Hội Chứng Đau Vùng Phức Hợp
Hội chứng đau vùng phức hợp (CRPS) là một tình trạng đau đớn dữ dội, liên tục và kéo dài, kèm theo nóng rát ở tay hoặc chân. Tình trạng này xảy ra khi có tổn thương các sợi thần kinh trong mô bị thương.
Tổng quan
Hội chứng đau vùng phức hợp (CRPS) là một tình trạng đau đớn kéo dài. Tình trạng này thường gây đau dữ dội và liên tục ở chân hoặc tay bị ảnh hưởng. Đau cũng có thể kèm theo cảm giác nóng rát khó chịu.
CRPS thường khởi phát sau một chấn thương hoặc một sự kiện khác như nhiễm trùng, đau tim, đột quỵ hoặc phẫu thuật. Cơn đau do tình trạng này thường không tương xứng với mức độ nghiêm trọng của chấn thương ban đầu, không giới hạn ở vùng bị thương.
Không rõ nguyên nhân gây hội chứng đau vùng phức hợp. Tuy nhiên cơn đau có thể do tổn thương các sợi dây thần kinh và bệnh tự miễn dịch. Tình trạng này tương đối hiếm gặp và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Phân loại
Hội chứng đau vùng phức hợp (CRPS) được phân thành 2 loại gồm:
- Loại I: CRPS xảy ra mà không có tổn thương thần kinh, được gọi là chứng loạn dưỡng giao cảm phản xạ. Cơn đau thường khởi phát sau một chấn thương hoặc bệnh tật nhưng không làm tổn hại trực tiếp đến dây thần kinh.
- Loại II: CRPS xảy ra sau khi phát hiện tổn thương thần kinh, được gọi là chứng đau nhân quả.
CRPS cũng có thể được phân thành cấp tính và mạn tính:
- Cấp tính: Cơn đau xảy ra ngắn hạn.
- Mãn tính: Cơn đau kéo dài hơn 6 tháng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân của hội chứng đau vùng phức hợp không được biết rõ. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, CRPS xảy ra do các điều kiện làm tổn thương hệ thần kinh trung ương và ngoại biên.
CRPS thường là kết quả của chấn thương ở chi hoặc dây thần kinh (chiếm hơn 90%). Chấn thương làm tổn thương những sợi dây thần kinh cảm giác và tự chủ.
Các dây thần kinh nhỏ có chức năng dẫn truyền cảm giác đau, ngứa và nhiệt độ; duy trì sức khỏe của những tế bào xung quanh và kiểm soát các mạch máu nhỏ.
Khi những dây thần kinh quá nhạy cảm, tín hiệu đau đớn được dẫn truyền sẽ trở nên đau đớn hơn. Lúc này các kích thích thông thường như chạm nhẹ cũng có thể gây ra cảm giác đau đớn.
Những chấn thương có thể gây hội chứng đau vùng phức hợp:
- Gãy xương: Gãy xương thường liên quan đến sự phát triển của CRPS, đặc biệt là gãy xương cổ tay. Những mảnh xương gãy dịch chuyển có thể làm rách mạch máu và tổn thương dây thần kinh. Ngoài ra bó bột định hình quá chặt cũng có thể tạo áp lực. Điều này làm cắt giảm lưu thông máu và tổn thương dây thần kinh.
- Bong gân hoặc căng cơ: Những mô liên kết bị thương khiến khớp lỏng lẻo và gây ra những chuyển động quá mức. Điều này khiến các dây thần kinh xung quanh bị căng quá mức và tổn thương.
- Phẫu thuật: Vết mổ, khâu và sẹo có thể khiến những sợi dây thần kinh bên dưới bị tổn thương.
- Chấn thương khác:
- Bỏng
- Bầm tím
- Vết cắt
Hội chứng đau vùng phức hợp cũng có thể xảy ra do một số vấn đề dưới đây:
- Tự miễn dịch: Khi có yếu tố kích thích (như viêm hoặc nhiễm trùng), hệ miễn dịch bị rối loạn sẽ sản sinh ra những kháng thể chống lại mô bình thường. Chúng nhắm vào và làm tổn thương những tế bào thần kinh.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng có thể kích thích phản ứng viêm hoặc tự miễn, khiến các dây thần kinh bị tổn thương.
- Nguyên nhân khác: Đột quỵ, đau tim, có thời gian bất động kéo dài. Tình trạng này cũng có thể phát triển mà không có thương tích rõ ràng.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Hút thuốc lá
- Tiểu đường
- Bệnh thần kinh ngoại biên
- Tình trạng viêm nhiễm. Cytokine - một chất gây viêm có thể góp phần làm phát triển CRPS.
- Bệnh hen suyễn
- Di truyền
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của hội chứng đau vùng phức hợp thường bắt đầu trong vòng 4 - 6 tuần sau chấn thương hoặc có một sự kiện khác. Mức độ nghiêm trọng sẽ khác nhau ở mỗi người.
Đau là triệu chứng chính và nổi bật nhất của CRPS. Dưới đây là những đặc điểm của cơn đau:
- Đau đớn dữ dội, thường ở tay hoặc chân ảnh hưởng
- Đau nhói hoặc đau rát
- Đau liên tục hoặc ngắt quãng
- Tăng độ nhạy cảm với các kích thích gây đau, chẳng hạn như véo có thể gây đau đớn hơn bình thường
- Nhạy cảm khi chạm vào hoặc lạnh
- Cảm giác nóng rát hoặc châm chích
- Tê liệt
Triệu chứng khác:
- Sưng tấy
- Da mỏng và sáng bóng quanh vùng ảnh hưởng
- Lông mọc nhiều hơn sau đó giảm dần
- Da khô và héo
- Móng tay giòn và dày
- Tóc và móng mọc nhanh hoặc không mọc
- Da đổi màu
- Tăng tiết mồ hôi
- Thay đổi nhiệt độ da (chi ảnh hưởng mát hoặc ấm hơn so với vùng da khác)
- Giảm chức năng ở chi bị ảnh hưởng
- Chi ảnh hưởng lạnh và nhợt nhạt
Những thay đổi về da và móng thường không thể đảo ngược được. Những triệu chứng cũng có thể lây từ nguồn đau sang chi đối diện. Phần lớn bệnh nhân có triệu chứng kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm. Một số khác có triệu chứng tự hết.
Không có xét nghiệm cụ thể đối với hội chứng đau vùng phức hợp. Để chẩn đoán, bệnh nhân được kiểm tra bệnh sử, khám vùng ảnh hưởng và xem xét các triệu chứng.
Sau khi kiểm tra lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh, bao gồm:
- Chụp X-quang: Bệnh nhân có thể được yêu cầu chụp X-quang để kiểm tra tình trạng mất xương và gãy xương.
- Quét xương: Bệnh nhân được tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ. Sau đó chụp ảnh để tìm kiếm những thay đổi về xương.
- Siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): Những kỹ thuật này giúp phát hiện các bất thường của mô mềm và tổn thương thần kinh tiềm ẩn.
- Điện cơ đồ (EMG): EMG giúp đo hoạt động điện của dây thần kinh và cơ. Điều này giúp xác định dây thần kinh bị tổn thương, nguyên nhân gây bệnh lý thần kinh hoặc một số tình trạng đau tương tự.
- Đo lượng mồ hôi: Bệnh nhân được đo lượng mồ hôi trên cả hai chi. Những trường hợp có kết quả không đồng đều có thể cho thấy CRPS.
Biến chứng và tiên lượng
Hội chứng đau vùng phức hợp thường cải thiện theo thời gian, sau đó biến mất. Những trường hợp nặng có các triệu chứng kéo dài, dữ dội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Đôi khi CRPS gây đau lan sang những vùng khác.
Tiên lượng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Càng chẩn đoán sớm tiên lượng càng cao. Khi được điều trị, những triệu chứng thường giảm nhanh, bệnh nhân phục hồi khả năng cử động và sức mạnh. Từ đó sớm trở lại cuộc sống năng động bình thường.
Nếu bắt đầu chữa trị sớm, hầu hết bệnh nhân có triệu chứng biến mất sau 3 tháng. Điều trị chậm trễ có thể gây ra những thay đổi vĩnh viễn về xương và cơ.
Những biến chứng có thể gặp do chậm trễ hoặc không điều trị:
- Yếu cơ và xương
- Teo cơ
- Căng cơ (co rút) khiến bàn chân và ngón chân hoặc bàn tay và ngón tay co vào một vị trí cố định.
CRPS có thể tái phát mà không rõ nguyên nhân, chiếm 10 - 30% trường hợp.
Điều trị
Điều trị sớm giúp cải thiện nhanh những triệu chứng của hội chứng đau vùng phức hợp, người bệnh trở lại cuộc sống năng động bình thường. Tình trạng này được điều trị bằng nhiều phương pháp, bao gồm:
1. Thuốc
Những triệu chứng của hội chứng đau vùng phức hợp sẽ được điều trị bằng thuốc. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, những loại thuốc dưới đây có thể được sử dụng:
- Thuốc giảm đau tại chỗ: Kem capsaicin hoặc miếng dán lidocain giúp giảm bớt tình trạng quá mẫn.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Những loại thuốc có sẵn như Naproxen, Ibuprofen hoặc Aspirin có thể được dùng để giảm đau và viêm nhẹ.
- Thuốc chống trầm cảm: Một loại thuốc chống trầm cảm như Amitriptyline có thể được sử dụng. Thuốc này giúp điều trị cơn đau dai dẳng, do dây thần kinh bị tổn thương.
- Thuốc chống co giật: Gabapentin hoặc một loại thuốc chống co giật sẽ được dùng để giảm đau dây thần kinh.
- Corticosteroid: Nếu đau kéo dài và không đáp ứng với NSAID, Corticosteroid sẽ được chỉ định để kiểm soát các triệu chứng. Thuốc này giúp trị viêm và đau, cải thiện vận động ở chi bị ảnh hưởng.
- Thuốc ức chế thần kinh giao cảm: Thuốc này có tác dụng ngăn chặn dẫn truyền tín hiệu đau của dây thần kinh bị ảnh hưởng. Từ đó giúp giảm đau hiệu quả. Thuốc ức chế thần kinh giao cảm được sử dụng thông qua đường tiêm tĩnh mạch.
- Thuốc chống loãng xương: Alendronate và Calcitonin được kê đơn để ngăn chặn tình trạng mất xương. Thuốc này có thể giúp ích cho những bệnh nhân mắc hội chứng đau vùng phức hợp.
- Thuốc hạ huyết áp: Thuốc hạ huyết áp có thể được sử dụng để kiểm soát cơn đau, giảm áp lực lên mạch máu và dây thần kinh. Những loại thường dùng gồm Clonidine, Prazosin, Phenoxybenzamine
- Ketamine tiêm tĩnh mạch: Bệnh nhân có thể được tiêm tĩnh mạch Ketamine liều thấp, kéo dài từ 3 - 5 ngày. Đây là một loại thuốc gây mê mạnh, có khả năng giảm đau. Thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn thụ thể NMDA trong hệ thần kinh gây ra cơn đau hoặc khiến cơn đau thêm nghiêm trọng.
2. Trị liệu
Những liệu pháp dưới đây có thể giúp ích cho bệnh nhân mắc hội chứng đau vùng phức hợp.
- Vận động trị liệu
Bệnh nhân được hướng dẫn điều chỉnh những hoạt động hàng ngày kết hợp tập thể dục nhẹ nhàng để giảm đau. Các bài tập cũng giúp cải thiện cơ và xương, lấy lại chức năng, sức mạnh và phạm vi chuyển động.
Vật lý trị liệu thường được hướng dẫn sớm để tăng khả năng phục hồi, ngăn ngừa các biến chứng do hội chứng đau vùng phức hợp. Nếu có tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được trị liệu nghề nghiệp để trở lại cuộc sống bình thường.
- Kích thích dây thần kinh điện qua da (TENS)
Kích thích dây thần kinh điện qua da (TENS) là một phương pháp giảm đau không dùng thuốc và không can thiệp. Trong đó máy TENS sẽ được sử dụng để truyền xung điện qua da tại vùng điều trị. Điều này giúp kích thích cảm nhận qua da, giảm đau và tăng giải phóng hormone endorphin.
- Liệu pháp gương
Liệu pháp gương là một loại trị liệu bằng gương, giúp đánh lừa não bộ để giảm đau và cải thiện chức năng cho những bệnh nhân bị CRPS. Trong khi thực hiện, bệnh nhân được hướng dẫn ngồi trước gương, sau đó cử động chi khỏe mạnh. Điều này giúp não nhận biết đó là chi đau và đã phục hồi.
- Phản hồi sinh học
Hội chứng đau vùng phức hợp có thể được điều trị bằng liệu pháp phản hồi sinh học. Phương pháp này giúp người bệnh học cánh nhận thức rõ hơn về cơ thể. Từ đó giúp cơ thể thư giãn và giảm đau.
- Châm cứu
Châm cứu là liệu pháp sử dụng những cây kim mỏng và dài để châm vào da, tại những vị trí thích hợp. Liệu pháp này giúp kích thích dây thần kinh, mô liên kết và cơ. Đồng thời giúp giảm đau và tăng lưu thông máu.
- Kích thích tủy sống
Những điện cực nhỏ sẽ được chèn dọc theo tủy sống thông qua một vết mổ. Sau đó dòng điện cường độ thấp sẽ được truyền đến tủy sống. Điều này giúp giảm tín hiệu đau được gửi đến não, kiểm soát cơn đau hiệu quả.
- Kích thích dây thần kinh ngoại biên
Ngay tại vùng đau, bác sĩ đặt một thiết bị kích thích dây thần kinh chính ở chi. Thiết bị này can thiệp bằng cách giảm tín hiệu đau được truyền qua dây thần kinh. Từ đó kiểm soát cơn đau hiệu quả.
- Giải mẫn cảm
Bệnh nhân được hướng dẫn sử dụng những vật liệu có kết cấu và trọng lượng khác nhau để chạm vào vùng ảnh hưởng, đồng thời đặt chi vào nước có nhiệt độ ấm hoặc mát hơn. Điều này giúp vùng ảnh hưởng tiếp xúc với nhiều cảm giác khác nhau. Theo thời gian, não sẽ điều chỉnh cảm giác và đau giảm bớt.
3. Điểm kích hoạt/ điểm đau
Tiêm thuốc gây tê cục bộ vào điểm kích hoạt/ điểm đau thường được thực hiện trong giai đoạn đầu. Phương pháp này có thể giúp giảm đau hiệu quả. Khi hội chứng đau vùng phức hợp bị giới hạn ở chi trên, điểm kích hoạt/ điểm đau sẽ nằm ngay tại những cơ ở vùng vai.
4. Bơm thuốc nội tủy
Thuốc giảm đau như Ziconotide (Prialt®) được tiêm vào dịch tủy sống với liều lượng thích hợp. Phương pháp này có thể giúp giảm nhanh cơn đau do hội chứng đau vùng phức hợp.
5. Chăm sóc và giảm đau tại nhà
Những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm đau tại nhà:
- Chườm ấm: Chườm ấm lên vùng ảnh hưởng bằng miếng đệm sưởi hoặc túi nước ấm. Biện pháp này giúp giảm đau và sưng, giảm khó chịu trên vùng da mát mẻ.
- Nâng cao: Khi nghỉ ngơi hoặc ngủ, kê một vài chiếc gối bên dưới để giữ cho chi được nâng cao. Điều này giúp chất lỏng dư thừa quay trở lại tim và giảm đau.
- Nén: Mang vớ hoặc dùng băng gạc để nén nhẹ ở chi ảnh hưởng, đặc biệt là khi đứng. Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng sưng tấy.
- Tập thể dục: Tập thể dục đều đặn mỗi ngày để cải thiện lưu thông máu, tăng khả năng phục hồi dây thần kinh bị thương và giảm đau.
Ngoài những biện pháp nêu trên, duy trì lối sống lành mạnh, loại bỏ những thói quen xấu có thể tăng cơ hội và tốc độ kiểm soát hội chứng đau vùng phức hợp.
- Bỏ hút thuốc lá.
- Kiểm soát tốt những tình trạng có khả năng làm tổn thương thêm cho dây thần kinh và mạch máu, chẳng hạn như bệnh tiểu đường.
Phòng ngừa
Vì không có nguyên nhân rõ ràng nên không có cách để ngăn ngừa hội chứng đau vùng phức hợp.Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy một số biện pháp dưới đây có thể giúp ích.
- Uống vitamin C: Uống vitamin C liều cao trước khi phẫu thuật hoặc sau khi bị gãy cổ tay có thể giảm nguy cơ phát triển CRPS.
- Vận động sớm sau đột quỵ: Các nghiên cứu cho thấy, vận động sớm sau đột quỵ (ra khỏi giường và đi lại) có thể giảm nguy cơ mắc chứng CRPS do đột quỵ.
- Loại bỏ yếu tố nguy cơ: Bỏ hút thuốc lá, kiểm soát bệnh tiểu đường và những tình trạng khác có thể gây CRPS.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân gây ra các triệu chứng của tôi là gì?
2. Cần thực hiện các xét nghiệm nào?
3. Tình trạng của tôi là ngắn hạn hay mãn tính?
4. Những phương pháp điều trị nào thích hợp và được chỉ định?
5. Quá trình điều trị kéo dài bao lâu?
6. Tôi có một tình trạng khác, làm thế nào để quản lý đồng thời?
7. Nên làm gì để ngăn ngừa CRPS tái phát?
Hội chứng đau vùng phức hợp gây ra những cơn đau dữ dội, liên tục và kéo dài, kèm theo nóng rát và nhiều biểu hiện khác. Tình trạng này có thể gây ra những thay đổi vĩnh viễn ở xương và cơ. Tốt nhất nên điều trị sớm và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!