Hoại Tử Xương Đầu Gối
Hoại tử xương đầu gối xảy ra khi một số tình trạng làm giảm hoặc cắt đứt nguồn cung cấp máu đến lồi cầu xương đùi hoặc xương chày trong của đầu gối. Điều này khiến xương bị hoại tử (chết) và sụp đổ theo thời gian.
Tổng quan
Hoại tử xương đầu gối là tình trạng gián đoạn nguồn cung cấp máu khiến một phần xương ở xương đùi hoặc xương chày (xương ống chân) chết đi (hoại tử). Kết quả là xương ảnh hưởng bị sụp đổ hoặc bị phá hủy theo thời gian.
Đầu gối là khớp lớn và khỏe nhất của cơ thể Khớp này được tạo thành từ đầu trên của xương chày (xương ống chân), đầu dưới củ xương đùi và xương bánh chè.
Nơi các xương tiếp xúc trong đầu gối được bao phủ bởi sụn khớp và chất bôi trơn. Điều này giúp các xương dễ dàng lướt qua nhau khi di chuyển hoặc uốn cong và duỗi thẳng đầu gối.
Hoại tử xương đầu gối thường ảnh hưởng đến lồi cầu xương đùi trong (mặt trong của đầu gối) nhưng cũng có thể xảy ra trên mặt phẳng của xương ống chân (miếng mâm chày) và mặt ngoài của đầu gối.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Hoại tử xương đầu gối xảy ra khi có sự cắt giảm nguồn cung cấp máu đến một đoạn đoạn xương ở đầu gối. Khi không nhận được oxy và chất dinh dưỡng thiết yếu, phần xương bị ảnh hưởng dần chết đi (hoại tử) và xẹp xuống. Kết quả là sụn khớp cũng bị xẹp xuống, gây viêm khớp và tàn phế.
Những yếu tố nguy cơ của hoại tử xương đầu gối:
- Chấn thương đầu gối: Trật khớp gối, gãy xương do căng thẳng hoặc một số chấn thương khác ở đầu gối có thể làm hỏng những mạch máu lân cận. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến xương và khiến các mô xương chết đi.
- Thuốc steroid đường uống: Sử dụng thuốc Corticosteroid đường uống liều cao và kéo dài có thể dẫn đến hoại tử xương. Điều nảy ảnh hưởng đến nhiều khớp trong cơ thể, bao gồm cả khớp gối.
- Ghép tạng: Hoại tử xương thường gặp ở những người cấy ghép tạng, đặc biệt là ghép thận.
- Bệnh lý: Ở một số người, hoại tử xương đầu gối liên quan đến một số bệnh lý dưới đây:
- Thừa cân béo phì
- Bệnh Lupus ban đỏ
- Thiếu máu hồng cầu hình liềm
- Nhiễm HIV và sử dụng thuốc điều trị HIV
- Sử dụng rượu quá mức: Tiêu thụ quá nhiều rượu trong thời gian dài có thể hình thành chất béo trong mạch máu và làm tăng nồng độ cortisone. Điều làm giảm lưu lượng máu đến các xương ở đầu gối.
- Tuổi tác: Hoại tử vô mạch có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng thường gặp nhất ở những người có độ tuổi trên 60.
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị hoại tử xương gấp 3 lân so với nam giới.
Triệu chứng và chẩn đoán
Hoại tử xương đầu gối phát triển theo từng giai đoạn. Bệnh nhân có thể không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Sau vài tháng tiến triển, những triệu chứng dưới đây sẽ xảy ra:
- Đau ở bên trong đầu gối (thường là triệu chứng đầu tiên)
- Đau đột ngột hoặc đau sau một hoạt động cụ thể (tập thể dục) và chấn thương nhỏ
- Khó đứng và dồn trọng lượng lên đầu gối bị ảnh hưởng
- Đau khi cử động khớp
- Sưng ở mặt trước và bên trong đầu gối
- Hạn chế phạm vi chuyển động ở khớp
- Tăng nhạy cảm khi chạm vào xung quanh đầu gối.
Trong quá trình thăm khám, bệnh nhân được hỏi về tiền sử bệnh, sức khỏe tổng quát và mô tả các triệu chứng. Sau đó bác sĩ cẩn thận xem xét các triệu chứng ở đầu gối, uốn cong và duỗi khớp nhẹ nhàng. Điều này giúp đánh giá phạm vi chuyển động, mức độ sưng đau và mất ổn định của khớp.
Sau khám lâm sàng, các nghiên cứu hình ảnh sẽ được thực hiện để giúp xác nhận chẩn đoán.
- Chụp X-quang: Những cấu trúc dày đặc như xương được thể hiện rõ nét trên hình ảnh X-quang. Điều này giúp phát hiện những thay đổi xảy ra trong xương. Chụp X-quang thường cho kết quả bình thường trong giai đoạn đầu và bất thường ở giai đoạn sau của hoại tử xương.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI cho phép phát hiện những thay đổi sớm của xương, ngay cả khi chưa có triệu chứng của hoại tử vô mạch.
- Quét xương: Đôi khi bệnh nhân được yêu cầu quét xương. Trong xét nghiệm này, một lượng nhỏ thuốc nhuộm phóng xạ được tiêm vào tĩnh mạch trước khi quét. Các xương bị thương do hoại tử vô mạch có thể tăng hấp thụ chất phóng xạ, tạo ra những điểm nóng hình ảnh.
Biến chứng và tiên lượng
Hoại tử xương đầu gối không được điều trị sẽ dẫn đến sự sụp đổ của xương, gây gãy xương hoặc xẹp xương. Kết quả là người bệnh viêm xương khớp nghiêm trọng và tăng nguy cơ tàn tật.
Điều trị
Trong giai đoạn đầu của hoại tử xương và đầu gối chỉ bị ảnh hưởng một vùng nhỏ, bệnh nhân chỉ cần điều trị bảo tồn là đủ. Ở những giai đoạn sau, cần phẫu thuật để loại bỏ những mô xương đã chết.
Các phương pháp điều trị cụ thể gồm:
1. Điều trị không phẫu thuật
Điều trị giai đoạn đầu của hoại tử xương đầu gối thường bao gồm những phương pháp dưới đây:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Naproxen hoặc Ibuprofen được dùng để giảm sưng và đau ở đầu gối. Hầu hết mọi người đều có đáp ứng tốt với nhóm thuốc này
- Sử dụng nạng
Bệnh nhân được khuyên sử dụng nạng trong vài tuần để giảm sức nặng và loại bỏ trọng lượng ra khỏi đầu gối. Điều này có thể giúp giảm đau, làm chậm tổn thương do hoại tử xương và cho phép mô bị thương tự chữa lành.
- Nẹp
Đôi khi nẹp cũng được sử dụng. Thiết bị này giúp chuyển trọng lượng ra khỏi đầu gối bị ảnh hưởng, giảm áp lực lên bề mặt khớp. Từ đó giúp hỗ trợ và bảo vệ đầu gối.
- Sửa đổi hoạt động
Tránh thực hiện những hoạt động có thể gây ra triệu chứng đau đớn hoặc tăng căng thẳng cho khớp ảnh hưởng. Chẳng bạn như đi bộ nhiều, leo cầu thang và chạy.
- Vật lý trị liệu
Để duy trì chuyển động khớp, bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập thích hợp, liên quan đến phạm vi chuyển động và cơ bắp. Những bài tập này có tác dụng tăng cường cơ đùi, tăng sự ổn định cho đầu gối ảnh hưởng. Đồng thời duy trì phạm vi chuyển động và sự linh hoạt của người bệnh.
Trong một số trường hợp, người bệnh được hướng dẫn những bài tập thể dục dưới nước. Đây đều là những hoạt động tác động thấp, có thể giảm căng thẳng cho khớp gối.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp sau:
- Hoại tử xương đầu gối ảnh hưởng đến phần lớn bề mặt của xương bị ảnh hưởng
- Đau đớn không cải thiện khi điều trị bảo tồn
Dựa trên mức độ tổn thương, bệnh nhân sẽ được chỉ định một trong những thủ tục sau:
- Phẫu thuật nội soi khớp và vi gãy xương
Trong quá trình phẫu thuật, máy ảnh nhỏ và dụng cụ phẫu thuật nhỏ được đưa vào khớp gối thông qua vết cắt. Sau sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, bác sĩ tiến hành loại bỏ sụn hư hỏng và những mảnh xương lỏng lẻo bên trong không gian khớp. Điều này giúp làm sạch các mô hoại tử.
Nếu có tổn thương nhỏ, bác sĩ có thể khoang nhiều lỗ ở xương bên dưới. Phương pháp này giúp tạo ra mạch máu mới, thúc đẩy lưu lượng máu và kích thích phản ứng chữa lành.
- Giải nén lõi
Trong phẫu thuật giải nén lõi, bác sĩ khoan một số lỗ nhỏ hoặc một lỗ lớn hơn vào xương. Điều này giúp giải phóng áp lực lên bề mặt xương, hình thành các kệnh cho phép mạch máu mới cung cấp đủ lượng máu đến vùng ảnh hưởng của đầu gối. Xương được nuôi dưỡng sẽ nhanh chóng lành lại, ngăn hoại tử xương tiến triển.
Giải nén lõi trong giai đoạn sớm của bệnh có thể ngăn chặn biến chứng xẹp xương và viêm khớp.
- Cấy ghép tế bào sụn tự thân (ACI)
Một lượng nhỏ tế bào sụn (tế bào sản xuất sụn) được lấy ra khỏi đầu gối thông qua phẫu thuật nội soi khớp. Những tế bào này sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm và tiến hành nuôi cấy trong 6 tuần.
Sau khi nuôi cấy, các tế bào sản xuất sụn sẽ được cấy ghép vào vùng đầu gối bị mất sụn, thông qua phẫu thuật nội soi. Sau phẫu thuật, những tế bào này sẽ phát triển trong khớp, tạo thành sụn khỏe mạnh để thay thế sụn bị thương.
- Cắt xương
Trong phẫu thuật cắt xương, bác sĩ tiên hành cắt bỏ một phần nhỏ của xương đùi hoặc xương chày (xương ống chân), sau đó định hình lại. Phương pháp này giúp chuyển trọng lượng của bạn ra khỏi phần xương tổn thương. Đồng thời giúp giảm đau, cải thiện chức năng và khả năng sử dụng đầu gối.
- Thay khớp gối
Nếu có đầu gối hư hỏng nặng hoặc đã tiến triển đến mức xẹp xương, bác sĩ có thể tiến hành thay khớp gối một phần hoặc toàn bộ. Phương pháp này sẽ giúp cắt giảm cơn đau và khôi phục chức năng của đầu gối.
Trong khi thực hiện, bác sĩ tiến hành loại bỏ xương và sụn bị tổn thương. Sau đó dùng những bề mặt khớp bằng nhựa hoặc kim loại để thay thế.
Sau phẫu thuật điều trị hoại tử xương đầu gối, bệnh nhân được hướng dẫn dùng nạng và tập vật lý trị liệu. Những bài tập thích hợp sẽ giúp phục hồi phạm vi chuyển động và khả năng sử dụng đầu gối.
Phòng ngừa
Những cách dưới đây có thể giảm nguy cơ hoại tử xương đầu gối:
- Hạn chế sử dụng rượu.
- Loại bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Đạt được và giữ cân nặng hợp lý.
- Điều trị ngay khi có chấn thương ở đầu gối.
- Thông báo với bác sĩ nếu có tiền sử hoặc đang sử dụng steroid liều cao và kéo dài.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh để giảm cân, giảm cholesterol và chất béo trong máu.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Mức độ nghiêm trọng của hoại tử xương đầu gối?
2. Tôi có cần phẫu thuật ngay lập tức hay không?
3. Những rủi ro nào có thể gặp từ các phương pháp điều trị?
4. Có cách nào giúp tôi ngăn ngừa hoại tử xương phát triển hay không?
5. Tôi có một tình trạng khác ở đầu gối, làm cách nào để điều trị đồng thời?
6. Biện pháp chăm sóc nào giúp tôi cảm thấy tốt hơn?
7. Tôi có thể tiếp tục các hoạt động thể chất của mình hay không?
Hoại tử xương đầu gối là một tình trạng nghiêm trọng, có thể gây biến chứng xẹp xương, viêm xương khớp và tàn tật. Tuy nhiên điều trị sớm có thể làm chậm tiến triển của bệnh và hạn chế các tổn thương. Tốt nhất nên khám ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên.