Hoại Tử Xương Hàm
Hoại tử xương hàm (ONJ) xảy ra khi một phần xương hàm lộ ra ngoài qua nướu, các tế bào xương chết đi do thiếu lưu lượng máu. Tình trạng này thường gặp ở những người mới trải qua phẫu thuật răng miệng hoặc do dùng một số thuốc.
Tổng quan
Hoại tử xương hàm (ONJ) là một dạng hiếm gặp của hoại tử xương, ảnh hưởng đến xương hàm trên hoặc/ và hàm dưới. Bệnh thể hiện cho tình trạng những tế bào xương trong xương hàm chết đi do gián đoạn cung cấp máu, xương hàm chọc qua lỗ hở trên nướu. Các xương sẽ chết nhiều hơn do máu không thể đến được vùng lộ.
Hoại tử xương là thuật ngữ chỉ tình trạng chết xương, còn được gọi là hoại tử vô mạch. Khi bệnh xảy ra, một số nguyên nhân khiến lưu lượng máu đến mô xương hàm bị gián đoạn hoặc chậm lại, xương bắt đầu chết.
Hoại tử xương hàm thường phát triển ở những người sử dụng liệu pháp Bisphosphonate trong điều trị ung thư. Tình trạng này cũng có thể xảy ra sau khi trải qua phẫu thuật răng miệng, chẳng hạn như nhổ răng.
Phân loại
Hoại tử xương hàm có 4 giai đoạn phát triển, gồm giai đoạn 0 - 3 ứng với mức độ nhẹ (ít nghiêm trọng nhất) đến mức độ rất nặng (nghiêm trọng nhất). Giai đoạn của bệnh sẽ được bác sĩ xác định tại thời điểm chẩn đoán.
- Giai đoạn 0: Bị đau hàm sau khi được điều trị bằng bisphosphonate qua đường tĩnh mạch hoặc sau phẫu thuật răng miệng. Tuy nhiên không có dấu hiệu của xương hoại tử, không bị lộ xương hàm hoặc/ và không có triệu chứng khác của hoại tử xương.
- Giai đoạn I: Xương hàm bị lộ ra ngoài và hoại tử. Tuy nhiên người bệnh không bị đau và không có dấu hiệu khác của ONJ.
- Giai đoạn II: Xương hàm bị lộ ra ngoài kèm theo các triệu chứng gồm đau, mô và nướu sưng to, tấy đỏ, tiết dịch và những dấu hiệu nhiễm trùng khác.
- Giai đoạn III: Người bệnh có tất cả các triệu chứng trong giai đoạn II, nhiễm trùng đã lan ra các xoang hoặc mặt dẫn đến hoại tử xương ở xoang và nhiều bộ phận khác trên gương mặt.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây hoại tử xương hàm thường bao gồm:
- Phẫu thuật răng miệng
Hoại tử xương hàm thường xảy ra sau khi phẫu thuật răng miệng, chẳng hạn như cấy ghép xương, cấy ghép nha khoa hoặc nhổ răng. Các thủ thuật có thể khiến mô nướu không lành, một số xương hàm bị lộ ra ngoài và không nhận được lưu lượng máu. Kết quả là các tế bào xương chết đi.
- Dùng thuốc Bisphosphonate
ONJ xảy ra do sử dụng thuốc được gọi là hoại tử xương hàm do thuốc, thường liên quan đến Bisphosphonate - một loại thuốc chống thoái hóa. Loại thuốc này vốn cần thiết trong phác đồ điều trị ung thư và loãng xương.
Bisphosphonate có tác dụng làm chậm quá trình mất xương, cải thiện mật độ xương. Đồng thời ngăn ngừa gãy xương và giảm đau do ung thư di căn đến xương. Tuy nhiên việc tiêm tĩnh mạch Bisphosphonate liều cao có thể khiến một số xương (bao gồm cả xương hàm) có thể bị hoại tử.
- Nhiễm trùng
Nhiễm trùng mãn tính hoặc cấp tính có thể kích hoạt và kết tập tiểu cầu, tăng đông máu và góp phần hình thành cục máu đông. Điều này làm ảnh hưởng lưu lượng máu đến xương, gây thiếu máu cục bộ và hoại tử xương hàm.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ gồm:
- Từ 65 tuổi trở lên
- Hóa trị
- Chấn thương hoặc gãy xương mặt
- Tiểu đường
- Bệnh nướu răng, chẳng hạn như bệnh viêm nha chu
- Hút thuốc
- Bệnh zona
- Đeo răng giả
- Sử dụng corticosteroid lâu dài
- Uống nhiều rượu trong vài năm.
Triệu chứng và chẩn đoán
Tương tự như một số vị trí khác, hoại tử xương hàm thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. 8 tuần hoặc lâu hơn kể từ khi hoại tử vô mạch bắt đầu, người bệnh sẽ có những triệu chứng dưới đâu:
- Đau miệng và hàm
- Loét miệng
- Sưng mô mềm và nướu
- Xương hàm lộ ra
- Chảy mủ hoặc nước ở nướu và miệng
- Khó nhai
- Răng lung lay.
Bác sĩ chẩn đoán hoại tử xương hàm dựa vào các triệu chứng và tiền sử bệnh. Trong quá trình này, người bệnh được hỏi về tiền sử phẫu thuật răng miệng, bệnh lý và các thuốc sử dụng gần đây.
Sau đó bệnh nhân sẽ được yêu cầu há miệng để kiểm tra vùng ảnh hưởng. Điều này có thể giúp bác sĩ tìm thấy xương hàm bị lộ và đánh giá dấu hiệu nhiễm trùng.
Nếu có nghi ngờ hoại tử xương hàm, một số xét nghiệm hình ảnh sẽ được thực hiện để xác nhận chẩn đoán, cụ thể:
- Chụp X-quang: Kỹ thuật này cho phép bác sĩ nhìn thấy các xương hàm bị lộ và dấu hiệu xương chết.
- Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ (MRI) có độ nhạy cao. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ phát hiện hoại tử xương hàm trong giai đoạn sớm, khi chưa có triệu chứng. Kỹ thuật này cũng giúp bác sĩ đánh giá chi tiết mức độ tổn thương mô mềm và xương.
Biến chứng và tiên lượng
Tiên lượng của hoại tử xương hàm phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện và điều trị bệnh. Việc phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn ONJ tiến triển nặng hơn và bảo tồn xương hàm.
Khi không được điều trị, hoại tử xương và dấu hiệu nhiễm trùng có xu hướng lây lan đến xương ở xoang và gương mặt. Điều này có thể dẫn đến những biến dạng trên gương mặt.
Trong giai đoạn đầu, ONJ có thể được chữa khỏi mà không cần phẫu thuật. Trong những giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân cần phải phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn xương chết và những phần bị ảnh hưởng. Sau đó tiến hành tái tạo lại hàm và răng.
Điều trị
Điều trị hoại tử xương hàm dựa vào giai đoạn tiến triển của bệnh.
- Giai đoạn 0: Bệnh nhân được theo dõi những thay đổi và sử dụng các thuốc để giảm bớt triệu chứng, bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và nước súc miệng sát trùng.
- Giai đoạn I: Tiến hành loại bỏ hoặc cạo những tế bào xương chết lộ ra ngoài. Sau đó sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và nước súc miệng sát trùng theo đơn thuốc của bác sĩ.
- Giai đoạn II: Bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ phần xương hàm chết, các răng ảnh hưởng và một phần nhỏ của mô khỏe mạnh. Dùng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau sau thủ thuật.
- Giai đoạn III: Phẫu thuật loại bỏ phần xương hàm chết và các răng ảnh hưởng hoặc/ và phẫu thuật xoang để loại bỏ hoàn toàn xương chết kéo dài vào đường mũi. Sau thủ thuật, dùng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Những phương pháp điều trị cụ thể:
1. Thuốc
Những loại thuốc được dùng trong điều trị hoại tử xương hàm gồm:
- Thuốc kháng sinh: Thuốc này có tác dụng ngăn ngừa và giảm các dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn.
- Nước súc miệng sát trùng: Bệnh nhân được yêu cầu sử dụng nước súc miệng sát trùng 2 - 3 lần/ ngày. Sản phẩm này chứa những hoạt chất kháng khuẩn và chống viêm mạnh, giúp làm dịu những dấu hiệu nhiễm trùng do hoại tử vô mạch, bao gồm sưng nướu, tấy đỏ và chảy mủ. Nước súc miệng sát trùng cũng giúp là dịu cơn đau ở khu vực bị ảnh hưởng.
- Thuốc giảm đau: Acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid (như Naproxen và Ibuprofen) có tác dụng giảm đau do hoại tử xương. Nếu cơn đau không giảm, một loại thuốc giảm đau mạnh hơn sẽ được sử dụng.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định cho những giai đoạn sau của hoại tử xương hàm. Dựa vào các giai đoạn phát triển bệnh, thủ thuật có thể bao gồm:
- Tách bỏ: Trong thủ thuật tách bỏ, những tế bào xương chết và lộ ra ngoài sẽ được cạo hoặc cắt bỏ. Phương pháp này giúp ngăn hoại tử vô mạch tiến triển dẫn đến mất nhiều xương hơn. Thủ thuật tách bỏ cũng giúp nướu lành lại trên xương.
- Loại bỏ xương hàm chết và răng: Trong khi thực hiện, bác sĩ tiến hành loại bỏ phần xương hàm chết và những chiếc răng chạm vào phần hàm đó. Sau đó bác sĩ sẽ loại bỏ thêm một ít mô khỏe mạnh bao quanh xương hàm chết. Điều này giúp đảm bảo các mô bệnh đã bị loại bỏ hoàn toàn.
- Phẫu thuật xoang: Phẫu thuật xoang thường được thực hiện trong giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh, hoại tử xương hàm lan đến xương ở xoang. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ loại bỏ xương chết kéo dài vào đường mũi. Đôi khi một phần mô khỏe mạnh xung quanh cũng bị loại bỏ nhằm đảm bảo không còn bất kỳ tế bào xương chết nào còn sót lại.
Sau khi phẫu thuật loại bỏ các mô xương chết, người bệnh được hướng dẫn cách chăm sóc vết thương và dùng thuốc để cắt giảm triệu chứng, ngăn nhiễm trùng.
Phòng ngừa
Một số lời khuyên dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ hoại tử xương hàm:
- Thực hành vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày.
- Đánh răng 2 lần/ ngày
- Súc miệng bằng nước sau khi ăn xong
- Dùng chỉ nha khoa
- Làm sạch răng miệng bằng nước muối loãng hoặc nước súc miệng có tính sát khuẩn. Nên thực hiện vào buổi tối trước khi đi ngủ, sau khi đánh răng xong.
- Thường xuyên kiểm tra răng miệng để làm sạch răng định kỳ, phát hiện bệnh răng miệng hoặc ONJ trong giai đoạn sớm.
- Sớm thăm khám và điều trị các bệnh nướu răng (nếu có).
- Trước khi phẫu thuật răng miệng, cần thông báo với bác si nếu đang dùng thuốc chống tiêu xương. Điều này giúp bác sĩ nắm rõ tình trạng, lựa chọn những phương pháp điều trị ít xâm lấn hơn. Chẳng hạn như điều trị tủy hoặc lấy tủy thay vì nhổ răng.
- Không hút thuốc lá và hạn chế uống rượu.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì làm phát triển các triệu chứng của tôi?
2. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm chẩn đoán nào?
3. Tình trạng của tôi có nghiêm trọng không?
4. Phương pháp điều trị thích hợp và hiệu quả nhất là gì?
5. Có cách nào để ngăn hoại tử xương hàm phát triển hay không?
6. Mất bao lâu để phục hồi hoàn toàn?
7. Sau điều trị, tôi có cần tiếp tục theo dõi dấu hiệu hoặc biến chứng hay không?
Bệnh hoại tử xương hàm là một tình trạng hiếm gặp. Trong đó các mô xương hàm bị chết do thiếu lưu lượng máu và lộ ra ngoài qua nướu. Khi điều trị sớm, xương hàm được bảo tồn và giảm nguy cơ phát triển biến chứng. Do đó người bệnh cần sớm kiểm tra răng miệng và điều trị ngay khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!