Gãy Xương Chày

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Gãy xương chày xảy ra khi xương lớn trong hai xương ở cẳng chân bị nứt hoặc gãy. Vết gãy có thể ở đầu trên, đầu dưới hoặc dọc theo chiều dài của xương, gây đau đớn và biến dạng rõ rệt.

Tổng quan

Gãy xương chày là tình trạng xương chày (xương ống chân) bị gãy hoặc có vết nứt. Đây là xương lớn và nằm phía trước trong hai xương ở cẳng chân. Xương còn lại nhỏ hơn được gọi là xương mác.

Gãy xương chày
Gãy xương chày xảy ra khi xương chày (xương ống chân) có vết nứt hoặc gãy lệch

Xương chày chắc khỏe, là một phần quan trọng của khớp gối và khớp mắt cá chân. Nó cũng hỗ trợ hầu hết trọng lượng của cơ thể khi đứng và đi lại.

Gãy xương chày xảy ra khi có lực tác động rất lớn, vượt khỏi khả năng chịu được của xương. Trong nhiều trường hợp, xương mác (xương nhỏ hơn trong cẳng chân) cũng bị gãy đồng thời.

Phân loại

Có nhiều kiểu gãy xương chày tùy thuộc vào lực gây gãy. Cụ thể:

+ Phân loại theo mức độ di lệch

  • Gãy xương lệch: Những mảnh xương gãy có thể không thẳng hàng.
  • Gãy xương ổn định: Những mảnh xương gãy thẳng hàng.

+ Tổn thương mô mềm

  • Gãy xương hở: Xương đâm thủng da hoặc có vết thương xuyên xuống xương gãy. Dạng này gây ra nhiều tổn thương cho mạch máu, gân, dây chằng và cơ bắp xung quanh. So với gãy kín, gãy xương hở có thời gian lành lại lâu hơn và tăng nguy cơ gặp biến chứng nhiễm trùng.
  • Gãy xương kín: Vùng da quanh vết gãy còn nguyên vẹn.

+ Vị trí gãy xương

  • Gãy đầu xa
  • Gãy thân xương chày
  • Gãy đầu gần

+ Kiểu gãy

  • Gãy ngang: Vết gãy là một đường thẳng, cắt ngang qua trục xương chày.
  • Gãy xiên: Có một đường góc cạnh trên trục.
  • Gãy xoắn ốc: Đường gãy bao quanh trục, các phần của xương bị xoắn sau khi gãy.
  • Gãy nhiều mảnh: Có 3 mảnh xương gãy trở lên.

Những kiểu gãy xương chày thường gặp
Những kiểu gãy xương chày thường gặp gồm gãy xoắn ốc, gãy nhiều mảnh và gãy hở

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Gãy xương chày thường do những nguyên nhân dưới đây:

  • Va chạm xe cộ: Gãy xương chày xảy ra khi có va chạm với lực mạnh và trực tiếp vào xương, chẳng hạn như tai nạn xe cộ. Những trường hợp này thường có xương gãy thành nhiều mảnh (gãy vụn).
  • Chấn thương thể thao: Ngã hoặc va chạm khi chơi thể thao có thể gây gãy trục xương chày. Những trường hợp này thường bị gãy xiên hoặc gãy xoắn ốc do có lực xoắn gây ra.
  • Gãy xương do căng thẳng: Chấn thương căng thẳng lặp lại nhiều lần có thể khiến xương chày bị gãy.

Triệu chứng và chẩn đoán

Gãy xương chày có những triệu chứng nghiêm trọng và đột ngột, bao gồm:

  • Đau dữ dội ngay lập tức
  • Biến dạng tại vùng bị thương
  • Mất ổn định của chân
  • Không thể đi lại hoặc đặt trọng lượng lên chân
  • Xương nhô ra qua vết nứt trên da
  • Sưng và tấy đỏ
  • Bầm tím
  • Đôi khi mất cảm giác ở bàn chân.

Xem xét triệu chứng ở vùng ảnh hưởng có thể phát hiện xương chày bị gãy. Sau khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đề nghị một số xét nghiệm nhằm đánh giá thêm về vết gãy, chẳng hạn như vị trí, kiểu gãy và những tổn thương di kèm.

Chụp X-quang gãy xương chày
Chụp X-quang cẳng chân giúp xác nhận chẩn đoán và đánh giá vết gãy của xương chày

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang được xem là xét nghiệm hữu ích nhất đối với gãy xương. Kỹ thuật này tạo ra hình ảnh của xương, giúp xác nhận chẩn đoán và đánh giá vết gãy.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Nếu vết gãy ở khu vực xung quanh khớp gối hoặc mắt cá chân, bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT). Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh cắt ngang của những cấu trúc trong cơ thể, giúp phát hiện những tổn thương nghiêm trọng và khó nhìn thấy. Chụp CT cũng giúp cung cấp thêm về mức độ nghiêm trọng của gãy xương, lên kế hoạch tái tạo lại về mặt của khớp một cách hiệu quả nhất.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Nếu gãy xương chày do căng thẳng hoặc tổn thương các mô quanh vết gãy, bác sĩ có thể chỉ định chụp MRI. Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh chi tiết của các mô, giúp đánh giá rõ hơn về tình trạng.

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết trường hợp phục hồi hoàn toàn, người bệnh trở lại các hoạt động bình thường sau khi xương lành lại. Nhưng nếu có gãy xương hở hoặc/ và không được xử lý đúng cách, người bệnh sẽ gặp những biến chứng dưới đây:

  • Sốc giảm thể tích đơn thuần hoặc sốc mất máu
  • Tổn thương mạch máu
  • Tổn thương dây thần kinh
  • Tổn thương khớp (nếu vết gãy gần khớp gối hoặc khớp mắt cá chân)
  • Rách gân và cơ
  • Hội chứng thuyên tắc mỡ
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu
  • Hội chứng khoang cấp tính
  • Nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng tủy xương và nhiễm trùng huyết do gãy xương hở
  • Không liền xương hoặc xương gãy không lành lại được
  • Rút ngắn chi
  • Cứng khớp
  • Co thắt thiếu máu cục bộ
  • Hoại tử vô mạch
  • Viêm xương khớp.

Xương chày thường phục hồi sau 4 - 6 tháng. Nếu có gãy hở hoặc kèm theo chấn thương khác, thời gian phục hồi có thể lâu hơn.

Điều trị

Trước khi điều trị y tế, cần sơ cứu ngay khi chấn thương xảy ra để giảm bớt tổn thương do vết gãy. Các bước sơ cứu gãy xương:

  • Gọi cấp cứu: Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bị gãy xương hở (xương đâm xuyên qua da), chảy máu nặng hoặc có dấu hiệu bất thường như da nhợt nhạt, đầu ngón chân hơi xanh và tê, mệt mỏi.
  • Bất động: Bất đọng chi ảnh hưởng, không cố gắng đứng hoặc đi trên chân bị ảnh hưởng trừ khi cần thiết. Tuyệt đối không tự mình nắn chỉnh xương gãy hoặc đẩy xương nhô ra về vị trí cũ.
  • Cầm máu: Tạo áp lực lên vùng bị thương bằng miếng vải sạch hoặc băng vô trùng để cầm máu.
  • Cố định: Cố định chi bị thương để ngăn xương di lệch thêm, gây tổn thương cho mô mềm trong khi di chuyển đến bệnh viện. Các bước cố định:
    • Đặt tấm gỗ mỏng dưới chân bị thương hoặc hai thanh nẹp ở phía trên và bên dưới chỗ gãy
    • Dùng băng quấn cố định, có thể lót thêm vải tại thanh nẹp để giảm khó chịu.
  • Chườm đá: Dùng miếng vải bọc túi đá lạnh, sau đó đặt lên vùng bị thương để giảm đau và sưng tấy.
  • Điều trị sốc: Nếu có những dấu hiệu liên quan đến sốc giảm thể tích (mệt mỏi, thở gấp và ngắn), đặt người bệnh nằm xuống với đầu thấp hơn thân mình một chút và nâng cao chân nếu có thể.

Bất động và cố định chi ảnh hưởng
Bất động và cố định chi ảnh hưởng để ngăn xương bị gãy di lệch thêm

Điều trị gãy xương chày sẽ dựa vào sức khỏe tổng thể, vị trí gãy, kiểu gãy, mức độ nghiêm trọng của chấn thương và có bao nhiêu mô mềm bị ảnh hưởng. Các phương pháp điều trị y tế:

1. Nẹp

Điều trị ban đầu thường bao gồm việc sử dụng nẹp trong vài tuần. Thiết bị này giúp hỗ trợ và mang lại sự thoải mái cho chi ảnh hưởng. Sau khi giảm sưng tấy, các phương pháp điều trị khác sẽ được xem xét.

2. Bó bột

Nếu gãy xương chày ở mức độ nhẹ và xương gãy không di lệch, bệnh nhân được bó bột để cố định vùng ảnh hưởng. Phương pháp này cho phép vết gãy liền lại đúng cách, ngăn di lệch thêm.

Bệnh nhân thường được bó bột từ 8 - 12 tuần. Trong giai đoạn này, chụp X-quang sẽ được thực hiện thường xuyên để xem liệu xương chày có làng lại đúng cách hay không.

3. Nắn chỉnh kín

Nắn chỉnh kín còn được gọi là giảm đóng. Phương pháp này được chỉ định cho những bệnh nhân có gãy xương di lệch ít, không có tổn thương mô mềm, có thể nắn chỉnh được mà không cần phẫu thuật.

Trước khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân có thể được gây mê hoặc gây tê khu vực xung quanh vết gãy để giảm đau. Trong khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ thực hiện các thao tác nhẹ nhàng và đều đặn, nắn và kéo chính xác để xương gãy có thể trở về vị trí ban đầu. Sau thủ thuật, người bệnh được bó bột để cố định đến khi xương lành lại.

4. Phẫu thuật

Phẫu thuật gãy xương còn được gọi là giảm mở. Phương pháp này được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Gãy xương hở hoặc gãy nặng
  • Gãy nhiều mảnh xương
  • Xương gãy di lệch nghiêm trọng, giảm đóng thất bại.

Dựa và mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành cố định bên trong hoặc bên ngoài. Hiếm khi ghép xương được thực hiện.

  • Cố định bên trong

Hầu hết bệnh nhân được đóng đinh nội tủy để điều trị gãy xương chày. Trong thủ thuật này, bác sĩ tạo vết mổ ngay tại vị trí gãy. Sau đó nhẹ nhàng định vị lại xương, giúp các mảnh xương gãy về vị trí đúng.

Cố định bên trong
Cố định bên trong gồm đóng đinh nội tủy hoặc dùng tấm và ốc để cố định xương gãy

Thanh kim loại đặc biệt được đưa vào ống xương chày, đi qua vết nứt và giữ xương chày ở đúng vị trí. Đinh nội tủy được gắn vào xương ở hai đầu để giữ cho thanh kim loại và và xương ở đúng vị trí trong quá trình lành lại.

Đôi khi ghim và dây hoặc tấm và ốc vít được dùng để gắn vào mặt ngoài của xương, giúp cố định các mảnh xương gãy cho đến khi nó lành lại. Sau khi xương liền, bệnh nhân được phẫu thuật để lấy các thiết bị cố định ra ngoài.

  • Cố định bên ngoài

Dùng ghim hoặc ốc vít đặt ở phía trên và phía dưới của vị trí gãy. Sau đó các chốt được nối với thanh kim loại đặt ngoài da, tạo thành một khung ổn định. Khung này giúp giữ cho các mảnh gãy liền lại với nhau một cách chính xác.

Nếu gãy xương hở và tổn thương mô mềm nghiêm trọng, cố định bên ngoài sẽ được thực hiện. Điều này giúp giữ các mảnh xương trong khi mô lành lại. Sau đó người bệnh sẽ được phẫu thuật sắp lại xương.

  • Ghép xương

Thường không cần ghép xương trong điều trị gãy xương chày. Tuy nhiên phương pháp này cần thiết cho những trường hợp gãy nát, di lệch nghiêm trọng hoặc/ và xương không thể lành lại bình thường.

Ghép xương bao gồm việc sử dụng mảnh ghép xương chèn vào vị trí gãy, nối các mảnh gãy lại với nhau. Sau đó cố định bên trong đến khi chúng phát triển thành một khối đồng nhất.

Mảnh ghép có thể được hiến tặng, lấy từ một vị trí khác trong chính cơ thể của người bệnh hoặc sử dụng vật liệu xương nhân tạo.

Bất kỳ thủ tục nào cũng có rủi ro. Mặc dù hiếm gặp nhưng người bệnh có thể gặp một số biến chứng từ phẫu thuật, bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Tổn thương thần kinh và mạch máu
  • Hình thành cục máu đông
  • Không định vị chính xác các mảnh vỡ
  • Xương không liền hoặc vết gãy chậm lành hơn
  • Tạo góc.

5. Phương pháp hỗ trợ

Sau phẫu thuật gãy xương chày, bệnh nhân được bó bột hoặc dùng nẹp 2 - 3 tháng. Ngoài ra một số thuốc cũng được chỉ định để giảm đau. Sau 1 - 2 tuần, bệnh nhân được hướng dẫn co cơ để giảm nguy cơ teo cơ, cục máu đông và hội chứng khoang.

Cố định sau mổ
Bệnh nhân được bó bột hoặc dùng nẹp để giữ cố định sau phẫu thuật gãy xương chày

Khi bột được tháo, các bài tập vật lý trị liệu sẽ được thực hiện. Những bài tập này giúp người bệnh phục hồi chức năng, sức mạnh cũng như tính linh hoạt. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể hướng dẫn những bài tập tăng cường sức mạnh cho các cơ bắp ở chân.

Phòng ngừa

Những cách dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ gãy xương chày:

  • Ngăn ngừa té ngã
    • Không đứng trên ghế, bàn hoặc những vật dụng không ổn định khác.
    • Tránh leo trèo.
    • Dùng tay vịn trong nhà tắm và cầu thang.
    • Dùng thảm chống trượt ở những nơi ẩm ướt.
    • Để đồ vật ngăn nắp, dọn dẹp những vật cản để tránh té ngã.
  • Mặc đồ bảo hộ để ngăn chấn thương trong khi chơi thể thao.
  • Thận trọng khi lái xe và luôn mang dây an toàn.
  • Cân nặng dư thừa có thể tăng thêm căng thẳng cho xương chày. Vì vậy những người thừa cân nên ăn uống phù hợp và tập thể dục để giảm cân.
  • Bổ sung canxi và vitamin D từ chế độ ăn uống, đặc biệt là những người lớn tuổi. Những thành phần dinh dưỡng này sẽ giúp tăng mật độ xương và giữ cho xương khỏe mạnh.
  • Tập thể dục đều đặn để giảm cân, giữ cho xương chắc khỏe, làm mạnh gân và các cơ hỗ trợ.

Tập thể dục đều đặn mỗi ngày
Tập thể dục đều đặn mỗi ngày để duy trì trọng lượng an toàn và giữ cho xương chắc khỏe

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị gãy xương chày hay có một chấn thương khác?

2. Gãy xương có gây ra những thương tổn khác hay không?

3. Phương pháp điều trị nào được chỉ định?

4. Phẫu thuật có cần thiết hay không?

5. Mất bao lâu để xương lành lại hoàn toàn?

6. Khi nào tôi có thể trở lại các hoạt động thể chất?

7. Tôi có cần theo dõi những dấu hiệu bất thường không?

Gãy xương chày thường kèm theo tổn thương mô và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn, người bệnh cần được sơ cứu. Sau đó nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện để được bác sĩ nắn chỉnh và cố định đúng cách.