Hoại Tử Vô Mạch Chỏm Xương Đùi
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi còn được gọi là hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi hay hoại tử xương hông. Tình trạng này xảy ra khi nguồn cung cấp máu bị cắt giảm, không đủ máu nuôi dưỡng chỏm xương đùi. Từ đó khiến những tế bào xương và tủy xương chết đi.
Tổng quan
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là tình trạng thiếu hụt máu nuôi dưỡng chỏm xương đùi, dẫn đến sự chết đi (hoại tử) của những tế bào xương và tủy xương. Điều này xảy ra khi có thứ gì đó ngăn chặn dòng máu đến mô xương.
Thông thường, cơ thể tạo ra những mô xương mới để thay thế cho mô xương cũ (xương già cỗi, có thể bị gãy và chết đi). Đây là một quá trình liên tục, cần phải diễn ra chính xác để giữ cho xương chắc khỏe.
Trong quá trình tái tạo, máu mang oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho xương, đảm bảo sự tái tạo và giúp xương khỏe. Tuy nhiên một số nguyên nhân có thể cắt giảm nguồn cung cấp máu. Điều này khiến mô xương không được tạo ra đủ nhanh để thay thế xương cũ, xương sắp chết ban đầu vỡ vụn và sụn đổ.
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi gây những ổ khuyết trên xương. Một số trường hợp bị thừa xương do sự phát triển bất thường. Theo thời gian, những tổn thương nghiêm trọng có thể gây gãy xương do nén, xẹp chỏm xương đùi và nhiều tình trạng khác.
Phân loại
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi được phân thành 2 loại, bao gồm:
- Hoại tử xương hông tự phát: Thường xảy ra ở nam giới và có độ tuổi trung niên.
- Hoại tử xương hông thứ phát: Hoại tử xương là kết quả của một số bệnh lý hoặc chấn thương (chẳng hạn như gãy xương hông).
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi có 7 giai đoạn phát triển (theo ARCO 1993). Bao gồm:
- Giai đoạn 0: Có yếu tố nguy cơ nhưng chưa có biểu hiện và không được phát hiện thông qua khám lâm sàng.
- Giai đoạn 1: Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi gây ra một số triệu chứng như đau nhức âm ỉ bên ảnh hưởng. Cơn đau có thể đến và đi, sau đó tái phát nhiều lần. Ngoài ra tổn thương hoại tử có thể được nhìn thấy khi chụp cộng hưởng từ hoặc xạ hình xương. không có phát hiện trên hình ảnh X-quang thông thường.
- Giai đoạn 2 đến 6: Một hoặc nhiều tổn thương xuất hiện trên hình ảnh X-quang thông thường. Theo thời gian, tổn thương có thể khu trú hoặc phát triển ra khỏi chỏm xương đùi, ảnh hưởng đến khe khớp và ổ cối.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi xảy ra khi lưu lượng máu đến chỏm xương đùi bị gián đoạn hoặc giảm. Tình trạng này có thể tự phát (chiếm 50% trường hợp), thường gặp ở nam giới và những người có độ tuổi trung niên.
Trong nhiều trường hợp khác, bệnh phát triển do những nguyên nhân dưới đây:
+ Chấn thương
Hoại tử xương hông thường liên quan đến chấn thương khớp hoặc xương, chẳng hạn như trật khớp và gãy xương. Tình trạng này khiến những mạch máu gần đó bị hỏng và không thể cung cấp lượng máu cần thiết. Hoại tử vô mạch do chấn thương thường chỉ ảnh hưởng đến một bên chỏm xương đùi.
+ Không do chấn thương
Hoại tử vô mạch không do chấn thương thường ảnh hưởng đến cả hai bên hông. Những nguyên nhân thường gặp gồm:
- Điều trị ung thư: Bức xạ dùng trong điều trị ung thư có thể gây hại cho mạch máu và làm suy yếu xương. Điều này dẫn đến hoại tử vô mạch.
- Lắng đọng chất béo trong mạch: Chất béo dư thừa trong cơ thể có thể lắng đọng ở những mạch máu và ngăn chặn dòng máu đi qua. Điều này làm giảm nguồn cung cấp máu đến xương dẫn đến hoại tử.
- Rối loạn máu: Một số dạng rối loạn máu như thiếu máu hồng cầu hình liềm có thể dẫn đến hoại tử vô mạch chỏm xương đùi.
- Nguyên nhân khác: Ngoài những tình trạng nêu trên, chỏm xương đùi bị hoại tử cũng có thể do những nguyên nhân dưới đây:
- Cấy ghép nội tạng, đặc biệt là ghép thận
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh giảm áp ở thợ lặn
- Nhiễm HIV
- Bệnh lupus ban đỏ hệ thống
- Viêm khớp dạng thấp
- Viêm ruột
- Rối loạn chuyển hóa mỡ
- Bệnh lý tăng đông và tắc mạch tự phát
- Thai nghén
- Viêm tụy
- Bệnh Gaucher
- Rối loạn tăng sinh tủy
- Huyết khối
- Bệnh Crohn
- Thuyên tắc động mạch
- Viêm mạch
- Loãng xương. Bệnh lý này có thể gây hoại tử vô mạch tự phát.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Dùng corticoid liều cao
- Sử dụng bisphosphonat
- Hút thuốc lá. Thuốc lá làm hẹp mạch máu và cản trở lưu lượng máu đến xương.
- Một số bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư máu (bệnh bạch cầu)
- Uống quá nhiều rượu. Uống nhiều rượu làm tăng nồng độ cortisone, khiến mỡ hình thành trong mạch máu. Từ đó cản trở lượng máu lưu thông đến xương.
Triệu chứng và chẩn đoán
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Ở những giai đoạn tiếp theo, các triệu chứng dưới đây có thể xảy ra:
- Đau nhức âm ỉ. Cơn đau đến rồi đi và tái phát
- Đau khi tạo áp lực lên xương, chẳng hạn như đứng hoặc ngồi. Đau giảm khi nằm
- Tăng đau theo thời gian
- Cứng khớp
- Hạn chế phạm vi chuyển động, khó khăn khi đi lại và đứng lên từ ghế
- Đi khập khiễng
- Khó leo cầu thang
Trong khi khám sức khỏe, người bệnh được kiểm tra hông, đánh giá mức độ đau, dáng đi và tính linh hoạt của khớp (kiểm tra thể chất). Ngoài ra người bệnh sẽ được hỏi về tiền sử bệnh và chấn thương.
Để xác định chẩn đoán, bệnh nhân được thực hiện một số xét nghiệm bổ sung, bao gồm:
- Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang có thể cho thấy tổn thương hoại tử ở mức độ nặng, gãy xương, trật khớp và những dấu hiệu của viêm. Điều này giúp xác định nguyên nhân gây đau. Một số dấu hiệu có thể nhìn thấy trên hình ảnh X-quang:
- Vỡ xương dưới sụn
- Thưa xương
- Biến dạng xương
- Có một đường sáng dưới sụn
- Các dải tăng tỉ trọng có bề dày khác nhau hoặc xuất hiện những nốt tăng tỉ trọng không đều.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc xạ hình xương: Cả hai kỹ thuật này đều có khả năng phát hiện hoại tử chỏm xương đùi ở giai đoạn nhẹ. Chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng giúp phát hiện những tổn thương ở mạch máu và tủy xương.
- CT scan: Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh chi tiết của xương và các mô xung quanh. Việc kiểm tra có thể giúp phát hiện tình trạng thưa xương.
Biến chứng và tiên lượng
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi cần được điều trị càng sớm càng tốt. Các phương pháp điều trị có thể giúp làm chậm quá trình hoại tử. Trong đó hầu hết các trường hợp cần phải phẫu thuật.
Khi không được điều trị kịp thời, hoại tử trở nên tồi tệ hơn và khiến xương sụp đổ. Hơn nữa người bệnh có thể có những biến chứng dưới đây:
- Viêm xương khớp nghiêm trọng
- Gãy xương
- Xẹp chỏm xương đùi
- Gãy xương
- Tàn phế
Điều trị
Điều trị dựa vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Các phương pháp có thể giúp làm chậm sự tiến triển và ngăn ngừa mất xương thêm.
1. Thuốc
Trong giai đoạn đầu của hoại tử vô mạch chỏm xương đùi, bệnh nhân thường được điều trị bằng thuốc. Những loại thuốc được chỉ định sẽ có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng khó chịu. Đồng thời loại bỏ những yếu tố có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Những loại thuốc chống viêm không steroid như Naproxen natri hoặc Ibuprofen sẽ được chỉ định để giảm đau. Thuốc có tác dụng ngăn viêm và làm dịu cơn đau do hoại tử vô mạch.
- Chất làm loãng máu: Thuốc này được chỉ định cho những trường hợp bị hoại tử chỏm xương đùi do rối loạn đông máu. Thuốc có tác dụng làm loãng máu, ngăn hình thành cục máu đông trong mạch. Trong đó warfarin (Jantoven) là loại thường được sử dụng.
- Thuốc mở mạch máu: Iloprost (Ventavis) là một thuốc mở mạch máu thường dùng. Thuốc này có khả năng làm giãn mạch, tăng lưu lượng máu đến xương bị ảnh hưởng.
- Thuốc hạ cholesterol: Sử dụng thuốc hạ cholesterol giúp giảm lượng cholesterol và chất béo trong máu. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn mạch máu dẫn đến hoại tử xương.
- Thuốc chống loãng xương: Bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định Bisphosphonates trong điều trị hoại tử vô mạch. Thuốc này có tác dụng làm chậm tốc độ tiêu xương. Từ đó ngăn chặn quá trình hoại tử và những biến chứng do bệnh gây ra.
2. Trị liệu
Người bệnh có thể được vận động trị liệu hoặc kích thích điện để điều trị hoại tử vô mạch chỏm xương đùi. Những phương pháp này có thể giúp cải thiện tình trạng và khả năng vận động của bạn.
- Kích thích điện: Phương pháp này sử dụng dòng điện có cường độ thích hợp để kích thích sự phát triển của xương mới, thay thế xương bị hư hỏng. Từ đó ngăn hoại tử trở nên tồi tệ hơn và khiến xương sụp đổ. Kích thích điện có thể được áp dụng trực tiếp vào khu vực tổn thương (thông qua các điện cực gắn vào da) hoặc thông qua phẫu thuật.
- Vật lý trị liệu: Chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn những bài tập nhẹ nhàng để tăng tính linh hoạt, cải thiện và duy trì phạm vi chuyển động của khớp. Việc luyện tập đúng cách còn giúp tăng cường cơ bắp hỗ trợ, giảm đau và làm chậm quá trình phá hủy xương.
3. Chăm sóc tại nhà
Các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể hỗ trợ điều trị hoại tử vô mạch chỏm xương đùi và giảm bớt các triệu chứng. Bao gồm:
- Nghỉ ngơi: Hạn chế hoạt động thể chất để giảm áp lực cho khớp bị ảnh hưởng. Điều này giúp giảm đau và làm chậm quá trình tổn thương xương.
- Dùng nạng hoặc gậy: Người bệnh thường được yêu cầu dùng nạp hoặc gậy trong vào tháng khi bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi. Những thiết bị này giúp hỗ trợ chân bị thương, giảm áp lực lên cổ xương đùi khi di chuyển và vận động. Từ đó giúp giảm đau và ngăn tổn thương xương nghiêm trọng hơn.
4. Phẫu thuật
Điều trị bảo tồn chỉ giúp làm chậm quá trình phát triển của bệnh. Chính vì thế mà hầu hết bệnh nhân đều được chỉ định phẫu thuật. Phương pháp này được thực hiện khi hoại tử vô mạch chỏm xương đùi đã tiến triển đến mức độ nặng.
Tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ có thể thực hiện một trong các kỹ thuật dưới đây:
- Chọc hút và cô đặc tủy xương: Đây là một trong những kỹ thuật mới nhất, thường được chỉ định trong giai đoạn đầu của hoại tử vô mạch chỏm xương đùi. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ lấy ra một mẫu xương hông đã chết, sau đó cấy vào vị trí ảnh hưởng một lượng tế bào gốc lấy từ tủy xương. Điều này giúp xương mới phát triển.
- Giải nén lõi: Giải nén lõi bao gồm việc khoang các lỗ nhỏ (lõi) trong xương. Điều này giúp giảm đau, cải thiện lưu lượng máu đến xương bị hoại tử. Ngoài ra không gian bên trong xương sẽ kích hoạt quá trình sản xuất mô xương khỏe mạnh và hình thành những mạch máu mới. Sau khi giải nén lõi, bác sĩ có thể tiến hành ghép xương hoặc tiêm để đẩy nhanh quá trình chữa lành.
- Cấy ghép xương: Ghép xương giúp củng cố vùng xương bị ảnh hưởng, kích thích sản sinh xương mới. Điều này giúp ngăn hoại tử thêm, xương mới phát triển thay thế xương cũ. Trong khi thực hiện, một phần xương khỏe mạnh từ vị trí khác của cơ thể được lấy ra và cấy vào xương tổn thương.
- Cắt xương: Cắt xương bao gồm việc cắt bỏ một miếng xương chêm bên trên hoặc bên dưới khớp chịu trọng lượng. Điều này giúp chuyển trọng lượng sang xương không bị ảnh hưởng. Từ đó giảm áp lực lên xương tổn thương và trì hoãn quá trình thay khớp. So với khớp háng, cắt xương thường được chỉ định nhiều hơn ở người hoại tử vô mạch ở đầu gối.
- Thay khớp: Bệnh nhân được thay khớp háng khi chỏm xương đùi bị xẹp, khớp bị hỏng nghiêm trọng, không thể cải thiện khi áp dụng những phương pháp khác. Trong đó khớp háng nhân tạo (bằng nhựa hoặc kim loại) được dùng thay thế khớp hỏng. Sau điều trị, cơn đau thuyên giảm rõ rệt, người bệnh phục hồi khả năng vận động đến 95%.
Phòng ngừa
Có nhiều biện pháp giúp giảm nguy cơ hoại tử vô mạch chỏm xương đùi, duy trì sức khỏe xương khớp và tổng thể, bao gồm:
- Hạn chế uống rượu bia.
- Không hút thuốc lá.
- Theo dõi và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là corticoid.
- Thông báo với bác sĩ nếu có tiền sử hoặc đang sử dụng corticoid liều cao. Việc lặp đi lặp lại các đợt điều trị bằng corticoid liều cao có thể khiến tổn thương xương trở nên nghiêm trọng hơn.
- Theo dõi và giữ mức cholesterol thấp.
- Ăn thực phẩm tốt cho tim, thực phẩm lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng. Ngoài ra cần tăng cường hoạt động thể chất, tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày. Điều này giúp đạt được cân nặng hợp lý và giảm cholesterol. Từ đó giảm nguy cơ hoại tử vô mạch.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì gây ra tình trạng của tôi? Mức độ nghiêm trọng?
2. Phương pháp điều trị nào cần thiết và được chỉ định?
3. Tôi có thể gặp những biến chứng nào? Cách ngăn ngừa?
4. Tôi có những tình trạng sức khỏe khác, làm cách nào để kiểm soát đồng thời các bệnh lý?
5. Tôi có khả năng phục hồi hoàn toàn hay không?
6. Rủi ro và lợi ích khi phẫu thuật là gì?
7. Tôi nên làm gì khi gặp tác dụng phụ của thuốc?
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là một tình trạng nghiêm trọng, cần được điều trị sớm để ngăn hỏng xương tiến triển. Trong quá trình này, cần thăm khám kỹ lưỡng để được chỉ định những phương pháp phù hợp nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!