẳng là dạng thường gặp nhất.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Gãy xương bàn chân thường do những nguyên nhân dưới đây:
- Tai nạn xe cộ: Những vụ tai nạn xe có thể gây ra vết thương do nghiền nát hoặc chấn thương nghiêm trọng cần phẫu thuật sửa chữa
- Chấn thương lực cùn: Chấn thương vật lý đối với bàn chân do va chạm, tác động vật lý hoặc chấn thương có thể gây ra những tổn thương cho các xương ở bàn chân.
- Té ngã: Vấp ngã, tiếp đất bằng chân sau khi nhảy ở một cao vừa phải có thể khiến các xương ở bàn chân bị nứt hoặc gãy.
- Đặt chân sai cách: Vấp ngón chân vào đồ vật cứng hoặc đặt bàn chân sai cách có thể gây gãy xương.
- Gãy xương do căng thẳng: Căng thẳng lặp đi lặp lại từ các hoạt động mang trọng lượng nặng, áp lực quá mức khi chạy, đi bộ và tập thể dục kéo dài mà không mang giày hỗ trợ hoặc không nghỉ ngơi đầy đủ.
- Lạm dụng: Gãy xương bàn chân có thể xảy ra do những hoạt động có tác động cao liên quan đến chạy và nhảy.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Mang giày dép không hỗ trợ khi hoạt động thể chất
- Sử dụng thiết bị thể thao không phù hợp
- Sử dụng kỹ thuật không đúng cách khi chơi thể thao
- Thường xuyên thực hiện những hoạt động có tác động cao
- Đột nhiên tăng mức độ hoạt động, tần suất và thời lượng của những buổi tập
- Làm việc trong những môi trường có khả năng té ngã từ trên cao hoặc vật nặng rơi xuống chân, chẳng hạn như công trường xây dựng
- Sinh sống và làm việc ở những nơi có quá ít ánh sáng hoặc bừa bộn làm tăng nguy cơ vấp ngã
- Thiếu vitamin D
- Mất hoặc giảm sự liên kết của bàn chân và mắt cá chân, chẳng hạn như bàn chân có vòm rất cao hoặc hội chứng bàn chân bẹt
- Loãng xương (mật độ xương giảm) làm tăng nguy cơ gãy xương.
Triệu chứng và chẩn đoán
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, gãy xương bàn chân có thể có những triệu chứng khác nhau ở mỗi người. Dưới đây là những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp:
- Đau nhói tức thì, đau phát triển dần dần ở những trường hợp gãy xương do căng thẳng
- Dịu dàng
- Thay đổi hình dạng bên ngoài của bàn chân, chẳng hạn như bàn chân quay sai hướng hoặc xương gãy nhô ra khỏi da
- Không thể cử động bàn chân
- Không thể đặt trọng lượng lên bàn chân bị thương
- Bầm tím hoặc đổi màu da của bàn chân
- Sưng tấy ở mắt cá chân, ngón chân và bàn chân
- Khó chịu khi đặt trọng lượng lên bàn chân
- Cảm thấy khó khăn hoặc thay đổi cách đi bộ
- Giảm khả năng giữ thăng bằng.
Bác sĩ kiểm tra cẩn thận bàn chân bị ảnh hưởng, xác định vị trí chính xác của cơn đau và những triệu chứng đi kèm trong quá trình thăm khám. Bác sĩ có thể ấn nhẹ, yêu cầu bệnh nhân cử động hoặc đi một quãng đường ngắn. Điều này giúp đánh giá dáng đi và xác định nguyên nhân gây đau.
Nếu có nghi ngờ gãy xương bàn chân, một hoặc nhiều xét nghiệm hình ảnh sẽ được thực hiện để xác nhận chẩn đoán. Cụ thể:
- Chụp X-quang: Chụp X-quang nhiều góc độ có thể nhìn thấy hầu hết những vết gãy ở bàn chân. Điều này giúp xác định vị trí và đánh giá mức độ gãy xương. Chụp X-quang cũng được thực hiện thường xuyên để theo dõi quá trình lành lại của xương.
- Quét xương: Một lượng nhỏ chất phóng xạ không gây hại được tiêm vào tĩnh mạch. Chất này được hút nhiều hơn ở những vị trí có xương bị tổn thương. Sau đó hiển thị dưới dạng điểm sáng trên hình ảnh.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Kết hợp tia X từ nhiều góc độ khác nhau để tạo ra hình ảnh cắt ngang của xương và những cấu trúc khác bên trong cơ thể. Điều này giúp cung cấp hình ảnh chi tiết hơn của xương bị thương và những mô mềm bao quanh nó. Từ đó phát hiện và đánh giá nhanh các vết nứt không được nhìn thấy rõ trên hình ảnh X-quang. Đồng thời đề xuất những phương pháp điều trị tốt nhất.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI tạo ra hình ảnh chi tiết của xương, dây chằng giữ bàn chân và mắt cá chân. Điều này giúp phát hiện những vết gãy không thể nhìn thấy trên X-quang và chẩn đoán phân biệt.
Biến chứng và tiên lượng
Gãy xương bàn chân có tiên lượng tốt, xương liền nhanh khi điều trị đúng cách. Tùy thuộc vào loại và tốc độ liền xương, có thể mất từ 6 - 8 tuần để xương lành lại. Mất khoảng 6 tháng đến 1 năm để phục hồi hoàn toàn, đi lại bình thường và hoạt động thể chất trên chân bị thương.
Đối với gãy xương bàn chân, các biến chứng rất hiếm khi xảy ra nhưng có thể bao gồm:
- Viêm khớp
- Nhiễm trùng xương (viêm tủy xương)
- Tổn thương mạch máu hoặc thần kinh
- Hoại tử xương (hiếm gặp)
Điều trị
Bệnh nhân được điều trị không phẫu thuật nếu xương gãy ở vị trí tốt. Ở những trường hợp gãy hở, có nhiều tổn thương hoặc xương di lệch nhiều, phẫu thuật sẽ được thực hiện trong vòng 24 giờ.
Những phương pháp điều trị cụ thể gồm:
1. Bất động
Gãy xương không di lệch (những mảnh xương gãy ở vị trí tốt) được bó bột hoặc nẹp để cố định bàn - cổ chân, cho phép xương liên lại đúng cách. Ngón chân bị gãy thường được băng cố định vào ngón chân bên cạnh, chèn vào một miếng gạc ở giữa.
Nếu vết gãy nhỏ, người bệnh có thể chỉ cần nẹp. Bó bột hoặc nẹp cũng được thực hiện sau quá trình giảm đóng hoặc giảm mở, xương gãy được đặt ở vị trí thích hợp.
2. Giảm đóng
Giảm đóng (nắn chỉnh kín) cho những trường hợp gãy di lệch, những mảnh xương gãy không thẳng hàng hoặc chồng chéo nhau. Trong thủ thuật, bệnh nhân được gây tê cục bộ hoặc dùng thuốc an thần giúp giảm bớt cơn đau. Sau đó bác sĩ thực hiện một số thao tác để nắn chỉnh, đưa những mảnh xương gãy về đúng vị trí mà không cần can thiệp bằng phẫu thuật.
Sau khi giảm đóng, bệnh nhân được bó bột cố định bàn - cổ chân, giữ các đầu xương gắn lại với nhau và liền lại đúng cách.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật (giảm mở) nếu gãy hở hoặc mảnh xương gãy cách xa xương chính, bệnh nhân được nắn chỉnh kín nhưng không thành công.
Trong thủ thuật này, bác sĩ tạo vết rạch lớn, sau đó tiếp cận xương gãy và đặt chúng ở vị trí thích hợp. Cần sử dụng ghim, tấm hoặc ốc vít kim loại để giữ các xương lại với nhau trong thời gian lành lại. Những vật liệu cố định sẽ được loại bỏ sau khi vết gãy đã lành hoặc nổi cộm và gây đau đớn ở bàn chân.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được nẹp hoặc bó bột để cố định. Trong quá trình phục hồi, bác sĩ hướng dẫn co cơ tĩnh, cử động nhẹ nhàng các khớp liên quan. Điều này giúp giảm biết chứng sau mổ và xương lành lại nhanh hơn.
Từ tuần thứ 4 sau mổ, bệnh nhân được tập đi bằng nạng, co duỗi cổ chân kết hợp các bài tập trị liệu nhẹ nhàng để dần lấy lại chức năng. Từ tuần thứ 6 - 8 sau mổ, bệnh nhân được hướng dẫn vật lý trị liệu tích cực, tập đi lại không dùng nạng để tăng cường các cơ, sớm trở lại những hoạt động bình thường.
Phòng ngừa
Một số lời khuyên dưới đây có thể giúp đảm bảo an toàn khi chơi thể thao và ngăn ngừa gãy xương bàn chân:
- Thường xuyên thay giày thể thao, đặc biệt là khi giày mòn không đều hoặc đế và gót giày bị mòn. Những người thường xuyên chạy bộ nên thường xuyên thay giày mỗi 300 - 400 dặm (khoảng 482 - 643 km).
- Bắt đầu từ từ để làm quen với một bộ môn hoặc chương trình luyện tập mới. Không đột ngột tăng tần suất và thời lượng của những buổi tập.
- Dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ hoặc thực hiện những hoạt động xen kẽ để ngăn ngừa gãy xương bàn chân do căng thẳng, chẳng hạn như luân phiên chạy bộ với yoga, đạp xe hoặc bơi lội.
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa và sử dụng đèn ngủ để tránh bị vấp ngã.
- Bổ sung đầy đủ hàm lượng canxi và vitamin D cần thiết từ sữa, sữa chua, trứng và những loại thực phẩm lành mạnh khác. Điều này có thể giúp xây dựng sức mạnh của xương, giảm nguy cơ gãy xương.
- Không thực hiện những hoạt động có thể gây nhiều căng thẳng bàn chân và dẫn đến gãy xương. Chẳng hạn như tiếp đất từ một độ cao, xoắn/ vặn bàn chân, chạy đường dài hoặc tập thể dục gắng sức.
- Kéo giãn và khởi động 15 phút trước khi hoạt động thể chất.
- Điều trị loãng xương.
- Loại bỏ thói quen hút thuốc lá. Hút thuốc lá làm tăng tốc độ lão hóa xương khớp, tăng nguy cơ yếu xương và gãy xương so với những người không hút thuốc lá.
- Giảm cân nếu có cân nặng dư thừa. Trọng lượng vượt mức có thể gây nhiều áp lực cho bàn chân dẫn đến gãy xương do căng thẳng.
- Mang giày phù hợp với môn thể thao, sử dụng giày leo núi trên địa hình gồ ghề.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị gãy xương gì, có nghiêm trọng không?
2. Những phương pháp điều trị nào được đề xuất?
3. Tôi cần phẫu thuật không?
4. Tôi cần bó bột trong bao lâu?
5. Tôi cần hạn chế những hoạt động nào trong quá trình chữa lành?
6. Cần bao nhiêu thời gian để tôi có thể sinh hoạt bình thường trở lại?
7. Tôi có khả năng gặp biến chứng nào?
Hầu hết mọi người bị gãy xương bàn chân có tiên lượng tốt, xương lành lại nhanh và không gặp biến chứng. Tuy nhiên cần thăm khám và điều trị theo chỉ định (ngay cả khi có vết nứt nhỏ). Điều này giúp đảm bảo an toàn, xương liền nhanh và phục hồi toàn bộ chức năng vận động.