Hội Chứng Ngưng Thở Khi Ngủ
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ làm gián đoạn giấc ngủ bình thường. Bệnh khiến người bệnh ngưng thở hoặc thở nông trong khi ngủ. Điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe và gây mệt mỏi cho người bệnh.
Tổng quan
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ thường gặp. Trong đó người bệnh thở nông hoặc ngưng thở trong khi ngủ. Điều này xảy ra nhiều lần trong một đêm, mỗi lần tạm dừng có thể từ vài giây đến vài phút.
Thông thường chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra sau khi ngáy to, có tiếng khịt mũi hoặc tiếng nghẹt thở khi thở trở lại. Hơi thở liên tục ngừng lại và bắt đầu làm gián đoạn giấc ngủ bình thường. Từ đó khiến người bệnh mệt mỏi hoặc buồn ngủ vào ban ngày.
Phân loại
Dựa vào đặc điểm của bệnh, hội chứng ngưng thở khi ngủ được phân thành những loại dưới đây:
- Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA): Đây là dạng phổ biến nhất. Bệnh xảy ra khi cơ cổ họng thư giãn, ngăn chặn không khí di chuyển vào phổi.
- Chứng ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA): Bệnh xảy ra khi những cơ kiểm soát hơi thở không nhận được tín hiệu thích hợp từ não.
- Chứng ngưng thở khi ngủ phức hợp: Loại này còn được gọi là chứng ngưng thở khi ngủ trung tâm do điều trị cấp cứu. Bệnh xảy ra khi một người bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) chuyển thành chứng ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA) khi được điều trị OSA.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Hội chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:
1. Nguyên nhân gây OSA
Các cơ phía sau cổ họng thư giãn là nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). Những cơ này có chức năng hỗ trợ vòm miệng. Khi chúng co giãn, đường thở sẽ hẹp lại hoặc đóng kín trong khi hít vào. Điều này làm giảm lượng không khí đi vào phổi và mức oxy trong máu.
Khi không thở được, não có thể cảm nhận và nhanh chóng đánh thức bạn để đường thở được mở trở lại. Quá trình này diễn ra trong thời gian ngắn và người bệnh thường không nhớ đến nó.
Ở trường hợp ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, người bệnh có thể nghẹt thở, thở hổn hển hoặc khịt mũi. Tình trạng này lặp lại 5 đến 30 lần mỗi giờ, diễn ra suốt đêm trong lúc ngủ. Từ đó làm gián đoạn sự yên tĩnh, giấc ngủ và khiến bạn mệt mỏi vào ban ngày.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Thừa cân béo phì: Chất béo lắng đọng xung quanh đường hô hấp trên khiến hơi thở bị cản trở.
- Chu vi cổ: Đường thở hẹp hơn ở những người có chu vi cổ dày hơn.
- Bẩm sinh: Bệnh thường gặp ở những người sinh ra có cổ họng hẹp, amidan và VA to chặn đường thở.
- Lớn tuổi: Người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Nam giới: Nam giới có nguy cơ cao hơn từ 2 đến 3 lần so với phụ nữ.
- Tiền sử gia đình: Nguy cơ cao hơn ở những người có tiền sử gia đình mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
- Hút thuốc lá: Nguy cơ ngưng thở khi ngủ ở người hút thuốc lá gấp 3 lần so với những người không hút thuốc. Nguyên nhân là do thuốc lá có khả năng giữ nước và gây viêm ở đường hô hấp trên.
- Uống rượu: Rượu làm thư giãn các cơ trong cổ họng. Điều này dẫn đến chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hoặc làm trầm trọng hơn những triệu chứng của bệnh.
- Thuốc an thần: Tương tự như rượu, thuốc an thần cũng có khả năng thư giãn các cơ trong cổ họng.
- Nghẹt mũi: Nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cao hơn ở những người bị nghẹt mũi do dị ứng hoặc có vấn đề về giải phẫu.
- Bệnh lý: Một số bệnh lý dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Bệnh tiểu đường tuýp 2
- Huyết áp cao
- Suy tim sung huyết
- Huyết áp cao
2. Nguyên nhân của CSA
Chứng ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA) xảy ra khi não không gửi được tín hiệu thích hợp đến cơ hô hấp. Điều này khiến người bệnh ngưng thở trong một thời gian ngắn.
Những người trải qua chứng ngưng thở khi ngủ trung ương sẽ thường xuyên thức giấc, cảm thấy khó thở, khó ngủ hoặc không thể duy trì giấc ngủ.
Những yếu tố nguy cơ của bệnh:
- Dùng thuốc giảm đau có chất gây mê: Chứng ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA) thường gặp ở những người sử dụng thuốc giảm đau có chất gây mê, chẳng hạn như thuốc nhóm opioid (đặc biệt là methadone).
- Lớn tuổi: Bệnh thường gặp ở những người có độ tuổi trung niên.
- Nam giới: So với phụ nữ, bệnh phổ biến hơn ở nam giới.
- Rối loạn tim: Những bệnh nhân bị suy tim sung huyết sẽ có nguy cơ cao.
- Đột quỵ: Nguy cơ tăng cao ở những người bị đột quỵ.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng ngưng thở khi ngủ gồm:
- Xuất hiện những giai đoạn ngừng thở trong khi ngủ
- Ngáy to
- Thở hổn hển trong khi ngủ
- Khó ngủ
- Bồn chồn khi ngủ hoặc thường xuyên thức giấc vào ban đêm
- Miệng khô khốc hoặc đau họng khi thức dậy
- Buồn ngủ và mệt mỏi vào ban ngày
- Nhức đầu vào buổi sáng
- Cáu gắt
- Không tỉnh táo và khó tập trung
- Liên tục cần đi tiểu vào ban đêm
- Rối loạn chức năng tình dục
- Lo lắng
- Đổ mồ hôi đêm.
Hội chứng nhưng thở khi ngủ ở trẻ em thường có những triệu chứng không rõ ràng. Tuy nhiên những dấu hiệu cảnh báo dưới đây có thể xảy ra:
- Thở bằng miệng vào ban ngày
- Buồn ngủ hoặc chậm chạm
- Khó nuốt
- Có thành tích học tập kém
- Nhìn thấy chuyển động vào trong của khung xương sườn khi hít vào
- Đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm
- Đái dầm
- Tư thế ngủ bất thường
- Rối loạn học tập và hành vi.
Những triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ trung ương và chứng ngưng thở do tắc nghẽn tương tự hoặc chồng chéo lên nhau. Điều này gây khó khăn trong việc phân loại hội chứng ngưng thở.
Trong lần thăm khám đầu tiên, người bệnh được kiểm tra triệu chứng, tiền sử bệnh và loại thuốc đang dùng. Để phát hiện hội chứng ngưng thở khi ngủ, người bệnh còn được thực hiện một số xét nghiệm dưới đây:
- Đo oxy: Bệnh nhân được đo oxy trong một vài đêm khi đang ngủ. Phương pháp này giúp đo lượng không khí đi vào phổi và mức oxy trong máu. Từ đó phát hiện tình trạng.
- Đa ký giấc ngủ về đêm: Xét nghiệm này có thể giúp phát hiện nhanh hội chứng ngưng thở khi ngủ. Khi thực hiện, người bệnh sẽ được kết nối với những thiết bị theo dõi hoạt động của não, tim và phổi, những chuyển động của cánh tay và chân, kiểu thở, nồng độ oxy trong máu khi đang ngủ.
- Kiểm tra giấc ngủ tại nhà: Bệnh nhân được thực hiện một số xét nghiệm đơn giản để xác định hội chứng ngưng thở khi ngủ tại nhà. Điều này thường bao gồm kiểm tra kiểu thở, đo nhịp tim, luồng không khí và nồng độ oxy trong máu.
Biến chứng và tiên lượng
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một bệnh lý nghiêm trọng, cần được phát hiện và điều trị sớm. Khi không được điều trị, những biến chứng dưới đây có thể xảy ra:
+ Biến chứng của OSA
- Mệt mỏi vào ban ngày
- Huyết áp cao
- Tăng nguy cơ đau tim tái phát, nhịp tim không đều và đột quỵ
- Đột tử do giảm oxy máu đẫn đến nhịp tim không đều
- Bệnh tiểu đường tuýp 2
- Hội chứng chuyển hóa
- Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
- Biến chứng với thuốc và phẫu thuật. Bệnh nhân dễ gặp vấn đề về hô hấp sau khi thực hiện một cuộc phẫu thuật lớn. Đặc biệt là khi nằm ngửa và sử dụng thuốc an thần.
+ Biến chứng của CSA
- Mệt mỏi
- Những vấn đề về tim mạch, chẳng hạn như nhịp tim không đều.
Điều trị
Những trường hợp nhẹ thường được hướng dẫn thay đổi lối sống. Những trường hợp nặng hơn có thể được thực hiện bằng một số liệu pháp và phẫu thuật.
1. Biện pháp điều trị tại nhà
Nếu hội chứng ngưng thở khi ngủ ở mức đội nhẹ, người bệnh có thể tự chăm sóc bản thân để giảm nhẹ các triệu chứng. Cụ thể:
- Giảm cân: Những người thừa cân béo phì cần giảm cân bằng những biện pháp khoa học, ăn uống lành mạnh và tập thể dục. Điều này giúp giảm co thắt ở cổ họng.
- Ngủ nghiêng hoặc nằm sấp: Người bệnh có thể nằm sấp hoặc ngủ nghiêng thay vì nằm ngửa. Những tư thế này giúp ngăn lưỡi và vòm họng mềm tựa vào phía sau và chặn đường thở. Từ đó giúp không khí đi qua dễ dàng hơn.
- Ngừng hút thuốc lá: Loại bỏ thói quen hút thuốc lá có thể giúp giảm bớt những triệu chứng của bệnh.
- Tránh rượu, thuốc an thần và thuốc ngủ: Tránh dùng thuốc an thần, thuốc ngủ và rượu bia. Điều này giúp các cơ ở phía sau cổ họng được ổn định, không thư giãn quá mức. Từ đó giúp người bệnh thở dễ dàng hơn trong khi ngủ.
- Tập thể dục thường xuyên: Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao giúp giảm các triệu chứng của bệnh ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Tốt nhất nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để đi bộ nhanh và thực hiện những bài tập khác.
2. Thiết bị hỗ trợ
Nếu hội chứng khi ngủ ở mức độ vừa hoặc nặng, những thiết bị dưới đây có thể được sử dụng:
+ Điều trị OSA
- Áp lực đường thở dương liên tục (CPAP): CPAP sử dụng máy tạo áp suất không khí qua mặt nạ ngủ. Điều này giúp không khí xung quanh vừa đủ để giữ thông thoáng cho đường hô hấp. Từ đó ngăn ngáy và hội chứng ngưng thở khi ngủ.
- Áp lực đường thở dương hai cấp độ (BPAP): Đôi khi bệnh nhân được sử dụng BPAP để tạo ra nhiều áp lực hơn khi hít vào, tạo ra ít áp lực hơn khi thở ra.
- Dụng cụ bằng miệng: Bệnh nhân được đeo một thiết bị có khả năng giữ cho đường thở của bạn luôn mở. Từ đó giúp không khi dễ dàng di chuyển vào phổi và duy trì mức oxy trong máu.
+ Điều trị CSA
- Thiết bị cung cấp oxy: Trong khi ngủ, người bệnh được sử dụng thiết bị cung cấp oxy. Điều này giúp duy trì mức oxy trong máu ở những bệnh nhân có hội chứng ngưng thở khi ngủ trung ương.
- Thông gió servo thích ứng (ASV): Đây là một thiết bị luồng không khí. Thiết bị này có tác dụng điều chỉnh kiểu thở của người bệnh trong khi ngủ. Đồng thời giúp ngăn tình trạng ngưng thở trong khi ngủ
- Máy thở CPAP hoặc BPAP: Bệnh nhân có thể được sử dụng thiết bị CPAP hoặc BPAP để giữ đường hô hấp luôn thông thoáng. Từ đó ngăn những triệu chứng liên quan đến hội chứng ngưng thở khi ngủ.
3. Thuốc
Một số loại thuốc điều trị có thể được kê đơn cho những bệnh nhân có hội chứng ngưng thở khi ngủ trung ương. Trong đó những loại thuốc kiểm soát hơi thở sẽ được sử dụng.
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể được chỉ định cho những bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Phương pháp này được thực hiện khi:
- Bệnh nhân có chứng ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng và những phương pháp khác không hiệu quả
- Có vấn đề về cấu trúc hàm nhất định.
Những lựa chọn phẫu thuật:
- Phẫu thuật chỉnh sửa đường mũi
Bệnh nhân được phẫu thuật chỉnh sửa đường mũi nếu hội chứng ngưng thở khi ngủ liên quan đến nghẹt mũi. Trong đó bệnh nhân được tạo hình vách ngăn và cuốn mũi. Từ đó cải thiện đường thở, giảm tình trạng kích thích hô hấp trong khi ngủ.
- Tái định vị hàm
Tái định vị hàm là phương pháp mở rộng không gian phía sau lưỡi và vòm họng. Từ phần còn lại của xương mặt, hàm sẽ được di chuyển về phía trước. Điều này giúp nới rộng không gian, giảm khả năng tắc nghẽn dẫn đến ngưng thở khi ngủ.
- Phẫu thuật loại bỏ mô
Phương pháp này còn được gọi là phẫu thuật tạo hình màng hầu họng. Trong đó bác sĩ sẽ tiến hành lấy mô từ phía sau cổ họng và phía sau miệng. Đôi khi amidan và VA cũng bị loại bỏ. Sau phẫu thuật, cấu trúc cổ họng sẽ được điều chỉnh, ngăn chặn rung và gây ngáy.
Thông thường bệnh nhân được cắt bỏ mô bằng tần số vô tuyến. Trong đó bác sĩ sử dụng năng lượng tần số vô tuyến để cắt bỏ các mô ở phía sau cổ họng.
- Co rút mô
Co rút mô là phương pháp thu nhỏ mô ở phía sau cổ họng và sau miệng. Trong đó bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp cắt bỏ tần số vô tuyến để thu nhỏ mô.
Co rút mô thường được thực hiện cho những bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ từ nhẹ đến trung bình. Phương pháp này có độ an toàn cao, ít rủi ro phẫu thuật.
- Cấy ghép
Sau khi gây tê cục bộ, những thanh mềm bằng polyester hoặc nhựa sẽ được cấy vào vòm miệng mềm. Điều này giúp ngăn tình trạng tắc nghẽn ở cổ họng trong khi ngủ.
- Kích thích thần kinh
Bệnh nhân được chèn thiết bị kích thích dây thần kinh hạ thiệt (dây thần kinh điều khiển chuyển động lưỡi). Điều này giúp giữ cho lưỡi luôn ở vị trí đúng và đường thở luôn thông thoáng.
- Phẫu thuật mở khí quản
Phẫu thuật mở khí quản được chỉ định khi hội chứng ngưng thở khi ngủ ở mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng và những phương pháp khác không hiệu quả.
Trong phẫu thuật, bác sĩ tạo một lỗ ở cổ, sau đó chèn ống nhựa hoặc kim loại thông qua lỗ trên da. Vào ban đêm, ống thông được mở ra để giữ cho không khí dễ dàng di chuyển vào và ra khỏi phổi.
Phòng ngừa
Một số biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ:
- Duy trì cân nặng ở mức an toàn. Giảm cân bằng chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập ở những người thừa cân béo phì.
- Can thiệp chuyên khoa khi có bất thường về giải phẫu. Chẳng hạn như lưỡi gà rủ quá thấp hoặc có bất thường về hàm mặt.
- Tránh uống rượu và không hút thuốc lá.
- Điều trị tốt những tình trạng có thể gây hội chứng ngưng thở khi ngủ, chẳng hạn như nghẹt mũi, rối loạn tim, huyết áp cao, bệnh tiểu đường...
- Kiểm soát huyết áp và lượng đường trong máu.
- Không tự ý dùng thuốc giảm đau có chất gây mê, thuốc ngủ và thuốc an thần. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn dùng thuốc an toàn.
- Thay đổi tư thế ngủ, nên nằm nghiêng thay vì nằm ngửa. Ngoài ra nên quay đầu giường lên cao khoảng 10cm, không nên nằm gối quá cao. Điều này có thể giúp ngăn ngừa chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tình trạng của tôi là tạm thời hay vĩnh viễn?
2. Những lựa chọn nào giúp điều trị hiệu quả và an toàn?
3. Phác đồ điều tri của tôi là gì?
4. Có bao nhiêu lựa chọn phẫu thuật? Chi phí?
5. Lợi ích và rủi ro từ các phương pháp điều trị?
6. Những triệu chứng có thể giảm khi chăm sóc tại nhà?
7. Mất bao lâu để những triệu chứng mất đi?
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một tình trạng y tế nghiêm trọng, cần được điều trị sớm. Sự gián đoạn giấc ngủ và thiếu oxy có thể gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên điều trị với những phương pháp thích hợp có thể ngăn chặn rủi ro.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!