Hội Chứng Lối Thoát Ngực (TOS)
Hội chứng lối thoát ngực (TOS) xảy ra khi dây thần kinh hoặc mạch máu tại lỗ thoát ngực bị chèn ép. Điều này dẫn đến những cơn đau vai và cổ kèm theo tê ngón tay.
Tổng quan
Hội chứng lối thoát ngực (TOS) là một nhóm các rối loạn xảy ra khi dây thần kinh hoặc mạch máu trong lỗ thoát ngực (khoảng trống giữa xương đòn và xương sườn) bị chèn ép.
Lỗ thoát ngực là một thuật ngữ chỉ lỗ hở giữa cổ và ngực. Nó là lối đi cho nhiều cấu trúc quan trong gồm tĩnh mạch dưới đòn, động mạch dưới đòn và đám rối thần kinh cánh tay.
Lối thoát ngực đủ rộng để các mạch máu và dây thần kinh đi qua dễ dàng. Tuy nhiên chấn thương và một số biến thể giải phẫu có thể làm hẹp hoặc chặn lối đi. Điều này khiến cơ hoặc xương đè lên mạch máu hoặc/ và dây thần kinh trong không gian của lối thoát ngực.
Sự chèn ép thường gây ra những cơn đau đớn ở vai và cổ, cảm giác bất thường (dị cảm) như tê yếu, ngứa ran bàn tay và cánh tay. Thông thường thuốc giảm đau và vật lý trị liệu có thể giảm nhẹ.
Phân loại
Hội chứng lối thoát ngực được phân loại dựa trên các mô bị nén, cụ thể:
- Hội chứng lối thoát ngực do thần kinh
TOS thần kinh là loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 95% trường hợp bệnh. Loại này xảy ra khi có sự chèn ép dây thần kinh tại lỗ thoát ngực. TOS thần kinh ảnh hưởng đến mạng lưới các dây thần kinh đan xen chạy ngang qua ngực trên hoặc đám rối thần kinh cánh tay.
Hầu hết trường hợp TOS thần kinh được chẩn đoán ở độ tuổi 30. Tình trạng này thường liên quan đến chấn thương căng thẳng lặp đi lặp lại (trong khi chơi thể thao) và những chấn thương đột ngột ở cổ (chẳng hạn như cú đánh mạnh hoặc đòn roi).
- Hội chứng đầu ra tĩnh mạch ngực (VTOS)
Hội chứng đầu ra tĩnh mạch ngực (TOS tĩnh mạch) là tình trạng chèn ép tĩnh mạch dưới đòn. Tình trạng xảy ra khi có chấn thương thể chất, béo phì, tư thế sai khi ngồi và đứng, những động tác lặp đi lặp lại và mang thai.
Đặc biệt hội chứng đầu ra tĩnh mạch ngực rất phổ biến ở nam giới, nhất là những người có độ tuổi từ 20 - 30 tuổi. Những triệu chứng và dấu hiệu thường bao gồm sưng tấy, đau đớn, thay đổi màu da hoặc da nhợt nhạt, cục máu đông...
- Hội chứng đầu ra động mạch ngực (ATOS)
Hội chứng đầu ra động mạch ngực (ATOS) xảy ra khi động mạch ở lối thoát ngực bị chèn ép. Những động mạch này mang máu di chuyển từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Những người có hội chứng đầu ra động mạch ngực có thể có những cục máu đông trong động mạch này.
Những cục máu đông vỡ ra và di chuyển qua cánh tay. Khi di chuyển đến phổi, nó có thể gây ra tình trạng thuyên tắc phổi. Tình trạng này thường phổ biến hơn ở những người dưới 40 tuổi. Mặc dù vậy ATOS là loại hiếm gặp nhất, chỉ chiếm 1% trường hợp trên tổng số, phổ biến hơn ở phụ nữ.
Việc không được điều trị có thể khiến ATOS gây ra những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng. Cụ thể bệnh lý này có khả năng làm giãn và gây yếu thành động mạch (phình động mạch). Những triệu chứng thường bao gồm đau, tê, màu da nhợt nhạt và vết thương chậm lành.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây hội chứng lối thoát ngực gồm:
- Bẩm sinh
Hội chứng lối thoát ngực xảy ra khi một người được sinh ra với những biến thể trong giải phẫu, chẳng hạn như những bất thường về xương sườn (xương sườn cổ), dây chằng hoặc/ và cơ cổ. Những biến thể này có thể đè lên mạch máu hoặc các dây thần kinh ở lối thoát ngực.
Những người mắc hội chứng lối thoát ngực do bẩm sinh có thể không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi sử dụng quá mức mãn tính hoặc có chấn thương đột ngột ở cổ.
- Chấn thương
Hội chứng lối thoát ngực xảy ra khi có chấn thương đột ngột ở cổ và vùng ngực. Chẳng hạn như đòn roi, tai nạn xe hoặc khi chơi thể thao.
- Sử dụng quá mức
Lặp đi lặp lại hoạt động có thể gây tổn thương hoặc làm kích ứng những cấu trúc trong lối thoát ngực, chẳng hạn như:
-
- Chuyển động mạch của cánh tay, thường gặp ở vận động viên bơi lội và bóng chày
- Nâng vật trên cao lặp đi lặp lại.
- Nguyên nhân hiếm gặp hơn
- Có hạch bạch huyết lớn hoặc khối u lớn ở ngực hoặc nách, đặc biệt là khối u pancoast (khối u ở đỉnh phổi)
- Chứng phì đại xương
- Viêm tủy xương
Những yếu tố làm tăng nguy cơ gồm:
- Nữ giới có nhiều nguy cơ hơn, tỉ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là 1:3
- Có độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi
- Tư thế xấu, chẳng hạn như khuỵu vai hoặc giữ đầu hướng về phía trước
- Bị thương ở lưng hoặc cổ
- Thường xuyên nhấc vật qua đầu hoặc khuân vác vật nặng trên vai
- Tham gia cử tạ
- Chơi những môn thể thao cần lặp đi lặp lại những chuyển động liên quan đến vai hoặc cánh tay, bao gồm gôn, bơi lội, bóng chuyển và bóng chày.
Triệu chứng và chẩn đoán
Tùy thuộc vào loại và mức độ ảnh hưởng, hội chứng lối thoát ngực có những triệu chứng khác nhau, bao gồm:
Triệu chứng chung
- Đau đớn
- Đau nhiều hơn khi nhấc cánh tay lên
- Tê liệt
- Ngứa ran hoặc có cảm giác kim châm
- Sưng hoặc có cảm giác nặng
- Yếu đuối
- Màu da thay đổi
- Những vết loét chậm lành trên ngón tay
- Da cảm thấy mát khi chạm vào
Hội chứng lối thoát ngực do thần kinh
- Tê hoặc ngứa ran ở cánh tay hoặc ngón tay
- Đau hoặc nhức ở cổ, vai, cánh tay hoặc bàn tay
- Yếu ớt, khó cầm nắm
Hội chứng đầu ra tĩnh mạch ngực (VTOS)
- Sưng tấy
- Nhức nhối
- Màu sắc da thay đổi (xanh hoặc tím)
- Một hoặc nhiều ngón tay và bàn tay có màu sắc da bất thường hoặc nhợt nhạt
- Đau và sưng cánh tay
- Mỏi cánh tay khi hoạt động
- Nặng nề
- Có thể nhìn thấy các tĩnh mạch ở một bên vai, một bên ngực hoặc cánh tay
- Có dấu hiệu của cục máu đông
- Nhìn thấy cục u nhói gần xương đòn
Hội chứng đầu ra động mạch ngực
- Đau âm ỉ hoặc tê ở một bên cánh tay
- Đau nhiều hơn khi sử dụng cánh tay và tốt hơn khi nghỉ ngơi
- Tê hoặc ngứa ran cánh tay, bàn tay và ngón tay
- Màu da nhợt nhạt hoặc chuyển sang màu hơi xanh (tím tái), thường ảnh hưởng đến toàn bộ bàn tay hoặc ngón tay
- Vết thương chậm lành
- Ngón tay, bàn tay hoặc cánh tay lạnh
- Mạch yêu hoặc không có ở cánh tay bị ảnh hưởng.
Để chẩn đoán hội chứng lối thoát ngực, bác sĩ sẽ tiến hành xem xét các triệu chứng và bệnh sử. Trong quá trình này, người bệnh được kiểm tra kỹ lưỡng ở vùng ảnh hưởng, sờ hoặc ấn nhẹ để tìm kiếm chỗ lõm ở vai, vết sưng, bất thường về xương ở phía xương đòn.
Bác sĩ cũng có thể kiểm màu sắc ở bàn tay và ngón tay, mạch đập bất thường. Đồng thời yêu cầu người bệnh quay đầu, di chuyển hoặc nhắc cánh tay để kiểm tra mức độ đau, phản xạ và phạm vi chuyển động.
Sau khi kiểm tra lâm sàng, xét nghiệm bổ sung sẽ được thực hiện, cụ thể:
- Siêu âm: Kỹ thuật này sử dụng sóng âm thanh tạo ra hình ảnh của cơ thể. Dựa trên hình ảnh, bác sĩ có thể phát hiện nhanh những vấn đề về mạch máu, chẳng hạn như hội chứng thoát mạch máu ở lồng ngực.
- Chụp X-quang: Chụp X-quang có thể cho thấy xương sườn phụ (xương sườn cổ) và loại trừ các vấn đề về xương có thể gây đau.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Thuốc nhuộm được tiêm vào tĩnh mạch trước khi chụp CT. Kỹ thuật này giúp xem xét các mạch máu một cách chi tiết hơn. Đồng thời xác định vị trí ảnh hưởng và nguyên nhân gây chèn ép mạch máu.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ cung cấp hình ảnh chi tiết của mô mềm. Điều này có thể cho thấy các dị tật bẩm sinh (xương sườn cổ), các mạch máu và dây thần kinh bị chèn ép. Bác sĩ cũng có thể sử dụng thuốc nhuộm để nhìn rõ hơn các mạch máu ở cánh tay.
- Arteriography và venography: Kỹ thuật này gồm việc chèn một ống mỏng thông qua vết rạch nhỏ. Sau đó di chuyển ống thông qua các tĩnh mạch hoặc động mạch, tiêm chất cản quang và chụp các mạch máu bị ảnh hưởng. Điều này có thể giúp phát hiện tĩnh mạch hoặc động mạch nào đang bị chèn ép.
- Điện cơ đồ (EMG): Kỹ thuật này giúp đánh giá hoạt động điện của cơ khi nghỉ ngơi và khi co lại. Từ đó xác định xem có bị tổn thương cơ và thần kinh hay không.
Biến chứng và tiên lượng
Hội chứng lối thoát ngực là một tình trạng nghiêm trọng, cần được điều trị sớm. Khi không được khắc phục, bệnh lý này có thể gây ra những biến chứng nặng nề dưới đây:
- Huyết khối tĩnh mạch nách - dưới đòn
- Hoại tử
- Sưng và đau mãn tính ở cánh tay, đặc biệt là những người có hội chứng đầu ra tĩnh mạch ngực (VTOS)
- Vết loét hở (loét thiếu máu cục bộ) xảy ra trên ngón tay do giảm lưu thông máu
- Thuyên tắc phổi
- Tổn thương thần kinh vĩnh viễn.
Tiên lượng của hội chứng lối thoát ngực tùy thuộc vào từng loại. Mặc dù vậy việc can thiệp sớm có thể giúp khắc phục tình trạng này và ngăn ngừa các biến chứng.
Điều trị
Hầu hết bệnh nhân đáp ứng tốt với các phương pháp không phẫu thuật, đặc biệt là khi hội chứng lối thoát ngực được chẩn đoán sớm. Lựa chọn phẫu thuật thường chỉ cần thiết khi điều trị bảo tồn không hiệu quả.
1. Điều trị không phẫu thuật
Điều trị bảo tồn mang đến hiệu quả cao cho hầu hết bệnh nhân mắc hội chứng lối thoát ngực. Các phương pháp thường được chỉ định gồm:
- Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị ban đầu cho những bệnh nhân mắc hội chứng lối thoát ngực do thần kinh. Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ được hướng dẫn những bài tập tăng cường cơ bắp và kéo căng cơ vai. Những bài tập này có tác dụng cải thiện phạm vi chuyển động, tư thế và tính linh hoạt của người bệnh.
Ngoài ra luyện tập tích cực còn giúp giảm áp lực lên mạch máu và dây thần kinh tại lối thoát ngực. Từ đó giúp giảm đau, tê yếu và nhiều triệu chứng khác của bệnh.
- Thuốc
Các thuốc được chỉ định để điều trị triệu chứng và ngăn biến chứng của hội chứng lối thoát ngực. Những loại thường dùng gồm:
-
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Thuốc này giúp giảm viêm và đau do dây thần kinh và mạch máu bị chèn ép.
- Thuốc ngăn ngừa và làm tan cục máu đông: Nhóm thuốc này được chỉ định cho những trường hợp mắc hội chứng đầu ra tĩnh mạch ngực và hội chứng đầu ra động mạch ngực. Thuốc có tác dụng làm tan cục máu đông, ngăn ngừa sự hình thành của cục máu đông mới. Hầu hết bệnh nhân được dùng thuốc làm tan cục máu đông trong thời gian đầu. Sau đó sử dụng thuốc chống đông máu để ngăn ngừa.
- Tiêm botox
Bác sĩ có thể đề nghị tiêm botox vào cơ dưới cổ để giúp khu vực này thư giãn và giảm đau. Hiệu quả thường kéo dài tối đa 3 tháng và có thể cần phải tiêm nhắc lại.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật nếu điều trị bảo tồn không hiệu quả, các triệu chứng kéo dài hoặc ngày càng nghiêm trọng hơn. Phương pháp này cũng được chỉ định cho những bệnh nhân có vấn đề thần kinh tiến triển.
Phẫu thuật hội chứng lối thoát ngực được gọi là phẫu thuật giải nén lối thoát ngực. Trong đó bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ một phần xương sườn đầu tiên và một cơ để mở rộng lỗ thoát ngực, giảm bớt áp lực chèn ép dây thần kinh và mạch máu.
Nếu có tổn thương mạch, phẫu thuật sẽ bao gồm việc sửa chữa các mạch máu bị nén, cải thiện lưu lượng máu. Trước khi phẫu thuật hội chứng lối thoát lồng ngực tĩnh mạch hoặc động mạch, thuốc làm tan cục máu đông sẽ được sử dụng.
Đôi khi bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ cục máu đông khỏi tĩnh mạch hoặc động mạch và sửa chữa mạch máu trước khi tiến hành giải nén lối thoát lồng ngực.
Đối với hội chứng lối ra động mạch ngực hoặc mạch máu bị tổn thương nặng, bác sĩ có thể sử dụng một đoạn mạch máu khỏe mạnh để thay thế cho động mạch bị tổn thương. Mảnh ghép có thể được lấy từ một phần khác của cơ thể hoặc mảnh ghép nhân tạo. Quy trình này sẽ được thực hiện đồng thời với phẫu thuật cắt xương sườn thứ nhất.
3. Chăm sóc tại nhà
Những cách chăm sóc tại nhà có thể giúp tăng cường các cơ xung quanh lối thoát ngực. Đồng thời giúp ngăn những căng thẳng không cần thiết lên vai và các cơ liên quan.
- Luôn duy trì tư thế tốt. Sử dụng bàn và ghế ngồi thích hợp để giữ tư thế đúng và không làm nặng hơn các triệu chứng.
- Không mang vác vật nậng lên vai ảnh hưởng.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Thường xuyên nghỉ giải lao tại nơi làm việc. Nên vươn vai, kéo giãn và di chuyển.
- Nhẹ nhàng xoa bóp vai và ngực. Biện pháp này có thể giúp thư giãn, giảm đau và tăng lưu thông máu.
- Dùng một miếng đệm ấm đặt lên vùng ảnh hưởng để sưởi ấm, giảm đau, tăng lưu thông máu và giảm tình trạng co thắt.
- Thường xuyên thực hiện những bài tập thư giãn có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm các triệu chứng của hội chứng lối thoát ngực. Chẳng hạn như hít thở sâu, duỗi người và thiền.
Phòng ngừa
Vì nhiều nguyên nhân nằm ngoài tầm kiểm soát nên hội chứng lối thoát ngực không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên những lời khuyên dưới đây có thể giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh:
- Căng cơ hàng ngày bằng cách duỗi vai, cổ và ngực.
- Rèn luyện sức đề kháng, thường xuyên thực hiện những bài tập tăng cường cơ quanh vai, chẳng hạn như nâng tạ. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ chấn thương và mắc chứng TOS.
- Tránh nâng vật nặng và mang túi vác nặng trên một vai.
- Hạn những động tác lặp đi lặp lại, chẳng hạn cử động cánh tay qua đầu hoặc chuyển động cánh tay lặp đi lặp lại.
- Đạt được và duy trì cân nặng phù hợp với giới tính, thể trạng và độ tuổi. Giảm cân nếu có cân nặng dư thừa. Điều này giúp ngăn ngừa và giảm các triệu chứng của bệnh.
- Nghỉ giải lao giữa những buổi tập và làm việc, tránh gắng sức. Biện pháp này giúp giữ cho các mô được thư giãn và phục hồi.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi mắc hội chứng lối thoát ngực do đâu và loại nào?
2. Phương pháp điều trị nào được đề xuất và có hiệu quả cao?
3. Rủi ro từ những phương pháp điều trị là gì?
4. Tôi có cần thay đổi thói quen và các hoạt động hay không?
5. Làm thế nào để tôi giảm bớt các triệu chứng tại nhà?
6. Tôi có thể gặp những biến chứng nào?
7. Mất bao lâu để chữa khỏi bệnh?
Hội chứng lối thoát ngực được coi là một tình trạng y tế khẩn cấp. Việc chữa sớm và đúng cách có thể ngăn chèn ép mạch máu và dây thần kinh gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy cần sớm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ về các phương pháp hữu hiệu nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!