Gãy Xương Hông
Gãy xương hông là tình trạng gãy ở phần trên của xương đùi, thường do tai nạn xe hơi và té ngã. Tình trạng này phổ biến hơn ở những người lớn tuổi và bị loãng xương.
Tổng quan
Gãy xương hông là thuật ngữ chỉ tình trạng gãy xương ở phần trên của xương đùi. Đây là một chấn thương nặng, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Vết gãy thường ở cổ xương đùi nhưng cũng có thể hình thành ở chỏm xương đùi.
Hầu hết gãy xương hông xảy ra ở người lớn tuổi bị loãng xương. Theo thời gian, xương có xu hướng mỏng và yếu đi. Ở những bệnh nhân bị loãng xương, ngã nhẹ (chẳng hạn như ngã khi đứng) cũng có thể làm gãy xương.
Để điều trị, bệnh nhân thường cần phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế. Sau đó chương trình vật lý trị liệu sẽ được thực hiện để phục hồi.
Phân loại
Gãy xương hông được phân thành các loại gồm:
- Gãy cổ xương đùi
Gãy cổ xương đùi xảy ra khi vết gãy hình thành ở cổ xương đùi - vùng xương ngay dưới chỏm xương đùi, cách khớp hông từ 1 - 2 inch (2,54 - 5,08 cm). Tình trạng này thường gặp ở người lớn tuổi (trên 65 tuổi) và liên quan đến chứng loãng xương.
Gãy cổ xương đùi thường cắt đứt nguồn cung cấp máu đến đầu xương đùi. Chính vì thế mà tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ hoại tử chỏm xương đùi.
- Gãy liên mấu chuyển
Vết gãy nằm ở vùng liên mấu chuyển - đoạn xương nằm giữa phần xương thẳng, dài của xương đùi và cổ xương đùi, cách khớp hông từ 3 - 4 inch.
So với gãy cổ xương đùi, gãy liên mấu chuyển (gãy xương liên khớp) thường dễ sửa chữa hơn, lành tốt và không làm gián đoạn nguồn cung cấp máu. Tùy thuộc vào lực tác động, bệnh nhân có thể bị gãy xương liên khớp hai phần hoặc ba phần.
- Gãy xương dưới chuyển tiếp
Gãy xương dưới vùng chuyển tiếp là vết gãy ở phần trên trục của xương đùi, dưới khớp hông. Hầu hết những trường hợp này sẽ được phẫu thuật cố định bên trong bằng đinh và vít kim loại có khung hoặc tấm bên và vít nén.
- Gãy đầu xương đùi
Gãy đầu xương đùi (gãy chỏm xương đùi) rất hiếm khi xảy ra, chỉ chiếm dưới 1% trong số bệnh nhân bị gãy xương hông. Tình trạng này thường là kết quả của một chấn thương do tốc độ cao, có thể xuất hiện đồng thời với một vết gãy ở khớp hông.
Trong trường hợp gãy xương không di lệch, bệnh nhân có thể được điều trị không phẫu thuật. Nếu có một mảnh xương nhỏ bị dịch chuyển, không chiếm nhiều bề mặt khớp, người bệnh sẽ được phẫu thuật loại bỏ mảnh xương đó.
Nếu có mảnh vỡ lớn và xảy ra ở người trẻ năng động, phẫu thuật cố định bằng vít sẽ được thực hiện. Người lớn tuổi được yêu cầu thay khớp háng.
- Gãy xương Greater Trochanter (mấu chuyển lớn)
Vết gãy đơn lẻ của mấu chuyển lớn thường từ một cú ngã có năng lượng thấp. Tình trạng này khiến người bệnh đau đớn nhiều. Tuy nhiên xương thường lành mà không cần phẫu thuật.
- Gãy xương hông do căng thẳng
Gãy xương hông do căng thẳng là những vết nứt nhỏ hình thành ở xương đùi, thường không ảnh hưởng đến toàn bộ xương. Tình trạng này xảy ra do những chuyển động lặp đi lặp lại và việc sử dụng khớp hông quá mức.
So với gãy xương do chấn thương, gãy xương do căng thẳng có những triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, giống với căng cơ và viêm gân.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Gãy xương hông thường là kết quả của tai nạn và chấn thương, cụ thể như:
- Va chạm xe hơi
- Ngã từ một độ cao đáng kể
- Chấn thương do những chuyển động lặp đi lặp lại và sử dụng khớp hông quá mức dẫn đến gãy xương do căng thẳng. Tình trạng này thường gặp ở những vận động viên chạy đường dài.
Ở người lớn tuổi và bị loãng xương, gãy xương hông thường do những nguyên nhân dưới đây:
- Ngã khi đứng hoặc ngã nhẹ
- Đứng trên chân, sau đó vặn người hoặc xoay đột ngột
- Thực hiện các hoạt động hàng ngày như đứng dậy khỏi ghế và đi bộ (xảy ra ở những người có xương rất yếu)
Nguy cơ tăng lên khi có những yếu tố dưới đây:
- Người trên 65 tuổi: Theo thời gian, xương trở nên yếu, giòn và dễ gãy hơn. Ngoài ra người lớn tuổi có nguy cơ té ngã cao do những vấn đề về thăng bằng và vận động
- Phụ nữ lớn tuổi: Phụ nữ sau mãn kinh bị mất khối lượng xương và dễ bị gãy xương hơn.
- Loãng xương: Bệnh loãng xương khiến xương yếu và xốp hơn. Điều này làm tăng nguy cơ gãy xương. So với nam giới, phụ nữ có nguy cơ loãng xương gấp 4 lần.
- Thuốc: Một số loại thuốc làm tăng nguy cơ té ngã và loãng xương. Chẳng hạn như thuốc tụt huyết áp, thuốc gây buồn ngủ, Cortisone.
- Yếu tố khác:
- Lối sống ít vận động
- Uống quá nhiều rượu khiến xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương
- Hút thuốc lá
- Không nhận đủ canxi, vitamin D và các chất dinh dưỡng khác
- Bệnh số bệnh lý làm tăng nguy cơ té ngã như bệnh Parkinson và mất trí nhớ.
- Rối loạn đường ruột
- Các vấn đề về tuyến giáp
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của gãy xương hông thường xảy ra đột ngột và nghiêm trọng. Tuy nhiên các triệu chứng cũng có thể xuất hiện dần dần và xấu đi theo thời gian.
- Đau đớn
- Đau hông dữ dội và sắc nét. Đôi khi cảm thấy nhức nhói hoặc đau nhẹ
- Đau thường ở vùng đùi hoặc phần bên ngoài của hông, vùng háng và xương chậu
- Đau thần kinh tọa (đau lan từ mông xuống chân), đôi khi đau ở đầu gối
- Khả năng di chuyển hạn chế
- Không thể đứng dậy sau khi ngã hoặc đi lại
- Không thể dồn trọng lượng lên chân ở bên hông bị thương và cảm thấy vô cùng đau đớn
- Bầm tím ở hông
- Sưng tấy trong và xung quanh vùng hông
- Chân bị thương trông ngắn hơn chân kia
- Hông trông như bị lệch hoặc bị xoay
Ngay khi gãy xương hông, bệnh nhân cần nằm bất động và gọi xe cấp cứu. Các chuyên viên y tế có thể giúp cố định xương gãy đúng cách, sử dụng thuốc giảm đau và đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu an toàn. Không cố gắng di chuyển để tránh gãy xương nghiêm trọng hơn.
Trong khi khám, bệnh nhân được kiểm tra bệnh sử và chấn thương. Sau đó bác sĩ cẩn thận xem xét vùng ảnh hưởng, quan sát và ấn nhẹ vào hông để tìm kiếm những dấu hiệu bất thường.
Bác sĩ cũng có thể chạm vào bàn chân hoặc/ và cẳng chân để kiểm tra cảm giác, xác định tổn thương thần kinh. Đồng thời kiểm tra tuần hoàn và khả năng chuyển động. Sau khi gãy xương hông, mọi cử động sẽ bị hạn chế và gây ra cảm giác đau đớn.
Để chẩn đoán xác định và cung cấp thêm thông tin về gãy xương, các xét nghiệm hình ảnh sẽ được thực hiện, bao gồm:
- Chụp X-quang: Tia X cung cấp hình ảnh của xương. Điều này giúp phát hiện tình trạng nứt/ gãy xương hông, kiểu gãy và mức độ di lệch của xương.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI có độ nhạy cao, tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc mô mềm và xương. Nhờ đó bác sĩ có thể nhanh chóng phát hiện các vết gãy nhỏ hoặc vết gãy không hoàn toàn, không được nhìn thấy trên hình ảnh X-quang.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh cắt ngang chi tiết của hông. Từ đó giúp đánh giá thêm về vết gãy.
Biến chứng và tiên lượng
Gãy xương hông có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Chấn thương làm cản trở khả năng cử động trong thời gian dài. Từ đó khiến những cục máu đông hình thành, thường ở các tĩnh mạch của chân.
Khi cục máu đông vỡ, chúng có thể di chuyển và làm tắc nghẽn các mạch máu trong phổi. Tình trạng này được gọi là thuyên tắc phổi, có thể khiến người bệnh tử vong.
Các biến chứng khác:
- Viêm phổi
- Viêm loét do nằm lâu
- Mất khối lượng cơ (teo cơ)
- Tăng nguy cơ té ngã và chấn thương
- Nhiễm trùng sau phẫu thuật
- Xương gãy không liền hoặc trật khớp
- Suy giảm tinh thần sau phẫu thuật, thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi
- Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi
- Giảm khả năng độc lập và rút ngắn tuổi thọ. Khoảng 1/2 bệnh nhân gãy xương hông không thể lấy lại khả năng sống độc lập.
Điều trị
Điều trị gãy xương hông phụ thuộc vào vị trí của vết gãy và mức độ nghiêm trọng. Gần như tất cả trường hợp gãy xương hông đều cần phẫu thuật và phục hồi chức năng. Ngoài ra các thuốc cũng được sử dụng để giảm đau và ngăn các biến chứng.
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật bao gồm việc sửa chữa xương gãy hoặc thay khớp háng. Những kỹ thuật cụ thể sẽ được chỉ định dựa trên mức độ nghiêm trọng, vị trí của vết gãy, tuổi tác và sức khỏe tổng thể.
- Phẫu thuật sửa chữa
Phẫu thuật sửa chữa khớp háng (cố định bên trong) được chỉ định cho những trường hợp gãy xương hông không quá nghiêm trọng, có thể sắp xếp được đúng cách.
Trong kỹ thuật này, bác sĩ tạo một vết mổ lớn, sắp xếp (đặt lại) xương gãy về đúng vị trí. Sau đó sử dụng đinh, ốc vít, thanh hoặc tấm kim loại để giữ những mảnh xương gãy ở vị trí thích hợp trong khi lành.
Hầu hết các trường hợp được dùng vít kim loại đưa vào xương để giữ các mảnh xương gãy lại với nhau. Một số trường hợp khác được sử dụng một tấm kim loại và ốc vít gắn vào tấm chạy dọc xương đùi.
- Thay khớp háng
Bệnh nhân có thể được chỉ định thay khớp háng một phần hoặc toàn bộ. Kỹ thuật này phù hợp với những tình trạng sau:
-
- Gãy xương nội khớp
- Gãy xương di lệch nghiêm trọng và không thể đặt lại
- Vết gãy làm mất nguồn cung cấp máu đến chỏm xương đùi (phần bóng của hông)
- Xương gãy ít có khả năng lành lại đúng cách
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ khớp háng hỏng. Sau đó sử dụng khớp giả để thay thế. Khớp này được làm bằng kim loại hoặc sứ, có hình thái giống với khớp tự nhiên. Phẫu thuật thay khớp háng có thể giúp người bệnh phục hồi chức năng vận động.
2. Thuốc
Những loại thuốc thường được sử dụng gồm:
- Thuốc giảm đau: Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) thường được dùng để giảm viêm và kiểm soát cơn đau. Nếu cơn đau không giảm, opioid hoặc một loại loại thuốc giảm đau mạnh khác sẽ được sử dụng.
- Thuốc kháng sinh: Thuốc này được dùng để giảm nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật.
- Thuốc chống đông máu: Để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc chống đông máu.
3. Vật lý trị liệu
Sau phẫu thuật 1 - 2 ngày, bệnh nhân có thể xuống giường và tập vật lý trị liệu. Việc di chuyển sớm có thể giúp ngăn ngừa cục máu đông, lở loét, viêm phổi và những biến chứng y tế khác.
Ngoài ra chuyển động sớm cũng giúp ngăn ngừa tình trạng suy nhược ở người lớn tuổi, giảm nguy cơ khuyết tật và tăng khả năng tự lập. Nếu đã thay khớp háng, những bài tập đặc biệt sẽ được hướng dẫn để cải thiện phạm vi chuyển động.
Khi bắt đầu, bệnh nhân được hướng dẫn chuyển động nhẹ nhàng, lên và xuống giường. Khi đau giảm, chuyên gia có thể hướng dẫn những bài tập giúp dồn trọng lượng lên chân ảnh hưởng. Sau đó những bài tập tăng cường sẽ được thực hiện để phục hồi chuyển động, tính linh hoạt, sức mạnh và khả năng vận động.
Phòng ngừa
Gãy xương hông không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên bạn có thể giảm nguy cơ bằng những biện pháp sau:
- Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đủ canxi và vitamin D cần thiết để cải thiện và duy trì xương chắc khỏe.
- Những người lớn tuổi nên thường xuyên thực hiện các xét nghiệm mật độ xương. Điều này giúp phát hiện những dấu hiệu loãng xương và điều trị sớm.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Thừa cân gây ra nhiều áp lực hơn cho hông, tăng nguy cơ gãy xương hông ở người lớn tuổi.
- Tránh uống quá nhiều rượu và không hút thuốc lá. Rượu và thuốc lá làm giảm mật độ xương. Ngoài ra uống nhiều rượu còn làm mất khả năng giữ thăng bằng, tăng nguy cơ té ngã.
- Ngăn ngừa tai nạn và té ngã bằng cách:
- Giữ cho nhà cửa và nơi làm việc ngăn nắp, loại bỏ những vật dụng có thể gây vấp ngã.
- Không đi trên những vật dụng trơn trượt.
- Thận trọng khi lên và xuống cầu thang
- Những người mắc bệnh Parkinson và mất trí nhớ nên hỏi bác sĩ về cách duy trì thăng bằng và ngăn ngừa té ngã.
- Khám mắt định kỳ và điều trị những vấn đề về thị lực.
- Nếu khó đi lại hoặc không cảm thấy vững vàng khi đi bộ, bạn cần sử dụng những dụng cụ hỗ trợ như gậy đi bộ hoặc khung tập đi.
- Thường xuyên tập thể dục để duy trì xương chắc khỏe, ngăn ngừa mất xương, tăng sức mạnh cơ bắp và tổng thể. Đặc biệt những bài tập chịu trọng lượng (như đi bộ), thái cực quyền và bơi lội có thể mang đến nhiều lợi ích, tăng khả năng giữ thăng bằng và cải thiện sức mạnh. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ té ngã và gãy xương hông.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều trị gãy xương hông như thế nào?
2. Những biến chứng nghiêm trọng nào có thể xảy ra?
3. Có thể lấy lại khả năng sống độc lập hay không?
4. Sẽ mất bao lâu để điều trị?
4. Lợi ích và rủi ro từ phẫu thuật là gì?
5. Có cần vật lý trị liệu hay không?
6. Nên làm gì để ngăn ngừa các biến chứng?
7. Khi nào tôi có thể trở lại các hoạt động bình thường?
Gãy xương hông là một chấn thương vô cùng nghiêm trọng, thường gặp ở người lớn tuổi bị loãng xương. Chấn thương có thể làm mất khả năng sống độc lập, hình thành cục máu đông và rút ngắn tuổi thọ. Để giảm rủi ro, bệnh nhân cần tuân thủ những chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!