Giãn Dây Chằng
Giãn dây chằng xảy ra khi dây chằng bị căng quá mức, rách một phần hoặc hoàn toàn. Tình trạng này thường gặp ở vận động viên và những người có công việc nặng nhọc.
Tổng quan
Giãn dây chằng là thuật ngữ chỉ tình trạng dây chằng bị kéo giãn quá mức, xảy ra khi có những chuyển động ngoài phạm vi bình thường của khớp. Tình trạng này phổ biến nhất ở mắt cá chân nhưng cũng có thể ở đầu gối, lưng, cổ tay và vai.
Những người bị giãn dây chằng thường có dấu hiệu co thắt, cứng và đau ở vùng bị ảnh hưởng. Trường hợp nặng hơn có thể có mảnh xương rơi ra do giật.
Phân loại
Có 3 mức độ nghiêm trọng của giãn dây chằng:
- Mức độ nhẹ (độ I): Dây chằng bị kéo giãn nhưng không bị rách.
- Mức độ trung bình (độ II): Dây chằng bị rách một phần.
- Mức độ nặng (độ III): Dây chằng bị rách nhiều hoặc rách hoàn toàn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có nhiều nguyên nhân gây giãn dây chằng, gồm:
- Ngã trên tay dang rộng hoặc trẹo chân
- Lặn, vặn hoặc xoắn bàn chân
- Đột ngột chuyển hướng trong những hoạt động thể thao, thường gặp ở những môn thể thao dùng vợt và bóng như cầu lông, quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá...
- Tai nạn xe cộ
- Bị một người đè hoặc giẫm lên chân
- Chạy hoặc tập thể dục trên bề mặt không bằng phẳng hoặc trơn trượt
- Lao động gắng sức, chẳng hạn như thường xuyên mang vác vật nặng.
Những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ:
- Mang giày dép không phù hợp
- Cơ bắp yếu hoặc khớp kém linh hoạt
- Có chấn thương trong quá khứ
- Thể trạng kém
- Thừa cân, béo phì
- Mang thai
- Một số bệnh lý gồm thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp, viêm khớp, thoái hóa cột sống thắt lưng...
Triệu chứng và chẩn đoán
Giãn dây chằng có những triệu chứng đột ngột, nhẹ hoặc rất nghiêm trọng tùy theo mức độ tổn thương dây chằng.
- Nghe thấy tiếng tách hoặc có cảm giác bật ra ngay tại thời điểm bị thương
- Đau đớn
- Đau khi chuyển động hoặc đặt vật nặng
- Sưng tấy
- Bầm tím
- Hạn chế chuyển động
- Mất ổn định khớp
Bác sĩ hỏi về cơ chế chấn thương, sau đó khám kỹ lưỡng vùng bị thương để chẩn đoán giãn dây chằng. Trong quá trình khám, bác sĩ có thể ấn nhẹ kiểm tra vị trí đau, xem khớp di chuyển như thế nào và có ổn định hay không.
Nếu có nghi ngờ gãy xương hoặc có chấn thương khác, các xét nghiệm hình ảnh sẽ được bổ sung để rõ hơn về tình trạng.
- Chụp X-quang: Dùng tia X tạo ra hình ảnh của xương ở vùng ảnh hưởng. Kỹ thuật này có thể giúp phát hiện xương gãy, bao gồm gãy xương do giật.
- Siêu âm khớp: Bệnh nhân được siêu âm khớp để kiểm tra dây chằng bị thương. Kỹ thuật này có thể cho thấy vết rách của dây chằng.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chấn thương rất nặng được chụp cộng hưởng từ để đánh giá thêm. Kỹ thuật này cho thấy những thương tổn của dây chằng, sụn, dây thần kinh và phần mềm quanh khớp.
Biến chứng và tiên lượng
Giãn dây chằng xảy ra phổ biến nhưng không quá nghiêm trọng. Hầu hết mọi người cảm thấy tốt hơn sau vài ngày nghỉ ngơi và điều trị tại nhà. Thường mất 3 - 6 tuần để phục hồi hoàn toàn.
Ở những trường hợp nặng và không được điều trị tốt, một số vấn đề dưới đây có thể xảy ra, bao gồm:
- Đau mãn tính
- Khớp cứng hoặc mất ổn định
- Tăng nguy cơ chấn thương
- Viêm xương khớp
Điều trị
Những phương pháp tại nhà gồm RICE và dùng thuốc không kê đơn thường mang đến nhiều lợi ích, giúp khắc phục cho phần lớn trường hợp. Những trường hợp nặng cần can thiệp y tế.
1. Phương pháp RICE
Áp dụng ngay phương pháp RICE khi bị giãn dây chằng. Các bước đơn giản trong phương pháp này có thể giúp giảm nhanh những triệu chứng liên quan.
- Nghỉ ngơi (Rest): Trong vòng 48 giờ đầu sau chấn thương, nên giữ vùng bị thương nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Điều này giúp dây chằng lành lại, ngăn tổn thương thêm.
- Chườm đá (Ice): Bọc túi nước đá trong khăn bông, đặt lên vùng bị thương 15 phút. Nhiệt độ thấp từ túi đá có thể giúp giảm sưng (viêm) và đau đớn. Biện pháp này cũng giúp hạn chế tình trạng tụ máu. Nên chườm đá mỗi ngày 3 lần.
- Nén (Compression): Dùng băng thun quấn quanh khớp ảnh hưởng để nén nhẹ. Điều này giúp ổn định khớp và giảm sưng.
- Nâng cao (Elevation): Khi nghỉ ngơi,chi ảnh hưởng nên được đặt cao hơn mức tim. Điều này cho phép máu tích tụ chảy về tim, hạn chế sưng tấy.
2. Thuốc
Đau và sưng do giãn dây chằng thường được kiểm soát tốt bằng một số thuốc không kê đơn, bao gồm:
- Acetaminophen: Thuốc giảm đau thông thường, điều trị cơn đau nhẹ.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Dùng Ibuprofen hoặc Naproxen giúp giảm sưng (viêm) và đau đớn.
Nếu giãn dây chằng gây đau nhiều và không giảm sau dùng NSAID không kê đơn, bác sĩ sẽ chỉ định một loại thuốc mạnh hơn.
3. Vật lý trị liệu
Bệnh nhân bị giãn dây chằng độ II và III thường được yêu cầu vật lý trị liệu. Trong đó các bài tập thích hợp sẽ được thực hiện nhằm cải thiện phạm vi chuyển động, tăng cường cơ bắp hỗ trợ và giúp khớp ổn định.
Ngoài ra các bài tập còn giúp ngăn sự hình thành mô sẹo bất thường, phục hồi chức năng và lấy lại sự linh hoạt. Việc luyện tập cần được thực hiện trong vài tuần dưới sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu.
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng có thể được thực hiện nếu:
- Giãn dây chằng không được chữa khỏi bằng phương pháp bảo tồn
- Có nhu cầu vận động cao
Trong thủ thuật, bác sĩ tạo vết cắt nhỏ, đưa camera và những dụng cụ phẫu thuật thu nhỏ vào trong để kiểm tra, tiến hành sữa chữa hoặc tái tạo dây chằng bị ảnh hưởng.
Phòng ngừa
Giãn dây chằng được ngăn ngừa bằng những biện pháp sau:
- Tránh hoạt động thể chất trên bề mặt không bằng phẳng hoặc trơn trượt.
- Tránh đi giày cao gót.
- Mang giày phù hợp khi chơi thể thao hoặc thực hiện những hoạt động thể chất khác.
- Dùng thiết bị phù hợp và mặc đồ bảo hộ an toàn khi chơi thể thao.
- Khởi động đúng và đủ trước khi chơi thể thao hoặc luyện tập.
- Hạ nhiệt sau khi kết thúc buổi tập.
- Không đột ngột tăng cường độ luyện tập hoặc luyện tập gắng sức. Nên có thời gian làm quen với những bài tập hoặc hoạt động thể chất mới.
- Dừng mọi hoạt động nếu cảm thấy mệt mỏi cơ bắp. Điều này giúp ngăn ngừa chấn thương.
- Luôn dành thời gian nghỉ ngơi sau khi luyện tập xong để cơ bắp cùng các khớp có thời gian ổn định trở lại và phục hồi.
- Tập thể dục thường xuyên với những bài tập kéo giãn, tăng cường cơ bắp. Điều này giúp giữ cho cơ và khớp xương khỏe mạnh, duy trì sự linh hoạt, giảm nguy cơ giãn dây chằng và những chấn thương khác.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị giãn dây chằng hay có chấn thương khác?
2. Cần có những phương pháp điều trị nào?
3. Tôi có cần vật lý trị liệu không?
4. Có thể chăm sóc vùng bị thương như thế nào?
5. Mất bao lâu thì phục hồi?
6. Tôi có thể tiếp tục những môn thể thao yêu thích hay không?
7. Tôi có nguy cơ chấn thương trong tương lai không? Làm cách nào để ngăn ngừa?
Hầu hết mọi người bị giãn dây chằng ở mức độ nhẹ và vừa, có thể điều trị tốt bằng những phương pháp bảo tồn. Tuy nhiên cần tránh chủ quan, nên khám và hỏi ý kiến bác sĩ để được điều trị đúng cách.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!