Hội Chứng Đau Xương Bánh Chè
Hội chứng đau xương bánh chè được đặc trưng bởi những cơn đau âm ỉ phía trước đầu gối và xương bánh chè, gây khó khăn cho các hoạt động. Tình trạng này phổ biến ở những người chơi thể thao.
Tổng quan
Hội chứng đau xương bánh chè (PFPS) là thuật ngữ y tế mô tả cơn đau xung quanh xương bánh chè, ngay phía trước đầu gối. Hội chứng này được gọi là đầu gối của người nhảy hoặc đầu gối của người chạy do thường xảy ra ở những người tham gia thể thao.
Hội chứng đau xương bánh chè xảy ra ở những người lạm dụng khớp do luyện tập thường xuyên hoặc vận động mạnh. Tình trạng này cũng xảy ra ở những người có các vấn đề liên quan đến sự thẳng hàng của xương bánh chè,.
Đau và cứng khớp do PFPS gây khó khăn cho việc leo cầu thang, chạy, quỳ xuống và những hoạt động thường ngày khác. Tuy nhiên tình trạng thường thuyên giảm khi điều trị bảo tồn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Hội chứng đau xương bánh chè được gây ra bởi những nguyên nhân dưới đây:
- Lạm dụng
Hội chứng đau xương bánh chè liên quan đến căng thẳng đầu gối lặp đi lặp lại. Điều này thường gặp ở những người có các hoạt động thể chất mạnh, chẳng hạn như leo cầu thang, ngồi xổm và chạy bộ đường dài.
Những thay đổi đột ngột trong hoạt động thể chất cũng có thể gây ra tình trạng này, cụ thể như:
-
- Tăng cường độ và thời gian tập luyện, chẳng hạn như tập luyện lâu hơn hoặc chạy quảng đường dài hơn
- Tăng số ngày luyện tập thể dục mỗi tuần.
- Sai lệch xương bánh chè
Sự di chuyển bất thường của xương bánh có thể là nguyên nhân phổ biến hội chứng đau xương bánh chè. Một số yếu tố khiến xương bánh chè bị đẩy hoặc lệch sang một bên rãnh. Điều này làm tăng áp lực, gây kích ứng mô mềm và đau quanh xương bánh chè.
Những yếu tố có thể khiến xương bánh chè dịch chuyển:
-
- Mất cân bằng hoặc yếu cơ: Khi uốn cong và duỗi thẳng, xương bánh chè được giữ thẳng hàng bởi gân cơ tứ đầu và cơ tứ đầu. Khi cơ này suy yếu hoặc mất cân bằng, xương bánh chè có thể di lệch khi hoạt động.
- Vấn đề về sự liên kết: Những vấn đề về căng chỉnh và sự liên kết có thể khiến xương bánh chè bị lệch. Xương này có thể dịch chuyển quá xa về phía bên trong hoặc bên ngoài chân. Đôi khi xương bánh chè nhô lên quá cao trong rãnh ròng rọc.
- Chấn thương
Chấn thương ở xương bánh chè có thể dẫn đến hội chứng đau xương bánh chè, chẳng hạn như gãy xương bánh chè.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ đau xương bánh chè:
- Một số môn thể thao: Tham gia các hoạt động thể thao, đặc biệt là các môn thể thao yêu cầu chạy và nhảy thường xuyên. Điều này đặc biệt đúng ở những người thay đổi quá trình tập luyện, thanh niên và nữ giới.
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ cao gấp 2 lần so với nam giới
- Tuổi tác: Hội chứng đau xương bánh chè phổ biến hơn ở thanh niên và thanh thiếu niên.
- Phẫu thuật đầu gối: Nguy cơ đau xương bánh chè tăng cao nếu phẫu thuật đầu gối. Đặc biệt là những người sử dụng gân bánh chè làm mảnh ghép trong phẫu thuật chữa đây chằng chéo trước.
- Kỹ thuật và thiết bị thể thao không phù hợp: Thay đổi giày dép, sử dụng thiết bị tập luyện thể thao không phù hợp có thể làm tăng căng thẳng cho đầu gối. Từ đó làm tăng nguy cơ chấn thương và đau xương bánh chè. Tình trạng này cũng phổ biến hơn ở những người chơi thể thao không đúng kỹ thuật.
- Bề mặt không bằng phẳng: Chạy hoặc chơi thể thao trên những bề mặt không bằng phẳng làm tăng nguy cơ chấn thương đầu gối và đau xương bánh chè.
Triệu chứng và chẩn đoán
Đau nhức âm ỉ ở phía trước đầu gối là triệu chứng phổ biến nhất của PFPS. Cơn đau có những đặc điểm sau:
- Đau thường bắt đầu dần dần ở một hoặc cả hai đầu gối, thường liên quan đến hoạt động
- Đau khi tập thể dục, ngồi xổm và thực hiện những hoạt động cần uốn cong đầu gối nhiều lần, chẳng hạn như chạy, nhảy và leo cầu thang
- Đau dai dẳng ở phía trước đầu gối khi ngồi lâu với đầu gối cong
- Cơn đau tăng lên khi thay đổi cường độ hoạt động, thiết bị thể thao hoặc bề mặt chơi thông thường
- Nghe thấy âm thanh lộp bộp hoặc lạo xạo khi đứng lên hoặc leo cầu thang.
Bệnh nhân được hỏi về bệnh sử, chấn thương và những triệu chứng ở đầu gối. Sau đó bác sĩ có thể ấn nhẹ vào đầu gối ảnh hưởng, di chuyển chân sang nhiều tư thế khác nhau. Điều này giúp kiểm tra xương bánh chè, đánh giá mức đau và phạm vi chuyển động. Đồng thời tìm kiếm những hoạt động có thể khiến cơn đau nặng hơn.
Để loại bỏ một số nguyên nhân gây đau khác, các xét nghiệm sẽ được thực hiện gồm:
- Chụp X-quang: Các xương ở đầu gối được biểu hiện rõ nét trên hình ảnh X-quang. Điều này có thể giúp phát hiện xương bánh chè bị lệch hoặc gãy. Đồng thời tìm kiếm những nguyên nhân có thể gây đau khác, chẳng hạn như viêm xương khớp.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT tạo ra hình đa chiều của xương và mô mềm. Điều này có thể giúp bác sĩ phát hiện những tổn thương không được nhìn thấy trên hình ảnh X-quang đơn thuần.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh tạo ra hình ảnh chi tiết của mô mềm và xương trong đầu gối. Điều này có thể giúp đánh giá và xác định mô mềm nào đang bị tổn thương, chẳng hạn như sụn và đây chằng đầu gối.
- Siêu âm: Siêu âm dùng sóng âm tạo ra hình ảnh của cơ và gân trong đầu gối. Kỹ thuật này có thể giúp phát hiện mô mềm nào đang bị tổn thương.
Biến chứng và tiên lượng
Hội chứng đau xương bánh chè có tiên lượng tốt. Hầu hết mọi người đều phục hồi sau khi áp dụng những phương pháp điều trị không phẫu thuật, chẳng hạn như thuốc và các biện pháp chăm sóc tại nhà. Ngoài ra vật lý trị liệu có thể giúp lấy lại toàn bộ chức năng của đầu gối.
Khi không được điều trị, hội chứng đau xương bánh chè có xu hướng nghiêm trọng hơn. Nếu tiếp tục sử dụng đầu gối và không điều trị, hội chứng này có thể trở thành một chấn thương mãn tính, gây đau xương bánh chè - đùi dai dẳng.
Điều trị
Hội chứng đau xương bánh chè thường khỏi sau 1 - 2 tuần điều trị không phẫu thuật. Chỉ một số trường hợp cần phẫu thuật.
1. Các lựa chọn điều trị tại nhà
Một số biện pháp chăm sóc và khắc phục tại nhà có thể mang đến nhiều lợi ích.
- Nghỉ ngơi
Hội chứng đau xương bánh chè thường liên quan đến những hoạt động quá mức và quá mạnh. Vì vậy cần cho khớp nghỉ ngơi, tránh những hoạt động gây căng thẳng, chẳng hạn như nhảy, chạy, uốn cong và duỗi khớp lặp đi lặp lại.
- Chườm đá
Đặt túi chườm lạnh hoặc túi đá lên đầu gối bị ảnh hưởng. Biện pháp này có thể giảm sưng và đau khớp. Chườm đá vài lần mỗi ngày, mỗi lần không quá 20 phút.
- Nén
Dùng băng kéo có cắt phần xương bánh chè hoặc băng thun để quấn đầu gối. Biện pháp này giúp giảm đau, ổn định và hỗ trợ cho khớp.
- Nâng cao
Nằm và nâng cao đầu gối trên mức tim khi nghỉ ngơi. Điều này giúp giảm sưng do chấn thương.
- Dùng thuốc không kê đơn
Những loại thuốc dưới đây có thể khắc phục cơn đau do hội chứng đau xương bánh chè:
-
- Acataminophen: Có thể dùng Acetaminophen vài ngày để giảm đau. Thuốc giúp điều trị những cơn đau nhẹ.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Một loại NSAID không kê đơn như Naproxen và Ibuprofen có thể hữu ích trong việc giảm đau ngăn viêm.
Dùng thuốc giảm đau không kê đơn tối đa 3 ngày. Nếu đau không giảm, hãy đến bệnh viện để được thăm khám.
- Dụng cụ chỉnh hình
Bệnh nhân có thể được hướng dẫn mang miếng lót giày đặc biệt để hỗ trợ và tăng sự ổn định cho bàn chân và mắt cá chân. Điều này có thể giúp ngăn ngừa tổn thương thêm.
- Xoa bóp nhẹ nhàng
Hãy thử xoa bóp nhẹ nhàng để giảm đau. Biện pháp này giúp giảm căng cơ bắp, giảm đau, tăng lưu thông máu và cải thiện sự linh hoạt. Trước khi xoa bóp, có thể thoa một vài giọt tinh dầu hoặc thuốc bôi không kê đơn để tăng hiệu quả giảm đau.
- Bài tập
Thường xuyên thực hiện các bài tập có khả năng kéo giãn, tăng cường cơ bắp chân và hông. Những bài tập này có thể giúp tăng sự ổn định cho đầu gối, giảm đau và giảm căng thẳng liên quan đến hội chứng đau xương bánh chè.
Bài tập kéo căng cơ tứ đầu
Bài tập này giúp kéo giãn cơ tứ đầu, giảm đau xương bánh chè và duy trì vận động linh hoạt.
- Đứng thẳng và đặt tay trái vào lưng ghế
- Kéo bàn chân phải về phía mông, đồng thời dùng tay phải nắm lấy đầu bàn chân phải
- Hướng đầu gối về phía sàn có thể cảm thấy căng ở phía trước chân, giữ từ 20 - 30 giây, thả lỏng
- Thực hiện với chân còn lại
- Lặp lại động tác cho mỗi bên từ 3 - 5 lần.
Bài tập mở rộng chân
Bài tập này có tác dụng tăng cường cơ tứ đầu ở mặt trước của đùi, giữ cho xương bánh chè thẳng hàng khi hoạt động và giúp giảm đau.
-
- Ngồi trên ghế, đặt hai chân phẳng trên mặt đất
- Duỗi thẳng chân phải, giữ trong 5 giây
- Hạ chân xuống và lặp lại 10 lần
- Thực hiện với chân còn lại
- Nghỉ 30 giây, lặp lại thêm 2 hiệp mỗi chân.
2. Vật lý trị liệu
Nếu đau làm hạn chế những chuyển động, người bệnh sẽ được tập vật lý trị liệu tại phòng khám. Những bài tập được hướng dẫn sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại sức bền, sức mạnh cũng như phạm vi chuyển động của đầu gối.
Ban đầu, bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập về phạm vi chuyển động, tập trung kéo căng và tăng cường cơ tứ đầu để ổn định xương bánh chè. Sau cùng, các bài tập khó hơn được thực hiện để tăng cường cơ bắp chân và hông, giúp phục hồi hoàn toàn chức năng của đầu gối.
3. Phẫu thuật
Hiếm khi phẫu thuật được thực hiện cho hội chứng đau xương bánh chè. Phương pháp này chỉ cần thiết đối với trường hợp nặng, đau kéo dài và không đáp ứng với điều trị không phẫu thuật.
Dựa vào tình trạng cụ thể, bệnh nhân có thể được phẫu thuật nội soi khớp hoặc chuyển lồi củ xương chày.
- Nội soi khớp
Nội soi khớp gồm việc đưa máy soi khớp (camera nhỏ) vào khớp gối thông qua vết cắt nhỏ. Hình ảnh hiển thị trên màn hình giúp quan sát tổn thương và hướng dẫn phẫu thuật.
Sau đó các dụng cụ phẫu thuật được sử dụng để loại bỏ sụn khớp tổn thương. Bác sĩ cũng có thể cắt bỏ một phần hoặc giải phóng gân quá căng, sau cùng kéo xương bánh chè vào rãnh một cách chính xác.
- Chuyển lồi củ xương chày
Trong quy trình này, bác sĩ sẽ chuyển gân bánh chè và củ chày (phần xương nhô lên trên xương ống chân), sau đó sắp xếp lại xương bánh chè. Phương pháp này giúp cố định góc của xương bánh chè, cải thiện sự liên kết của đầu gối và giảm áp lực lên sụn.
Phòng ngừa
Một số bước dưới đây có thể giúp ngăn ngừa hội chứng đau xương bánh chè:
- Thường xuyên tập thể dục để duy trì sức mạnh, tăng cường cơ chân và cơ hông. Điều này giúp giữ cho đầu gối thăng bằng và xương bánh chè thẳng hàng trong quá trình hoạt động.
- Không ngồi xổm sâu trong quá trình tập tạ.
- Học cách thực hiện những kỹ thuật và bài tập giúp chạy, nhảy và xoay người chính xác. Đặc biệt nên tăng cường cơ hông ngoài để đảm bảo đầu gối không bị lõm vào trong khi tiếp đất sau khi nhảy, bước từ một bậc thang và ngồi xổm.
- Khởi động 15 phút trước khi chạy, tập thể dục hoặc chơi thể thao. Thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng để làm ấm cơ thể. Điều này giúp cải thiện sự linh hoạt cho đầu gối, giảm nguy cơ chấn thương và đau xương bánh chè.
- Đạt được và giữ cân nặng hợp lý. Điều này giúp giảm căng thẳng cho đầu gối.
- Không đột ngột tăng cường độ, thời gian và tần suất luyện tập. Nên có thời gian làm quen với những bài tập mới, tăng cường độ luyện tập không quá 5% mỗi tuần.
- Mang giày vừa vặn và phù hợp với hoạt động. Nên thay những đôi giày quá cũ, có đế giày bị mòn hoặc giày không vừa.
- Học cách chơi thể thao và tiếp đất đúng kỹ thuật khi nhảy.
- Tránh những hoạt động có thể gây chấn thương hoặc cẳng thẳng quá mức cho đầu gối. Chẳng hạn như chạy đường dài, nhảy thường xuyên.
- Dành thời gian nghỉ giải lao giữa những buổi tập để cơ thể và đầu gối phục hồi.
- Tránh lặp lại những hoạt động làm tổn thương đầu gối trong quá khứ.
- Thường xuyên thực hiện những bài tập kéo giãn nhẹ nhàng để thúc đẩy sự linh hoạt, tăng sự dẻo dai và làm mạnh gân cơ.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì khiến tôi có những cơn đau ở đầu gối?
2. Cơn đau có thể là tạm thời hay mãn tính?
3. Tôi có cần hạn chế hoạt động của mình hay không?
4. Phương pháp điều trị nào phù hợp và hữu ích nhất?
5. Những biện pháp chăm sóc nào có thể giúp tôi giảm đau tại nhà?
6. Khi nào cần phẫu thuật?
7. Mất bao lâu để khắc phục hội chứng đau xương bánh chè?
Hội chứng đau xương bánh chè gây ra những cơn đau ở phía trước đầu gối, ngay tại xương bánh chè. Đau thường âm ỉ và làm hạn chế các hoạt động. Tuy nhiên nghỉ ngơi và điều trị đúng cách có thể sớm khắc phục tình trạng này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!