Gãy Xương Kín
Gãy xương kín là khi xương gãy không có vết thủng trên da. Phần lớn những trường hợp này có xương gãy ổn định, dễ điều trị, xương lành nhanh và ít gây biến chứng.
Tổng quan
Gãy xương kín là tình trạng xương gãy không xuyên qua da. Điều này có nghĩa vùng da trên chỗ gãy không có vết thương hở hoặc vết thủng.
Gãy xương kín dễ điều trị và ít nghiêm trọng hơn so với gãy xương hở (xương gãy xuyên qua da, cần điều trị khẩn cấp và phẫu thuật làm sạch vùng gãy để ngăn nhiễm trùng). Mặc dù vậy xương gãy vẫn có thể làm tổn thương mô mềm nghiêm trọng. Những trường hợp này sẽ được can thiệp bằng phẫu thuật.
Gãy gãy xương kín thường không cần phẫu thuật khẩn cấp, có thể thực hiện sau chấn thương từ vài ngày đến vài tuần. Nếu vết gãy ổn định (không di lệch) hoặc di lệch ít, bệnh nhân sẽ được nắn chỉnh kín hoặc/ và bó bột cố định xương gãy.
Phân loại
Những vị trí thường bị gãy xương kín:
- Xương hông
- Xương chậu
- Cổ tay
- Mắt cá chân
- Cột sống
- Xương mác
- Xương quay và xương trụ
Phân độ của Oestern và Tscherne đối với gãy xương kín có tổn thương mô mềm:
Phân độ 0
- Gãy xương đơn giản
- Không có tổn thương mô mềm hoặc ở mức tối thiểu
- Tổn thương gián tiếp ở chi
Phân độ I
- Gãy xương nhẹ
- Bề mặt ngoài bị bong tróc hoặc mài mòn
Phân độ II
- Mài mòn sâu
- Cơ hoặc/ và da bị tổn thương hoặc có vết trầy xước nhiễm độc sâu
- Gãy xương nghiêm trọng
- Chấn thương trực tiếp ở chi
Phân độ III
- Chấn thương nặng khiến xương gãy kèm theo dập nát hoặc đụng dập mô dưới da trên diện rộng
- Cơ bên dưới bị tổn thương nghiêm trọng
- Nhồi máu hoặc bị tụ máu dưới da
- Xuất hiện hội chứng khoang.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Gãy xương kín xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Chấn thương: Hầu hết các trường hợp gãy xương kín liên quan đến chấn thương như va chạm xe, ngã, chấn thương thể thao.
- Gãy xương do căng thẳng: Xương gãy do sử dụng quá mức và lặp đi lặp lại.
- Gãy xương bệnh lý: Một số tình trạng bệnh lý như loãng xương, khối u, nhiễm trùng... khiến cấu trúc của xương suy yếu, thường dẫn đến kiểu gãy xương kín. Trường hợp này được gọi là gãy xương bệnh lý.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Phụ nữ mãn kinh
- Trẻ em
- Người lớn tuổi
- Hút thuốc lá
- Uống nhiều rượu
Triệu chứng và chẩn đoán
Gãy xương kín có những triệu chứng xảy ra ngay sau khi có chấn thương. Ở những trường hợp gãy xương do căng thẳng và bệnh lý, triệu chứng thường tiến triển dần dần.
Dưới đây là những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp:
- Đau đớn
- Nghe tiếng răng rắc khi xương gãy
- Bầm tím
- Sưng tấy
- Không thể dồn trọng lượng hoặc cảm thấy rất đau
- Biến dạng chi (chi cong, gập góc, chi ngắn hoặc xoắn lại)
- Phát ra tiếng kêu lạo xạo khi chuyển động (do hai đầu xương gãy cọ xát vào nhau)
Để phát hiện gãy xương kín, bác sĩ đặt một số câu hỏi về bệnh lý và cách chấn thương xảy ra. Sau đó tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng vùng ảnh hưởng, gồm quan sát, sờ và ấn nhẹ để tìm kiếm những triệu chứng và dấu hiệu của gãy xương.
Khi có nghi ngờ gãy xương kín, một số xét nghiệm hình ảnh thích hợp sẽ được thực hiện nhằm xác nhận chẩn đoán. Cụ thể:
- Chụp X-quang: Cấu trúc xương và vết gãy được thể hiện rõ nét trên hình ảnh X-quang. Điều này cho phép bác sĩ xác định vị trí, kiểu gãy, mức độ xương gãy di lệch và tổn thương mô mềm.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Gãy xương do căng thẳng và bệnh lý có thể có những vết gãy nhỏ không được phát hiện bằng tia X (chụp X-quang). Những trường hợp này sẽ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT) để đánh giá. CT cũng giúp bác sĩ quan sát tổn thương mô mềm do gãy xương gây ra.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI cung cấp hình ảnh rõ hơn về xương gãy và mô mềm xung quanh. Điều này giúp phát hiện tổn thương mạch máu, cơ, dây thần kinh, tủy sống gân; xác định mức độ nghiêm trọng và định hướng điều trị.
Biến chứng và tiên lượng
So với gãy xương hở, gãy xương kín ít nghiêm trọng hơn, ít gây biến chứng và không cần phẫu thuật khẩn cấp. Xương thường liền nhanh và bệnh nhân có thể phục hồi chức năng hoàn toàn.
Nhưng nếu việc điều trị không diễn ra suôn sẻ, những vấn đề dưới đây có thể xảy ra:
- Gãy xương nặng hơn dẫn đến gãy xương hở
- Hội chứng khoang
- Hoại tử vô mạch (hoại tử xương), thường gặp ở những bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi
- Sốt chấn thương vô trùng
- Huyết khối tĩnh mạch sâu.
Hầu hết mọi người có thể phục hồi hoàn toàn và trở lại hoạt động thể chất sau gãy xương. Thường mất 8 - 12 tuần để xương gãy lành lại, mất 6 tháng để phục hồi hoàn toàn.
Điều trị
Việc điều trị thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố gồm:
- Vị trí và kiểu gãy xương
- Mức độ nghiêm trọng
- Có tổn thương mô mềm hay không
- Tuổi bệnh nhân
- Sức khỏe tổng thể
- Mức độ hoạt động thể chất
Hầu hết mọi người được điều trị bằng bó bột cố định xương và nắn chỉnh kín (giảm đóng) khi xương di lệch. Nếu có tổn thương mô mềm nghiêm trọng, phẫu thuật sẽ được chỉ định.
Những phương pháp điều trị cụ thể:
1. Không cố định
Không phải tất cả các trường hợp đều được can thiệp. Những trường hợp có vết gãy ổn định có thể tự lành mà không cần điều trị. Thông thường người bệnh chỉ cần sử dụng ủng đi bộ hoặc một chiếc địu.
Trong quá trình này, tia X có thể thường xuyên được sử dụng để quan sát sự lành lại của xương. Nếu có bất thường, những phương pháp điều trị sẽ được thực hiện.
2. Nẹp hoặc bó bột
Bệnh nhân được bó bột hoặc dùng nẹp để cố định xương gãy. Điều này giúp xương được giữ thẳng hàng và ngăn tổn thương thêm trong khi nó lành lại.
Có thể chỉ cần bó bột 8 - 12 tuần nếu gãy xương kín ở mức độ nhẹ, xương gãy không di lệch. Ở những trường hợp có mảnh gãy di lệch, bó bột được thực hiện sau khi nắn chỉnh kín (giảm đóng) hoặc phẫu thuật (giảm mở).
3. Nắn chỉnh kín
Nắn chỉnh kín nếu xương gãy di lệch. Phương pháp này bao gồm việc thực hiện thao tác nắn chỉnh bên ngoài để xương bên trong di chuyển và về đúng vị trí. Trước khi thực hiện, bệnh nhân được gây tê cục bộ để giảm đau.
Sau khi đặt lại xương gãy, bệnh nhân được bó bột vài tháng để xương được giữ ở vị trí đúng, bảo vệ và giúp xương lành lại đúng cách.
4. Giảm mở và cố định bên trong
Phẫu thuật và cố định bên trong được thực hiện cho những trường hợp sau:
- Có tổn thương mô mềm
- Không thể đặt lại xương gãy bằng cách giảm đóng.
Phương pháp này bao gồm việc sắp xếp lại thông qua vết mổ. Sau đó giữ những mảnh xương bằng tấm kim loại, thanh, ghim hoặc ốc vít. Điều này giúp duy trì sự liên kết của các xương và giúp chúng lành lại đúng cách.
5. Cố định bên ngoài
Hiếm khi cố định bên ngoài được thực hiện cho những trường hợp gãy xương kín. Phương pháp này được chỉ định khi có tổn thương mô mềm nghiêm trọng khiến việc phẫu thuật không diễn ra an toàn.
Cố định bên ngoài bao gồm việc sử dụng khung kim loại cố định xương từ bên ngoài. Trong đó xương bị gãy được giữ chắc chắn mà không cần phẫu thuật. Điều này giúp ngăn những tổn thương thêm cho các mô, giúp chúng có thời gian lành lại trước khi cố định bên trong (nếu cần thiết).
6. Thuốc
Trước và sau quá trình nắn chỉnh xương gãy, bệnh nhân được kê đơn thuốc giảm đau để giảm bớt tình trạng. Chẳng như Acetaminophen hoặc một loại NSAID không theo toa như Ibuprofen.
Đôi khi thuốc chống đông máu và thuốc kháng sinh cũng được sử dụng để giảm nguy cơ phát triển biến chứng.
7. Vật lý trị liệu
Ngay cả khi điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật, vật lý trị liệu cần được thực hiện để phục hồi chức năng. Sau phẫu thuật vài ngày hoặc bó bột, bệnh nhân được hướng dẫn co cơ, chuyển động khớp nhẹ nhàng.
Khi đau giảm, các bài tập khó hơn sẽ được thực hiện. Những bài tập này giúp tăng cường cơ và thúc đẩy lành xương. Đồng thời lấy lại sức mạnh, phạm vi, chức năng vận động và tính linh hoạt.
Phòng ngừa
Một số lời khuyên hữu ích có thể giúp bạn giảm nguy cơ gãy xương kín, bao gồm:
- Ngăn ngừa té ngã và các chấn thương khác
- Không đi trên bề mặt trơn trượt
- Dùng những thiết bị có thể tiếp cận mọi thứ. Không cố gắng leo trèo và đứng trên những vật dụng
- Mặc đồ bảo hộ an toàn thích hợp với môn thể thao hoặc hoạt động thể chất
- Lắp đặt tay vịn trong nhà tắm và cầu thang
- Sắp xếp lại những vật dụng ở nhà hoặc nơi làm việc để tránh vấp ngã
- Đi lại với gậy hoặc khung tập đi nếu có chân yếu và dễ té ngã
- Ăn uống lành mạnh, đảm bảo bổ sung đủ hàm lượng canxi và vitamin D cần thiết. Những thành phần này giúp xương chắc khỏe, hạn chế gãy xương do bệnh lý.
- Tránh chơi thể thao hoặc lao động gắng sức, lặp đi lặp lại những chuyển động khiến xương căng thẳng.
- Tắm nắng sáng 10 phút mỗi ngày để tăng khả năng tổng hợp vitamin D.
- Thường xuyên tập thể dục và ăn kiêng để cải thiện và giữ xương chắc khỏe.
- Giữ trọng lượng an toàn để giảm áp lực cho các xương.
- Không hút thuốc lá và hạn chế uống rượu.
- Người lớn tuổi nên thường xuyên kiểm tra mật độ xương. Nếu có loãng xương, cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi được điều trị như thế nào?
2. Có cần can thiệp bằng phẫu thuật hay không?
3. Tôi cần bó bột trong bao lâu?
4. Sẽ mất bao lâu để xương lành lại hoàn toàn?
5. Nên luyện tập như thế nào trong giai đoạn phục hồi?
6. Tôi có thể tiếp tục chơi các môn thể thao yêu thích hay không?
7. Nên làm gì để ngăn ngừa các biến chứng?
Gãy xương kín không quá nghiêm. Hầu hết các trường hợp có xương lành nhanh và không gặp biến chứng. Tuy nhiên cần sớm can thiệp theo chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp ngăn ngừa gãy xương thêm nghiêm trọng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!