Bệnh Giãn Tĩnh Mạch Thừng Tinh
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là một dạng rối loạn xảy ra ở những tĩnh mạch bên trong bìu. Hiện tại chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, các triệu chứng thường nhẹ hoặc không xảy ra. Tuy nhiên bệnh tiến triển có thể gây vô sinh.
Tổng quan
Giãn tĩnh mạch thừng tinh còn được gọi là sưng tĩnh mạch ở bìu - một dạng rối loạn phổ biến ở nam giới có thể gây vô sinh. Bệnh thể hiện cho tình trạng những đám rối tĩnh mạch trong bìu mở rộng bất thường.
Bùi là túi chứa tinh hoàn, được bao phủ bởi da. Bộ phận này cũng chứa những tĩnh mạch và động mạch vận chuyển máu đến những túi sinh sản. Thay vì lưu thông ra khỏi bìu, máu đọng lại khiến các tĩnh mạch thừng tinh mở rộng.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường gặp ở nam giới trong độ tuổi dậy thì và phát triển theo thời gian. Bệnh không gây ra triệu chứng hoặc có những triệu chứng nhẹ.
Tuy nhiên sự mở rộng bất thường của những đám rối tĩnh mạch có thể cản trở tinh hoàn phát triển, giảm sản xuất tinh trùng và tăng nguy cơ vô sinh. Để điều trị, bệnh nhân thường được yêu cầu phẫu thuật.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Hai động mạch tinh hoàn (ở mỗi bên bìu) vận chuyển máu giàu oxy đến tinh hoàn. hai tĩnh mạch tinh hoàn vận chuyển máu đã cạn oxy về tim.
Thông thường một mạng lưới những tĩnh mạch nhỏ mỗi bên bìu vận chuyển máu cạn oxy từ tinh hoàn của nam giới đến tĩnh mạch tinh hoàn chính. Đôi khi máu không di chuyển bình thường mà đọng lại trong tĩnh mạch dẫn đến phình to.
Khi có sự mở rộng (phình to) của những đám rối pampiniform (đám rối tĩnh mạch nằm ở thừng tinh), bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh sẽ xảy ra.
Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết rõ và những yếu tố nguy cơ không được thiết lập. Tuy nhiên sự hư hỏng của các van bên trong tĩnh mạch có thể góp phần gây ra sự rối loạn.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không gây ra triệu chứng. Khi bệnh tiến triển, một vài dấu hiệu và triệu chứng nhẹ có thể xảy ra. Thường bao gồm:
- Đau
- Đau âm ỉ hoặc nhức nhói
- Đau và khó chịu nhiều hơn vào cuối ngày hoặc khi đứng
- Đau giảm khi nằm xuống
- Nhìn thấy một khối giống như túi giun ở phía trên tinh hoàn. Nếu giãn tĩnh mạch nhỏ hơn, triệu chứng này có thể được phát hiện khi chạm vào
- Kích thước tinh hoàn không đồng đều, một bên có thể nhỏ hơn bên còn lại
- Khó có con hoặc vô sinh
Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không được phát hiện cho đến khi nam giới khó có con. Trong lần thăm khám đầu tiên, bệnh nhân được kiểm tra lâm sàng. Khi những tĩnh mạch thừng tinh mở rộng đủ lớn, các triệu chứng có thể giúp phát hiện bệnh.
Sau chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm hoặc thử nghiệm nhằm đánh giá rõ tình trạng. Cụ thể:
- Siêu âm bìu: Hình ảnh siêu âm cho phép kiểm tra bên trong bìu, phát hiện sự giãn nở của những mạch máu.
- Thao tác Valsalva: Trong quá trình siêu âm, bác sĩ có thể kiểm tra bìu bằng tay, đo độ hở và đường kính của những tĩnh mạch trong đám rối pampiniform. Sau đó người bệnh được yêu cầu đứng dậy và thực hiện thao tác Valsalva (thở ra mạnh khi ngậm miệng và bịt mũi). Trong thử nghiệm, bác sĩ đo những thay đổi về hướng dòng máu và đường kính tĩnh mạch. Điều này giúp đánh giá các tình trạng trào ngược nếu có.
Biến chứng và tiên lượng
Khi bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, cơ thể khó điều chỉnh nhiệt độ của tinh hoàn, gây tích tụ độc tố và căng thẳng oxy hóa. Điều này thường dẫn đến những biến chứng sau:
- Giảm sức khỏe tinh hoàn: Bệnh làm ức chế sự phát triển của tinh hoàn, giảm sản xuất hormone. Từ đó giảm chức năng và sức khỏe của tinh hoàn, tinh hoàn co rút dần do mất mô.
- Vô sinh: Tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới bị giãn tĩnh mạch thừng tinh (chiếm 10 - 20% trường hợp). Nguyên nhân là do sự mở rộng tĩnh mạch bất thường khiến tinh hoàn phát triển kém, giảm sản xuất tinh trùng dẫn đến vô sinh ở nam giới.
Bệnh nhân có tiên lượng tốt khi điều trị sớm. Trong đó phẫu thuật có thể giúp khắc phục bệnh và cải thiện khả năng sinh sản. Trong đó 21% bệnh nhân có thể sinh con tự nhiên, 21 - 55% trường hợp không có tinh trùng cải thiện số lượng tinh binh sau phẫu thuật.
Điều trị
Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không cần điều trị. Tuy nhiên nếu khả năng sinh sản bị ảnh hưởng, phẫu thuật có thể được cân nhắc.
Thông thường phẫu thuật sẽ được chỉ định cho những trường hợp sau:
- Nam giới bị vô sinh
- Một tinh hoàn phát triển chậm
- Có bất thường về tinh trùng hoặc có số lượng tinh trùng thấp
- Đau mãn tính và không giảm khi dùng thuốc giảm đau.
Mục tiêu điều trị:
- Loại nhỏ những tĩnh mạch bị phình to
- Bịt kín tĩnh mạch ảnh hưởng giúp máu chuyển hướng và chảy vào những tĩnh mạch khỏe mạnh
- Cải thiện khả năng sinh sản, chất lượng và số lượng tinh trùng
- Cải thiện kích thước tinh hoàn
Những lựa chọn phẫu thuật:
- Phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch: Bác sĩ tạo vết rạch nhỏ ở bìu. Sau đó quan sát bằng kính hiển vi và tiến hành cắt bỏ những tĩnh mạch bị ảnh hưởng. Quá trình này được thực hiện sau khi gây tê cục bộ.
- Phẫu thuật nội soi: Tạo những vết rạch nhỏ hơn ở bìu, đưa camera và dụng cụ phẫu thuật vào bên trong. Sau đó loại bỏ hoặc bịt kín tĩnh mạch ảnh hưởng. Phẫu thuật nội soi được thực hiện khi gây mê.
- Thuyên tắc mạch qua da: So với những lựa chọn nêu trên, thuyên tắc mạch qua da thường ít được chỉ định. Khi thực hiện, một ống thông được đưa vào trong sau khi cắt tĩnh mạch ở háng. Tia X được sử dụng để đưa chúng đến tĩnh mạch thừng tinh. Cuối cùng chèn một cuộn dây hoặc quả bóng qua ống thông, ngăn lưu lượng máu đến những tĩnh mạch bị thương. Từ đó giúp thu nhỏ các tĩnh mạch. Thông thường thuyên tắc mạch qua da sẽ được thực hiện với gây mê toàn thân.
Sau phẫu thuật, người bệnh được yêu cầu nghỉ ngơi, không tập thể dục trong vòng 2 tuần. Đồng thời chăm sóc vết thương, thường xuyên vệ sinh và thay băng để tránh nhiễm trùng.
Bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Hầu hết trường hợp phẫu thuật thành công. Tuy nhiên phương pháp này tồn tại một số rủi ro tìm ẩn, bao gồm:
- Nhiễm trùng
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh tái phát hoặc không biến mất
- Tổn thương động mạch tinh hoàn.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh không được ngăn chặn bằng thuốc. Tuy nhiên bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau khám viêm không steroid (như ibuprofen) để giảm đau hoặc cảm giác khó chịu.
Phòng ngừa
Không có biện pháp phòng ngừa cho chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh. Khi có dấu hiệu bất thường, nam giới cần đến bệnh viện, tiến hành khám và điều trị sớm.
Ngoài ra cần áp dụng một số biện pháp nhằm ngăn bệnh tái diễn, cụ thể:
- Tránh làm những công việc hoặc những hoạt động thể lực quá mạnh.
- Tránh những công việc hoặc động tác có thể gây áp lực lớn cho vùng bìu.
- Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu.
- Không nên tắm nước ấm quá lâu để tránh làm tăng nhiệt độ ở vùng bìu.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh của tôi có cần điều trị không?
2. Vì sao cần phẫu thuật? Phương pháp tốt nhất là gì?
3. Có lựa chọn nào thay thế cho phẫu thuật không?
4. Chi phí phẫu thuật?
5. Lợi ích và rủi ro khi phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì?
6. Biện pháp nào ngăn giãn tĩnh mạch thừng tinh tiến triển?
7. Điều gì xảy ra nếu bệnh của tôi không được điều trị?
Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng phình to của những đám rối tĩnh mạch trong bìu, không rõ nguyên nhân và yếu tố nguy cơ. Bệnh thường không có triệu chứng và không cần điều trị. Tuy nhiên phẫu thuật có thể cần thiết cho những bệnh nhân có biểu hiện nghiêm trọng và có khả năng vô sinh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!