Giả Gút
Bệnh giả gút được đặc trưng bởi tình trạng sưng đau đột ngột ở một hoặc nhiều khớp. Bệnh xảy ra khi có sự lắng đọng các tinh thể canxi pyrophosphate, thường ảnh hưởng đến đầu gối và cổ tay.
Tổng quan
Bệnh giả gút (Pseudogout) còn được gọi là bệnh lắng đọng tinh thể canxi pyrophosphate dihydrat (CPPD). Đây là một tình trạng viêm khớp gây sưng và đau đột ngột ở một hoặc nhiều khớp. Những đợt cấp tính của bệnh có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
Quá trình phát triển và những triệu chứng của CPPD giống với bệnh gút (gout). Cả hai bệnh lý này đều có những tinh thể lắng đọng trong khớp dẫn đến viêm và đau nghiêm trọng. Tuy nhiên gút liên quan đến sự lắng đọng của những tinh thể axit uric, bệnh giả gút xảy ra khi có sự lắng đọng các tinh thể canxi pyrophosphate dihydrat.
Không rõ vì sao những tinh thể lắng đọng hình thành trong khớp. Tuy nhiên nguy cơ mắc bệnh giả gút tăng dần theo tuổi tác. Bệnh thường ảnh hưởng đến đẩu gối và cổ tay nhưng cũng có thể xảy ra ở những khớp khác, bao gồm ngón chân, mắt cá chân, hông, vai, khuỷu tay, đốt ngón tay.
Mặc dù hiếm gặp nhưng các tinh thể canxi có thể lắng đọng xung quanh phần lõm của đốt sống cổ thứ hai, dẫn đến đau cổ, vai, nhức đầu, đôi khi kèm theo sốt. Tình trạng này còn được gọi là hội chứng vương miện.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh giả gút xảy ra khi có sự lắng đọng của những tinh thể canxi pyrophosphate dihydrat (CPPD) trong khớp bị ảnh hưởng. Chúng chủ yếu được tìm thấy trong dịch khớp và trong sụn. Điều này dẫn đến một đợt viêm khớp đột ngột, khiến một hoặc nhiều khớp sưng đau.
Không rõ vì sao có sự lắng đọng bất thường của những tinh thể canxi pyrophosphate dihydrat trong khớp. Tuy nhiên sự hình thành của những tinh thể này có thể liên quan đến một số yếu tố nguy cơ sau:
- Chấn thương khớp: Một chấn thương nghiêm trọng hoặc phẫu thuật ở khớp có khả năng phát triển bệnh giả gút tại khớp ảnh hưởng.
- Rối loạn di truyền: Nếu được sinh ra trong gia đình mắc bệnh giả gút, bạn sẽ có nguy cơ phát triển bệnh lý này ở độ tuổi trẻ hơn.
- Cường cận giáp và suy giáp: Sự tiến triển của bệnh lắng đọng tinh thể canxi pyrophosphate dihydrat có liên quan đến tuyến cận giáp hoạt động quá mức hoặc tuyến giáp hoạt động kém.
- Mất cân bằng khoáng chất: Một số tình trạng như hạ magie máu, giảm phosphat, tăng canxi hoặc sắt trong máu sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn.
- Bệnh nhiễm sắc tố sắt mô: Những người mắc bệnh nhiễm sắc tố sắt mô sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh giả gút có những triệu chứng đột ngột, thường xảy ra ở đầu gối và cổ tay. Khi đợt bùng phát xảy ra, người bệnh sẽ có những triệu chứng dưới đây:
- Đau đớn tột cùng và đột ngột
- Sưng khớp
- Khớp ấm và mềm khi chạm vào
- Đỏ da tại vùng liên quan đến khớp bị ảnh hưởng
- Chất lỏng tích tụ xung quanh khớp
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có các khớp sưng, nóng và đau đớn dai dẳng tương tự như viêm khớp dạng thấp.
Trong lần khám đầu tiên, bác sĩ khai thác về tiền sử bệnh / chấn thương, các triệu chứng, thời điểm khởi phát và có bao nhiêu khớp bị ảnh hưởng. Sau đó bác sĩ cẩn thận kiểm tra từng khớp, tìm kiếm các dấu hiệu bên ngoài gồm khớp sưng tấy, ấm và đỏ ửng.
Các khớp ảnh hưởng được ấn nhẹ và di chuyển nhiều hướng. Điều này có thể cho thấy sự tích tụ chất lỏng bất thường, mức độ đau khớp và phạm vi chuyển động.
Bệnh giả gút có những triệu chứng và tổn thương giống với gút và các bệnh viêm khớp khác. Vì vậy cần thực hiện thêm các xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán, bao gồm:
- Chụp X-quang: Chụp X-quang các khớp bị ảnh hưởng có thể nhìn thấy tổn thương ở các bề mặt khớp, khớp biến dạng và sự lắng đọng tinh thể trong sụn khớp.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra mẫu máu có thể tìm thấy những yếu tố dạng thấp, dấu hiệu viêm nhiễm, tăng axit uric trong máu. Từ đó giúp chẩn đoán phân biệt bệnh giả gút với bệnh gút, viêm khớp dạng thấp và các bệnh viêm khớp khác. Xét nghiệm máu cũng giúp phát hiện những vấn đề với tuyến giáp và tuyến cận giáp, sự mất cân bằng các khoáng chất trong bệnh giả gút.
- Xét nghiệm chất lỏng: Bác sĩ dùng kim lấy một mẫu chất lỏng trong khớp ảnh hưởng (chọc hút khớp) và kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Điều này giúp phát hiện sự lắng đọng của những tinh thể trong dịch khớp.
- Chụp MRI hoặc CT: Bệnh nhân có thể được chụp MRI hoặc CT để đánh giá thêm về tổn thương khớp, tìm kiếm những khu vực có canxi tích tụ.
Biến chứng và tiên lượng
Dựa vào giai đoạn tiến triển, tần suất của những cuộc tấn công sẽ có sự khác nhau, có thể từ vài tuần 1 lần đến ít hơn 1 lần mỗi năm. Ban đầu những cơn CPPD có thể tái phát ở cùng một khớp hoặc nhiều khớp khác nhau, kéo dài từ 1 - 2 tuần hoặc lâu hơn trừ khi được điều trị.
Theo thời gian, những đợt tấn công xảy ra thường xuyên hơn với những triệu chứng nghiêm trọng hơn, kéo dài hơn và ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn.
Khi những cuộc tấn công lặp đi lặp lại thường xuyên, các tinh thể canxi pyrophosphate dihydrat có thể làm hỏng khớp và tàn tật. Đôi khi bệnh gây ra những triệu chứng và thiệt hại tương tự như bệnh viêm khớp dạng thấp và viêm xương khớp.
Điều trị
Chỉ định điều trị bệnh giả gút dựa vào sức khỏe tổng thể, mức độ tổn thương, số lượng khớp bị ảnh hưởng và các triệu chứng.
Mục tiêu điều trị:
- Giảm đau và viêm
- Giảm tổn thương khớp và cho phép các khớp phục hồi
- Ngăn những đợt tấn công của bệnh giả gút
- Giảm nguy cơ hỏng khớp và tàn tật.
Các phương pháp điều trị cụ thể:
1. Biện pháp khắc phục tại nhà
Những biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giảm bớt các triệu chứng trong đợt bùng phát bệnh giả gút.
- Nghỉ ngơi khớp: Nghỉ ngơi đầy đủ, cố gắng không sử dụng khớp sưng đau trong vài ngày để làm dịu cơn đau.
- Chườm đá: Đặt túi chườm lạnh lên các khớp bị ảnh hưởng trong 15 phút. Biện pháp này giúp giảm tình trạng viêm, sưng và đau khớp liên quan đến đợt bùng phát.
2. Thuốc
Bệnh giả gút được điều trị bằng các thuốc chống viêm. Hầu hết mọi người có những triệu chứng thuyên giảm trong vòng 24 giờ sau khi sử dụng thuốc.
Dựa vào mức độ nghiêm trọng và sức khỏe tổng thể, những loại thuốc dưới đây có thể được chỉ định:
- Colchicine: Thuốc Colchicine thường được sử dụng trong những đợt tấn công của bệnh giả gút. Thuốc này có tác dụng ngăn chặn và điều trị những đợt cấp tính của bệnh gút và CPPD. Colchicine có thể được kê đơn trong thời gian dài với liều thấp để giảm nguy cơ tái phát các đợt CPPD.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường được sử dụng để điều trị các đợt CPPD, đặc biệt là khi không thể kê đơn Colchicine. Nhóm thuốc này có tác dụng điều trị viêm, sưng và đau liên quan đến đợt bùng phát của bệnh gút cấp. Những loại NSAID thường được sử dụng gồm Aspirin, Ibuprofen và Naproxen.
- Steroid: Nến không đáp ứng tốt hoặc không thể sử dụng NSAID và Colchicine, người bệnh sẽ được kê đơn Corticosteroid. Thuốc này có khả năng chống viêm mạnh, cắt giảm cơn đau và giảm sưng nhanh chóng. Corticosteroid có thể được dùng dưới dạng thuốc viên hoặc được tiêm trực tiếp vào khớp ảnh hưởng.
3. Chọc hút khớp
Chọc hút khớp bao gồm việc sử dụng một cây kim để loại bỏ (hút) chất lỏng và một số tinh thể trong khớp. Điều này giúp giảm đau, sưng, viêm và áp lực ở khớp bị ảnh hưởng.
Sau khi thực hiện thủ thuật, thuốc gây tê và corticosteroid được tiêm vào khớp ảnh hưởng để giảm viêm và đau.
4. Phẫu thuật
Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh giả gút cần được điều trị bằng phẫu thuật. Phương pháp này được chỉ định cho những trường hợp viêm khớp nặng, kém đáp ứng với điều trị bảo tồn, tái tấn công nhiều lần dẫn đến hỏng khớp.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ có thể tiến hành sửa chữa hoặc thay khớp dựa vào mức độ nghiêm trọng. Sau phẫu thuật, các bài tập về phạm vi và sức mạnh sẽ được thực hiện để phục hồi khớp.
Phòng ngừa
Không rõ vì sao có sự lắng đọng tinh thể canxi pyrophosphate dihydrat (CPPD) trong khớp. Do đó không có cách ngăn ngừa bệnh lý này. Tuy nhiên việc sớm chăm sóc giảm nhẹ và sử dụng thuốc theo chỉ định có thể ngăn những đợt bùng phát của bệnh giả gút, giảm nguy cơ hỏng khớp tiến triển.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân có khả năng nhất gây ra các triệu chứng là gì?
2. Tình trạng của tôi có trở nên tồi tệ hơn theo thời gian hay không?
3. Có bao nhiêu lựa chọn điều trị bệnh giả gút? Phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất?
4. Tôi có thể làm gì để ngăn những đợt bùng phát của bệnh?
5. Những tác dụng phụ nào có thể gặp khi dùng thuốc điều trị?
6. Những biện pháp chăm sóc nào giúp tôi cảm thấy tốt hơn?
7. Mất bao lâu để kiểm soát bệnh giả gút?
8. Tôi có cần thay đổi thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống hay không?
Bệnh giả gút gây viêm và đau khớp đột ngột, mỗi đợt bùng phát có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần và tái phát thường xuyên. Mặt khác sự lắng đọng của những tinh thể còn làm tăng nguy cơ hỏng khớp. Để ngăn ngừa, người bệnh cần điều trị sớm và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!