Hội Chứng Guillain-Barre (GBS)
Hội chứng Guillain-Barre (GBS) ảnh hưởng đến hệ thần kinh ngoại vi dẫn đến yếu cơ, tê, ngứa ran và mất phản xạ một phần. Các triệu chứng nhanh chóng lan rộng, sau cùng dẫn đến tê liệt toàn bộ cơ thể.
Tổng quan
Hội chứng Guillain-Barre (GBS) là một bệnh tự miễn và chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp, ảnh hưởng đến hệ thần kinh ngoại vi. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các dây thần kinh ngoại vi (tương tự như chúng là những kẻ xâm nhập từ bên ngoài).
Các dây thần kinh gồm vỏ myelin bao phủ bên ngoài và sợi trục thần kinh. Chúng cho phép bạn cảm nhận được những gì đang diễn ra trong môi trường và kiểm soát các cơ.
Trong hội chứng Guillain-Barre, các dây thần kinh bị hỏng khiến người bệnh không thể cảm nhận môi trường và mất kiểm soát các cơ. Điều này dẫn đến mất phản xạ, yếu cơ, tê và ngứa ran ở một số bộ phận của cơ thể.
Đôi khi hội chứng Guillain-Barre dẫn đến tê liệt, thường là tạm thời. Hầu hết mọi người đều hồi phục và khả năng tái phát rất thấp. Có đến 85% trường hợp hồi phục hoàn toàn trong vòng 6 - 12 tháng.
Phân loại
Hội chứng Guillain-Barre được phân thành một số dạng dưới đây:
- Bệnh đa rễ thần kinh khử myelin viêm cấp tính (AIDP): Dạng này xảy ra khi lớp vỏ myelin bao bọc sợi trục thần kinh bị hư hại, làm gián đoạn khả năng dẫn truyền tín hiệu. AIDP có những triệu chứng bắt đầu ở phần dưới của cơ thể, sau đó lan dần lên trên.
- Hội chứng Miller Fisher (MFS): Tình trạng tê liệt bắt đầu ở mắt kèm theo dáng đi không vững. Hội chứng Miller Fisher thường xảy ra sau một bệnh nhiễm trùng do virus.
- Bệnh thần kinh sợi trục vận động cấp tính (AMAN): Bệnh xảy ra khi lớp bao phủ myelin cùng với các sợi thần kinh vận động bị tổn thương. AMAN làm gián đoạn đường truyền tín hiệu hoặc không có tín hiệu thần kinh vận động và phản xạ. Tuy nhiên chức năng cảm giác vẫn còn.
- Bệnh lý thần kinh sợi trục cảm giác - vận động cấp tính (AMSAN): Bệnh xảy ra khi lớp vỏ myelin cùng những sợi thần kinh vận động và cảm giác đều bị hư hỏng. Điều này dẫn đến đường truyền tín hiệu kém hoặc không có đường truyền tín hiệu thần kinh cho chức năng vận động và cảm giác.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây hội chứng Guillain-Barre vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên bệnh thường xuất hiện sau vài ngày hoặc vài tuần bị nhiễm trùng đường tiêu hóa và hô hấp. Đặc biệt là sau khi có các loại nhiễm trùng dưới đây:
- Nhiễm trùng campylobacter (một loại vi khuẩn thường có trong thịt gia cầm chưa nấu chín)
- Virus Zika
- Virus COVID-19
- Virus cự bào
- Virus Epstein-Barr
- HIV, virus gây bệnh AIDS
- Viêm gan A, B, C và E
- Viêm phổi do Mycoplasma
Mặc dù hiếm gặp nhưng một số điều kiện dưới đây cũng có thể kích hoạt bệnh:
- Tiêm vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson
- Tiêm phòng cúm hoặc một loại vắc xin khác cho trẻ
- Phẫu thuật gần đây
- Bệnh ung thư gan
- Chấn thương
Bệnh xảy ra khi hệ thống thần kinh bắt đầu tấn công vào hệ thần kinh ngoại vi, gây ra những tổn thương cho lớp vỏ myelin, sợi thần kinh vận động và cảm giác. Những tổn thương ngăn các dây thần kinh dẫn truyền tín hiệu đến não dẫn đến yếu, tê hoặc liệt.
Hội chứng Guillain-Barre có thể xảy ra ở bất cứ ai. Tuy nhiên bệnh phổ biến hơn ở nam giới và nguy cơ mắc bệnh tăng cao khi bạn già đi.
Triệu chứng và chẩn đoán
Hội chứng Guillain-Barre thường có những triệu chứng bắt đầu ở bàn chân và chân, sau đó lan dần lên phần trên của cơ thể. Một số trường hợp khác có các triệu chứng đầu tiên ở mặt hoặc cánh tay, sau đó lan rộng.
Những người mắc bệnh lý này thường bắt đầu với cảm giác ngứa ran và yếu. Khi bệnh tiến triển, yếu cơ biến thành tê liệt, thường là tạm thời.
Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp nhất gồm:
- Cảm giác kim châm ở ngón tay, cổ tay, ngón chân hoặc mắt cá chân
- Yếu chân lan đến phần thân trên
- Yếu ở cả hai bên cơ thể
- Đi không vững
- Không có khả năng đi bộ hoặc leo cầu thang
- Cử động khuôn mặt khó khăn, chẳng hạn như khó nhai, nuốt và nói
- Không có khả năng di chuyển mắt hoặc nhìn đôi
- Đau đớn dữ dội, nhức nhối, đau nhói hoặc giống như bị chuột rút. Cơn đau thường tồi tệ hơn vào ban đêm
- Huyết áp thấp hoặc cao
- Nhịp tim nhanh
- Khó thở
- Yếu sức đáng kể, thường trong vòng 2 tuần sau khi những triệu chứng đầu tiên bắt đầu
- Tê liệt toàn thân
- Vấn đề về phối hợp và giữ thăng bằng
- Vấn đề về tiêu hóa, mất kiểm soát bàng quang.
Những triệu chứng có thể xấu đi trong vòng vài giờ đến vài tuần. Tuy nhiên các triệu chứng thường tồi tệ hơn trong tuần thứ 3. Sau 4 tuần, điểm yếu trở nên xấu nhất và ổn định.
Để chẩn đoán hội chứng Guillain-Barre giai đoạn sớm, bệnh nhân được kiểm tra bệnh sử, thể chất và xem xét các triệu chứng. Quan sát các chuyển động ở chi và mặt có thể nhìn thấy tình trạng tê yếu rõ rệt.
Bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán, cụ thể:
- Chọc dò tủy sống: Dùng kim xuyên qua lưng dưới và rút một lượng nhỏ chất lỏng từ ống sống. Chất lỏng này được kiểm tra trong phòng thí nghiệm để xác định những thay đổi thường thấy trong hội chứng Guillain-Barre.
- Điện cơ: Kỹ thuật này sử dụng các điện cực để đo hoạt động điện của cơ và những sợi thần kinh chi phối cơ ở các vùng bị ảnh hưởng.
- Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh: Trong xét nghiệm này, những điện cực được dán vào da phía trên dây thần kinh. Sau đó truyền một dòng điện nhỏ qua dây thần kinh để đo tốc độ dãn truyền của tín hiệu thần kinh.
Biến chứng và tiên lượng
Hầu hết mọi người đều có thể phục hồi hoàn toàn hoặc chỉ bị yếu nhẹ sau điều trị, ngay cả những trường hợp nặng. Trong đó có đến 85% trường hợp phục hồi trong vòng 6 - 12 tháng.
Khi không được điều trị, hội chứng Guillain-Barre gây ra những biến chứng dưới đây:
- Tê liệt, thường là tạm thời
- Khó thở. Khoảng 22% trường hợp cần dùng máy để thở trong vài tuần
- Rối loạn nhịp tim
- Đau dây thần kinh nghiêm trọng, đau không giảm khi dùng thuốc
- Vấn đề về chức năng ruột và bàng quang
- Chức năng ruột chậm chạp
- Bí tiểu
- Hình thành cục máu đong
- Loét do tỳ đè (lở loét do nằm liệt giường)
- Hội chứng Guillain-Barre tái phát (hiếm gặp), thường nhiều năm sau khi hết triệu chứng.
Các mốc thời gian trong quá trình hồi phục như sau:
- Giai đoạn khởi phát: Sau những dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên, bệnh có xu hướng xấu dần trong khoảng 2 tuần.
- Giai đoạn phát triển: Trong vòng 4 tuần, Các triệu chứng tiến triển và đạt đến mức cao nhất.
- Giai đoạn hồi phục: Thường mất từ 6 - 12 tháng để hồi phục. Một số người có thể mất đến 3 năm.
Khả năng phục hồi như sau:
- Khoảng 80% trường hợp đi lại độc lập trong vòng 6 tháng sau khi được chẩn đoán.
- Khoảng 60% trường hợp phục hồi hoàn toàn sức mạnh trong vòng 12 tháng sau khi chẩn đoán.
- Khoảng 5 - 10% trường hợp phục hồi rất chậm và không hoàn toàn.
Điều trị
Các triệu chứng của hội chứng Guillain-Barre thường tiến triển nhanh chóng. Do đó việc điều trị sớm là cần thiết. Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh nhưng những phương pháp có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng và tăng tốc độ phục hồi.
Các phương pháp thường được đề nghị:
1. Liệu pháp trao đổi huyết tương (plasmapheresis)
Trao đổi huyết tương là phương pháp loại bỏ huyết tương của các kháng thể tấn công vào hệ thần kinh ngoại vi. Điều này giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, cho phép các dây thần kinh tổn thương được phục hồi.
Khi thực hiện, huyết tương được lấy ra và tách khỏi những tế bào máu. Sau đó các tế bào máu sẽ được đưa trở lại cơ thể. Điều này kích thích cơ thể tạo ra nhiều huyết tương hơn để bù đắp cho lượng huyết tương đã bị loại bỏ.
2. Liệu pháp globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG)
Globulin miễn dịch là một sản phẩm máu chứa những kháng thể khỏe mạnh, được lấy từ những người hiến máu. Khi sử dụng, globulin miễn dịch liều cao giúp chống lại những kháng thể gây hại. Từ đó ngăn ngừa tổn thương thêm và giúp các dây thần kinh tổn thương nhanh chóng phục hồi.
3. Thuốc
Một số thuốc được sử dụng để điều trị các triệu chứng của hội chứng Guillain-Barre, thường bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Trong hội chứng Guillain-Barre, NSAID được dùng để trị viêm và giảm đau. Nhóm thuốc này có khả năng làm dịu cơn đau hiệu quả,
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc này có thể được dùng để hỗ trợ điều trị đau dây thần kinh. Thuốc chống trầm cảm có tác dụng giảm đau, cải thiện tâm trạng và giấc ngủ.
- Thuốc chống đông máu: Cục máu đông có thể phát triển trong khi bất động. Để ngăn ngừa, người bệnh sẽ được tiêm chất làm loãng máu.
4. Vật lý trị liệu
Trong quá trình hồi phục, người bệnh được vật lý trị liệu để vận động linh hoạt và giảm mệt mỏi. Phương pháp này cũng giúp tăng khả năng độc lập cho người bệnh, ngăn ngừa tình trạng teo cơ, tê liệt và những biến chứng khác.
Trong khi chăm sóc, người nhà cũng cần thường xuyên cử động chân và cánh tay cho bệnh nhân. Điều này sẽ giữ cho cơ bắp linh hoạt và khỏe mạnh.
Xe lăn hoặc nẹp có thể cần thiết. Những thiết bị này cung cấp cho bạn kỹ năng tự chăm sóc và vận động trước khi phục hồi hoàn toàn.
Phòng ngừa
Không có cách để ngăn ngừa hội chứng Guillain-Barre. Tuy nhiên loại bỏ nhiễm trùng và giữ cơ thể khỏe mạnh có thể giảm nguy cơ. Cụ thể:
- Ăn chín, uống sôi. Tránh tiêu thụ thức ăn tái hoặc chưa được nấu chín.
- Thường xuyên tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước.
- Không dùng dùng chung vật dụng cá nhân với người khác và không tiếp xúc với nguồn bệnh.
- Mang khẩu trang khi ra ngoài.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây tươi, chất béo lành mạnh, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc...
- Thường xuyên tập thể dục nhằm nâng cao sức đề kháng và chống lại bệnh tật.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào gây ra các triệu chứng của tôi?
2. Cần điều trị với những phương pháp nào?
3. Mất bao lâu để những triệu chứng cải thiện?
4. Tôi có khả năng hồi phục hoàn toàn hay không?
5. Quá trình hồi phục mất bao lâu?
6. Tôi có cần thay đổi lối sống hay không?
7. Những cách chăm sóc nào giúp hồi phục nhanh và lâu dài?
8. Tôi có nguy cơ gặp biến chứng lâu dài hay không?
Hội chứng Guillain-Barre gây ra những vấn đề nghiêm trọng, các triệu chứng nặng hơn theo thời gian và gây tê liệt. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp có thể phục hồi hoàn toàn trong vòng 1 năm. Lưu ý điều trị theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!