Hội Chứng Đau Cân Cơ
Hội chứng đau cân cơ là một tình trạng mãn tính, trong đó cơ và màng cân bị ảnh hưởng. Tình trạng này gây ra cơn đau lan tỏa hoặc cục bộ khi ấn vào những điểm kích hoạt trong cơ.
Tổng quan
Hội chứng đau cân cơ là thuật ngữ chỉ một rối loạn đau mãn tính, xảy ra do viêm cơ và cân cơ - mô liên kết mỏng bao quanh cơ. Trong rối loạn này, việc tạo áp lực lên những điểm nhạy cảm (điểm kích hoạt) trong cơ sẽ gây đau cục bộ.
Đau do hội chứng đau cân cơ thường xảy ra ở một khu vực cụ thể. Tuy nhiên nhiều trường hợp bị đau lan tỏa đến những bộ phận dường như không liên quan (được gọi là cơn đau quy chiếu). Đau ảnh hưởng đến nhiều vùng nhưng thường ở cùng một bên cơ thể.
Cơn đau xảy ra sau khi cơ bị co thắt nhiều lần, chủ yếu do căng cơ liên quan đến căng thẳng hoặc những chuyển động lặp đi lặp lại. Hội chứng đau cân cơ rất phổ biến. Thường người bệnh sẽ được dùng thuốc, tiêm điểm kích hoạt và vật lý trị liệu để điều trị.
Phân loại
Trong hội chứng đau cân cơ, có 4 loại điểm kích hoạt bao gồm:
- Điểm kích hoạt hoạt động: Chúng thường nằm trong cơ. Việc tạo áp lực lên những điểm kích hoạt hoạt động sẽ gây đau dọc theo cơ hoặc ở vị trí điểm kích hoạt.
- Điểm kích hoạt tiềm ẩn: Những điểm kích hoạt tiềm ẩn không hoạt động nhưng có thể hoạt động.
- Điểm kích hoạt phụ: Đây là một nút thắt ở cơ, không phải là điểm kích hoạt hoạt động. Tuy nhiên điểm kích hoạt hoạt động và điểm kích hoạt phụ có thể bị kích hoạt cùng một lúc.
- Điểm kích hoạt vệ tinh: Những điểm kích hoạt vệ tinh trùng với khu vực của điểm kích hoạt khác nên không hoạt động.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Những điểm kích hoạt trong cơ hình thành khi có chấn thương hoặc hoạt động quá mức. Những điểm này gây căng và đau khắp cơ, kéo dài và trầm trọng.
Những yếu tố rủi ro:
- Tổn thương các sợi cơ: Những điểm kích hoạt thường phát triển sau khi căng cơ liên tục hoặc chấn thương cấp tính. Điều này gây ra một điểm kích hoạt ở gần hoặc bên trong cơ bị căng.
- Chuyển động lặp đi lặp lại: Những điểm kích hoạt trong cơ có thể phát triển khi một người lặp đi lặp lại chuyển động, thường liên quan đến một sở thích hoặc trong công việc. Nguy cơ cũng tăng cao khi thực hành tư thế xấu.
- Thiếu hoạt động: Những điểm kích hoạt trong cơ có thể hình thành khi một người bị thiếu hoạt động, chẳng hạn như đeo địu cố định tay bị gãy một thời gian.
- Căng thẳng và lo lắng: Hội chứng đau cân cơ phổ biến hơn ở những người thường xuyên căng thẳng và lo lắng. Nguyên nhân là do những người này có nhiều khả năng co cứng cơ hơn, tăng nguy cơ hình thành những điểm kích hoạt trong cơ.
Triệu chứng và chẩn đoán
Hội chứng đau cân cơ có những triệu chứng và dấu hiệu rõ rệt, bao gồm:
- Đau ở cơ và đau sâu
- Đau nhức nhói, đau nhói
- Cảm giác căng cứng
- Đau xảy ra đột ngột
- Đau âm ỉ, liên tục kéo dài âm ỉ
- Cơn đau trầm trọng hơn hoặc/ và kéo dài
- Khó ngủ do đau
- Có những điểm kích hoạt khi tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Chúng xuất hiện dưới dạng nốt sần, vết sưng nhỏ hoặc nút thắt mềm mại trong cơ bắp. Chạm vào điểm kích hoạt thấy đau trong cơ và lan tỏa. Đôi khi cơn đau xảy ra mà không chạm vào điểm kích hoạt
- Cơ bắp yếu
- Phạm vi chuyển động bị hạn chế.
Một số tình trạng sức khỏe có thể xảy ra đồng thời với hội chứng đau cân cơ:
- Ngủ kém
- Đau đầu
- Căng thẳng
- Lo lắng
- Cảm thấy mệt mỏi
- Trầm cảm
Trong khi thăm khám, bác sĩ hỏi về tiền sử bệnh, chấn thương và thuốc đang dùng. Sau đó ấn nhẹ ngón tay vào vùng đau để tìm điểm kích hoạt và cảm nhận vùng căng thẳng. Khi ấn vào điểm kích hoạt, một số phản hồi cụ thể như đau đớn và co giật co có thể giúp xác định tình trạng.
Bác sĩ cũng có thể kiểm tra dáng đi và tư thế để xem cách bạn sử dụng cơ và tìm dấu hiệu yếu cơ; kiểm tra giấc ngủ gồm ngủ bao lâu và ngon giấc ra sao, có cảm thấy căng thẳng hay lo lắng hay không, những tình trạng sức khỏe khác có thể góp phần gây ra hội chứng đau cân cơ.
Để loại bỏ một số nguyên nhân nhân có thể gây đau nhức cơ bắp (chẳng hạn như căng cơ), siêu âm hoặc những xét nghiệm khác sẽ được thực hiện bổ sung.
Biến chứng và tiên lượng
Hội chứng đau cân cơ có những cơn đau ở cơ và đau lan tỏa nghiêm trọng, đau xảy ra đột ngột, nhức nhói liên tục và kéo dài. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề sau:
- Vấn đề về giấc ngủ
- Khó ngủ vào ban đêm
- Gặp khó khăn khi tìm một cơ thể ngủ phù hợp và thoải mái
- Vô thức di chuyển trong khi ngủ có thể tạo áp lực lên điểm kích hoạt và khiến bạn thức giấc
- Đau xơ cơ hóa - một tình trạng mãn tính được đặc trưng bởi những cơn đau lan rộng, bộ não trở nên nhạy cảm hơn với những tính hiệu đau theo thời gian.
Khi được điều trị thích hợp, cơn đau có thể biến mất sau khoảng vài ngày đến vài tuần. Một số trường hợp khác có cơn đau kéo dài lâu hơn.
Điều trị
Hội chứng đau cân cơ thường được điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu và tiêm điểm kích hoạt. Các phương pháp có thể kiểm soát cơn đau.
1. Thuốc
Dựa vào mức độ đau, một trong 3 nhóm thuốc dưới đây có thể được sử dụng:
- Thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau không kê đơn như Naproxen natri, Ibuprofen hoặc Acetaminophen có thể giúp ích. Những loại thuốc này có khả năng kiểm soát những cơn đau nhẹ và vừa. Nếu hội chứng đau cân cơ gây ra những cơn đau nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ kê toa thuốc giảm đau mạnh hơn để điều trị.
- Thuốc chống trầm cảm: Nếu đau dai dẳng và ảnh hưởng đến giấc ngủ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm. Trong đó Amitriptyline là loại được sử dụng phổ biến nhất. Thuốc này có tác dụng giảm đau giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ.
- Thuốc an thần: Một loại thuốc an thần như Clonazepam (Klonopin) được kê đơn để điều trị chứng lo âu và ngủ kém do hội chứng đau cân cơ. Thuốc này chỉ được sử dụng khi cần thiết và có hướng dẫn của bác sĩ.
2. Vật lý trị liệu
Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ đề xuất những giải pháp giúp giảm đau và giảm hội chứng đau cân cơ. Dưới đây là 9 liệu pháp hữu hiệu nhất:
- Giãn cơ nhẹ nhàng: Người bệnh được hướng dẫn những bài tập giãn cơ nhẹ nhàng để thư giãn và giảm đau ở cơ bị ảnh hưởng. Nếu cảm thấy đau khi giãn cơ, bác sĩ có thể dùng dung dịch xịt gây tê để tiếp tục các bài tập.
- Luyện tập tư thế: Luyện tập để cải thiện tư thế và giảm đau cơ. Ngoài ra chuyên gia cũng có thể hướng dẫn những bài tập có tác dụng tăng cường sức mạnh cho các cơ quanh điểm kích hoạt. Điều này giúp ngăn cơ làm việc quá sức.
- Xoa bóp: Xoa bóp nhẹ nhàng ở cơ bị ảnh hưởng. Liệu pháp này giúp cơ thư giãn, giảm đau và tăng lưu thông máu. Khi thực hiện, việc vuốt tay dài dọc theo cơ và tạo áp lực lên các vùng cụ thể cũng có thể giải phóng căng thẳng.
- Chườm nóng: Dùng túi chườm ấm đặt lên vùng bị đau, giữ trong khoảng 20 phút. Biện pháp này có tác dụng thư giãn, giảm căng cơ và giảm đau. Tắm nước ấm có thể mang đến hiệu quả tương tự.
- Siêu âm trị liệu: Bác sĩ sử dụng sóng âm thanh để làm ấm, giảm đau, tăng cường lưu thông máu và thúc đẩy quá trình lành vết thương. Từ đó giúp các cơ bị ảnh hưởng mau chóng lành lại.
- Châm cứu khô: Liệu pháp này bao gồm việc đẩy kim mỏng vào điểm kích hoạt để thư giãn, giảm độ căng. Châm cứu khô cũng giúp giảm đau và tăng lưu lượng máu.
- Các liệu pháp châm cứu và thư giãn: Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) và phản hồi sinh học có thể giúp cải thiện giấc ngủ và giảm lo lắng cho người mắc hội chứng đau cân cơ.
- Liệu pháp ánh sáng cường độ thấp/ laser lạnh: Tia laser được sử dụng để kích thích cơ thể giải phóng những chất giảm đau. Từ đó giúp làm dịu cơn đau hiệu quả.
- Kích thích dây thần kinh bằng điện qua da (TENS): Những miếng đệm được gắn vào da và gửi tín hiệu điện áp thấp đến những điểm kích hoạt. Từ đó giúp giảm đau.
3. Biện pháp khắc phục tại nhà
Tự chăm sóc tại nhà có thể giữ cho cơ thể khỏe mạnh, dễ dàng kiểm soát cơn đau hơn.
- Chườm ấm và chườm lạnh: Chườm ấm có thể giúp giảm đau và thư giãn cơ bắp. Trong khi chườm lạnh có thể giúp giảm sưng và viêm.
- Bài tập: Hãy di chuyển, tập thể dụng nhẹ nhàng và đều đặn mỗi ngày để kiểm soát cơn đau. Biện pháp này cũng giúp giảm nguy cơ phát triển chứng đau xơ cơ hóa.
- Thư giãn: Căng thẳng có thể kích hoạt hoặc làm nặng hơn cơn đau. Vì vậy hãy thư giãn bằng cách ngồi thiền, hít thở đều. Ngoài ra tập yoga và thường xuyên nói chuyện với người thân cũng có thể hữu ích.
- Ăn ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc: Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, chứa nhiều trái cây và rau củ quả để cung cấp dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe tổng thể. Nên tránh ăn các loại thực phẩm có khả năng gây viêm, chẳng hạn như thực phẩm nhiều đường, nhiều chất béo... Cần ngủ đủ giấc để có đủ năng lượng đối phó với cơn đau.
- Ngâm trong nước ấm: Tắm hoặc ngâm trong nước ấm có thể giúp làm dịu cơn đau do hội chứng đau cân cơ gây ra.
Phòng ngừa
Hội chứng đau cân cơ không được ngăn ngừa hoàn toàn. Nhưng có một số điều có thể giúp giảm thiểu rủi ro:
- Duy trì vệ sinh giấc ngủ đúng cách. Đảm bảo ngủ sớm và ngủ đủ giấc.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày để duy trì sức khỏe tổng thể, giảm nguy cơ mắc hội chứng đau cân cơ.
- Thận trọng trong những hoạt động thể thao, tránh chấn thương cơ.
- Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ rau xanh và trái cây tươi.
- Giữ nước. Đảm bảo uống đủ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày.
- Tránh ăn những loại thực phẩm gây viêm bởi tình trạng viêm sẽ làm tăng cơn đau cân cơ. Một số thực phẩm nên tránh:
- Thực phẩm chiên
- Sữa (sữa, phô mai, sữa chua).
- Carbohydrate tinh chế và nhóm thực phẩm chứa bột tinh chế, chẳng hạn như ngũ cốc ăn sáng, bánh ngọt, bánh mì trắng, mì ống....
- Thực phẩm và đồ uống nhiều đường
- Thịt đỏ
- Chất làm ngọt nhân tạo và các chất phụ gia
- Thịt chế biến sẵn, chẳng hạn như xúc xích.
- Giảm căng thẳng của bạn. Nếu stress quá mức, hãy thực hành các phương pháp thư giãn như nghỉ ngơi, tập yoga hoặc ngồi thiền để cải thiện.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Những loại thuốc nào được dùng để điều trị hội chứng đau cân cơ của tôi?
2. Nguyên nhân khiến tôi bị đau?
3. Tình trạng của tôi có phải là tạm thời không?
4. Tôi có nguy cơ mắc các tình trạng đau khác không?
5. Phác đồ điều trị của tôi là gì?
6. Tôi có thể làm gì tại nhà để cảm thấy tốt hơn?
7. Điều trị trong bao lâu?
Hội chứng đau cân cơ xảy ra do viêm cơ và cân cơ, gây đau cục bộ khi tạo áp lực lên những điểm nhạy cảm. Tình trạng này là mãn tính nhưng phương pháp điều trị sẽ giúp kiểm soát cơn đau.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!