Gãy Xương Chậu
Gãy xương chậu là tình trạng một hoặc nhiều xương ở xương chậu bị gãy. Tình trạng này không phổ biến, có thể từ nhẹ đến nặng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phẫu thuật hoặc không.
Tổng quan
Gãy xương chậu là vết gãy ở một hoặc nhiều xương tạo ra xương chậu. Đây là một vòng xương chắc chắn nằm ở đáy cột, được tạo thanh từ 3 xương gồm: Xương mu (ở trước), xương ngồi (ở sau) và xương cánh chậu (ở trên).
Gãy xương chậu ít khi xảy ra, chỉ chiếm khoảng 3% tổng số trường hợp gãy xương ở người lớn. Hầu hết trường hợp có xương chậu bị gãy do chấn thương năng lượng cao, chẳng hạn như ngã từ một độ cao và tai nạn xe hơi. Những trường hợp loãng xương có thể bị gãy xương sau một cú ngã nhẹ.
Xương chậu có kích thước lớn, nằm gần những mạch máu và cơ quan chính. Vì thế mà gãy xương chậu (đặc biệt là gãy hở) có thể gây chảy nhiều máu, tổn thương các cơ quan và đe dọa đến tính mạng. Những trường hợp này cần được điều trị khẩn cấp.
Phân loại
Gãy xương chậu được phân loại dựa vào kiểu gãy, tính toàn vẹn cấu trúc của vòng chậu và mức độ tổn thương.
+ Gãy xương ổn định và không ổn định
- Gãy xương ổn định
Những trường hợp gãy xương ổn định thường chỉ có một vết gãy ở vòng chậu, không có tổn thương mô do những mảnh xương gãy xếp thẳng hàng. Hầu hết những trường hợp này đều liên quan đến gãy xương năng lượng thấp.
Gãy xương chậu ổn định có vết gãy hình thành ở bất kỳ vị trí nào trên khung xương chậu. Dưới đây là các kiểu gãy:
-
- Gãy xương cùng
- Gãy xương mô dưới
- Gãy xương mu trên
- Gãy xương cánh chậu
- Gãy xương không ổn định
Gãy xương chậu không ổn định liên quan đến những chấn thương năng lượng cao, thường có từ hai vết gãy trở lên ở vòng chậu. Chấn thương nặng khiến những mảnh xương gãy không thẳng hàng, thường gây chảy nhiều máu, tổn thương mô bao quanh và những cơ quan trong vòng chậu.
Gãy xương chậu không ổn định có những kiểu gãy dưới đây:
-
- Gãy xương nén trước - sau
- Gãy cắt dọc với một nửa xương chậu sẽ dịch chuyển lên trên
- Gãy xương nén bên với xương chậu bị đẩy vào trong.
+ Gãy xương kín và hở
Gãy xương chậu ổn định và không ổn định được chia thành gãy xương kín và gãy xương hở.
- Gãy xương kín
Vùng da quanh vết gãy vẫn còn nguyên vẹn, không bị rách.
- Gãy xương hở
Những mảnh xương đâm xuyên qua da tạo thành vết thương hở hoặc vết rách sâu làm lộ xương. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng, dễ gây biến chứng nhiễm trùng, mất máu và đe dọa đến tính mạng. Vì vậy gãy xương chậu hở cần được điều trị khẩn cấp.
+ Phân loại theo giải phẫu (Noland)
- Độ I: Gãy một phần xương chậu, vòng chậu còn nguyên vẹn
- Độ II: Đứt vòng chậu do gãy rời một bên hoặc cả hai bên
- Độ III: Gãy hai cung và hai bên.
- Độ IV: Gãy nội khớp với đường gãy đi qua khớp háng.
+ Phân loại theo tổn thương chức năng (Donal D.Trunkey)
- Gãy vững: Bệnh nhân không cần bất động.
- Gãy không vững: Bệnh nhân cần được cố định ngoài và kết hợp xương.
- Gãy kiểu đè nát: Ổ khớp háng và cả hai cung đều bị gãy dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong cao.
+ Phân loại theo A.O
- Loại A: Gãy vững, không có tổn thương đáy chậu, dây chằng và xương ở phần sau khung chậu còn nguyên.
- Loại A1: Cơ chế gián tiếp. Trong chấn thương, những mảnh xương ở mào chậu, u ngồi và gai trước trên bị bong ra.
- Loại A2: Cơ chế trực tiếp. Trong đó, xương cùng, cụt và cánh chậu đều bị gãy.
- Loại B: Có tổn thương không hoàn toàn của dây chằng và xương ở phần sau khung chậu, gãy xương không vững, di lệch chiều ngang. Tuy nhiên không có tổn thương đáy chậu.
- Loại B1: Di lệch xoay mở, khớp cùng chậu tổn thương không hoàn toàn, toác rộng khớp mu
- Loại B2: Khung chậu xoay trong (Voliermier)
- Loại B3: Khung chậu xoay trong (B2) hoặc có di lệch xoay mở, khớp cùng chậu tổn thương không hoàn toàn, toác rộng khớp mu (B1) ở cả hai bên.
- Cơ chế ép bên: Gãy cánh chậu cùng bên khiến khung chậu bị méo (Malgaigne), gãy đồng thời cả xương chậu và xương cùng (Voliermier).
- Loại C: Cung sau của xương chậu bị gãy hoàn toàn, cả chiều dọc và chiều ngang đều có tổn thương mất vững.
- Loại C1: Gãy hoàn toàn cung sau 1 bên
- Loại C2: Gãy hoàn toàn cung sau 1 bên và gãy không hoàn toàn bên còn lại
- Loại C3: Gãy hoàn toàn cung sau 2 bên
+ Phân loại theo Ludet & Letournel và dựa vào X-quang
- Gãy thành sau: Thường gặp nhất. Vết gãy kèm theo trật khớp háng ra sau, cần phẫu thuật đặt lại ổ cối.
- Gãy cột trụ sau: Gần như toàn bộ phần sau ổ cối đều bị gãy. Những trường hợp này có đường gãy ngang qua ổ cối, ngang mức gai ngồi lớn tới đáy ổ cối và cắt ngang ngành ngồi mu.
- Gãy cột trụ trước: Vết gãy nằm ở phần trước ổ cối, đường gãy hướng đến phía dải chậu hoặc xương chậu ở trên, đôi khi ngang vào cánh chậu.
- Gãy ngang: Vết gãy nằm ngang qua hai cột trụ, chỏm xương đùi bị lệch vào trong, trần của ổ cối còn nguyên.
- Gãy chữ T: Vết gãy ngang và có một đường gãy dọc hướng ra trước hoặc sau.
- Gãy phối hợp: Bệnh nhân bị gãy cả hai cột trụ, thường có trật khớp háng trung tâm.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
+ Cơ chế chấn thương
Cơ chế chấn thương của gãy xương chậu như sau:
- Lực ép trước - sau
Có một lực mạnh tác động trực tiếp vào gai chậu trước trước trên, khớp mu hoặc cánh chậu, khiến một bên nửa khung chậu và hai bên đều xoay ngoài. Điều này dẫn đến:
-
- Thường có tổn thương rất nặng, ảnh hưởng đến cả cung sau và cung trước
- Cung chậu trước bị gãy một hoặc hai bên
- Lực vào xương mu dẫn đến gãy 4 ngành xương mu
- Lực vào gai chậu trước trên dẫn đến toác hai khớp cùng chậu, cả hai bên hoặc nửa khung chậu xoay ngoài, khung chậu mở ra như quyển sách
- Lực ép bên
Gãy xương chậu xảy ra khi có lực tác động trực tiếp vào mào chậu cùng với xương cánh chậu (theo kiểu đóng quyển sách). Đa phần là do bị ép vào tường, tai nạn giao thông. Điều này dẫn đến sai khớp cùng chậu, gãy xương cùng (gãy dọc theo hàng lỗ liên hợp).
Bệnh nhân có thể bị vỡ ổ cối nếu có lực chấn thương tác động qua mấu chuyển lớn xương đùi. Ngoài ra tổn thương cung chậu trước có thể là gãy một hoặc cả hai ngành ở một hoặc cả hai bên.
- Lực xé dọc
Gãy xương xảy ra khi có lực có lực tác động vào một hoặc cả hai bên khớp cùng chậu, thường liên quan đến ngã cao và chống chân xuống đất khiến đùi thúc lên khung chậu.
Lực xé dọc khiến toàn bộ dây chằng đều bị đứt, khung chậu mất vững hoàn toàn (loại C); nửa khung chậu di lệch lên trên do gãy xương mu, gãy xương cùng, gãy cánh chậu và toác khớp cùng chậu.
Một số trường hợp khác có xương gãy do lực tác động từ nhiều hướng. Điều này khiến xương gãy di lệch theo các hướng khác nhau. Trong đó phần lớn bệnh nhân có di lệch xoay và di lệch ra sau của khung chậu.
+ Nguyên nhân
Những nguyên nhân phổ biến của gãy xương chậu:
- Chấn thương năng lượng cao
Gãy xương chậu thường do một chấn thương năng lượng cao, chẳng hạn như:
-
- Va chạm xe cộ
- Tai nạn đè bẹp
- Bị ngã từ một độ cao đánh kể, chẳng hạn như ngã từ thang
Những trường hợp này thường rất nghiêm trọng, xương gãy nhiều mảnh, không ổn định, ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của cấu trúc khung chậu.
- Xương yếu
Một số tình trạng sức khỏe như loãng xương và ung thư khiến xương yếu. Điều này khiến xương gãy ngay cả khi ngã nhẹ (ngã khi đứng) hoặc đang thực hiện hoạt động thường ngày (chẳng hạn như đi xuống cầu thang).
Gãy xương do xương yếu phổ biến ở người lớn tuổi. Hầu hết các trường hợp đều có xương gãy ổn định, không làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của cấu trúc khung chậu.
- Gãy xương do giật
Gãy xương do giật xảy ra khi mảnh xương ở vị trí mà cơ gân khoe bám vào bị kéo hoặc giật mạnh ra khỏi xương chính. Tình trạng này thường gặp ở những vận động viên trẻ còn đang trong giai đoạn phát triển.
Những trường hợp gãy xương do giật có xương chậu không bị mất tính ổn định và hầu như không làm tổn thương những cơ quan nội tạng.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của gãy xương chậu gồm:
- Đau đớn khiến bệnh nhân cố gắng giữ đầu gối hoặc hông ở một vị trí cụ thể
- Đau nhiều hơn khi cố gắng đứng lên, di chuyển hông hoặc đi bộ
- Sưng tấy
- Bầm tím ở vùng hông
- Ngứa ran hoặc tê ở chân và vùng háng
- Khó đi tiểu
- Khó khăn hoặc không thể đi lại hoặc đứng
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ hỏi về tiền sử chấn thương và bệnh sử, hoàn cảnh gây ra gãy xương để xác định cơ chế chấn thương. Bệnh nhân cũng có thể được hỏi về những thương tổn ở bộ phận tiết niệu và bụng.
Để chẩn đoán gãy xương chậu, bác sĩ khám kỹ lưỡng vùng chậu, kết hợp quan sát, sờ hoặc ấn nhẹ giúp kiểm tra xương gãy. Những dấu hiệu thường gặp gồm:
- Chậu hông không cân đối
- Cánh chậu di động bất thường
- Chi dưới ngắn và xoay ngoài
- Thấy đau nhói khi cử động mạnh vào xương chậu, không đau khi cử động khớp háng nhẹ nhàng
- Đau nhói khi ép hai cánh chậu
Nếu có tổn thương phối hợp, những dấu hiệu dưới đây có thể được phát hiện khi thăm khám:
- Vỡ bàng quang
- Đứt niệu đạo với biểu hiện bàng quang căng, bí đái và tụ máu vùng đáy chậu.
Sau khi khám lâm sàng, các xét nghiệm hình ảnh được thực hiện để xác nhận và đánh giá rõ ràng hơn về chẩn đoán.
- Chụp X-quang: Kỹ thuật này sử dụng tia X để chụp xương. Bệnh nhân cần chụp X-quang khung chậu ở ba tư thế gồm: Tư thế chụp eo chậu, tư thế tiếp tuyến và tư thế thẳng. Thông qua hình ảnh thu được, bác sĩ có thể nhìn thấy vết gãy trên xương chậu. Đồng thời xác định kiểu gãy và tính toàn vẹn của xương.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Do tính phức tạp của chấn thương, CT thường được chỉ định cho những trường hợp gãy xương chậu. Kỹ thuật cung cấp hình ảnh cắt ngang và chi tiết của xương chậu, giúp đánh giá chi tiết hơn về mức độ nghiêm trọng hoặc phát hiện tổn thương khó nhìn thấy.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Nếu vết nứt không được nhìn thấy trên hình ảnh X-quang hoặc CT, chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được thực hiện. Kỹ thuật nào tạo hình ảnh đa chiều chi tiết của xương và mô mềm. Từ đó giúp phát hiện và đánh giá vết gãy, tìm kiếm những thương tổn mô mềm do gãy xương.
- Chụp động mạch chậu: Kỹ thuật này giúp phát hiện vị trí chảy máu và định hướng xử lý phù hợp.
- Kỹ thuật khác:
- Chụp cản quang niệu đạo, bàng quang ngược dòng
- Siêu âm hoặc CT-scan phát hiện và đánh giá tổn thương ở những cơ quan khác.
Biến chứng và tiên lượng
Gãy xương chậu có thể nhẹ hoặc rất nặng. Những trường hợp gãy hở có xương gãy di lệch làm rách mạch máu, đứt gân và tổn thương những cơ quan quan trọng trong khung chậu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ tử vong.
Những biến chứng thường gặp:
+ Biến chứng toàn thân
- Sốc chấn thương
- Tắc mạch máu do mỡ
- Biến chứng tạng
- Vỡ bàng quang
- Tổn thương tử cung và buồng trứng
- Rách âm đạo
- Rách trực tràng
- Tổn thương niệu đạo (chẳng hạn như đứt niệu đạo sau)
- Chấn thương bụng kín
- Viêm phổi
- Viêm đường tiết niệu
- Loét điểm tỳ
- Rối loạn chức năng tình dục
- Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT)
- Suy nội tạng
- Chảy máu nghiêm trọng
- Nhiễm trùng
- Tăng nguy cơ tử vong.
+ Biến chứng tại chỗ
- Đau mãn tính
- Tính di động kém
- Trật khớp háng do gãy thành ổ cối
- Trật khớp háng trung tâm do gãy đáy ổ cối
- Liền lệch khung chậu làm giảm khả năng đi lại
- Thoái hóa khớp háng
- Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi
- Khung chậu méo mó khiến phụ nữ khó đẻ
- Cứng khớp háng
- Ngắn chi (do toác khớp không được nắn chỉnh tốt)
Nếu điều trị kịp thời và đúng phương pháp, bệnh nhân có thể phục hồi chức năng hoàn toàn, xương lành đúng cách và hạn chế được những biến chứng nguy hiểm. Hầu hết các trường hợp có xương liền tốt sau 2 tháng.
Điều trị
Cần xử lý ngay lập tức khi bị gãy xương chậu, đặc biệt là những trường hợp sốc chấn thương. Sau khi ổn định, các phương pháp điều trị gãy xương sẽ được thực hiện.
+ Xử lý khẩn cấp
Các bước cơ bản gồm:
- Kiểm tra đường hô hấp
- Nếu có ùn tắc đờm dãi hoặc dị vật: Hút sạch đờm dãi và lấy hết dị vật, thở oxy. Sau đó bệnh nhân nằm ngửa với phần đầu nghiêng về một bên để ngăn ngừa tình trạng tụt lưỡi.
- Nếu có suy hô hấp nặng: Đặt nội khí quản để bóp bóng hoặc thở máy.
- Đặt một hoặc hai đường truyền dịch
- Truyền máu
- Thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán để không bỏ sót tổn thương.
+ Điều trị
Điều trị gãy xương chậu dựa vào kiểu gãy, mức độ tổn thương và di lệch, tính toàn vẹn cấu trúc của vòng chậu.
1. Điều trị không phẫu thuật
Những trường hợp gãy xương ổn định (xương không di lệch hoặc di lệch tối thiểu) có thể được kéo xương. Ngoài ra các phương pháp khác cũng được thực hiện để tăng khả năng phục hồi hoàn toàn.
- Kéo xương
Kéo xương là phương pháp thường được dùng trong điều trị gãy xương chậu. Bệnh nhân được hướng dẫn nằm bất động tại giường, hai chân gác cao trên giá Braunn theo tư thế “ếch”. Sau đó tiến hành kéo tạ 5 - 7kg, liên tục trong 2 - 3 tuần để điều chỉnh.
Nếu gãy cánh chậu cùng bên khiến khung chậu bị méo (Malgaigne), bệnh nhân được sử dụng băng ép quanh chu vi khung chậu. Thiết bị này giúp tạo ra một lực vừa phải giúp ép nắn chỉnh di lệch, khắc phục doãng khớp mu. Đồng thời bất động ổ gãy và cầm máu.
Một số trường hợp được dùng thêm đai võng đặt quanh mông, kéo liên tục mỗi bên khoảng 5 kg và nâng mông lên cách mặt giường 2 - 3 cm.
- Nghỉ ngơi
Bệnh nhân được khuyên nghỉ ngơi để không gây thêm áp lực và căng thẳng cho xương bị gãy. Đồng thời ngăn ngừa di lệch trong khi xương lành.
- Hỗ trợ đi bộ
Bệnh nhân được hướng dẫn sử dụng khung tập đi, nạng hoặc xe lăn để tránh đặt trọng lượng lên chân. Những dụng cụ hỗ trợ đi bộ sẽ được sử dụng tối đa 3 tháng hoặc đến khi xương lành.
- Thuốc
Thuốc giảm đau như NSAID hoặc một loại mạnh hơn sẽ được dùng để kiểm soát cơn đau. Ngoài ra bệnh nhân cũng được kê đơn thuốc làm loãng máu hoặc thuốc chống đông máu để ngăn hình thành cục máu đông.
2. Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật cho những bệnh nhân bị gãy xương chậu không ổn định và có những tổn thương khác.
- Cố định bên ngoài
Dùng khung cố định bên ngoài khi gãy xương chậu không vững không hoàn toàn, gãy xương hở. Nếu gãy không vững hoàn toàn, cần nắn chỉnh di lệch (kéo liên tục qua đầu dưới xương đùi) trước khi đặt khung cố định ngoài ở phía trước.
Tùy thuộc vào tình trạng, khung cố định ngoài có thể được dùng để điều trị gãy hở khung xương chậu và gãy không vững không hoàn toàn. Một số trường hợp khác được dùng để cố định tạm thời, cầm máu và giảm đau để ngăn sốc.
Đối với những trường hợp gãy khung chậu không vững hoàn toàn, khung cố định ngoài sẽ được dùng kết hợp với phương pháp cố định trong và kéo liên tục.
- Cố định bên trong
Những trường hợp dưới đây sẽ được phẫu thuật cố định bên trong:
-
- Tổn thương vòng chậu sau khiến khung chậu mất vững (cả chiều dọc và chiều xoay)
- Tổn thương cung chậu trước
- Gãy ổ cối có di lệch
Sau khi thoát sốc và ổn định, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cố định bên trong. Trong quá trình này, những mảnh xương gãy được định vị lại, giúp chúng trở về vị trí bình thường. Sau đó vít và tấm kim loại được dùng để gắn vào bề mặt xương, giữ những xương gãy lại với nhau.
Cố định bên trong không được chỉ định cho những bệnh nhân bị gãy xương chậu hở vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu có tổn thương cơ quan sinh dục, bệnh nhân được cắt lọc vết thương và cầm máu. Những trường hợp có tổn thương cơ quan tiết niệu sẽ được mổ cấp cứu để phục hồi bàng quang bị rách hoặc đặt sonde niệu đạo.
3. Phục hồi chức năng
Bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau và thuốc chống đông máu, khuyến khích vận động sớm để tăng tốc độ phục hồi. Khi xương bắt đầu lành, bệnh nhân được hướng dẫn đi lại bằng nạng hoặc khung tập đi, kết hợp thực hiện các chuyển động nhẹ nhàng.
Khi xương đã lành, cần tập đi bằng gậy, thực hiện các bài tập giúp khôi phục phạm vi chuyển động, lấy lại chức năng và sự linh hoạt.
Phòng ngừa
Thay đổi lối sống để giữ xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương chậu.
- Nếu có nguy cơ té ngã cao, hãy sử dụng gậy, khung tập đi hoặc một dụng cụ khác để hỗ trợ đi bộ, giúp bạn không bị ngã.
- Lái xe an toàn, chú ý quan sát và tuân thủ luật giao thông.
- Sử dụng thang đúng cách để đảm bảo an toàn, tránh té ngã.
- Tránh leo trèo.
- Không đi trên những bề mặt trơn trượt.
- Giãn cơ và thực hiện những động tác đều hòa thích hợp trước khi chơi thể thao.
- Dùng dụng cụ bảo hộ thích hợp khi thi đấu hoặc chơi những bộ môn tiếp xúc.
- Thường xuyên tập thể dục để giữ cho gân cơ và xương khớp chắc mạnh.
- Đáp ứng nhu cầu về canxi và vitamin D của cơ thể để duy trì hệ xương khớp chắc khỏe. Những thành phần này giúp tăng mật độ xương, giảm nguy cơ gãy xương do xương yếu.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị loại gãy xương nào?
2. Kiểu gãy và xương nào trong xương chậu bị ảnh hưởng?
3. Kế hoạch điều trị như thế nào?
4. Tôi có cần phẫu thuật không?
5. Mất bao lâu để vết gãy lành lại?
6. Những biến chứng nào có thể xảy ra? Tôi nên làm gì để ngăn ngừa?
7. Khi nào tôi có thể trở lại hoạt động bình thường?
Gãy xương chậu là chấn thương nghiêm trọng, gây ra các biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng. Để đảm bảo xương lành và hạn chế rủi ro, bệnh nhân cần được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!