Bệnh Hiếm Muộn
Hiếm muộn xảy ra khi hai vợ chồng quan hệ đều đặn, không dùng biện pháp tránh thai nhưng không thể mang thai tự nhiên. Bệnh có thể do những vấn đề ở nam hoặc nữ giới. Thông thường bệnh nhân không có biểu hiện khác ngoài việc khó mang thai.
Tổng quan
Hiếm muộn là tình trạng khó khăn trong việc mang thai tự nhiên. Trong đó cặp vợ chồng không thể thụ tinh tự nhiên sau 6 tháng (đối với nữ > 35 tuổi) hoặc 12 tháng (đối với nữ < 35 tuổi) quan hệ tình dục đều đặn và không áp dụng những biện pháp tránh thai.
Hầu hết các cặp vợ chồng có con tự nhiên trong 1 năm đầu khi quan hệ tình dục thường xuyên (khoảng 2 - 3 lần/ tuần), tuổi dưới 30 và không dùng biện pháp tránh thai.
Tuy nhiên một số nguyên nhân (bao gồm rối loạn chức năng tình dục hoặc bệnh lý) có thể khiến quá trình thụ thai không diễn ra. Để cải thiện, bệnh nhân sẽ được kiểm tra và điều trị nguyên nhân gây hiếm muộn.
Phân loại
Hiếm muộn được phân thành 2 loại, bao gồm nguyên phát và thứ phát.
- Hiếm muộn nguyên phát: Xảy ra ở những cặp vợ chồng chưa từng có thai.
- Hiếm muộn thứ phát: Xảy ra ở những cặp vợ chồng đã có ít nhất 1 lần mang thai.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn, ảnh hưởng đến một người hoặc cả hai vợ chồng. Cụ thể:
+ Nguyên nhân gây hiếm muộn ở nam
- Tinh trùng bất thường hoặc số lượng ít: Những bất thường ở tinh trùng có thể do dị tật di truyền, tinh trùng ẩn, một số bệnh nhiễm trùng (quai bị, lậu, HIV, chlamydia), giãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc tiểu đường. Điều này khiến tinh trùng yếu, dị tật, dễ chết dẫn đến quá trình thụ tinh không xảy ra.
- Giảm cung cấp tinh trùng: Một số tình trạng làm giảm hoặc gây ra những vấn đề về cung cấp tinh trùng. Tinh trùng không gặp được trứng dẫn đến hiếm muộn. Nguyên nhân thường bao gồm:
- Vấn đề về cấu trúc như tắc nghẽn tinh hoàn
- Xuất tinh sớm
- Tổn thương những cơ quan sinh sản
- Giảm sản xuất tinh trùng: Quá trình sản xuất tinh trùng suy giảm dẫn đến hiếm muộn. Điều này thường do một trong những nguyên nhân sau:
- Hút thuốc lá
- Thường xuyên tiếp xúc với thuốc trừ sâu hoặc các hóa chất
- Dùng kéo dài các thuốc điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, trầm cảm và huyết áp cao
- Lạm dụng rượu và dùng chất kích thích
- Thường xuyên tiếp xúc với nhiệt, chẳng hạn như tắm nước nóng hoặc xông hơi khô
- Ung thư và các phương pháp điều trị: Bệnh ung thư và những phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị... làm giảm khả năng sản xuất tinh trùng và tăng số lượng tinh trùng dị dạng.
- Suy tuyến sinh dục: Bệnh gây thiếu hụt nội tiết và tăng nguy cơ vô sinh - hiếm muộn.
- Xuất tinh ngược dòng: Xuất tinh ngược dòng là nguyên nhân gây vô sinh - hiếm muộn thường gặp. Trong đó tinh dịch không dược xuất ra mà đi ngược vào bàng quang và ra ngoài theo đường nước tiểu.
+ Nguyên nhân gây hiếm muộn ở nữ
- Rối loạn rụng trứng: Trứng từ buồng trứng không được giải phóng đúng cách khiến quá trình thu tinh không diễn ra. Điều này thường do:
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Hyperprolactinemia
- Suy giáp hoặc cường giáp
- Rối loạn ăn uống hoặc tập thể dục gắng sức
- Khối u
- Tổn thương hoặc tắc vòi trứng: Bệnh xảy ra khi ống dẫn trứng bị tắc, chủ yếu do viêm nhiễm. Sự tắc nghẽn khiến trứng không gặp được tinh trùng để thụ tinh.
- Bất thường ở tử cung hoặc cổ tử cung: Tử cung dị dạng, polyp trong tử cung, u xơ tử cung... có thể làm tắc ống dẫn trứng, ngăn trứng làm tổ trong tử cung. Từ đó gây hiếm muộn.
- Lạc nội mạc tử cung: Bệnh xảy ra khi những mô nội mạc tử cung được tìm thấy bên ngoài tử cung. Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng hướng đến nhiều bộ phận (như ống dẫn trứng, buồng trứng, tử cung) và dẫn đến hiếm muộn ở nữ.
- Mãn kinh sớm: Mãn kinh sớm hoặc suy buồng trứng nguyên phát khiến trứng ngừng hoạt động, mất kinh trước 40 tuổi. Điều này thường do các phương pháp điều trị ung thư, di truyền và một số bệnh lý liên quan đến hệ thống miễn dịch.
- Ung thư: Ung thư các cơ quan sinh sản và những phương pháp điều trị ung thư làm giảm khả năng mang thai ở phụ nữ.
- Dính vùng chậu: Nhiễm trùng vùng chậu, phẫu thuật, lạc nội mạc tử cung hay viêm ruột thừa tạo ra những dải mô sẹo liên kết cơ quan vùng chậu. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
- Thuốc: Tác dụng phụ của một số loại thuốc như Spironolactone, thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
+ Yếu tố nguy cơ
Những yếu tố làm tăng nguy cơ hiếm muộn ở nam và nữ gồm:
- Tuổi tác: Khả năng sinh sản giảm theo độ tuổi, thường sau 37 tuổi ở nữ và 40 tuổi ở nam giới.
- Hút thuốc lá: Thuốc lá làm giảm khả sinh sản và tăng nguy cơ sảy thai ở nữ.
- Lạm dụng rượu: Rượu làm giảm khả năng vận động và số lượng tinh trùng.
- Thiếu hoặc thừa cân: Thiếu cân do rối loạn ăn uống, ăn kiêng... hoặc thừa cân do ăn nhiều và thiếu vận động... đều làm tăng nguy cơ hiếm muộn.
- Thiếu vận động: Bệnh hiếm muộn thường phổ biến hơn ở những người thiếu vận động.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng của bệnh hiếm muộn gồm không có thai. Hầu hết bệnh nhân không có biểu hiện khác. Trong một vài trường hợp, người bệnh có thể gặp thêm các triệu chứng sau:
- Ở nữ: Không có hoặc có kinh nguyệt không đều.
- Ở nam: Xuất hiện những rối loạn về nội tiết tố, chẳng hạn như thay đổi chức năng tình dục và sự phát triển của lông.
Để chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu liệt kê triệu chứng, những dấu hiệu rụng trứng và tần suất sinh hoạt tình dục. Ngoài ra các xét nghiệm cận lâm sàng sẽ được thực hiện nhằm xác định rõ tình trạng và nguyên nhân. Bao gồm:
+ Các xét nghiệm ở nam
- Phân tích tinh dịch kiểm tra tinh trùng
- Sinh thiết tinh hoàn
- Xét nghiệm nội tiết tố
- Xét nghiệm hình ảnh, như siêu âm bìu hoặc trực tràng, chụp ống dẫn tinh, chụp cộng hưởng từ
- Xét nghiệm di truyền
+ Các xét nghiệm ở nữ
- Xét nghiệm máu đo nồng độ hormone
- Hysterosalpingography đánh giá tử cung và ống dẫn trứng
- Xét nghiệm dự trữ buồng trứng
- Các xét nghiệm nội tiết tố
- Xét nghiệm hình ảnh, như siêu âm tử cung
Biến chứng và tiên lượng
Khi bị hiếm muộn, người bệnh không thể sinh con, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc vợ chồng và gây căng thẳng tâm lý. Tình trạng này không được chữa khỏi. Tuy nhiên việc khắc phục nguyên nhân và áp dụng những biện pháp hỗ trợ sinh sản có thể giúp bạn có con.
Điều trị
Hầu hết bệnh nhân được áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản. Dựa vào tình trạng, một trong các phương pháp dưới đây sẽ được áp dụng:
1. Kích thích phóng noãn
Kích thích phóng noãn được áp dụng khi có đầy đủ những điều kiện sau:
- Không rụng trứng do rối loạn rụng trứng (nữ giới hoàn toàn không rụng trứng hoặc không rụng trứng thường xuyên)
- Cấu trúc sinh sản tốt, ống dẫn trứng thông suốt, không có sẹo và không bị dính
- Tinh trùng có chất lượng tốt.
Khi thực hiện, một loại thuốc đặc biệt sẽ được sử dụng để kích thích rụng trứng. Chẳng hạn như Gonadotropin, Clomiphene citrate... Những loại thuốc này hoạt động như nội tiết tố tự nhiên, giúp kích thích nang trứng và hoàng thể. Từ đó làm khởi phát quá trình rụng trứng.
2. Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI)
IUI được chỉ định cho những trường hợp sau:
- Nam giới bị rối loạn khả năng xuất tinh
- Xuất tinh ngược dòng
- Chất lượng tinh trùng kém
- Rối loạn cương dương
- Nam hoặc nữ giới có kháng thể kháng tinh trùng
- Lạc nội mạc tử cung mức độ nhẹ đến trung bình
- Rụng trứng không đều
- Vô sinh không rõ nguyên nhân ở nữ
Khi bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), bác sĩ sử đụng một ống thông chứa tinh trùng đã lọc rửa (tinh trùng khỏe, không bị dị dạng) đưa qua cổ tử cung. Sau đó bơm trực tiếp vào buồng trứng. Phương pháp này có tỉ lệ thành công từ 6 - 26%.
3. Thụ tinh trong ống nghiệm
Thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization - IVF) hiện đang là phương pháp chữa vô sinh - hiếm muộn phổ biến nhất, có tỉ lệ thành công cao.
Trong IVF, trứng của vợ và tinh trùng khỏe mạnh của chồng được thụ tinh trong ống nghiệm và thành phôi. Sau vài ngày, phôi được đưa trở lại buồng tử cung. Từ đây thai nhi sẽ phát triển.
Những trường hợp được chỉ định thụ tinh ống nghiệm:
- Vô sinh - hiếm muộn không rõ nguyên nhân
- Hiếm muộn ở nữ do bệnh lý tại buồng tử cung, rối loạn phóng noãn, tắc vòi trứng
- Hiếm muộn ở nam do tinh trùng yếu, xuất tinh ngược, tinh trùng ít hoặc không có tinh trùng trong tinh dịch
- Thất bại nhiều lần khi bơm tinh trùng.
4. Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI)
Trong kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), tinh trùng khỏe mạnh nhất và di chuyển nhanh nhất được lựa chọn để tiêm trực tiếp vào noãn trứng. Điều này giúp quá trình thụ thai diễn ra, thường mang đến hiệu quả cao.
Phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương trứng phù hợp với nam giới có những vấn đề tinh trùng và chức năng tình dục, thất bại khi thụ tinh trong ống nghiệm.
5. Phẫu thuật phục hồi khả năng sinh sản
Phẫu thuật được chỉ định cho những cặp vợ chồng bị hiếm muộn do có bệnh lý ở người chồng hoặc vợ. Cụ thể:
- Hiếm muộn ở nữ: Phẫu thuật nội soi tử cung thường được áp dụng cho nữ giới bị u xơ tử cung, mô sẹo trong tử cung, polyp nội mạc tử cung. Phương pháp này giúp giải quyết nguyên nhân gây hiếm muộn và phục hồi khả năng sinh sản. Đối với những trường hợp dính vùng chậu, lạc nội mạc tử cung hoặc có u xơ lớn, bệnh nhân có thể được phẫu thuật mở bụng.
- Hiếm muộn ở nam giới: Phẫu thuật được chỉ định để khôi phục khả năng sinh sản cho người chồng. Phương pháp này có thể bao gồm đảo ngược sự tắc nghẽn tinh trùng, chữa giãn tĩnh mạch thừng tinh.
6. Lấy tinh trùng
Bác sĩ tiến hành lấy tinh trùng ở những nam giới không có tinh trùng trong dịch xuất tinh hoặc tinh trùng bất thường. Tinh trùng sẽ được chọn lọc kỹ lưỡng, đảm bảo khỏe mạnh, không bị dị dạng và có khả năng di chuyển nhanh.
Tinh trùng khỏe mạnh sẽ được bơm vào buồng tử cung hoặc bào tương trứng. Từ đó giúp vợ chồng dễ dàng có con hơn.
7. Thuốc
Một số loại thuốc có thể được chỉ định để điều trị hiếm muộn, cải thiện khả năng sinh con. Thường bao gồm:
- Thuốc điều chỉnh hormone: Thuốc này thường được dùng để thay đổi nồng độ hormone ở nữ giới. Từ đó kích thích rụng trứng. Ngoài ra thuốc điều chỉnh hormone cũng được sử dụng để làm tăng nồng độ testosterone hoặc một vài loại hormone cần thiết khác ở nam giới.
- Clomiphene citrate: Thuốc Clomiphene citrate thường được dùng trong điều trị hiếm muộn do hội chứng buồng trứng đa nang. Thuốc có tác dụng kích thích rụng trứng bằng cách thúc đẩy hoạt động của tuyến yên, tăng số lượng trứng trưởng thành.
- Thuốc điều trị rối loạn cương dương: Nhóm thuốc này được dùng trong diều trị hiếm muộn ở nam giới do rối loạn cương dương. Thuốc có tác dụng cải thiện khả năng cương cứng của dương vật.
8. Biện pháp hỗ trợ tại nhà
Để tăng hiệu quả điều trị, những biện pháp dưới đây nên được áp dụng:
- Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng tâm lý làm giảm khả năng điều trị vô sinh - hiếm muộn. Do đó, những cặp vợ chồng cần duy trì tâm lý thoải mái, suy nghĩ tích cực, hạn chế căng thẳng. Một số biện pháp có thể kiểm soát căng thẳng gồm thiền, yoga, nghỉ ngơi và thư giãn.
- Ăn uống lành mạnh và tập thể dục: Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi. Điều này giúp duy trì chức năng sinh sản và sức khỏe tổng thể. Ngoài ra nên tập thể dục đều đặn, vừa phải, khoảng 60 phút/ ngày. Điều này giúp duy trì cân nặng an toàn, kiểm soát căng thẳng, tăng chất lượng tinh trùng và cải thiện khả năng sinh sản.
Phòng ngừa
Tình trạng hiếm muộn không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ, tăng cơ hội mang thai ở nam và nữ. Bao gồm:
- Quan hệ tình dục lành mạnh và an toàn. Luôn dùng bao cao su nếu không muốn mang thai.
- Tuyệt đối không nạo, hút thai nhiều lần.
- Trong thời gian rụng trứng, cần quan hệ đều đặn nhiều lần để đạt tỉ lệ có thai cao nhất.
- Hoạt động tình dục nên bắt đầu ít nhất 5 ngày trước đến 1 ngày sau thời điểm trứng rụng. Hầu hết phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt cách 28 ngày sẽ có thời điểm rụng trứng vào giữa chu kỳ.
- Tránh thuốc lá và ma túy.
- Không uống quá nhiều rượu bia.
- Nam giới cần tránh tắm nước nóng hoặc nhiệt độ cao trong bồn tắm. Bởi điều này có thể khiến cho nhiệt độ tinh hoàn tăng cao, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng và vận động của chúng.
- Không sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm / độc hại. Đồng thời không tiếp xúc với những chất độc hại công nghiệp để không làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng.
- Tránh tự ý sử dụng những loại thuốc có khả năng làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng chất lượng tinh trùng và khả năng thụ thai.
- Phụ nữ nên hạn chế caffein. Chỉ nên dùng với lượng vừa đủ để không làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
- Đảm bảo giữ gìn vệ sinh sạch sẽ vùng kín. Nữ giới không thụt rửa âm đạo liên tục bởi điều này có thể làm suy giảm chức năng buồng trứng, dễ mãn kinh sớm.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Đặc biệt nữ giới cần tránh thừa cân hoặc thiếu cân để không làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone, giảm nguy cơ vô sinh - hiếm muộn.
- Duy trì lối sống tích cực, luôn lạc quan và giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng và lo lắng. Nên dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.
- Cân bằng dinh dưỡng, duy trì chế độ ăn uống giàu vitamin (đặc biệt là vitamin A, B, C, E) từ dầu thực vật, cá, rau xanh và trái cây tươi... Trong đó vitamin E có khả năng tăng cường chức năng hoạt động của buồng trứng. Từ đó tăng khả năng sinh sản ở phụ nữ.
- Hai vợ chồng nên thường xuyên thăm khám sức khỏe sinh sản định kỳ để sớm phát hiện những tình trạng có thể gây vô sinh - hiếm muộn.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì gây ra chứng hiếm muộn của chúng tôi?
2. Phương pháp điều trị nào tốt nhất cho tình trạng của tôi?
3. Tỉ lệ điều trị thành công của tôi và bạn tình là gì?
4. Có bao nhiêu phương pháp hỗ trợ sinh sản? Phương pháp nào tốt nhất cho chúng tôi?
5. Chi phí điều trị hiếm muộn là bao nhiêu?
6. Tôi nên tránh những điều gì khi bị hiếm muộn?
7. Những phương pháp điều trị có gây tác dụng phụ hoặc rủi ro không?
Bệnh hiếm muộn là tình trạng khó mang thai tự nhiên của một cặp vợ chồng. Tình trạng này có thể khởi phát từ vợ hoặc chồng do nhiều nguyên nhân. Thông thường người bệnh sẽ được yêu cầu các phương pháp hỗ trợ sinh sản để sinh con khỏe mạnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!